Hồn Nhiên (Danlambao) - Cứ mỗi khi tháng 4 đến, trong tôi lại ùa về trùng trùng những ký ức. Tôi không có thói quen sống hoài niệm, nhưng có những khoảnh khắc làm cho tôi không thể nào quên.
Ba Mẹ tôi rất đông con, ngày mất nước mẹ tôi còn ôm cái bụng bầu em
bé út thứ 10 sắp khai hoa nở nhụy. Thường thì gia đình đông con
người ta gọi là Phúc, nhưng phúc đâu không thấy, chỉ thấy tai họa
ập xuống đầu gia đình tôi khi cộng quân tràn về chiếm đóng. Ngày
đó, với trí óc non trẻ, tôi nghĩ chắc không bao lâu đâu, rồi việt
cộng sẽ rút, giống như xem phim những căn cứ địa bị vc chiếm đóng
rồi sau đó có một quân đoàn dù hay thiết giáp gì đó sẽ tới giải
vây. Nhưng không phải vậy. Tôi thấy trên gương mặt Ba tôi vẻ đăm
chiêu thường xuyên xuất hiện. Mẹ tôi thì cáu gắt hơn mọi ngày. Anh
chị tôi thì ngơ ngác, duy chỉ có các em tôi là vô tư nô đùa. Còn
tôi thì đắm mình trong sách báo, hay nghe ngóng radio (hồi đó tôi
mê nghe đài Mẹ Việt Nam lắm).
Cái ngày thảm họa đó cũng đến, Mẹ tôi đưa hết anh chị em tôi về quê
lánh nạn theo lệnh di tản ban hành. Chỉ còn tôi, bà chị cả và cô
giúp việc ở lại quyết giữ lấy căn nhà. Ngày đó hay có nạn hôi của,
và tôi đã chứng kiến nạn hôi của ấy khi có một kho hàng của cơ quan
từ thiện bị người ta cạy cửa vào lấy sạch, thủ quản kho hàng này đã
di tản từ lâu. Ai nghe đến danh từ “cộng sản” là le lưỡi khiếp đảm.
Có một câu chuyện vui vui được kể lại như thế này: Một đoàn bộ đội
cs từ rừng về đi ngang qua nhà một người dân. Thình lình đoàn người
dừng lại, vừa nhác thấy một người đàn bà trạc tuổi 57, 60 đang ngồi
nhai cơm mớm cho con ăn, người bộ đội ra dáng chỉ huy quay hỏi
người đàn bà:
- Chị chỉ cho chúng tôi quán nước gần đây, chúng tôi vừa từ bưng về
khát nước lắm.
- Vâng, các đồng chí cứ đi thẳng tới cuối đường thì rẽ trái, quán
nước ở ngay đầu đường.
Rồi chừng như muốn làm đậm đà thêm câu chuyện, ắt hẳn muốn lấy cảm
tình của người chiến thắng chăng, bà huyên thuyên nhanh nhẩu:
- Cám ơn các đồng chí cách mạng. Nhờ có các đồng chí mà người dân
thành phố chúng tôi không còn sợ bị cộng sản pháo kích nữa. Cám ơn
các đồng chí nhiều lắm(!)
Cả đoàn bộ đội nín khe, mặt mày tái mét, không biết trạng thái này
là vì sốt rét rừng hay vì tác động bởi câu nói vô tình của người
đàn bà kia. Riêng người bộ đội chỉ huy thì khuôn mặt đanh lại, lạnh
lùng bước đi, chả buồn nói một lời cám ơn, hay chí ít một nụ
cười.
Rồi thì những “hồ hởi, phấn khởi”gượng tạo ban đầu cũng qua, gia
đình tôi bắt đầu phải đối mặt với những trận cuồng phong không thể
tránh được. Đầu tiên Ba tôi bị ném vào trại “tập trung cải tạo”,
nhưng thực chất là trại nhục hình dành cho quân nhân cán chính
VNCH. Suốt một tháng ròng rã cs nhốt Ba tôi ở một nơi bí mật không
ai hay biết. Mẹ tôi, người yếu như con sên sau khi sinh nở. Vì lo
lắng cho Ba tôi mà Mẹ tôi gầy rộc đi, mắt Mẹ tôi lúc nào cũng mờ
lệ. Tuy nhiên, khi có ai tò mò hỏi về Ba tôi, bà giữ im lặng bằng
một nụ cười buồn không trả lời.
Thời điểm đó, không ai dám tin ai. Không ai dám nói thật những suy
nghĩ của mình về chế độ mới, sợ người ta báo cáo lên phường để dâng
công với chế độ. Hàng xóm láng giềng trước kia thân là thế, tối lửa
tắt đèn có nhau, thế mà giờ trở nên e dè nhau, quan sát nhau. Ngày
đó, các em tôi còn nhỏ dại, con nít chơi đùa với nhau, thằng em
trai áp út của tôi lỡ tay ném viên gạch vào cửa sổ làm bằng kính
của nhà hàng xóm, thế là họ làm lớn chuyện, đòi thưa em tôi vào tù.
Mẹ tôi sợ lắm, vì gia đình có Ba làm cho chế độ cũ thì đã là cái
gai trong mắt của chế độ mới rồi, cho nên mất bao nhiêu tiền Mẹ tôi
cũng không tiếc, chỉ mong sao họ im lặng và bỏ qua cho. Thế là họ
treo giá, một cái giá cắt cổ, Mẹ tôi bấm bụng bồi thường. Con dại
cái mang, Mẹ tôi bảo vậy. Hàng xóm được nước càng lấn tới, ăn hiếp
anh chị em tôi. Em gái tôi phẫn uất chịu không nổi, xin Mẹ đi học
võ. Ban đầu Mẹ tôi ngần ngừ không cho, nhưng em tôi thuyết phục
mãi, nào là “con học võ không phải đánh lộn với ai đâu, chỉ là giúp
cho cường thân kiện thể thôi”, nào là “con gái phải biết võ, lỡ bị
kẻ xấu tấn công thì cũng biết đường tự vệ” v.v… cuối cùng Mẹ tôi
bằng lòng. Cũng nhờ có cô em gái biết võ, chúng tôi sống tự tin
hơn.
Một ngày kia có người từ chỗ tạm giam Ba tôi trở về, lúc đi ngang
nhà tôi, người đó ngó dáo dác xem chừng không có ai mới ném vào nhà
tôi một mẩu giấy được xé từ hộp thuốc lá Captain, loại thuốc thường
ngày Ba tôi vẫn hay hút. Mẹ tôi nhận ngay ra tuồng chữ của Ba tôi,
và bà như ngất đi vì quá đỗi vui mừng. Ba tôi bị nhốt vào một phòng
giam mà trước kia Ba tôi thường làm việc, để hỏi cung những người
cộng sản nằm vùng chuyên đặt mìn trên xe đò, đặt plastic ở rạp hát
làm chết dân hàng loạt. Người giúp chuyển lá thư của Ba tôi về cho
Mẹ tôi là một cô gái ăn sương tốt bụng, cô nhìn thấy hoàn cảnh của
Ba tôi đáng thương nên bất chấp sự hiểm nguy, nhận đưa thư về để
mong Ba tôi được có người thân thăm viếng. Nếu không, vc sẽ nhốt Ba
tôi dài hạn mà không cần kết án. (Đã có nhiều người lâm vào trường
hợp giống Ba tôi mà đến nay vẫn còn ngồi tù, vẫn chưa có người thân
đi thăm nuôi). Sau đó không bao lâu, Ba tôi chính thức đi trại nhục
hình với lời hứa hẹn của vc là “chỉ đi 10 ngày rồi sẽ trở về nguyên
quán”. Thật là một lời nói láo trơ trẽn nhất mà vc đã dùng để dối
gạt người dân miền Nam, đặc biệt là đối với quân nhân cán chính
VNCH và thân nhân của họ!
Giai đoạn năm 1978, 1980, phong trào vượt biên nở rộ. Đi đâu cũng
nghe thiên hạ xầm xì chuyện vượt biên. Làm sao không vượt biên cho
được khi quyền làm người đã bị tước đoạt? Chính sách bao tử trị của
vc xem ra khá hiệu nghiệm, Người dân bị khuất phục và trở nên thụ
động chỉ vì… Đói! Thật vậy, đói làm cho con người mất đi khả năng
đối kháng, trở nên hèn yếu và nhu nhược. VC cố tình triệt hạ miền
Nam bằng ba lần đổi tiền, đồng thời “Đánh tư sản mại bản”, dùng chữ
cho hay thế thôi chứ thật ra là ăn cướp. Cướp sạch, cướp tới tận
cùng của người dân miền Nam. Nhiều gia đình làm ăn tích lũy từ thời
cha ông của họ, trở thành trắng tay qua một ngày “đánh tư sản mại
bản”, có người treo cổ tự tử, có người bị sốc nặng trở thành điên
loạn. Và ý tưởng vượt biên bắt đầu nhén nhúm trong lòng họ. Thế rồi
những chuyến tàu vượt biển đầu tiên ra khơi. Có người đến được bến
bờ tự do đã gởi thư về, càng thôi thúc những những chuyến tàu sau
tiếp nối. Có người còn nói: “thà chết ngoài biển làm mồi cho cá mập
còn hơn làm nô lệ cho chế độ khốn nạn này”. Và thế là họ đi. Già
có, trẻ có, gái có, trai có, họ đi mà không nhận thức được nguy
hiểm đang chờ họ phía trước. Họ phó thác cho số mạng, đi cái đã,
rồi ra sao thì ra.
Tôi có một cô bạn, nhỏ hơn tôi vài tuổi. Khuôn mặt đẹp thánh thiện,
và tâm hồn cô cũng thánh thiện. Cô đang học lớp 9 thì bỏ học ngang
xương. Tôi hỏi: “sao em lại nghỉ học?”. Cô buồn buồn trả lời: “Học
làm gì chị ơi. Học cho lắm lên ĐH cũng bị đánh rớt à”. Tôi biết cô
nói đúng, “học tài thi lý lịch” là câu châm ngôn mà bọn trẻ thời đó
thường hay nói. Nhưng tôi cũng cố tìm lời an ủi: ‘Thì kệ đi, mình
học để tích lũy kiến thức cho mình, chứ bỏ học là mình chịu dốt
sao?”. Cô nháy nháy mắt: “mà chắc gì em ở lại VN đâu mà học chị?”.
Tôi chột dạ: “Cái gì? Em tính đi đâu mà không ở VN?”. Cô đưa ngón
tay trỏ lên môi: “suỵt!” Tôi hiểu ý, không nói nữa.
Một tháng sau, tôi nhận được tin báo: “H.T đi vượt biên vì hết nước
uống và lương thực, nên bị ăn thịt chết rồi!”. Bàng hoàng, sửng
sốt, tôi không tin vào tai mình. Cách một tháng trước tôi còn nói
chuyện với cô ấy mà. Không, tôi không tin có chuyện đó. Người dân
xứ tôi hay đồn thổi lắm. Nên chuyện này chắc chắn chỉ là lời đồn
thôi. Nhưng không, khi tôi tìm tới nhà cô bạn tôi để xác minh, thì
trời ơi, ngay giữa nhà là một chiếc bàn thờ với tấm di ảnh của
người bạn nhỏ. Tôi òa khóc nức nở. Lòng tôi tê điếng. Trở về nhà
với tâm trạng nặng trĩu như mang một tảng đá trong lòng, tôi nhủ
thầm: “Mình sẽ viết lại những gì mình chứng kiến, hầu để cho lớp
trẻ sau này hiểu rõ hơn cái gọi là “giải phóng” của csVN. Tất cả
người dân, Bắc cũng như Nam, đều bị vc dối gạt hết rồi”.
Và đến bây giờ, sau hơn 40 năm, dân mình vẫn còn bị gạt…
Tháng tư đen thứ 41
4/15/2016
__._,_.___
Posted by: phong hoai <ddhoaiphong@yahoo.com>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen