Đoàn Dự ghi chép
THƯA QUÝ BẠN, ở trong nước hiện nay người ta chửi nhau, đánh nhau, chém nhau, hoặc tạt axít nhau nhiều như cơm bữa. Nhưng dù sao đó cũng là những hạng hạ cấp, kém cỏi, ít có suy nghĩ. Gần đây, có những vụ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” hết sức hung hãn, vô học, “tác giả” lại là những kẻ có địa vị trong xã hội như thương gia, giám đốc, phó giám đốc, thanh tra, v.v… Họ là những kẻ ngu, lỗi tại mình mà đánh người khác bất kể nhân sự, không cần phân biệt phải trái. Tôi xin lấy ví dụ, chiều ngày 18/10/2016 vừa rồi, tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, có hai gã hành khách tên Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi) và Trần Dương Tùng (32 tuổi), đi chuyến bay VN7265 chặng Hà Nội- Sài Gòn. Nghe nói Đào Vịnh Thuấn là Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà nội, còn Trần Dương Tùng không biết giữ chức vụ gì, có người nói y là Thanh tra Đường sắt (tức Sở Hỏa xa theo tên cũ).
Máy bay sẽ cất cánh lúc 14 giờ 55 phút. Họ đã check-in và lấy boarding pass nhưng lại đi uống cà-phê, mải chuyện trò với nhau, “quên” giờ vào cửa (không hiểu loa phóng thanh gọi họ có nghe thấy không nhưng nói loa không gọi). Đến lúc sực nhớ, tới để vào cửa thì bảo vệ cho biết máy bay đã đóng cửa, sắp chuyển bánh ra đường bay và đã rời khỏi cầu thang, không lên được nữa. Theo nguyên tắc, bảo vệ không chịu mở cửa. Họ bèn trở lại quầy số 38 lúc trước, cự nự cô nhân viên làm thủ tục. Cô này nhẹ nhàng giải thích cũng giống như nhân viên bảo vệ đã nói và ưu tiên giải quyết bằng cách đổi vé cho họ đi chuyến sau, cách đó khoảng 2 tiếng đồng hồ. Họ không chịu, la hét, chửi bới, lăng mạ cô nhân viên đó inh ỏi, xáo trộn cả khu làm thủ tục. Cô đội phó An ninh trật tự khu hành khách đi này đến can thiệp nhưng họ cũng không chịu, vẫn nhục mạ cô nhân viên quầy 38 ầm ĩ. Cô đội phó – sau đó người ta biết tên là Nguyễn Lê Quỳnh Anh – bèn rút trong túi ra chiếc điện thoại di động, quay clip và thu âm những lời chửi bới của họ. Họ đòi đưa chiếc điện thoại để họ xóa clip đã quay, cô Quỳnh Anh không chịu đưa, rồi cô giấu chiếc điện thoại ra đằng sau lưng và bỏ chạy. Họ đuổi theo, túm được cô được, Đào Vịnh Thuấn nắm đầu cô, giúi xuống giằng chiếc điện thoại, còn Trần Dương Tùng thì cầm một vật gì đó màu đen khá lớn, giống như một cuốn sách có bìa cứng, đánh lên đầu cô. Đã đánh hết sức y còn lùi lại lấy thế, đánh tiếp trong khi gã Đào Vịnh Thuấn vẫn nắm tóc cô, giúi xuống cho gã kia đánh.
Một thanh niên có lẽ là hành khách hay người đi đón thân nhân, mặc bộ quần áo màu sậm, áo bỏ trong quần trông rất lịch sự, thấy thế bèn xông vào can thiệp. Gã Trần Dương Tùng chống lại. Người thanh niên bèn đá vào mông hắn một đá rất mạnh khiến hắn không gượng lại được, mất đà văng đi tới khoảng 5 mét. Khi hắn trở lại, vung tay định đánh nhau với “địch thủ”, gã Đào Vịnh Thuấn bèn buông tóc cô Quỳnh Anh ra, xông vào đánh phụ với bạn. Một thanh niên khác mặc áo trắng, có lẽ cũng là khách chờ đi máy bay hoặc đón thân nhân, thấy thế bèn xông vao ngăn cản gã Đào Vịnh Thuấn, không cho hai người đánh một. Đúng lúc ấy các nhân viên an ninh phi cảng đến can thiệp, một số không cho hai bên đánh nhau, một số đỡ cô Quỳnh Anh dậy vì lúc này cô bị đánh vào đầu nên choáng đã ngồi xuống đất, tức thở và nôn ọe. Sau đó họ đưa cô đi bệnh viện cứu cấp, phải 6 ngày sau cô mới bình phục. Hai người thanh niên “cứu khốn phò nguy” bỏ đi mỗi người một ngả, hình như họ không quen biết nhau.
Ngay trưa hôm sau, đài truyền hình VTV1 và VTV3 loan báo tin tức, bình luận và chiếu cảnh cảnh hai gã quan chức côn đồ đánh cô nhân viên hàng không. Suốt mấy ngày liền, cứ đến trưa, tới giờ tin tức là họ chiếu lại khiến dân chúng rất bất bình về hai gã quan chức côn đồ nhưng cũng rất “mát ruột” vì thấy chàng thanh niên áo sậm ra tay nghĩa hiệp, xông vào can thiệp, đá cho gã Trần Dương Tùng một đá đích đáng khiến gã văng đi tới khoảng 5 mét.
Ba hôm sau, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh cho các cơ quan liên hệ điều tra thật kỹ và trừng phạt hai gã quan chức côn đồ thật nghiêm khác, kể cả đuổi việc và truy tố hình sự nếu cần để làm gương cho những kẻ khác. Tiếp theo, ông Bí thư thành ủy Hà Nội và ông Chủ tịch UBND Hà Nội cũng ra lệnh cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội như vậy.
Hiện nay gã thanh tra Đào Vịnh Thuấn (kẻ nắm đầu cô Quỳnh Anh) đã bị cho thôi việc, còn gã Trần Dương Tùng (kẻ đánh cô Quỳnh Anh) thì đang bị điều tra, chưa biết sẽ bị xử trí ra sao. Sau đây xin mời quý bạn xem xét một số trường hợp “ngu nhất trên đời” khác, quý bạn không thể tưởng tượng được tại sao họ lại “ngu” đến mức đó…
Tưởng bị mất cell-phone, tát tiếp viên Hàng không
Ngày 18-8-2016, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tất cả các hãng Hàng không trong nước cũng như ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam từ chối vận chuyển trong 6 tháng đối với nam hành khách tát nữ tiếp viên trên chuyến bay VN255 của Vietnam Airlines.
Trước đó, ngày 13-8-2016, khi chuyến bay VN255 từ Hà Nội đi Sài Gòn vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách Mai Thanh Bình (46 tuổi), ngồi ghế số 2H hạng thương gia, gọi cô tiếp viên tới, nói là ông ta bị mất chiếc điện thoại iPhone 6 Plus. Trước đó ông ta đặt chiếc điện thoại này trên bàn ăn trước mặt rồi gục xuống bàn ngủ quên đi.
Khi tiếp viên C.T.T cùng cô tiếp viên trưởng đến và đang tìm kiếm thì Mai Thanh Bình nói không cần tìm nữa, đồng thời tát tới tấp vào mặt tiếp viên C.T.T.
Tổ bay VN255 đã lập biên bản sự việc và bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tại Cảng vụ hàng không miền Nam, Mai Thanh Bình thừa nhận y có tát tiếp viên C.T.T do không kiềm chế được sự tức giận khi bị mất chiếc điện thoại.
Ông ta tường trình rằng do nghi ngờ tiếp viên nói trên lấy điện thoại của mình nên hỏi “Em có lấy điện thoại của anh không?”. Nghe tiếp viên bảo không lấy, y không kiềm chế được sự tức gận nên tát tới tấp cô tiếp viên.
Khoảng 20 phút sau, khi các hành khách đã xuống máy bay, một tiếp viên đã tìm thấy chiếc điện thoại iPhone 6 Plus nằm dưới gầm ghế ngồi của Mai Thanh Bình. Tuy nhiên, hành khách côn đồ này vẫn nói rằng có tát như vậy thì chiếc điện thoại của y mới lòi ra. Điều này các hành khách chứng kiến đều cho rằng hết sức vô lý, bởi vì sau khi bị y tát, cô tiếp viên C.T.T và cô tiếp viên trưởng đều được mời đi theo y xuống văn phòng Cảng vụ Hàng không để trình bày sự việc, sau đó một tiếp viên khác mới tìm thấy chiếc điện thoại nằm dưới gầm ghế chỗ y ngồi. Chiếc điện thoại dù là iPhone 6 Plus chăng nữa thì giá đáng bao nhiêu mà cả nhóm tiếp viên hàng không, ít nhất là gồm 3 người: tiếp viên trưởng, cô C.T.T, và cô tiếp viên tìm thấy chiếc điện thoại dưới gầm ghế, phải ăn cánh với nhau để lấy trộm của y, đem bán thì chia chác nhau được bao nhiêu? Ấy là chưa kể hễ tiếp viên ăn cắp hàng hoặc tiền bạc của hành khách, dù ít dù nhiều, nếu bị phát giác sẽ bị đuổi việc ngay lập tức.
Một chiếc điện thoại di động để trên chiếc bàn nhỏ trước mặt rồi gục xuống ngủ quên đi, nó rơi xuống gầm ghế là chuyện bình thường. Cô tiếp viên C.T.T và tiếp viên trưởng đến tìm, hãy để cho họ tìm trước đã, nếu không thấy bấy giờ nếu cần mới báo cho cơ trưởng ra lệnh khám xét chứ sao họ còn đang tìm đã đánh tiếp viên? Mặt người đâu phải là chỗ để tát? Còn danh dự của người ta nữa chứ, một chiếc điện thoại di động thì đáng kể gì so với danh dự của một phụ nữ trước mặt hàng bao nhiêu người trên máy bay. Nếu chuyện này xảy ra ở bên Mỹ, tội đánh phụ nữ như vậy có yên được không? Chúng ta còn nhớ, cũng tại VN, một giám đốc cơ quan VN tưởng mình oai lắm, sờ mông một nữ tiếp viên. Không ngờ đây là máy bay do Hàng không VN thuê của Mỹ, cả 4 cô tiếp viên lẫn phi hành đoàn đều là người Mỹ, họ làm to chuyện, gã giám đốc VN bị bắt giữ và phải bồi thường ghê gớm theo họ đòi hỏi họ mới chịu bỏ qua cái tội “quấy rối tình dục” mà do máy bay Mỹ, “nạn nhân” là người Mỹ nên đáng lẽ y sẽ bị dẫn độ sang Mỹ, xét xử theo luật pháp Mỹ.
Trở lại câu chuyện Mai Thanh Bình. Cảng vụ Hàng không Miền Nam ra quyết định xử phạt hành chánh hắn 15 triệu đồng. Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định cấm hắn bay 6 tháng đối với bất cứ may bay nào của các hãng Hàng không trong nước lẫn nước ngoài đang hoạt động tại VN, tính từ ngày 22-8-2016 đến hết ngày 22-2-2017.
Quá nhẹ. Đối với một gã côn đồ như Mai Thanh Bình, phạt 15 triệu đồng vẫn là quá nhẹ. Còn việc cấm y 6 tháng không được bay thì y… đi xe đò hay xe lửa, có gì là khó?
Cụ tiến sĩ hưu trí 76 tuổi bị đánh chảy máu miệng
Những ngày qua, mạng xã hội Facebook xôn xao trước một status mô tả sự việc một ông cụ 76 tuổi, trên đường đi tập thể dục về, bị một phụ nữ đi xe gắn máy trái đường đụng phải. Hai người chỉ bị xây xát rất nhẹ, không đáng kể nhưng cụ bị chồng của người phụ nữ này là Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ thuộc Sở Ngoại vụ Hà Nội đánh chảy máu miệng, người đi đường phải đưa vào vào nhà thương cứu cấp. Thì ra cụ là một vị tiến sĩ, cựu giảng viên trường Đại học Bách Khoa rất lớn tại Hà Nội, đã nghỉ hưu.
Nội dung sự việc được mô tả trên Facebook như sau:
“Khoảng 7 giờ sáng ngày 5/11/2016, một cụ già đi bộ tập thể dục về trên đường Trần Đại Nghĩa gần khu nhà tập thể Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Khi cụ đi qua ngã ba Trần Đại Nghĩa và Tạ Quang Bửu thì bị một phụ nữ đi xe máy trái chiều đụng phải. Xe đổ, cả hai người đều bị ngã. Rất may là do người phụ nữ đi xe với tốc độ khá chậm nên việc va chạm không mạnh và cả hai chỉ bị xây xát nhẹ, không đáng kể.
Trong khi hai bên chưa kịp phản ứng gì thì một người đàn ông khoảng 39 – 40 tuổi đi xe hơi theo chiều thuận từ phía sau tới. Thấy hai người đứng trước mặt mình, anh ta bèn dừng xe lại, mở cửa bước xuống, chưa biết ất giáp gì cả bèn đấm liên tiếp vào mặt ông cụ một cách tàn nhẫn, khiến cụ gục xuống, máu miệng, máu mũi tóe ra trên mặt. Những người đi đường đa số cũng đi tập thể dục về, thấy vậy hết sức phẫn nộ bèn đến ngăn cản, la lối gã đàn ông rồi gọi xe đưa ông cụ tới Bệnh viện Đại học Y Khoa gần đấy cấp cứu..”.
Sự việc được đưa lên mạng xã hội khiến mọi người rất quan tâm. Phóng viên báo Người Đưa Tin ở Hà Nội bèn đến Bệnh viện Đại học Y Khoa tìm hiểu thì được biết ông cụ bị gã đàn ông đánh tên Nguyễn Khanh, 76 tuổi, Tiến sĩ Khoa học, cựu giảng viên bộ môn Hóa học trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đồng thời cũng là tác giả nhiều giáo trình Hóa học Đại cương trong nước.
Gã đàn ông côn đồ đó là ai?
Lãnh đạo Sở Ngoại vụ Hà Nội cho biết, người đã hành hung Tiến sĩ Nguyễn Khanh tên là Nguyễn Đức Hoàng (39 tuổi), Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại sở Ngoại vụ Hà Nội.
Chiều 9/11, ban Giám đốc Sở đã họp khẩn và xác định đây là sự việc hết sức nghiêm trọng và Sở đang yêu cầu tên phó giám đốc thô lỗ này làm báo cáo giải trình sự việc.
Gã phó giám đốc này là một tên đã ngu lại còn hung hãn. Thông thường, khi thấy thân nhân của mình đụng phải người khác, người ta thường dừng lại hỏi han, nếu người kia bị nặng thì đem ngay đi bệnh viện cứu cấp, còn nếu bị nhẹ không đáng kể thì nói vài lời xin lỗi cho người ta bằng lòng. Đằng này hắn hợm hĩnh, thô lỗ, ỷ mình là một phó giám đốc trong Sở Ngoại vụ, đánh ông cụ 76 tuổi đến tóe máu miệng, ngã gục xuống đường. Một kẻ như thế chắc chắn chẳng có tài cán gì. Vô tài, bất đức, được ngồi chễm chệ trên ghế phó giám đốc trong một cơ quan rất lớn. Bây giờ bị cách chức và buộc thôi việc, hắn sẽ đi ăn mày. Những thằng vừa ngu dốt vừa hợm hĩnh như hắn bị cho thôi việc là rất đích đáng.
Các nữ giáo viên bị bắt ép đi “hầu rượu” quan khách
Vừa qua, báo chí cho biết, một số nữ giáo viên tại các trường thuộc thị xã Hồng Lĩnh, huyện Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, bị UBND thị xã đã bị trưởng phòng Giáo Dục và Đào Tạo Lê Bá Thiềm điều động đi làm lễ tân tại các sự kiện lớn của địa phương. Trước đó, ngày 12/8, UBND thị xã Hồng Lĩnh ra thông báo điều động 21 nữ giáo viên “có ngoại hình ưa nhìn” thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (trường Cấp II) với nội dung: “Phân công nhiệm vụ tham gia phục vụ tại Liên hoan Dân ca, Ví dặm Nghệ Tĩnh”.
Tuy nhiên, sau khi liên hoan kết thúc, một số nữ giáo viên tiếp tục bị phân công đi hầu rượu các quan khách. Một cô giáo mầm non nói với báo Thanh Niên Online: “Việc này chúng tôi bức xúc lắm vì một số quan khách khi rượu vào đã có các hành động khiếm nhã với chúng tôi” .
Trả lời báo Thanh Niên, Nguyễn Văn Hổ, chủ tịch UBND thị xã.Hồng Lĩnh, và Lê Bá Thiềm, trưởng phòng Giáo Dục và Đào Tạo thị xã Hồng Lĩnh đều thừa nhận đã điều động 21 nữ giáo viên đi tiếp rượu trong sự kiện nói trên. Khi bị chất vấn, trưởng phòng GD & ĐT Lê Bá Thiềm nói: “Việc một số quan khách khi uống rượu vào có hành động và lời nói khiếm nhã với các nữ giáo viên nói trên thì Phòng GD&ĐT cũng không kiểm soát được”. Thật khốn nạn, không kiểm soát được sao còn ép các cô giáo đi hầu rượu những kẻ “hễ rượu vào là có hành động khiếm nhã” đó? Họ là cô giáo, làm nghề dạy học chứ đâu phải gái làng chơi mà bắt đi hầu rượu cho bọn vô lại? Nghe nói cha mẹ và chồng con của các cô giáo đó rất bất mãn.
Ngày 11/11, ông Trần Trung Dũng, giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Hà Tĩnh xác nhận sẽ yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT thị xã Hồng Lĩnh và các cô giáo đã bị điều động tường trình sự việc.
Sau đây xin mời quý bạn xem phản ứng của các vị trí thức và độc giả trong nước về việc 21 cô giáo bị điều động đi hầu rượu bọn “quan khách” dưới chế độ XHCN nói trên.
Đài BBC: Các bình luận về vụ giáo viên phải đi “tiếp rượu”
Đài BBC: “Báo chí tại Việt Nam tường thuật, một số nữ giáo viên được điều động tham gia phục vụ lễ tân cho Liên hoan “Dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh”. Sau sự kiện đó, họ phải đi với các quan khách tới một nhà hàng ở thị xã Hồng Lĩnh ăn uống, tiếp bia rượu và hát karaoke. Thông báo điều động của Ủy Ban Nhân Dân thị xã Hồng Lĩnh được cho là liên quan đến 21 nữ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại địa phương.
Một nữ giáo viên nói với phóng viên trong nước rằng “việc này rất phiền hà khiến tôi cảm thấy không được thoải mái”.
“VnExpress hôm 13/11/2016 dẫn lời ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Hồng Lĩnh, nói: “Việc điều động các nữ giáo viên đến làm lễ tân là công khai và có chủ trương đàng hoàng. Không có vấn đề gì, sợ nhất là các giáo viên đến phục vụ đại biểu ăn mà lại không được ăn” – tờ báo này trích lời ông Hổ.
“Ngày 14/11/2016, trả lời phóng viên BBC từ Sài Gòn, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, giảng viên đã nghỉ hưu, cho hay: “Theo tôi, việc điều động giáo viên đi làm chuyện không liên quan đến công việc dạy học của họ thì không chấp nhận được và cũng không được phép. Trong ngành giáo dục ở Việt Nam, ngoại trừ tư thục, giáo viên được xem như viên chức. Cấp trên có quyền điều động họ làm bất kỳ việc gì. Nếu họ không đồng ý thì không dễ gì được tiếp tục làm công việc của họ. Thành thử chẳng có cô giáo nào dám khước từ. Việc họ than phiền với nhà báo về việc phải đi tiếp khách trái với mong muốn cá nhân đã là khá lắm rồi.”
“Bà Phương Anh còn nói thêm: “Qua vụ việc này, tôi trách cả hệ thống hành xử thiếu chuyên nghiệp và không dựa trên pháp luật. Quan chức trong xã hội Việt Nam xem cấp dưới là con dân, bảo làm gì thì phải làm nấy, việc “chấp hành tốt”. được xem là đạo đức của giáo viên. Thậm chí, giới chức địa phương được báo chí ghi nhận là đã nói: “Các cô giáo “có vấn đề” mới than phiền về chuyện đó”.. Những ý kiến như vậy rất gây phẫn nộ trong công chúng” – bà nói với BBC.
“Tôi rất đau lòng, Bộ trưởng có đau không?”
Theo báo Thanh Niên Online số ra ngày 16/11/2016 cho biết, tân
Bộ trưởng Giáo Dục & Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, ngoài vụ việc ở Hà Tĩnh, tình trạng này còn xảy ra ở nhiều nơi khác. Nhận trách nhiệm về mình, Bộ trưởng cho hay sẽ làm việc với các địa phương, sở Giáo dục các tỉnh để có giải pháp bảo vệ giáo viên. “Nhiều lãnh đạo địa phương đôi khi vì vui vẻ thôi, nhưng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Điều này là đáng tiếc”, ông Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận.
Bộ trưởng Giáo Dục & Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, ngoài vụ việc ở Hà Tĩnh, tình trạng này còn xảy ra ở nhiều nơi khác. Nhận trách nhiệm về mình, Bộ trưởng cho hay sẽ làm việc với các địa phương, sở Giáo dục các tỉnh để có giải pháp bảo vệ giáo viên. “Nhiều lãnh đạo địa phương đôi khi vì vui vẻ thôi, nhưng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Điều này là đáng tiếc”, ông Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận.
Tuy nhiên, chia sẻ này của Bộ trưởng Nhạ ngay lập tức bị không ít đại biểu Quốc hội phản ứng. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, dù Bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng lại coi đó là “vui vẻ thôi” là không đúng. “Tôi không biết Bộ trưởng có đau lòng trước sự việc này không chứ tôi thì rất đau”, bà Hiền bày tỏ, đồng thời đề nghị vị bộ trưởng “nên đứng ở một tâm thế khác để nhận định”, từ đó mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp để bảo vệ uy tín của giáo viên cũng như sự trang nghiêm của nghề giáo.
Bà Minh Hiền cũng phản bác ý kiến trước đó của một đại biểu đoàn Hà Nội khi dùng từ “tiếp viên” với các cô giáo trong vụ việc kể trên.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì bày tỏ bất bình khi nhắc lại câu nói mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí về vụ việc, rằng “Khi đã giữ nguyên tắc mà bị ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô, sau đó mới tính đến người ép buộc”.
ĐB Lê Thanh Vân bày tỏ: “Các thầy cô giáo rất đau lòng với câu nói đó. Bộ trưởng hãy đọc comments dưới các bài báo dẫn lời Bộ trưởng sẽ biết họ đánh giá thế nào “.
Bạn đọc phản hồi về phát biểu của tân bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
– Sông Trẹm (16/11/2016): Trong vụ này, tôi thấy dường như bộ trưởng chưa bày tỏ thái độ một cách mạnh mẽ để bảo vệ giáo viên.
– Trịnh Ngọc Hương (Sài Gòn -16/11/2016): Đề nghị cách chức những người điều giáo viên đi tiếp khách.
– Phạm Phú Hải (Tuyên Quang – 17/11/2016): Sau cái vụ báo chí làm ầm ĩ và đại biểu quốc hội có ý kiến, theo tôi, số phận 21 cô giáo có tên bị điều động ở Hà Tĩnh coi như đã bị an bài!
– Phạm Kiên (Hà Tĩnh – 16/11/2016): Điều động giáo viên đi tiếp khách mà Bộ trưởng bảo “vui vẻ thôi”. Đúng là khổ cho người phụ nữ khi có lãnh đạo quan tâm theo kiểu đó. Các bác ơi, mỗi nhà mỗi cảnh, trong gia đình, những người phụ nữ ấy còn có vai trò là con, là vợ và là mẹ nữa. Các bác “vui vẽ” nhưng có nghĩ đến cái cảnh sau khi “phục vụ” xong thì gia đình người ta buồn như thế nào không?
– Nguyễn Mai Phương (Sài Gòn – 12/11/2016): Kính thưa ông Chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh: Nếu cần người hầu rượu cho các quan chức như ông, chỉ cần điều động mấy em tiếp viên karaoke và cafe đèn mờ ở thị xã ông quản lý, chứ giáo viên đâu có bổn phận làm việc đó. Tư cách và đạo đức của ông để đâu?
– Ba Trợn (Vĩnh Long – 13/11/2016): Mấy ông có điều động vợ, con của mình đi hầu rượu không? Mấy ông lựa các cô giáo có nhan sắc đi tiếp khách, chiêu đãi lấy lòng quan khách với ý đồ tạo quan hệ tốt cho mấy ông, không cần biết tâm tư, tình cảm, danh dự của gia đình người ta. Các ông là đồ khốn kiếp!
– Quang Huy (Sài Gòn- 13/11/2016): Có thể là gã trưởng phòng Gíao Dục & Đào Tạo thị xã Hồng Lình tỉnh Hà Tĩnh Lê Bá Thiềm chọn lầm nghề. Cho hắn đi làm ma cô dắt gái thì đúng hơn.
– Tiến Tùng (12/11/2016): Không kiểm soát được khách thì mấy ông điều động người ta làm gì? Đây là các cô giáo chứ có phải ca-ve đâu mà mấy ông điều đi tiếp rượu? Phải cách chức những thằng điều động các cô giáo đi tiếp rượu , luôn cả cái đám khách vô văn hoá kia nửa .
– Tiền Giang: Trưởng phòng Vô Giáo Dục thì đương nhiên là vô nhân cách. Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cũng vậy chứ không hơn gì.
– Tám (Hà Nội – 13/11/2016): Làm bậy là phải cách chức chứ cái câu “xử lý nghiêm, khiển trách, cảnh cáo” nghe chán lắm rồi.
– Bức Xúc (13/11/2016): Tôi rất bức xúc với việc điều động nữ giáo viên đi tiếp bia. Lại càng bức xúc hơn với câu trả lời của Lê Bá Thiềm. Cần phải cách chức ngay Hổ và Thiềm. Đừng hỏi vì sao giáo dục xuống cấp . Cô giáo mà điều đi tiếp khách thì còn nói gì nữa đây?
– Xí Xọn (Sài Gòn – 12/11/2016): Quan khách như thế là mất nết, từ lâu khi nhậu nhẹt, hội hè phải có gái đẹp là rất phổ biến, phải coi đây là tệ nạn cần quyết liệt dẹp bỏ ngay và đừng xem thường phụ nữ như thế.
– Như Mai (Sài Gòn – 13/11/2016: Tại sao lại lấy công quỹ tức tiền thuế của dân ra để tiếp khách như vậy? Có tiêu chuẩn nào không?
– Longtran, Tiền Giang – 13/11/2016): Theo tôi, nhiệm vụ của giáo viên là dạy học, không có lễ tân, tiếp khách, tiếp viên gì hết ráo!
Đoàn Dự
__._,_.___
Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen