Ai muốn bán bún bò Huế phải đến Huế xin phép?
Có thể bắt gặp bảng hiệu có cụm chữ "Bún bó Huế" ờ khắp ba miền đất nước. Trong ảnh: Một quán bún bò Huế tại TP.HCM - Ảnh: NHẬT LINH |
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành quy chế quản lý và sử dụng
nhãn hiệu “Bún bò Huế” do ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch thường
trực UBND tỉnh, ký ngày 13-7-2016.
Không khả thi
nhưng làm để nâng
giá trị
Văn bản này có 19 điều, quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chí,
phương thức quản lý, cấp, sử dụng và thu hồi nhãn hiệu chứng nhận
“Bún bò Huế”... UBND tỉnh giao Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế
quản lý nhãn hiệu này.
Sau khi ban hành, có rất nhiều ý kiến trái chiều về văn bản nói
trên. Đặc biệt là có rất nhiều ý kiến bức xúc cho rằng họ đã kinh
doanh bún bò Huế lâu rồi, nay “đùng một cái” phải kéo về Huế để
đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế”, đó là điều vô lý, chẳng
khác một loại “giấy phép con” mà chủ trương chung đang dần loại
bỏ...
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Du
lịch Thừa Thiên - Huế, đơn vị được giao soạn thảo quy chế nói trên
- cho biết quy chế chỉ là một phần nhỏ của đề án tạo lập quản lý và
phát triển chứng nhận cho sản phẩm bún bò Huế của tỉnh Thừa Thiên -
Huế, tất cả đang trong quá trình thực hiện.
Bà Vy cho biết: “Về nguyên tắc, khi mà nhãn hiệu đã được bảo hộ với
cụm chữ “Bún bò Huế” thì các đơn vị phải đăng ký với tỉnh. Khi ấy
hiệp hội sẽ xem thử quy trình chế biến của họ có hợp vệ sinh hay
không, đã tạo ra hương vị đặc trưng của bún bò Huế hay không,
nguyên liệu để chế biến nên sản phẩm có đảm bảo các tiêu chí an
toàn với sức khỏe hay không... Lúc đó họ có thể sử dụng chữ “Bún bò
Huế”... Nếu không đảm bảo các tiêu chí đó thì họ có thể sử dụng
“Bún Huế”, “Bò Huế” hay “Huế bò” gì đó... chứ không phải là “Bún bò
Huế”!”.
Phải đến Huế đăng ký
Theo bà Vy, những quán đã kinh doanh bún bò Huế lâu nay thì trước
mắt đề án chưa đặt ra việc buộc chủ kinh doanh phải đến Huế đăng
ký, cho dù về lâu dài là có đặt ra.
Logo của mẫu nhãn hiệu chứng nhận được in trong quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” |
“Ban đầu hiệp hội cũng đặt ra mục tiêu (tất cả các quán “bún bò
Huế” trên thế giới đều phải đến Huế đăng ký - PV) như vậy. Nhưng
hiệp hội cũng có băn khoăn liệu có làm được hay không? Cho nên về
lâu dài có thể vừa làm vừa điều chỉnh, tìm phương án phù hợp” - bà
Vy nói.
Bà Vy cũng cho rằng vì chủ sở hữu là UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chứ
không phải một cá nhân hay công ty nào nên “sẽ tránh được độc quyền
hay nhũng nhiễu”.
Người ký văn bản là ông Phan Ngọc Thọ cho biết: “Tỉnh làm để bảo vệ
thương hiệu của mình, nếu không làm, nơi khác đăng ký thì mình sẽ
mất và sẽ thua!”. Còn việc quản lý thương hiệu, ông Thọ cho rằng đó
là việc lớn, và thực hiện đúng luật là “không thể có chuyện khả
thi”.
Ông nói: “Tôi khẳng định việc thực hiện theo đúng nguyên tắc, muốn
kinh doanh bún bò Huế thì phải đến tỉnh để đăng ký là chuyện không
bao giờ khả thi, không bao giờ có. Nhưng ít ra là cũng có tính răn
đe, rằng muốn sản xuất bún bò Huế thì tối thiểu là phải thực hiện
theo các tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định để người dùng cảm nhận được
đây là tô bún bò Huế!”.
Riêng chuyện UBND tỉnh đăng ký là chủ sở hữu thương hiệu “Bún bò
Huế” có đúng luật hay không, ông Thọ nói: “Sai hay đúng không tranh
luận nhiều, nếu Bộ KH-CN cấp thì tỉnh đúng, nếu bộ không cấp thì
tỉnh sai. Thực ra tỉnh không phải xây dựng nhãn hiệu này để mong
muốn rằng ai làm cũng phải xin phép tỉnh, nhưng phải làm để nâng
cao giá trị của bún bò Huế!”.
TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng bún bò Huế vừa là món ăn, vừa là di sản văn hóa phi vật thể |
Quy chế này vừa được ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch thường
trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký ban hành ngày
13-7-2016.
Ý kiến trái chiều
TS Trần Đức Anh Sơn - nhà nghiên cứu văn hóa Huế - cho rằng: “Bún
bò Huế vừa là món ăn, vừa là di sản văn hóa phi vật thể, do các thế
hệ người Huế sáng tạo, thực hành và trao truyền cho đời sau từ hàng
trăm năm nay; được người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới (và cả
người nước ngoài) tiếp nhận và thực hành một cách tự nhiên từ hàng
trăm năm nay; hoàn toàn không phải là sản phẩm công nghiệp, không
phải là thứ mà một cá nhân, một tổ chức hay một địa phương độc
quyền chiếm dụng quyền sở hữu trí tuệ."
"Giả sử quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có căn cứ pháp lý
và có hiệu lực thì đây là một quyết định bất khả thi, vì tỉnh Thừa
Thiên - Huế sẽ không thể có đủ nhân lực và tài lực để giám sát việc
thực thi quyết định này” - TS Sơn nói.
Trong khi đó, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành có ý kiến
khác: “Tôi hiểu quy chế này là lời mời tham gia một cách tự nguyện
dành cho những ai đã, đang và muốn kinh doanh món bún bò Huế theo
tiêu chuẩn này."
Ông Thành nói: "Tôi đánh giá đây là một sáng kiến tốt của các nhà
quản lý, đem lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng, người bán
hàng, các nhà cung cấp và các đơn vị trung gian. Như với khách
hàng, họ có những dấu hiệu để nhận biết các cửa hàng đảm bảo vệ
sinh an toàn thực phẩm và tính chính hiệu của sản phẩm họ dùng.
“Bún bò Huế” theo quy định ở đây chỉ là một trong những phong cách
chế biến. Không nên “đồng phục hóa” hay ép buộc các cơ sở kinh
doanh tham gia và qua đó đánh mất tính đa dạng và bí quyết nhà nghề
của các hộ kinh doanh món ăn này."
"Về mặt truyền thông, thương hiệu, đây là một bước đi táo bạo mở
đường cho việc tạo ra mô hình khai thác thương hiệu vùng miền” -
Ông Thành đánh giá.
Gây nhầm lẫn, nhãn hiệu
chưa được bảo hộ
Trong khi đó, luật sư Châu Huy Quang (điều hành Hãng luật
R&T LCT Lawyers) cho rằng quyết định số 761/QĐ-BKHCN ngày
9-4-2013 của Bộ Khoa học - công nghệ có quy định việc tạo lập, quản
lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm dịch vụ “Bún
bò Huế” của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đây là một trong những nội dung thuộc dự án mà trung ương ủy quyền
cho địa phương quản lý, thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài
sản trí tuệ để tuyển chọn trong hai năm 2014-2015 của Bộ Khoa học -
công nghệ.
Điều này dường như củng cố hơn cơ sở của quyết định của UBND tỉnh
Thừa Thiên - Huế, một địa phương nổi tiếng du lịch, khi ban hành
quyết định số 1623/QĐ-UBND quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách
nhiệm của các chủ thể về việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò
Huế” trên phạm vi cả nước, cũng như các điều kiện liên quan để được
sử dụng nhãn hiệu này.
Tuy nhiên, theo tôi, điểm mấu chốt cần làm rõ là quyền sở hữu nhãn
hiệu “Bún bò Huế” nếu có thì thuộc về ai?
Trường hợp UBND là chủ sở hữu hợp pháp, UBND có các quyền tương ứng
của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu của mình, bao gồm cả quyền cho
người khác khai thác, sử dụng nhãn hiệu của mình.
Về điểm này, cần chứng minh thế nào là chủ sở hữu của nhãn hiệu hợp
pháp, chẳng hạn thông qua văn bằng chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do
Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Ngoài ra, xét thấy do UBND không phải là một đơn vị kinh tế nên
liệu việc sở hữu một nhãn hiệu thuộc nhóm hàng ăn uống có phù hợp
không cũng cần xem lại.
Dữ liệu công khai của Cục Sở hữu trí tuệ hiện không thể hiện thông
tin đăng ký chủ sở hữu về nhãn hiệu “Bún bò Huế”. Trường hợp nhãn
hiệu trên hiện chưa được cấp phép bảo hộ cho bất kỳ ai (khả năng
cao), nên việc cơ quan nhà nước ban hành quy chế quản lý và sử dụng
nhãn hiệu này là có thể xảy ra.
Không thể tự nhận chủ sở hữu
Luật sư Lê Cao
(Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng theo quy chế
quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” mà UBND tỉnh
Thừa Thiên - Huế vừa ban hành thì đơn vị này đã tự cho rằng mình là
chủ sở hữu của quyền sở hữu đối với thương hiệu “Bún bò Huế”.
Nhưng sự tự nhận này trái Luật sở hữu trí tuệ. Chúng tôi cho rằng
để giữ gìn giá trị truyền thống của thương hiệu “Bún bò Huế”, chính
quyền Thừa Thiên - Huế có thể hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá
nhân xây dựng nghiêm túc hơn sản phẩm “Bún bò Huế” để đăng ký chỉ
dẫn địa lý cho thương hiệu này.
Từ đó có các kế hoạch khuyến khích sử dụng thương hiệu “Bún bò Huế”
một cách hữu hiệu, nhằm gìn giữ và phát triển giá trị đặc biệt của
thương hiệu này.
Nếu chúng ta muốn gìn giữ giá trị văn hóa ẩm thực do nhân dân tạo
ra mà bằng cách cưỡng ép hành chính tùy tiện sẽ không được nhân dân
ủng hộ, đó là điều rất đáng lo ngại.
UBND được quyền đăng ký và sở hữu
Ngược lại, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty luật
hợp danh
Thiên Thanh) lại có ý kiến khác. Ông cho rằng UBND tỉnh Thừa
Thiên - Huế tuy không phải đơn vị sản xuất nhưng là đơn vị quản lý
có quyền đăng ký và sở hữu nhãn hiệu chứng nhận đó. Nhãn hiệu chứng
nhận là một loại nhãn hiệu mà UBND được quyền đăng ký và sở hữu.
Tôi thấy đây là hướng đi chuẩn và tốt để từ bỏ cách làm ăn manh
mún, cùng xây dựng tạo nên một thương hiệu mạnh.
Người dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng nên có cách suy nghĩ khác với
tập quán. Việc dùng chung một nhãn hiệu sẽ mang lại hiệu quả hơn và
việc trả phí khi dùng nhãn hiệu đó cũng là cách làm văn minh.
Cái tôi băn khoăn là đơn vị sở hữu nhãn hiệu mạnh như vậy có cách
nào khai thác, thúc đẩy, giám sát nó hiệu quả hay không?
Còn ý kiến cho rằng UBND Thừa Thiên - Huế đăng ký độc quyền nhãn
hiệu “Bún bò Huế” là không phù hợp, tôi cho rằng đây là cách suy
luận có lẽ do chưa đọc kỹ nên mới hiểu vậy.
Bởi độc quyền là một khái niệm khác, còn ở đây UBND tỉnh Thừa Thiên
- Huế chỉ là đơn vị sở hữu, quản lý. Nếu cơ sở nào đủ điều kiện
đăng ký thì đơn vị này cho đăng ký, và chỉ những đơn vị được cấp và
sử dụng nhãn hiệu mới chịu sự điều chỉnh của quy chế này.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen