Sonntag, 18. Dezember 2016

TT Obama ký ban hành luật tăng cường bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế



Thủ phạm cá nhân và chính quyền khó thoát sự trừng phạt

Mạch Sống, ngày 17 tháng 12, 2016
http://machsongmedia.com
Hôm qua, ngày 16 tháng 12, 2016, Tổng Thống Barack Obama ký ban hành HR 1150. Dự luật HR 1150 được Thượng Viện hoàn toàn đồng ý thông qua ngày Thứ Bảy 10 tháng 12. Ba hôm sau Hạ Viện thông qua dự luật này mà không có phiếu chống. Luật mới được đặt tên chính thức là "Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf" để vinh danh cựu Dân Biểu Frank Wolf, tác giả của đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế năm 1998.
“Đây là một thành quả quan trọng của cuộc tổng vận động Quốc Hội Hoa Kỳ mà chúng tôi chủ xướng trong 2 năm 2015-2016, và cũng là một thắng lợi lớn cho phong trào tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Thành quả này có được chính là nhờ có sự đồng hành của trên một nghìn đồng hương đến từ trên 30 tiểu bang trong những năm qua.”
Theo Ts. Thắng, ở góc độ chiến lược dài lâu, đạo luật này có tầm quan trọng hơn cả luật trừng phạt các giới chức chính quyền vi phạm nhân quyền, mà mới đây cũng được Quốc Hội thông qua nhưng chưa được Tổng Thống ký ban hành.

“HR 1150 có tác dụng nhận diện các thủ phạm,” Ts. Thắng giải thích. “Còn luật trừng phạt mới được thông qua chỉ bổ sung thêm biện pháp trừng phạt đối với cá nhân các thủ phạm ấy.”

Ts. Nguyễn Đình Thắng trình bày kế hoạch quốc tế vận để góp phần dân chủ hoá Việt Nam, Bắc Virginia, ngày 03/12/2016 (ảnh BPSOS)
Luật bảo vệ tự do tôn giáo hiện hành, do cựu dân biểu Frank Wolf (Cộng Hoà, Virginia) đề xương và được ban hành năm 1998, đưa vấn đề tự do tôn giáo thành một trọng điểm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong gần 2 thập niên qua. Tuy nhiên, luật này có nhiều kẽ hở cho phép Hành Pháp “lách” luật.
Năm 2015, DB Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) khởi xướng dự luật HR 1150 để khép lại phần lớn những kẽ hở này, trong 2 lĩnh vực: nhận diện các thủ phạm và lập “sổ bìa đen” các quốc gia vi phạm.
Trong phần nhận diện thủ phạm, luật mới đòi hỏi Bộ Ngoại Giao lập danh sách các giới chức chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách trầm trọng, và chỉ định “các thực thể phải quan tâm đặc biệt” – đó là những tác nhân ngoài chính phủ liên can đến các vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách trầm trọng.
“Ở Việt Nam thì đó thường là các tổ chức tôn giáo quốc doanh và các tổ chức do Đảng Cộng Sản dựng lên để khống chế người dân,” Ts. Thắng giải thích. “Luật mới sẽ vô hiệu hoá thủ thuật ‘ném đá giấu tay’ của chính quyền.”
Theo luật tự do tôn giáo quốc tế năm 1998, các thủ phạm trong guồng máy chính quyền bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ; thân nhân trực hệ của họ cũng bị từ chối visa nhập cảnh, và nếu đang cư ngụ hay định cư ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất. Luật mới áp dụng biện pháp trừng phạt này đối với cả các thủ phạm không thuộc chính quyền.
Về việc lập “sổ bìa đen” đối với các quốc gia vi phạm, luật mới đưa ra 2 biện pháp để làm cho Hành Pháp khó “lách” luật như trước đây.
“Trước hết, từ nay Bộ Ngoại Giao phải kê khai danh sách đầy đủ các tù nhân tôn giáo ở từng quốc gia trong bản phúc trình hàng năm nộp cho Quốc Hội và Tổng Thống”, Ts. Thắng nói. “Giả dụ danh sách tù nhân tôn giáo ở Việt Nam dài thậm thượt thì Bộ Ngoại Giao sẽ khó tránh việc đưa Việt Nam vào số đen CPC.”
CPC, viết tắt của Country of Particular Concern, là sự chỉ định đối với một quốc gia nơi mà chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách trầm trọng, hoặc nơi mà chính quyền dung dưỡng cho sự vi phạm trầm trọng bởi những tác nhân ngoài chính quyền. Khi chỉ định một quốc gia là CPC, thì chính phủ Hoa Kỳ phải ngưng một số khoản viện trợ và không được nới rộng mậu dịch với quốc gia đó trừ khi có sự đặc miễn của Tổng Thống kèm với cam kết với Quốc Hội rằng quốc gia ấy sẽ nhanh chóng cải thiện tình trạng tự do tôn giáo.
Việt Nam đã hai lần bị đưa vào danh sách CPC, trong các năm 2005-2007. Tuy nhiên từ đó đến nay, bất chấp khuyến cáo từ Quốc Hội và từ Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao tránh không đưa Việt Nam trở lại danh sách này; họ lập luận rằng tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam tuy trầm trọng nhưng chưa vượt “ngưỡng” để phải nằm trong “sổ bìa đen” CPC.
“Điều này dễ hiểu thôi,” Ts. Thắng giải thích. “Ở trong danh sách CPC, thì Việt Nam không thể gham gia TPP, tức Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, như Hành Pháp Obama mong muốn.”
Để vô hiệu hoá kiểu “lách” luật này, HR 1150 đề ra một danh sách thứ hai: “danh sách phải theo dõi đặc biệt”.
“Nôm na, đó là ‘sổ bìa xám’ dành cho các quốc gia ở gần ngưỡng CPC”, Ts. Thắng nói. “Quốc gia nào ở trong đó 2 năm liền sẽ tự động rơi vào ‘sổ bìa đen’ nếu không có sự cải thiện đáng kể trong năm thứ 3.”
Như vậy, Bộ Ngoại Giao chỉ có thể châm chước cho một quốc gia không quá 2 năm.
Về luật trừng phạt, cũng vừa mới được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua, Ts. Thắng nhận xét:
“Một khi Tổng Thống ký ban hành, luật này sẽ bổ sung cho HR 1150 và các luật liên quan đến bảo vệ nhân quyền của Hoa Kỳ về biện pháp chế tài: tài sản của những thủ phạm, kể cả trong và ngoài chính quyền, sẽ bị đóng băng.”
Theo Ts. Thắng cho biết, đầu năm 2015, BPSOS công bố kế hoạch vận động Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2015 -2016 để thông qua 3 dự luật:
(1)  HR 1150 - Frank R. Wolf International Religious Freedom Act of 2015
(2)  HR 624 - Global Magnitsky Human Rights Accountability Act
(3)  HR 2140 - Vietnam Human Rights Act of 2015
Trong đó, HR 1150 đã thành luật; dự luật thứ hai được Quốc Hội thông qua và chờ Tổng Thống ký ban hành.
“Như vậy trong năm 2017-2018, chúng tôi cần tập trung vào Luật Nhân Quyền Việt Nam”, Ts. Thắng nói. “Nếu thành công, chúng ta sẽ có đủ khí cụ để giúp người dân ở trong nước giành thế chủ động, đồng thời dồn chế độ vào thế bị động, trong lĩnh vực nhân quyền.”
Ông cho biết là trong vài ngày tới, BPSOS sẽ phổ biến loạt bài hướng dẫn cách khai dụng các luật hiện hành và luật mới để đẩy mạnh cuộc tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen