Dienstag, 16. August 2016

Bắc Kinh ngăn cản G20 đề cập Biển Đông, chuẩn bị bồi đắp Scarborough


Lính cảnh sát biển Trung Quốc chặn tàu đánh cá Philippines tiến vào khu vực bãi cạn Scarborough sau khi Tòa Trọng Tài Quốc Tế tuyên bố bác bỏ đường “Lưỡi Bò” của Trung Quốc. (Hình: CNN Philippines)
BẮC KINH (NV) – Trung Quốc một mặt bắn tiếng đòi Hội Nghị G20 tránh đề cập Biển Đông, một mặt âm thần chuẩn bị bồi đắp đảo nhân tạo ở Scarborough, thuộc chủ quyền của Philippines, sau đó.
Đây là những gì người ta thấy được qua phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và những gì được tiết lộ trên báo Anh ngữ ở Hongkong, South China Morning Post, tờ báo vốn ngày càng gần giống với luận điệu tuyên truyền “khách quan” của Bắc Kinh.
“Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu phải chú trọng vào các vấn đề kinh tế. Đây là cái mà người dân muốn người ta bàn thảo nhất tai hội nghị thượng đỉnh.” Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lý Bảo Đồng được dẫn lời trên tờ SCMP hôm Thứ Hai, 15 Tháng Tám.
Ông này nói rằng có sự “đồng thuận” của các nước thành viên G20 là “đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế chứ không bị kéo sự chú ý đi hướng khác của những phe khác.”
Diễn đàn Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 gồm các nước nước có nền kinh tế trong nhóm những nước hàng đầu thế giới cả 5 châu lục được tổ chức thường niên từ năm 2008 đến nay. Vào các ngày 4 và 5 tháng 9, 2016, Hội Nghị G20 sẽ được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ngoài nước chủ nhà, sẽ còn có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Úc, Nam Hàn, cùng những nước khác.
Hoa Kỳ và ngay cả Nhật Bản, Philippines đã dùng các diễn đàn quốc tế tổ chức ở khu vực để nêu lên sự nguy hiểm của nguy cơ xảy ra chiến tranh trên Biển Đông chỉ vì tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc. Nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn phản bác lời cảnh báo của các nước quan tâm trong khi họ vừa chối vừa vẫn ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa và mở rộng Hoàng Sa, biến những nơi này thành những căn cứ khổng lồ để khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông.
Trong khi trên bàn hội nghị thì như vậy, nhưng trong một bản tin khác hôm Chủ Nhật, tờ South China Morning Post cho hay rất có thể Bắc Kinh sẽ cho lệnh bồi đắp khu vực bãi cạn Scarborough sau khi hội nghị nói trên qua đi. Bắc Kinh từng cho tàu tuần, hải cảnh, canh giữ khu vực này không cho tàu cá của ngư dân và các loại tàu khác của Philippines đến gần, nhất là sau khi có phán quyết của Tòa An Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan.
Bãi cạn Scarborough là một bãi san hô gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines trên Biển Đông. Bãi này cách vịnh Subic 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía tây, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Philippines tin rằng đã thực thi chủ quyền của mình tại Scarborough từ năm 1965 chứng minh bằng một ngọn hải đăng bằng sắt họ đã dựng tại đây. Nhưng đến Tháng 6 năm 2012, Trung Quốc đã xua một đoàn tàu đến chiếm thành công bãi cạn này.
Nếu Bắc Kinh vẫn ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo tại Scarborough, căng thẳng tranh chấp Biển Đông sẽ tăng thêm một mức nữa. Chính quyền Manila đã tỏ ý muốn hòa hoãn với Trung Quốc khi cử cựu Tổng Thống Fidel Ramos sang Hongkong đầu tuần trước gặp đại diện Bắc Kinh mở lời muốn thảo luận.
Từ khi đuổi được người Philippines ra khỏi Scarborough, Trung Quốc luôn luôn có từ hai đến ba tàu hải cảnh canh chừng ở khu vực. Nhưng thời gian gần đây, người ta thấy số loại tàu Trung Quốc có mặt gia tăng hơn chục chiếc. Người ta tin rằng chúng làm nhiều việc khác nhau, không loại trừ việc nghiên cứu để lập dự án bồi đắp đảo nhân tạo.
Hồi tháng 3, 2016, khi gặp mặt Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị quốc tế tại Paris, Tổng Thống Mỹ Barack Obama đã cảnh cáo Bắc Kinh không được bồi đắp Scarborough, theo tờ Financial Times tiết lộ. Nơi đây là vị trí chiến lược rất gần với Philippines lại cũng gần căn cứ Subic Bay mà quân đội Mỹ đang sử dụng trở lại.
Nếu Bắc Kinh vẫn cứ bồi đắp Scarborough, coi như cố tình vượt qua lằn ranh chấp nhận của Mỹ, liệu Washington có phản ứng gì và thế nào sẽ phải chờ các diễn biến.
Sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế, Bắc Kinh đã nhiều lần tổ chức tập trận quy mô trên Biển Đông cũng như cho máy bay ném bom tầm xa bay tuần tiễu để thị uy. (TN)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen