Dienstag, 16. August 2016

‘Dàn trận’ ở Biển Đông, Trung Quốc kéo châu Á vào cuộc đua khốc liệt

Với việc xây các nhà chứa cho chiến đấu cơ, oanh tạc cơ cùng một loạt tháp như ụ tên lửa trên các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp, Trung Quốc dường như đang bày ra một canh bạc mạo hiểm trên Biển Đông.
Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị thâu tóm Biển Đông, khi Bắc Kinh cho rằng đã chọn đúng thời điểm để cuối cùng thống trị toàn cầu và khu vực”, Tiến sĩ Jerry Hendrix - giám đốc Chương trình Chiến lược và Đánh giá Quốc phòng tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) nhận định trênNational Interest
Ráo riết quân sự hóa các tiền đồn 
Những hình ảnh vệ tinh mới được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington công bố cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một loạt nhà chứa máy bay tại các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Tiến sĩ Jerry Hendrix cho rằng những cấu trúc lục lăng kỳ lạ mà Trung Quốc xây dựng cạnh các nhà chứa máy bay này chính là ụ tên lửa, chứng tỏ Bắc Kinh có thể sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không và khu vực quân sự trên Biển Đông. 
Cũng theo tiến sĩ Hendrix, các nhà chứa máy bay chiến đấu ở đá Chữ thập và đá Subi có vẻ như sắp hoàn thành trong khi nhà chứa máy bay chiến đấu trên đá Vành Khăn mới trong giai đoạn đầu chế tạo. 
Mỗi nhà chứa máy bay có khả năng chứa tới 24 chiếc máy bay chiến đấu, kết hợp nhau để chứa 72 chiếc máy bay tiêm kích, gần gấp đôi lượng máy bay chiến thuật chiếc tàu sân bay lớp Nimitz có thể chở, vào bất cứ thời điểm nào trên Biển Đông. Lực lượng máy bay này có thể dễ dàng thiết lập nên ưu thế trên không trong một thời gian. Đặc tính trong thiết kế các nhà chứa máy bay này có thể bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công từ mọi phía, trừ các vũ khí mạnh nhất. 
chienTrung Quốc có thể triển khai 72 máy chiến đấu cơ phản lực trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, gấp gần hai lần số chiến đấu cơ trên siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ. Ảnh DPA
Ngoài các ụ tên lửa hình lục lăng vốn xuất hiện khá phổ biến trên đất liền Trung Quốc, trên các đảo nhân tạo còn mọc lên những cụm tháp được bố trí theo hình tam giác. Theo Hendrix, đây có thể là một mạng lưới cảm biến đồng bộ có khả năng bao quát nhiều phổ radar khác nhau. 
Trong trường hợp Trung Quốc quyết định đặt cược vào 3 đảo nhân tạo này, họ có thể bố trí, lắp đặt các loại vũ khí tối tân, và về cơ bản sẽ đảo ngược cán cân sức mạnh trong khu vực, Hendrix nhận định. 
Nếu Trung Quốc bố trí các cụm tên lửa diệt hạm YJ-62 trên cả 3 đảo nhân tạo này, họ sẽ gần như kiểm soát toàn bộ cửa ngõ phía nam của Biển Đông đối với các tàu quân sự và thương mại nước ngoài. Khi bổ sung hệ thống tên lửa phòng không HQ-9A có tính năng tương tự S-300 của Nga, Bắc Kinh có thể hạn chế hoạt động của các máy bay chiến thuật trong khu vực, chỉ ngoại trừ máy bay tàng hình F-22 và F-35. 
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ không tự tin về khả năng sống sót của chiếc máy bay thế hệ thứ 4 như F-16 và chiến đấu cơ FA-18 Hornet trên tàu sân bay nếu căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục gia tăng dẫn đến bùng nổ xung đột. Nếu Trung Quốc đi xa hơn với việc lắp đặt tên lửa “sát thủ mẫu hạm” DF-21D trên một hoặc nhiều hơn các căn cứ ở khu vực đó, Hải quân Mỹ sẽ mất quyền tiếp cận căn cứ của mình ở Singapore và buộc phải triệt thoái về Australia, Trân Châu Cảng và Nhật Bản. 
National Interest cảnh báo, một khi những nhà chứa máy bay và công sự tên lửa được gia cố xong thì máy bay và tên lửa sẽ được chuyển đến và lắp đặt ngay trong đêm, và có thể Tổng thống Mỹ sẽ phải nhận được cuộc gọi khẩn lúc rạng sáng. 
Chạy đua vũ trang 
Phản ứng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc như mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định khu vực, nhiều nước châu Á đã tăng cường mua sắm vũ khí, dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. 
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, hiện nay châu Á chiếm gần một nửa chi tiêu mua sắm vũ khí của thế giới, nhiều hơn hai lần tổng mua sắm của các nước ở Trung Đông và nhiều hơn 4 lần so với châu Âu. 
Philippines, nước đã đưa vụ kiện chống lại Trung Quốc ra Tòa Trọng Tài Thường trực (PCA), đang tăng cường sức mạnh quân sự của mình, với việc mua các máy bay chiến đấu từ Hàn Quốc và các khoản đầu tư mới vào hải quân, được hỗ trợ không chỉ bởi Mỹ mà còn cả Nhật Bản.
Ngoài ra, Manila đang khôi phục quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Cũng trên tinh thần đó, Hạm đội 7 của Mỹ đã tăng cường hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. 
Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang gây chú ý với việc dần từ bỏ “hiến pháp hòa bình” hậu Thế chiến II của mình. Cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã diễn giải lại điều 9, vốn từ bỏ quyền tiến hành chiến tranh, để cho phép Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể cùng các đồng minh. 
Ngoài ra, Thái Lan cũng muốn có tàu ngầm cho hải quân của mình, mặc dù nước này chỉ có vùng nước nông trong Vịnh Thái Lan và không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. 
Chạy vũ trang ở châu Á là cuộc chạy đua lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và nó đang tăng tốc trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng không thuận lợi. Nước Mỹ đang đau đầu với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo và sắp tới còn là chiến dịch bầu cử tổng thống khó đoán định. Một châu Âu cũng đang bị xáo trộn sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu. 
Theo giới phân tích, thời điểm này châu Á nên đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu. Tuy nhiên, tạo dựng một khuôn khổ an ninh khu vực có thể đứng vững được là điều không dễ dàng, trong bối cảnh các xung đột địa chính trị tại châu Á dường như đều rất khó giải quyết. 
Giải quyết các cuộc tranh chấp này tối thiếu cần các luật chơi cơ bản của trò chơi, có thể được phát triển và thực hiện chỉ trên cơ sở đa phương, không phải đơn phương theo cách mà Trung Quốc đòi hỏi. Chẳng hạn, ASEAN đang soạn thảo một Bộ quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông, nhưng nỗ lực này đạt được rất ít tiến triển vì sự ngoan cố của Trung Quốc. 
Nếu Trung Quốc không nhận ra sự nguy hiểm trong thái độ hung hăng của mình, cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á sẽ tiếp tục và không đem lại lợi ích cho bất cứ bên nào.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen