Về thời sự quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ là chủ đề nhiều trang đầu của Le
Monde. Nhật báo Pháp giới thiệu bài phỏng vấn đặc biệt với tổng
thống Erdogan, được thực hiện ngày thứ Bảy 06/08, với tựa đề «
Erdogan : ‘‘Phương Tây đã bỏ mặc Thổ Nhĩ Kỳ’’ ». Đây là cuộc phỏng
vấn đầu tiên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dành cho báo chí phương Tây kể
từ cuộc đảo chính. Ông Erdogan bác bỏ các cáo buộc đàn áp thanh
trừng hậu đảo chính, đồng thời đe dọa sẽ cắt đứt các thỏa thuận về
nhập cư đã ký với châu Âu.
Vẫn theo Le Monde, ngày Chủ nhật vừa qua, con đường ven biển tại
thành phố Istanbul ngập trong màu đỏ, khi hơn một triệu người xuống
đường theo lời kêu gọi của tổng thống Erdogan. Trong cuộc biểu tình
vì « dân chủ và các liệt sĩ » này, ông Erdogan kêu gọi dân chúng
ủng hộ tái lập án tử hình. Quan hệ giữa chính quyền Ankara và Liên
Hiệp Châu Âu đang ở vào một thời khắc hết sức khó khăn với xu thế
độc tài đang lên tại Thổ, trong lúc nước Thổ của ông Erdogan lại
đang sáp gần với nước Nga Putin.
Về cuộc hội kiến hôm nay giữa tổng thống Putin và đồng nhiệm Thổ
Nhĩ Kỳ Erdogan, Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý : « Sự tái
hòa giải của sa hoàng Nga và hoàng đế Thổ ». Theo Le Figaro, nếu
như loại bỏ một số khác biệt nhỏ về hình thức, có thể coi Putin và
Erdogan là « anh em sinh đôi ».
Cả hai đều rất mê thể thao (một người judo và người kia bóng đá),
nhưng đặc biệt là cả hai đều là « kẻ độc tài và dân tộc chủ nghĩa
». Cả hai đều « hoài niệm » về một đế chế oai hùng xưa. Với ông
Putin là Liên Xô và trước đó là đế quốc Nga. Với ông Erdogan, đó là
đế chế Ottoman ngự trị tại Trung Cận Đông suốt một thiên niên kỷ.
Hai lãnh đạo Nga, Thổ đều là « bậc thầy của nghệ thuật sử dụng …
các tôn giáo để phục vụ chính trị, dị ứng với sự phê phán, không
chịu nổi các đối trọng quyền lực ». Cả hai « đều có chung một tâm
lý hoang tưởng, đẩy họ vào chỗ phải tạo ra những kẻ thù tưởng tượng
», và mong muốn cầm quyền đến mãn đời.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nằm ở vị trí chiến lược giữa hai lục địa Á-Âu. Cả
hai ông Putin và Erdogan đều cho rằng phương Tây không thừa nhận họ
đúng như sức mạnh và vị trí của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc
tế. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, nhưng ông Erdogan cũng đang hy
vọng tìm thấy lập trường chung với tổng thống Nga trong một loạt
vấn đề khu vực, đặc biệt là vấn đề người Kurdistan tại Syria (được
Nga hậu thuẫn), mối đe dọa đối với chế độ Ankara. Le Figaro đặt câu
hỏi : Liệu ông Erdogan có thay đổi lập trường chống nhà độc tài
Syria Assad, để đổi lấy sự ủng hộ của Nga.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen