Montag, 26. Dezember 2016

Moritzburg, sơ kết (hay tạm kết?)

 
Trần Văn Tích
 
Từ những ngày đánh cộng đầu tiên
Thị trấn Moritzburg có một khu tạm xem là di tích lịch sử nhỏ xíu và dơ dáy nằm hoang vu trơ trọi giữa đồng không mông quạnh liên quan đến một chuyến thăm viếng của Hồ Chí Minh năm 1957, thời Đông Đức. Qua âm mưu gian dối và lừa đảo, bọn Việt cộng ngày nay muốn tân trang khu di tích để đánh bóng lãnh tụ của chúng. Ông Jörg Hänisch, Thị trưởng Moritzburg, cho biết trên nguyên tắc ông ta ủng hộ dự án nhưng nói thêm ngay là nước Đức là một quốc gia pháp trị nên mọi quyết định dân chủ đều không đơn giản và đòi hỏi nhiều thời gian. Tờ báo Sächsische Zeitung online1 đăng ít nhất ba bài liên quan đến vụ này, bài đầu tiên phát hành đúng ngày 19.05.2016 và mang tựa đề “Auf den Spuren von Onkel Ho“ (Theo dấu Bác Hồ). Trước đó khá lâu, ngày 12.10.2005, tờ báo cho in bài “Die Wiederkehr der Völkerfreundschaft“ (Tình hữu nghị các dân tộc trở về) kể lại chuyện những cựu “du sinh“ Moritzburg đầu tiên trở lại thăm nơi đào tạo cũ thuở mồ ma chế độ cộng sản. Đầu đề bài báo thản nhiên và mặc nhiên xem rằng tình hữu nghị dân tộc Việt-Đức đã được tái lập, dẫu rằng tình hữu nghị đó, đối với dân Miền Nam, chủ yếu biểu hiện qua các mìn dĩa PPM-2-Tellermine xé tan thân xác nạn nhân thành từng mảnh vụn! PPM-2-Tellermine do Hãng Sản xuất Kapen ở Dessau chế tạo và Đông Đức đã viện trợ cho Việt cộng 400.000 quả!
 
Tình thế đấu tranh vừa phức tạp vừa đơn giản
Trong bầu không khí chính trị-lịch sử-xã hội mang nặng di hại cộng sản ở tiểu bang Sachsen, trận đánh Moritzburg chính thức bùng nổ vào ngày 23.05.2016, khi một nữ công dân Đức, Bà Ute Junker, hô hào ký một thư phản đối gửi cho Dân biểu Quốc hội Liên bang, đảng viên CDU, Andreas Lämmel, kẻ đã a tòng với Việt cộng vinh danh Hồ Chí Minh. Ngay lập tức, Bà Vera Lengsfeld, một cựu Dân biểu Quốc hội Liên bang, một ngòi bỉnh bút chính luận cự phách, viết một bài rất dài kể đủ thứ tội ác của Hồ Chí Minh và kêu gọi mọi người hãy tham gia ký tên vào thư phản đối do Bà Ute Junker biên soạn2. Tuần tự và liên tục trong nhiều tuần lễ, thư phản đối gửi về Moritzburg dồn dập qua hai đường bưu điện và điện thư. Người gửi gồm cả Đức lẫn Việt và người Việt thì cư ngụ ở khắp thế giới3. Trong giai đoạn đầu tiên, thư phản đối chỉ mang nội dung chống lại chủ trương vinh danh tên tội đồ dân tộc và tội đồ nhân loại họ Hồ. Lập luận đương nhiên hết sức đơn giản vì sự thật lịch sử không thể nào chối cãi được. Các chính trị gia Đức trót bị Việt cộng lừa bịp thấy ngay là mình bị hố nặng nên vội vàng chối bai bải, chối lia lịa, chối sống chối chết, chối bay chối biến là không hề có chuyện vinh danh họ Hồ. Chiến thuật đấu tranh chuyển thành việc đôi co giữa một bên là người Đức thanh minh rằng chỉ có chuyện tưởng niệm một vài trăm “du sinh“ sang Moritzburg học nghề cách đây vài chục năm và một bên là nhóm người cả Đức lẫn Việt lập luận rằng nhóm thanh thiếu niên liên hệ chỉ là những thành phần con ông cháu cha được hai chế độ tàn ác mang thú tính hợp đồng nhồi sọ và điều kiện hoá giới trẻ. Bên cạnh những thư từ trao đổi với phía Đức do những người Việt có trách nhiệm và những người Đức có lương tri, còn có cả một phong trào ào ạt gửi thư đồng loạt và tập thể với sự tham gia của đồng hương Việt Nam ở Đức. Đối tượng của bài tường trình ngắn gọn này chính là tập hợp những con người từng có quan hệ gắn bó, từng cùng sinh hoạt chung, từng cùng gửi thư chung về địa chỉ quen thuộc Gemeinde Moritzburg, Schlossallee 22, 01468 Moritzburg. Đưa ra sáng kiến gửi thư là hai phụ nữ Đức : a) Bà Ute Junker, như đã trình bày, với kháng thư sử dụng hệ thống change.org; b) Bà Jana Kellersmann. Bà Kellersmann phát động chiến dịch gửi thư cho từng người thuộc Hội đồng Nghị viên Thị trấn Moritzburg; Hội đồng này gồm 18 người. Bà yêu cầu đừng bỏ thư chung cho cả 18 người vào một phong bì, mặc dầu nội dung thư vốn thống nhất. Bà cẩn thận tính toán là mỗi người làm như vậy sẽ tốn không quá 15 €!Kết quả là các hộp thư công sở ở Moritzburg bị ứ nghẹt!



Tường thuật buổi tiếp xúc ngày thứ sáu 09.12.2016 tại Moritzburg
Ngày thứ sáu 09.12.2016, tám người Việt tỵ nạn cộng sản đã tiếp xúc với hai nhân vật quan trọng người Đức thuộc Hội thánh Tin lành Moritzburg là Giáo sư Tiến sĩ Thomas Knittel, Giám đốc và Ông Jens Knechtel, Quản lý.
Đường lối đối thoại của phía Việt Nam rất cụ thể : yêu cầu đừng mang tấm bảng đồng có khắc ghi tên họ Hồ Chí Minh ra triển lãm nơi công cộng. Hiện nay nó đang nằm đâu đó trong các cơ sở thuộc quyền quản trị của Hội Thánh Tin lành. Hội Thánh muốn xử trí như thế nào là việc của Hội Thánh, nói cụ thể hơn, là việc của hai Ông Thomas Knittel và Jens Knechtel; chúng tôi không muốn biết đến. Sở dĩ chúng tôi yêu cầu đừng mang tấm bảng đồng ra trình bày cho công chúng xem là để cho Việt cộng đừng lợi dụng vào mục đích tuyên truyền xảo trá.
Phía Nhà thờ Tin lành trình bày quan điểm không dứt khoát nhưng nhiều lần nhấn mạnh là mọi sự xây dựng hay sửa chữa đều phải phù hợp với hợp đồng thuê mướn miếng đất; nói cụ thể hơn, sửa chữa những kiến trúc có sẵn hay xây dựng những công trình mới là do sự thoả thuận giữa Ông Jens Knechtel, Quản lý và Võ Văn Long, doanh nhân Việt cộng đang thuê miếng đất mười năm. Khi được nghe câu hỏi xoáy mạnh vào số phận tấm bảng đồng, không rõ vô tình hay cố ý, Ông Knechtel tiết lộ rằng tấm bảng đã được gắn trên một cột trụ từ năm 2005 nhưng năm ngoái đã bị đánh cắp! (Như vậy, nếu bây giờ tấm bảng được mang ra gắn lại trên một trụ đá thì việc làm này không vi phạm thoả ước thuê mướn đã ký kết!).

Phân tích, nhận xét, dự báo
Giáo sư Tiến sĩ Thomas Knittel tỏ ra là người đàng hoàng, đứng đắn, hiểu biết, chừng mực. Ông thú nhận sai lầm vì lẽ ra, ngay từ bài báo mang tựa đề “Theo dấu Bác Hồ“ đăng trên tờ Sächsische Zeitung online ngày 19.05.2016 (Ông cho là nội dung bài báo này không trung thực), Nhà thờ Tin lành đã phải lên tiếng nhằm trình bày sự thật. Ông còn nêu ý kiến là có thể chuyển giao tấm bảng đồng cho một bảo tàng viện mỹ thuật (Haus der Kunst)4.
Ông Jens Knechtel cư xử như một ông quản lý với đúng nghĩa của chữ quản lý, quản gia. Ông cố gắng bảo vệ quyền lợi của Nhà thờ Tin lành, nhất là quyền lợi kinh tế tài chánh. Miếng đất bé tí xíu do Ông phụ trách trông nom nếu không cho Việt cộng thuê mướn thì chỉ có thể sử dụng vào canh tác. Dầu sao cho Việt cộng thuê thì Ông cũng thu được một khoản tiền. Một số chi tiết do Ông cung cấp qua đối thoại trực tiếp không gây được sự tin tưởng hoàn toàn nơi người đàm đạo với Ông.
Nhân vật thứ ba, tuy vắng mặt, nhưng rất đáng được điểm mặt. Đó là ông Thị trưởng Moritzburg Jörg Hänisch. Qua giao thiệp bằng thư từ và qua theo dõi những bài viết của Ông ta, thấy rằng ông Jörg Hänisch quả là một chính trị gia chuyên nghiệp điển hình, đại biểu cho típ người làm chính trị khôn lỏi, ranh vặt. Nhiều lần, nhiều dịp, Ông ta hứa hẹn sẽ triệu tập một buổi gặp mặt sau kỳ nghỉ hè thường niên ở ngay tại Moritzburg để tạo cơ hội cho cả hai phe, phe binh và phe chống diện đối diện trình bày lập trường. Không bao giờ Ông ta thực hiện lời hứa này. Trái lại, tờ Sächsische Zeitung online tường thuật là ngày 02.08.2016, Ông ta gặp mặt doanh nhân Việt cộng Võ Văn Long với sự hiện diện của Ông Quản lý Jens Knechtel cùng các đại diện dân cử địa phương. Đối với phe chống đối, Ông ta nhận lời tiếp chuyện hai người Việt Nam vào ngày 23.08.2016. Hai người này có lẽ 50% không phải là dân tỵ nạn và chắc chắn 100% không phải là người vượt biển! Thậm chí khi được mời cùng với hai Ông Thomas Knittel và Jens Knechtel tham gia tiếp xúc nhóm tám người Việt tỵ nạn cộng sản vào ngày 09.12.2016, Ông ta từ chối vì lý do bận việc. Thái độ của ông Jörg Hänisch khiến Bà Ute Junker đã phải dùng những lời lẽ rất nặng nề để viết thư cho ông ta.
Cá nhân tôi hy vọng sẽ không phải nhắc đến Moritzburg nữa. Nhưng quá trình biến chuyển trong vụ này khiến tôi rất dè dặt. Người Đức cũng vậy. Có ít nhất ba nhân vật người Đức đã khuyến cáo phe tỵ nạn là hãy tiếp tục đề cao cảnh giác. Trước hết là Ông Bernhard Bannasch, một nhân viên quản trị-hành chánh cao cấp cư ngụ ở Dresden. Thứ nữa là Ông Hans Albrecht Schraepler, cựu Đại sứ từng phục vụ với tư cách Tùy viên Văn hoá tại Toà Đại sứ Tây Đức ở Sàigòn. Người thứ ba là Ông Alexander W. Bauersfeld, ký giả chống cộng ở Hannover.
Cho nên tôi không biết nên gọi bài viết này là sơ kết, tạm kết hay vĩnh kết5.
26.12.2016
1Nước Đức có 16 tiểu bang. Tờ Sächsische Zeitung là tờ báo địa phương của tiểu bang Sachsen, nằm trên lãnh thổ Đông Đức cũ. Moritzburg, Dresden đều thuộc Sachsen. Tại một số tiểu bang thuộc Đông Đức cũ, ảnh hưởng cộng sản còn rất nặng nề. Riêng đối với tiểu bang Sachsen, tờ tuần báo Stern phát hành trên toàn nước Đức, số 43 ra ngày 20.10.2016, đã chạy tít lớn “Sachsen, Das Skandallland“ (Sachsen, tiểu bang xì-căng-đan) nêu rõ một số tàn tích cộng sản trong hệ thống chính quyền hiện tại. Một độc giả góp ý là cuối năm 1989 không hề có cách mạng thực sự ở Sachsen, dẫu rằng bọn chóp bu Đức cộng bị đào thải khỏi chính quyền nhưng chỉ là để cho một nhóm DDR-Block-CDU thế chỗ. (DDR-Block-CDU : Khối CDU thuộc DDR). Dân biểu Lämmel, CDU, không biết có thuộc nhóm quái thai này không. Sachsen giữ nguyên một số nhân viên, một số chức vụ vốn thuộc Đông Đức cũ; ngay cả nhiều tên “quản giáo“ ác ôn trong trại tù khét tiếng Bautzen cũng tiếp tục làm nhiệm vụ, thậm chí còn được vào “biên chế“ để trở thành công chức nhà nước! Cả một tiểu bang Thüringen (cũng thuộc lãnh thổ Đông Đức cũ) đang nằm dưới quyền cai trị của một đảng viên đảng Die Linke, hậu thân cải danh và cải dạng của đảng cộng sản Đông Đức, ông Bodo Ramelow! Trong diễn văn nhận chức, Ông Ramelow công khai xin lỗi về những tội ác của chế độ DDR! Bà Angelika Gramkow lần lượt là đảng viên các đảng SED, PDS và Die Linke; cả ba tên gọi đều chỉ một đảng duy nhất là đảng cộng sản Đức. Bà hiện giữ chức Đô trưởng đô thành Schwerin, thủ đô tiểu bang Mecklenburg-Vorpommern, cũng nằm trên lãnh thổ Đông Đức cũ. Bà bảo trợ công việc bảo tồn một tượng đài Lênin cào 3,5 mét đứng dạng hai chân ngay giữa một nơi thị tứ!
2Thư phản đối của Bà Ute Junker tất nhiên viết bằng Đức ngữ. Tôi đã liên lạc với Bà và xin phép Bà cho tôi chuyển ngữ sơ lược sang tiếng Việt để phổ biến đến đồng bào khắp năm châu cùng với lời mời gọi ký tên, qua hệ thống change.org. Rất tiếc khi làm công việc này tôi đã phạm một lỗi kỹ thuật rất nặng. Nguyên muốn vào ký Petition Junker thì phải bấm vào một cái link. Khi đặt tên cho cái link này, Bà Junker đã ghi sai một từ ngữ Đức. Quá kém về máy computer, tôi không biết rằng link là một thứ ổ khoá, ổ khoá lệch thì cũng phải dùng lệch y như vậy, nếu sửa ổ khoá thành thẳng thì chìa khoá không mở được ổ khoá nữa! Chính vì lỗi lầm này của tôi nên rất, rất nhiều đồng hương không ký được. Kết quả, số người ký tăng rất chậm và cuối cùng chỉ thu thập được 1800 chữ ký trong khi ai cũng có thể đoán được là thư phản đối có thể thu thập được hằng vạn chữ ký là ít! Kháng thư Ute Junker được trao tận tay hai nhân vật đại diện Hội thánh Tin lành Moritzburg vào buổi tiếp xúc ngày 09.12.2016.
3Một trong những đồng hương cư ngụ ngoài nước Đức nhận được thư trả lời của Ông Thị trưởng Jörg Hänisch qua đường lối e.mail gửi ngày 16.06.2016 là Bác sĩ Trần Tấn Phát, cựu Y sĩ Trung tá Binh chủng Nhảy dù. Thư phúc đáp tất nhiên viết bằng Đức ngữ vì Bác sĩ Trần Tấn Phát đã dùng vốn liếng Đức ngữ thu thập được từ lâu để chất vấn và trách cứ Ông Thị trưởng Moritzburg!
4Trong nhiều bức thư do người tỵ nạn Việt Nam gửi cho các giới chức Đức, đã có đề nghị xây dựng là chỉ nên xem tấm bảng đồng như một hiện vật lịch sử và nên trao tặng nó cho các bảo tàng viện lịch sử, chẳng hạn DDR-Museum (Viện Bảo tàng Đông Đức) ở Berlin hay Haus der Geschichte (Nhà Lịch sử) ở Bonn. DDR-Museum có khu Bruderstaaten (Quốc gia anh em). Haus der Geschichte là một kiến trúc hiện đại và rộng lớn.
5Chữ “vĩnh kết“ không có trong tự điển, nó do tôi tạo ra.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen