Ngô Văn
Ngay từ khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực PCA ở The Hague bắt đầu mở
phiên xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò ở Biển
Đông và xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa, chính quyền Nhật Bản đã
tuyên bố dù kết quả của phiên tòa như thế nào, Nhật Bản sẽ ủng hộ
vì đây là phiên tòa đầy đủ tính pháp lý. Nhật Bản cũng kêu gọi đôi
bên phải tôn trọng phán quyết của PCA để dựa vào đó giải quyết
chuyện tranh chấp ở Biển Đông bằng đường lối hòa bình
Chiều tối ngày 12 Tháng Bảy, 2016 (giờ Tokyo), tất cả các đài
Radio, TV ở Nhật Bản đều đồng loạt loan tin tốc báo về phán quyết
của PCA. Liền sau đó, phát ngôn viên chính phủ Nhật, ông Suga
Yoshihide đã họp báo khẳng định rằng: ‘’Phán quyết của PCA mang
tính chung cuộc, ràng buộc pháp lý nên yêu cầu đôi bên phải tuân
thủ.”
Theo cuộc thăm dò dư luận của các cơ quan truyền thông Yomiuri,
Sankei thì có gần 90% người dân Nhật Bản đồng tình với phán quyết
PCA, 6% người thì sợ rằng phán quyết đó sẽ làm cho Trung Quốc tức
giận, dẫn đến những hành động gây bất ổn tình hình trong vùng.
- Ông Suga Yoshihide họp báo kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa PCA hôm 13-7-2016
Sau phán quyết 3 ngày, Thủ Tướng Nhật Abe lên đường sang Mông Cổ dự
Thượng đỉnh Hợp tác Âu-Á (ASEM). Tại đây ông Abe đã nói thẳng với
ông Lý Khắc Cường rằng Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết vừa
rồi của Tòa Trọng Tài LHQ (PCA).
Trước và trong Thượng đỉnh ASEM, Thủ tướng Hunsen của Campuchia lên
tiếng ủng hộ Trung Quốc chống lại phán quyết của PCA nên Thủ tướng
Nhật đã gặp riêng Thủ tướng Hun Sen, cho biết Biển Đông có tầm quan
trọng sống còn đối với Nhật Bản. Vì thế ông Abe đã nói với Hunsen
là không vì ủng hộ Trung Quốc chống lại phán quyết PCA, Campuchia
sẽ gặp nhiều rủi ro.
Tại Hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN mở rộng tại Viêng-Chăn (Lào Quốc)
vừa rồi, Ngoại Trưởng Nhật ông Kishida cũng đã lập lài lời của Thủ
Tướng Abe, dịp này Nhật đã cùng Úc và Hoa Kỳ đưa ra bản tuyên bố
chung có nội dung kêu gọi Trung Quốc tuân theo phán quyết của Tòa
Trọng Tài LHQ về Biển Đông.
Ngoại Trưởng Kishida cũng đã có cuộc hội đàm riêng với người đứng
đầu ngành ngoại giao Philippines để cam kết hỗ trợ lập trường cũng
như phương tiện cho quốc gia này tuân thủ theo phán quyết của PCA.
Theo dự tính, Ngoại Trưởng Nhật cũng sẽ có một cuộc tiếp xúc riêng
với người Trưởng phái đoàn Việt Nam, nhưng trước đó một ngày, trong
Hội nghị Ngoại Trưởng ASEAN, ông Phạm Bình Minh chỉ yêu cầu Trung
Quốc tôn trọng phán quyết của PCA một cách chiếu lệ, không tích cực
như Philippines nên ông Kishida quyết định không gặp riêng ông Phạm
Bình Minh tại Viêng Chăn.
Biết Nhật Bản tích cực ủng hộ phán quyết PCA nên trong thời gian
gần đây Bắc Kinh tiếp tục tăng tốc các vụ xâm phạm không hải phận
Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông, nơi đang diễn ra những tranh chấp về
chủ quyền của quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) giữa hai nước Nhật Bản và
Trung Quốc.
- Thượng đỉnh ASEM tại Mông Cổ ngày 15 & 16 Tháng 7 vừa qua. Ảnh: crienglish.com
Gần đây, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã tiết lộ với báo chí là có khá
nhiều vụ suýt xảy ra cuộc không chiến giữa lực lượng không quân
Trung Cộng với một số chiến đấu cơ Nhật Bản khi máy bay Trung Cộng
xâm phạm không phận quần đảo Senkaku.
Tin tức này được truyền thông Nhật loan tải trong mấy ngày liền với
một số không ảnh chụp được khiến cho những người chống đối đạo luật
Bảo An mà Quốc hội Nhật đã sửa đổi vào Tháng Chín, 2015, cũng phải
lên tiếng chỉ trích Trung Quốc.
Hiện nay Nhật Bản đang bước vào cuộc bầu cử bán phần Thượng viện
nên những lời kêu gọi của các đảng đối lập, đặc biệt là đảng Cộng
Sản Nhật Bản, chống lại đạo luật Bảo An không được cử tri tán
thành. Kết quả đảng cầm quyền Tự Do Dân Chủ (Tự Dân) của Thủ tướng
Abe thắng lớn.
Vì đã nắm được 2/3 số ghế Quốc hội ở Hạ Viện cũng như Thượng Viện
nên Thủ Tướng Abe bắt đầu vận động để đưa đạo luật Bảo An vừa mới
tu chính năm 2015 vào Hiến Pháp. Cuộc vận động này của Thủ Tướng
Abe đã được đảng Duy Tân Osaka cũng như một số Dân Biểu, Thượng
Nghị sĩ độc lập (không thuộc đảng nào cả) tán đồng. Điều này cho
thấy là Thủ Tướng Abe coi như đã qua được giai đoạn của việc đưa
đạo luật Bảo An vào Hiến Pháp. Vấn đề còn lại là đem ra trưng cầu
dân ý mà trong bối cảnh Trung Quốc ngoan cố không chấp nhận phán
quyết PCA thì dân Nhật dễ dàng ủng hộ các nỗ lực của Thủ Tướng Abe
hầu bảo vệ sự vẹn toàn đất nước.
Khi đã được đưa vào Hiến Pháp, thì nếu sau này đảng đối lập nào lên
nắm chính quyền cũng không dễ dàng hủy bỏ đạo luật Bảo An này. Muốn
hủy bỏ phải có 2/3 sự đồng ý của lưỡng viện Quốc Hội rồi sau đó đem
ra trưng cầu dân ý.
Qua Thượng đỉnh ASEM ở Mông Cổ và ASEAN ở Lào vừa rồi, truyền thông
Nhật Bản đánh giá Việt Nam thiếu tích cực, chỉ lên tiếng chiếu lệ
yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết PCA.
Chính quyền Nhật Bản biết thái độ lừng khừng của Hà Nội nhưng vì
không muốn đẩy CSVN xích lại gần thêm với Trung Quốc nên vẫn duy
trì chính sách thân thiện, nhưng không thể coi Việt Nam là đồng
minh chiến lược như Philippines trong việc ngăn chận sự bành trướng
của Trung Quốc ở Biển Đông.
Qua phán quyết PCA, người ta thấy Nhật Bản không còn sợ bị chỉ
trích khi đưa hải quân đi tuần ở Biển Đông để bảo vệ cho sự đi lại
của tàu bè Nhật và giúp cho Nội các của Thủ Tướng Abe có thể đưa
đạo luật Bảo An vào Hiến Pháp Nhật Bản, đó là chưa nói đến chuyện
Trung Quốc bị thế giới cô lập sẽ có lợi cho Nhật Bản về lãnh vực
mậu dịch, ngoại giao...
Tóm lại, phán quyết PCA đã giúp cho chính quyền Thủ Tướng Abe đẩy
mạnh các nỗ lực cải sửa điều 9 Hiến Pháp mà nhiều chính quyền trước
đây thất bại vì sự chống đối quá mạnh của khuynh hướng chủ hòa sợ
chiến tranh.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen