Mittwoch, 21. Dezember 2016

Đại sứ Nga bị ám sát tại Ankara làm lung lay quan hệ Nga – Thổ

Minh Anh


Lễ đưa thi hài đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov về nước ở sân bay Ankara ngày 20/12/2016.REUTERS/Umit Bektas
 
Đại sứ Nga bị sát hại tại Ankara, có nguy cơ gây khủng hoảng quan hệ Nga – Thổ. Mùa Giáng sinh tại Berlin nhuốm màu tang tóc. Liên Hiệp Quốc bất lực trong hồ sơ Syria. Tổng giám đốc IMF bị kết tội « bất cẩn » nhưng được miễn án. Trên đây là những chủ đề chính trên trang nhất các báo Pháp số ra ngày 20/12/2016.
Ba tờ báo lớn tại Pháp, Liberation, Le Figaro và Les Echos cùng loan báo « Đại sứ Nga bị ám sát tại Thổ Nhĩ Kỳ ». Ông Andrei Karlov, 62 tuổi đã bị sát hại ngay trước ống kính camera trong lễ khai trương một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật.
Vụ ám sát đã được cả ba tờ báo tường thuật chi tiết cùng đăng tấm ảnh hung thủ trong bộ complet mầu đen, tay cầm súng chĩa thẳng vào thi thể đại sứ Nga. Theo lời thuật, trước khi ra tay, hung thủ tay phải cầm súng, tay trái chỉ lên trời và hô to bằng tiếng Ả Rập : « Allah akbar - Thượng đế vĩ đại», rồi sau đó là bằng tiếng Thổ : « Đừng quên Aleppo, đừng bỏ rơi Syria. Các người sẽ không bao giờ được hưởng sự bình an trước khi mà lãnh thổ của chúng tôi được an toàn. Chỉ có cái chết mới đưa ta thoát khỏii đây. Bất kỳ ai tham dự vào hành động bạo ngược này đều sẽ trả giá đắt ». Để rồi kết thúc bằng tiếng Ả Rập : « Chúng tôi là những người đã tuyên thệ trung thành với Mohamet vì thánh chiến ».
Nga ngay lập tức lên án một hành động « khủng bố ». Theo nhiều nguồn tin được các báo Pháp trích dẫn, hung thủ từng cảnh sát. Nếu như thông tin này được xác nhận, thì theo nhận định của Les Echos, sự việc có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Ankara và Matxcơva, trong khi mà một cuộc gặp ba bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran dự kiến diễn ra hôm nay (20/12/2016) tại Matxcơva liên quan đến hồ sơ Syria. Matxcơva là đồng minh chính của chế độ Damas, ngược lại Ankara tìm mọi cách lật đổ tổng thống Bachar al Assad.
Đối với tổng thống Nga, vụ ám sát này làm phức tạp thêm cho việc xích lại gần vốn dĩ đã khó khăn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước bắt đầu từ vụ một chiến đấu cơ của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngay tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hồi tháng 11/2015. Matxcơva tố cáo Ankara « đâm dao sau lưng » và cáo buộc tổng thống Erdogan trang bị vũ khí cho phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Sự kiện đó đã làm cho Nga tức giận nhiều tháng, mặc dù không hề xảy ra leo thang quân sự, cũng như là cắt đứt bang giao. Nhưng Matxcơva đã đáp trả bằng các biện pháp kinh tế, chủ yếu đánh vào ngành du lịch và nhập khẩu thực phẩm Thổ. Về mặt quân sự, các hành động trả đũa của Nga chủ yếu nhắm vào những khu vực nói tiếng Thổ trên đất Syria và các lực lượng đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy vậy, từ mùa hè này, cả hai nước đã để qua được một bên các mối căng thẳng. Tháng 7/2016, tổng thống Erdogan đã gởi đến đồng nhiệm Nga Vladimir Putin một thư xin lỗi về vụ bắn hạ chiến đấu cơ Nga. Ngày 09/8/2016, đích thân tổng thống Nga đón tiếp ông Erdogan tại Saint-Péterbourg, trong một sự dàn cảnh mang tính biểu tượng.
Hình ảnh này đã được ông Putin sử dụng như một đòn bẩy gây ảnh hưởng trong ván cờ Syria với phương Tây. Hơn nữa, cú hích ngoại giao này diễn ra ngay sau sự kiện đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Vladimir Putin là nguyên thủ đầu tiên gọi điện để bày tỏ sự đồng cảm.
Phải chăng Nga bắt đầu trả giá cho việc can thiệp quân sự thô bạo vào Syria ? Dù chưa chắc chắn, nhưng Le Figaro đã xem lời « cảnh cáo chết người » này như là một hành động « trả thù » chống các cuộc oanh kích của quân đội Nga và Syria tại Aleppo.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen