Dienstag, 26. April 2016

Sự Thật Lịch Sử ( bài viết về Nhạc Sỹ họ Trịnh )



Nguyễn Thị Bé Bảy

Cộng sản quốc tế  là những "chuyên gia" bóp méo và xuyên tạc lịch sử. Cộng sản Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Cộng sản Việt Nam bóp méo xuyên tạc lịch sử bằng đủ mọi phương cách, mọi phương tiện, mọi hình thức để chạy tội bán nước và để triệt hạ, bôi bẩnViệt Nam Cộng Hòa cũng như Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã chiến đấu trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam trước sự xâm lăng của cộng sản quốc tế, mà cộng sản Bắc Việt là tay sai đắc lực.
Trong khi đó, một số người quốc gia, vì những lý do này, vì những cảm tình nọ, hay vì cảm tính, hay vì vô tình, đã chấp nhận, nếu không nói là tiếp tay với cộng sản trong việc bóp méo và xuyên tạc lịch sử.
Có rất nhiều sự thật đã bị xuyên tạc bóp méo, mà Trịnh Công Sơn là một trường hợp điển hình.

Như chúng ta đã biết, Trịnh Công Sơn là một người sống dưới hai thể chế Việt Nam Cộng Hòa.
Trịnh Công Sơn không đi lính, sống một cuộc đời thong dong, ung dung viết nhạc, giữa lúc đất nước đang đương đầu với nạn cộng sản xâm lăng, trong khi những người cùng tuổi với Trịnh Công Sơn đang cầm súng chiến đấu sống chết ngoài mặt trận. Chẳng những thế, ở hậu phương, Trịnh Công Sơn còn được sự bao bọc, che chở của giới chức cao cấp Việt Nam Cộng Hòa. Nhờ đó, Trịnh Công Sơn mới có được một sự nghiệp sáng tác đồ sộ là 600 bản nhạc,  là thần tượng âm nhạc của nhiều người nhất là giới trẻ, với dòng nhạc đã trở thành một trường phái riêng được ưu ái gọi là " nhạc Trịnh"!
Để đổi lại những ưu ái đó, Trịnh Công Sơn đã làm gì?

Ngay trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Dương Văn Minh đọc những lời đầu hàng trên đài phát thanh, thì Trịnh Công Sơn nối tiếp Dương Văn Minh bằng những lời kêu gọi " chào mừng cách mạng", nguyên văn:

(trích tài liệu trên net)
Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở Miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mà mơ ước của tất cả chúng ta đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này cũng như những điều mơ ước (của) các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất (thì) hôm nay chúng ta đã đạt được những kết quả đó. Tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng Miền Nam Việt Nam này hãy … và hợp tác chặt chẽ với chánh phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam.
Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước. Chúng ta là người Việt Nam. Đất nước này là đất nước Việt Nam. Chúng ta ở trên đất nước của chúng ta. Chính phủ Cách mạng lâm thời sẽ đến đây… những cái thái độ hoà giải tốt đẹp. Các bạn không có lý do gì sợ hãi để mà ra đi cả. Đây là cơ hội đẹp đẽ và duy nhất để đất nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước từ mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn thân hữu cũng như những người chưa quen với tôi ở lại và chúng ta kết hợp chặt chẽ với Uỷ ban các mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng Miền Nam Việt Nam này.
…gặp tất cả các anh em ở trong Uỷ ban Cách Mạng Lâm thời. Hiện tại chúng tôi đang ở đài phát thanh Sài Gòn. Và tôi mong các bạn chuẩn bị sẵn sàng để đến đây góp tiếng nói, để lên tiếng để tất cả mọi gười đều yên tâm và tôi xin tất cả các anh em sinh viên, học sinh của Miền Nam Việt Nam này hãy yên ổn kết hợp lại với nhau; khóm phường đều kết hợp chặt chẽ để đón chờ Uỷ ban Cách mạng Lâm thời đến. Xin chấm dứt.
Tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn guitar, tôi xin hát lại cái bài mà Nối vòng tay lớn. Hôm nay, thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết.
“…Rừng núi dang tay nối lại biển xa…”
Tiếng hát và tiếng vỗ tay theo nhịp … “biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam” chấm dứt đoạn audio.
(hết trích)


Sau khi hiện nguyên hình là một tên VC nằm vùng, Trịnh Công Sơn đã làm gì để phục vụ chế độ mới?
Nguyễn Đắc Xuân, cũng là một tên cộng sản nằm vùng như Trịnh Công Sơn, và là một tên đao- phủ- thủ của Huế trong cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968 đã viết trong " Trịnh Công Sơn- Có Một Thời Như Thế" như sau:

(trích)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được biên chế vào hội Văn Nghệ Thừa Thiên Huế. Được sống hòa đồng, được lĩnh mọi tiêu chuẩn về vật chất giống như anh em văn nghệ, với cán bộ kháng chiến, Trịnh Công Sơn rất vui...
Trước và sau Tết Bính Thìn 1976-cái tết giải phóng đầu tiên, thành phố Huế rộn ràng chuẩn bị "chiến dịch" truy quét văn hoá phẩm "dâm ô" và "phản động". Nhiều cuộc tọa đàm, hội họp thảo luận ráo riết về các nội dung "dâm ô" và "phản động". Những anh em trí thức ở Huế am hiểu văn học vùng tạm chiếm được mời tham luận hay phát biểu về hai nội dung trên. Trong sổ tay của tôi còn ghi một đoạn ghi chép sau đây:
" Họp tối 9.2.1979 tại Thành ủy Huế.
Chủ đề: quét sạch xuất bản phẩm phản động và dâm ô.
Thành phần tham dự có 31 người, trong đó có Trần Hoàn (TTVH tỉnh THT);Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đắc Xuân ( Tuyên huấn Thành phố), Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Võ Quê, Tô Nhuận Vỹ, Lê Khắc Cầm ( Hội Văn Nghệ Tỉnh), Bửu Nam ( Sinh viên Đại học), Nguyễn Văn Bổn ( tức Tần Hoài Dạ Vũ, Trường học)...
Phát biểu của Trịnh Công Sơn:"văn hóa là nhu cầu của tinh thần, không thể xóa sạch được. Muốn xoá sạch thì phải có cái khác thay thế, còn không thì không thể xóa được. Phải "chống" và "xây dựng" song hành. Ta phải có văn hoá của ta. Đó là một thứ văn hoá "có thực" chứ không phải là một thứ văn hoá "dựng đứng". Nói về những thứ ta chống phải nói như thế nào, nói không khéo lại mắc phải khuyết điểm tuyên truyền cho người ta tìm đọc. Văn hoá phẩm "đồi trụy" dễ xoá chứ nói "phản động" thì khó hơn. Địch sử dụng Tivi, Radio, sách báo...Ta chống thì cũng phải qua các cửa ngõ đó.Phải có kế hoạch và liên tục".  
........
Sau tháng 5.1975, hơi nhạc của Trịnh Công Sơn chưa nhập được với nhịp điệu của cuộc sống mới nên nhạc mới của anh chưa hay.Nhiều người tiếc cho anh đã làm những bài ca ngợi lao động sản xuất như bài nói về một cô gái nông thôn: "Gánh, gánh, gánh rau về chợ".Một người làm tình ca mang tính triết lý trừu tượng nổi tiếng làm sao mới đầu hôm sáng mai có thể chuyển mạch sáng tác theo " hiện thực xã hội chủ nghĩa" được?...Cho nên lúc ấy nghe Trịnh Công Sơn trình bày những "sáng tác mới" phục vụ sản xuất của anh, tôi vừa phục anh vừa quý anh. Phục là anh đã chịu khó dấn thân vào thực tế, viết phục vụ chính trị của đất nước vừa hòa bình độc lập.... Quý anh là một nhạc sĩ nổi tiếng như thế mà vẫn không tự kiêu tự mãn với quá khứ của mình mà chịu cùng anh em bạn bè dấn thân vào cuốc sống mới, sáng tác để góp một cái gì mừng đất nước hòa bình độc lập.Tôi không rõ các anh Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán...sau ngày tiếp quản Hà Nội (1955) có "chịu chơi" như Trịnh Công Sơn sau 5.1975 không?
Trịnh Công Sơn biết nhạc mới của minh chưa hay, anh phục vụ Văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa bằng những bút ký....
(Sđd, trang 102-104)

Khoảng năm 1982, Trịnh Công Sơn đưa một đoàn nhạc sĩ Thành phố Hồ Chí Minh về thăm Huế. Tôi hưóng dẫn đoàn đi chơi và tôi về ở lại biệt thự 11 Lý Thường Kiệt. Các anh Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn và chính Trịnh Công Sơn hát cho tôi nghe những bài hát mới của Trịnh Công Sơn như Huyền Thoại Mẹ, Vẫn Có Em Bên Đời, Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới, Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên...Tôi hết sức xúc động. Nếu Trịnh Công Sơn không có cảm xúc mạnh và cuộc sống mới thì không bao giờ anh có thể viết được những bài hát cách mạng như thế.
(Sđd, Trang 116)

Trịnh Công Sơn phục vụ chế độ mới như thế cho đến khi Trịnh Công Sơn về chầu Các Mác, Lê Nin và Hồ Chí Minh....
(trích)
“ Từ sau ngày Trịnh Công Sơn qua đời, nhiều dư luận trong và ngoài nước có khuynh hướng “ lôi anh về phía bên này” hoặc “ đẩy anh về phía bên kia”. Đối với Trịnh Công Sơn ai lôi anh thì cứ lôi, ai đẩy anh thì cứ đẩy, “ kệ”. Trịnh Công Sơn là Trịnh Công Sơn, ai muốn hiểu sao cứ hiểu. Tuy nhiên cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thuộc về lịch sử, mà đã là lịch sử thì “ bên này”  hay “ bên kia” phải được chứng minh bằng tư liệu, tư liệu thành văn và tư liệu sống, nói có sách mách có chứng. Không thể phát ngôn về Trịnh Công Sơn theo cảm tính hay theo một định kiến nào....” ( Trịnh Công Sơn, có một thời như thế – Nguyễn Đắc Xuân - Văn Học xuất bản năm 2003 ).
(hết trích)

Dựa theo những “ tư liệu thành văn và tư liệu sống”, Nguyễn Đắc Xuân đã trích lại những điều sau đây do chính TCS viết xuống trong quyển sách vừa dẫn:

Thời kỳ trốn lính
Trước khi sống qua một thời kỳ bất ổn định, tôi đã từng có được hai năm sống thong dong hợp pháp như tất cả mọi người đàng hoàng đứng đắn trên mặt đất. Muốn được thế, tôi đã phải đánh đổi bằng gần sáu mươi ngày nhịn đói tuyệt đối trong hai năm ( mỗi năm 30 ngày liên tiếp trước khi trình diện ) để đạt được cái mức độ không đủ tiêu chuẩn của một người lính. Nhưng muốn xuống kílô nhanh còn phải không ngủ và uống thêm điamox là một thứ thuốc rút bớt nước trong các tế bào ra. Qua năm thứ ba thì không ra trình diện nữa vì cảm thấy không đủ sức khoẻ để lặp lại cái chế độ ăn uống không có thực phẩm ấy nữa. Trốn lính gần như là một cái “ nghề ” đầy tính chất phiêu lưu của hàng triệu thanh niên miền Nam lúc bấy giờ. Thái độ phản kháng ấy, dù được nhìn dưới một góc độ nào đó còn mang tính thụ động, vẫn phải được nhắc nhở đến như một nốt nhạc trong trẻo đã ngân lên trong một giai đoạn u ám, nhiễm độc, giữa những đô thị miền Nam.
Tôi đã sống lang thang như một kẻ vô gia cư, vô định trú thứ thiệt. Thời gian không xê dịch nhiều, chỉ kéo dài khoảng ba năm, đó là lúc tôi nhập cư cùng một số sinh viên trốn lính khác đã có mặt trong những căn nhà tiền chế tồi tàn bỏ trống ở khu đất rộng sau trường đại học Văn khoa. Ở đây có một lợi thế  là rất hiếm bị khám xét. Vào thời điểm ấy, trên khoảng đất trống lại mọc thêm một cái trụ sở Hội Hoạ Sĩ trẻ bằng gổ, hiện đa số hoạ sĩ  vẫn còn có mặt trong thành phố. Giấc ngủ của tôi cứ tùy nghi hoán chuyển từ trên cái ghế bố trong túp lều này qua cái mặt nền xi măng của trụ sở hội nọ. Việc ăn uống đã có hàng quán dọc đường gần đó. Rửa mặt đánh răng thì mỗi sáng vào phòng vệ sinh của những quán cà phê quen thuộc, chỉ có việc mang theo khăn, kem và bàn chải đánh răng.
Thế đấy, nhưng chính những năm này là những năm sôi động nhất của đời tôi.
Sống trong tình trạng bấp bênh như thế tôi vẫn phải làm việc không ngừng để sống. Tôi vẫn viết đều tay và vẫn tiếp tục đi hát. Những ca khúc của tôi được in ra từng tờ rời và từng tuyển tập. Phụ trách công việc in ấn và phát hành đã có người em ruột của tôi, cũng cùng trốn lính, chăm lo. Việc in ấn càng lúc càng khó khăn, nhất là sau khi có lệnh tịch thu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu toàn bộ các tập ca khúc và băng nhạc của tôi. Cảnh sát lúc bấy giờ được lệnh vào tận các nhà in để truy lùng. Thế là phải đổi kế hoạch. Thay vì in trong một nhà in, nay phải rải ra trong ba bốn nhà in khác nhau. Tịch thu nơi này còn nơi khác, và dĩ nhiên, chuyện đi đứng không phải dễ dàng. Đi từ một nhà in ở vùng SàiGòn đến một nhà in ở vùng Chợ Lớn phải qua biết bao nhiêu là trạm xét hỏi.
Sau lệnh tịch thu, tất cả báo chí trong và ngoài nước đều đưa tin . Các hãng thông tấn  và truyền hình truyền thanh nước ngoài ào ạt đổ xô về nơi ăn chốn ở rất là “ híp pi” đó của tôi càng lúc càng đông. Mỗi ngày trung bình ít lắm cũng phải ba lần phỏng vấn, thu hình, thu mặt. Tôi bỗng trở nên người nổi tiếng bất đắc dĩ. Ban đầu cái sự kiện này cũng mang đến cho tôi chút niềm vui nhưng càng về sau càng trở thành một tai nạn. Họ săn đuổi tôi đến mọi chổ lánh mặt xa xôi nhất. Từ SàiGòn ra Huế,  chỉ vài hôm sau đã thấy có mấy mạng người đủ các màu da, xứ sở khác nhau xuất hiện ở cửa. Đời sống bỗng chốc mất đi cái tự do được quyền không nói năng, được quyền ngồi yên tĩnh một mình mà suy ngẫm cho đến nơi đến chốn bao nhiêu điều mình chưa biết trong cõi đời rộng lớn này. Tôi phải sống những khoảnh khắc phù phiếm trên báo chí và trước ông kính ấy cho đến mười ngày trước ngày thành phố được hoàn toàn giải phóng. Giờ đây sau hai mươi năm thành phố đã mang tên Bác, thỉnh thoảng vẫn còn những cuộc phỏng vấn của người nước ngoài, nhưng vó không còn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng nữa.
Nghĩ lại chuyện cũ, tôi biết rằng những cái đó có được là do tấm lòng ưu ái của quần chúng đối với mình. Sức mạnh tình cảm của đám đông quần chúng là một trong những tấm khiên che chở mình trước những mối đe dọa và là những kèo cột chống đỡ tinh thần và tình cảm mình được vững vàng trước bao nhiêu khó khăn phức tạp của cuộc sống.
Nhẩm tính lại, tôi đã hùn hạp tất cả vốn liếng của mình vào cái đại gia đình trốn lính vừa tròn chẵn mười ba năm.
Đã qua hẵn rồi cái thời của “ bèo giạt mây trôi”, của những giấc ngủ bị săn đuổi.
( sđd tr. 179-183 )

Thuở ấy Nhị Xuân, em ở nông trường, em ra biên giới
Đêm Nhị Xuân không còn thấy rõ màu đất đỏ  và những bãi mía, bãi dứa cùng lán trại cũng khoác một màu áo khác. Mưa xuống. Hội trường dã chiến như một cái rá lọc nước thả xuống những giọt dài. Chúng tôi ( Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn và tôi...) cùng anh em Thanh niên Xung phong nam nữ hát với nhau dưới một bầu trời được trang trí lạ mắt như thế . Đêm cứ dài ra và những tiếng hát cứ dài ra. Nước ở con kênh dâng lên. Mặc kệ. Cứ đứng, cứ ngồi, cứ hát. Gần khuya có cô gái Thanh niên Xung phong nhanh nhẹn vui tươi mang cho cho chúng tôi những bát cháo gà trước khi chia tay. Những khuôn mặt ấy, tôi đã quen đã nhìn thấy nhiều lần. Một giờ khuya, lên xe giã từ Nhị Xuân, lòng còn âm vang tiếng cười, tiếng hát. Những bàn tay siết chặt, những cái vẫy trong đêm không nhìn thấy. Quá giờ giới nghiêm, xe dừng lại giữa đường, không được vào thành phố. Ngủ lại chờ sáng. về lại thành phố, trở lại công việc thường ngày. Nhưng ở Nhị Xuân, có hai mươi người con gái Thanh niên Xung phong đi về phía khác. Mấy tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp đêm hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Những tiếng hát giọng cười còn đó. Những cây mía cây dứa các bạn trồng vẫn còn đó , vẫn lớn lên. Tôi bồi hồi nhìn ra quãng trời rộng và thấy lại trong trí nhớ những con người trẻ trung ấy. Trong những trái tim ấy có gì khác chúng ta không. Trong giấc ngủ ban đêm, trên những vầng trán khoẻ mạnh ấy, đã có những cơn mơ nào. Chúng ta nói quá nhiều đến sự tròn đầy và chúng ta quên đi sự mất mát. Chúng ta vẽ ra lắm nụ cười mà quên đi những nỗi ngậm ngùi riêng tư. Những người bạn nhỏ đã ra đi thật vĩnh viễn, nhưng nỗi nhớ thương về họ chưa được hát đủ như một nỗi đau. Còn thiếu sót biết bao nhiêu điều chưa nói hết lúc ở nông trường và càng chưa nói được một mảy may lúc ra biên giới. Làm một điều gì chưa đến chốn với một người không còn nữa, có phải cũng đã là phạm tội với cuộc đời rồi hay không. Xin hãy tha thứ những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đưa xuôi chèo thuận lái.
( Sđd, chương V: Phát thảo chân dung tôi – Trịnh Công Sơn. Trang 186-188 )

Anh Sáu Dân với Trịnh Công Sơn
Hơn hai mươi năm trước, đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố  Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt “ rủ ” Trịnh Công Sơn và tôi đi khảo sát đất Trị An. Từ chuyến đi ấy Trịnh Công Sơn và tôi cũng như một số bạn bè gọi đồng chí Bí thư bằng anh Sáu, anh Sáu Dân rất thân mật. Chuyến đi ấy anh mang đến cho hai đứa tôi về giấc mơ điện “ Trị An”. Còn anh, anh không chỉ mơ mà khẳng định quyết tâm và bắt tay tổ chức hiện thực. 
Buổi chiều trên đường về mưa gió mịt mù. Trịnh Công Sơn và tôi ngồi trên chiếc xe jeep.
Về đến nhà anh Sáu, áo của Sơn đổi màu mưa bụi. Còn tôi, nhờ có chiếc áo gió, áo trong của tôi còn sạch. Anh Sáu bảo chúng tôi tắm, anh Sáu mang chiếc áo của anh cho Sơn. Chiếc áo ấy Sơn vẫn để trong tủ áo của mình, ít ai biết.
Anh Sáu đánh giá và bình phẩm ca khúc của Trịnh Công Sơn theo cách của anh. Với tôi anh Sáu là một nghệ sĩ, nghệ sĩ với con người chiến sĩ của anh. Không hề có khoảng cách về tuổi tác, về cương vị xã hội, hai người nghệ sĩ  ấy đã gặp nhau, đã trở thành một đôi bạn chia sẻ nhiều nổi niềm không thành lời, không thành tiếng. Những năm khó khăn, cơm độn bo bo, có lần anh Sáu gởi gạo đến gia đình Trịnh Công Sơn.
Có một lần anh Sáu tâm sự với Sơn “ Anh em trí thức ở thành phố mình bỏ đi  nhiều quá. Mỗi người mỗi cương vị, làm sao giữ anh em lại, cùng xây dựng đất nước. ” Sau đó Trịnh Công Sơn viết ca khúc “ Em còn nhớ hay em đã quên”. Lần thứ hai, anh Sáu nói với Sơn “ Trong lúc khó khăn này, làm sao mọi người đều có niềm tin, niềm vui, vượt lên khó khăn để xây dựng Thành phố...” Sau đó, Trịnh Công Sơn cho ra bài “ Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui ”.
Sau này anh Sáu về Trung Ương, ở cương vị Phó Thủ Tướng, Thủ Tướng, Cố Vấn BCH Trung Ương Đảng, dù ở cương vị nào, mỗi lần về SàiGòn, ngoài công việc, anh hay gặp gở lại bạn bè. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, thường có Trịnh Công Sơn. Những cuộc gặp ấy bao giờ Trịnh Công Sơn cũng ngồi gần anh Sáu, như không thể cách xa nhau. Theo tôi hiểu, ít có người Việt Nam nào đi khắp mọi miền như anh. Anh đến cả những vùng sâu vùng xa đến nỗi, chánh quyền địa phương cũng chưa đặt chân đến.
Anh kể với chúng tôi về những chuyến đi. Rồi ai có sáng tác nào mới, hát cho anh nghe. Trần Long Ẩn chuyên hát lời hai, lời ba. Nguyễn Duy đọc thơ, Trịnh Công Sơn chưa có bài mới thì tùy hứng. Một lần chị Sáu ( vợ anh Sáu) nói “ Sao mà tôi thích cái câu - sỏi đá cũng cần có nhau - sâu xa quá!”. Thế là Trịnh Công Sơn cầm đàn hát “ Diễm xưa”. Thật khó có người nào hát hay bằng Sơn hát về mình.
Có một lần, tôi kể với Trịnh Công Sơn, anh Sáu nói với tôi rằng anh Sáu vừa nghe đài Hoa Kỳ hai buổi lúc 5h30 sáng, đài Hoa Kỳ bình luận về ba nhạc sĩ lớn của Việt Nam: Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, đài Hoa Kỳ bình luận, ca từ của Trịnh Công Sơn là lời của phù thủy. Họ không giải nỗi ý nghĩa nhiều tầng, nhiều góc ca từ của Trịnh Công Sơn, nên đành phải nói là lời của phù thủy. Anh Sáu thích lắm! Trịnh Công Sơn không ngạc nhiên nhiều về lời bình của đài Hoa Kỳ mà ngạc nhiên :“ Anh Sáu theo dõi kỹ vậy à? Thế mà anh em mình không ai biết”.
Anh Sáu quý trọng tài năng của Trịnh Công Sơn và rất yêu con người và tính cách của Sơn có khi hồn nhiên như trẻ thơ.
Có một đêm, anh Sáu rủ Sơn và tôi đến chơi. Anh Sáu mang chai Mao Đài đãi hai chúng tôi. Sơn xỉn. Thế là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu dạy Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm chánh trị. “ Anh đi Nhật mà không gọi em là không chính trị. Nhật họ quý em lắm. Anh đi nước ngoài anh phải thế này, thế kia, thế nọ...” Anh Sáu và tôi cứ cười, Sơn thì vẫn cứ thao thao.
Hôm sau tỉnh rượu, tôi lại với Sơn, Sơn ngửa mặt cười:
- Có thật vậy à ? Anh Sáu có giận mình không ?
- Không! Anh Sáu vui!
- Lần sau nhớ nhắc mình nhé!. Tôi thầm nghĩ, Sơn phải là Sơn nhắc làm gì?    
Vào một ngày cuối tháng ba năm nay, tôi gặp anh Sáu, anh Sáu hỏi thăm Sơn. Tôi báo anh, Sơn bịnh nhiều, Sơn đang cấp cứu trong bịnh viện. Anh nói:
- Mai mình đi Hà Nội, sau Đại hội Đảng mình về, mình thăm Sơn, các em Sơn. Xem nước ngoài nào chữa được Sơn, mình tạo điều kiện để Sơn đi.
Nhưng không kịp nữa, chiều ngày 1-4-2001 tôi gọi điện thoại cho anh “ Anh Sáu ơi! Sơn mất rồi...” Anh hỏi, anh nói nhưng tôi không nhớ gì, chỉ nhớ “ Đau lòng quá!” và chị Sáu kêu lên “ ...buồn quá...”
Buổi chiều ngày 3-4-2001, vào 18 giờ, tôi nhận được điện thoại của anh, anh chị đi thăm mộ Trịnh Công Sơn đang trên đường về, hẹn tôi ở nhà Trịnh Công Sơn.
Buổi gặp này có anh Sáu, chị Sáu, các em của Trịnh Công Sơn, anh Phạm Phú Ngọc Trai và tôi. Anh hỏi những ngày cuối cùng của Sơn...Anh nói:
- Những năm sau này, Sơn yếu nhưng sức sáng tác của Sơn rất dồi dào. Mỗi lần gặp lại là Sơn có sáng tác mới. Ca từ trong ca khúc sau này của Sơn càng thâm thúy. Ai nghe cũng thấy mình ở trong ấy. Sơn đi là một mất mát lớn, không chỉ cho nền âm nhạc nước nhà mà là còn sự mất mát nhiều mặt của nền văn hóa Việt Nam. Thương và tiếc, tiếc quá! Một mất mát lớn, rất lớn.
Anh Phạm Phú Ngọc Trai thêm một vòng thông tin: “ Nước ngoài đánh giá Trịnh Công Sơn  không chỉ là một danh nhân Việt Nam mà còn là danh nhân thế giới”. Anh Sáu trầm ngâm khẽ gật gù.
Tôi nói : “ Lúc sinh thời Sơn vắng mặt chổ này chổ kia, nhưng khi Sơn ra đi, Sơn có mặt khắp mọi nơi”. Chúng tôi đều gặp nhau trong ý nghĩ về Sơn.
Có một lần nhà thơ Nguyễn Duy nói với tôi: “ Với anh Sáu thì mình phục rồi. Riêng tôi có điều phục nữa, anh Sáu là người rất dí dỏm, người biết đùa là người trẻ, người thông minh, mình là người thích nói đùa, mà nhiều khi mình đối đáp không kịp anh ấy!”. Đúng như Nguyễn Duy nhận xét. Lần nào gặp anh, theo từng câu chuyện, lúc nào anh cũng rạng rỡ, nụ cười, giọng cười của anh như kéo mọi người gần nhau.
Buổi gặp gỡ chiều này, tôi ngồi bên anh suốt hai tiếng đồng hồ, tôi không thấy anh cười. Tôi có cảm tưởng Trịnh Công Sơn đã mang theo nụ cười của anh. Anh Sáu buồn, buồn lắm, Sơn có biết không.
5-5-2001
Nguyễn Quang Sáng .
( Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ – Nhà xuất bản Trẻ, tr. 173-175)

Lý Quý Chung, một nhà báo và là một dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày 30-4-1975 đã chính thức phô bày bộ mặt thật, có viết về hai chữ  “ gia nô” như sau:
-  Ở miền Nam trước 1975, một người chỉ cần nói đọc báo nào, nghe nhạc gì thì biết ngay người đó là ai, thái độ của người đó đối với chế độ Thiệu và người Mỹ như thế nào và thái độ của người đó đối với cuộc chiến tranh ra sao? Có báo “ gia nô” ( đó là cách gọi của người Sài Gòn trước 1975 đối với loại báo chí của chính quyền Thiệu hoặc theo phe Thiệu ).... ( TCS Một Thời Như Thế tr. 210)

Bài viết của Nguyễn Quang Sáng ghi lại nguyên nhân ra đời của hai bản nhạc  “ Em còn nhớ hay em đã quên ” và “ Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui ” . Nguyễn Quang Sáng  cho biết  anh Sáu Dân Võ Văn Kiệt chỉ mới nói vài lời mà Trịnh Công Sơn đã lãnh hội được ý của anh Sáu muốn cái gì và Sơn tự biết mình phải làm cái gì ! Nói theo cách của Lý Quý Chung, đây đúng là hành vi của một “ gia nô ”. Thiên tài âm nhạc Trịnh Công Sơn  sau 1975 đã tự biến hình thành một nhạc - nô  viết nhạc theo ý muốn  của “ trên ”  để đáp ứng cho nhu cầu tuyên truyền.

Cũng qua bài viết của Nguyễn Quang Sáng, độc giả còn được nhìn thấy cung cách và thái độ  của thiên tài âm nhạc họ Trịnh đối với  anh Sáu Dân Võ Văn Kiệt . Cái thái độ ấy phải gọi thế nào cho đúng  ? Bưng bô ? Liếm gót ? 
Riêng cái cung cách của một cán bộ tuyên truyền thì được Trịnh Công Sơn thể hiện rất rõ qua những lời sau đây : “ việc in ấn càng lúc càng khó khăn, nhất là sau khi có lệnh tịch thu của chính quyền Nguyễn văn Thiệu toàn bộ các tập ca khúc và băng nhạc của tôi .... phải rải ra trong ba bốn  nhà in khác nhau....chuyện đi đứng không phải dễ dàng.....đi từ một nhà in ở Sàigòn đến một nhà in ở vùng Chợ Lớn phải qua biết bao nhiêu là trạm xét hỏi....”

Nếu chính quyền Nguyễn văn Thiệu tịch thu toàn bộ các tập ca khúc và băng nhạc của Trịnh Công Sơn, thì chính quyền nào cấp giấy thông hành cho ca sĩ Khánh Ly sang Nhật hát bản Diễm Xưa của họ Trịnh tại hội chợ quốc tế Expo Osaka năm 1970? Chăûng lẽ đó là chính quyền Hà Nội ?
Nếu chính quyền ông Thiệu ra lệnh tịch thu toàn bộ các tập ca khúc, thì tại sao các tập ca khúc của Trịnh Công Sơn với hình bìa do Trịnh Cung, Đinh Cường vẽ, vẫn được bày bán công khai tại các nhà sách ở Sài Gòn, ai muốn mua bao nhiêu cũng có ?
Nếu chính quyền ông Thiệu tịch thu toàn bộ băng nhạc thì tại sao “ nhạc Trịnh ” vẫn vang dội tại các quán cà phê ở Sài Gòn, tại các câu lạc bộ quân trường? Khánh Ly vẫn trình diễn "nhạc Trịnh" tại Queen Bee hàng đêm, và "nhạc Trịnh" và Trịnh Công Sơn  vẫn xuất hiện tại câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc trong trại Phi Long-Tân Sơn Nhất vào mỗi cuối tuần, với sự trân trọng bao che của  Đại Tá Lưu Kim Cương và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ?

Và đây mới là chuyện lạ bốn phương : “ đi từ một nhà in ở Sài Gòn đến một nhà in ở vùng Chợ Lớn phải qua biết bao nhiêu là trạm xét hỏi ...” Đây là thời điểm nào? Trước 30 tháng 4 năm 75 hay sau ngày “ giải phóng”?
Chính quyền Thiệu đã đặt nhiều trạm kiểm soát như thế,  mà người em ruột của Trịnh Công Sơn phụ trách phần in ấn và phát hành thường lui tới ba bốn nhà in hàng ngày mà vẫn không bị cảnh sát bắt vì tội trốn lính ? 

Căn cứ vào những tài liệu “ thành văn ” và tài liệu “sống”, hầu như ai cũng biết rằng, thiên tài âm nhạc của họ Trịnh có cơ hội nẩy nở và thăng hoa là nhờ môi trường tự do, khai phóng của miền Nam dưới hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa. Chính nhờ sự rộng lượng bao dung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và sư che chở của một số sĩ quan cao cấp của QLVNCH mà họ Trịnh mới sáng tác được trên dưới 600 nhạc phẩm. Cũng chính chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã đem bài Diễm Xưa đến Hội Chợ Quốc Tế Osaka 1970 để rồi họ Trịnh mới chiếm giải nhất về Dân Ca và được người Nhật thực hiện trên đĩa vàng. Bài hát Nối Vòng Tay Lớn được sử dụng trong các buổi sinh hoạt, họp mặt của thanh niên, sinh viên .....

Tóm lại, danh vọng và tiếng tăm mà họ Trịnh có được là nhờ ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa và những sĩ quan cao cấp trong QLVNCH đã cưu mang và che chở cho họ Trịnh. Nói  một cách dễ hiểu hơn, Trịnh Công Sơn đã sống như một loại ký sinh trùng trong lòng hai chế độ Cộng Hòa miền Nam.  Ký sinh trùng như giun, sán sống trong ruột của con người, nhờ hấp thụ chất bổ dưỡng tích tụ trong ruột non của con người mà chúng nó mới sống khoẻ sống mạnh và sinh sôi nẩy nở. Thiên tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn sẽ không thể phát triển và thăng hoa nếu không ký sinh trong môi trường tự do khai phóng và nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa, cho dù đang ở trong giai đoạn chiến đấu chống xâm lăng cộng sản. Và trong lúc Trịnh Công Sơn trốn tránh trách nhiệm, sống như một loài ký sinh trùng giữa đô thị để viết những bài ca phản chiến thì hàng triệu thanh niên cùng lứa tuổi đang hy sinh xương máu tại các chiến trường miền Nam trong từng giây, từng phút.

Đúng với lẽ công bình của trời đất và lương tâm con người, Trịnh Công Sơn đã mang một món nợ rất lớn đối với những người đã chết để họ Trịnh  được hít thở không khí tự do cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những người ấy đã nằm xuống để họ Trịnh được sống, để họ Trịnh được có cơ hội nói ra những lời vô ơn bạc nghĩa và thực hiện những hành vi phản bội trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhiều người miền Nam từng coi Trịnh Công Sơn là thần tượng, từng ngưỡng mộ thiên tài âm nhạc của họ Trịnh đã ngỡ ngàng và đau đớn biết bao nhiêu khi nghe Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh kêu gọi mọi người cùng hát bài Nối Vòng Lay Lớn  để “ chào mừng cách mạng thành công ” giữa lúc Sài Gòn đang trong cơn hấp hối ! Nhiều người vẫn chưa quên giọng hát hồ hởi, tiếng vổ tay đánh nhịp dồn dập đầy sự phấn khởi của họ Trịnh trong ngày uất hận, đau thương và đen tối nhất của lịch sử dân tộc !
Trong ngày đen tối đó, họ Trịnh đã công khai bội phản những người từng cưu mang, dung dưỡng, che chở cho anh ta; minh thị phản bội những “ tấm lòng ưu ái của quần chúng đối với mình ” !
Nếu Trịnh Công Sơn không phải là một con người có tâm địa phản trắc thì Trịnh Công Sơn là con người gì? 
Hãy nghe Trịnh Công Sơn  định nghĩa: “ trốn lính là một hành động phản kháng.”
Trốn lính vào thời điểm cộng sản đang tiến chiếm miền Nam là một hành động phản kháng, vậy thì Trịnh Công Sơn muốn phản kháng ai và phản kháng điều gì? Có phải là phản kháng chế độ Việt Nam Cộng Hòa đang dung dưỡng họ Trịnh, phản kháng những nổ lực của quân dân miền Nam đang ngăn chận làn sóng đỏ để bảo vệ cơm no áo ấm cho 25 triệu đồng bào, trong đó có cá nhân  và gia đình  của Trịnh  Công Sơn ?

Thiên tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn thật ra không ai phủ nhận, nhưng cái thiên tài ấy đã phản bội chính nghĩa quốc gia, tiếp tay với chế độ phi nhân, tiếp tay với những con người không còn lương tri đã đối đãi với đồng bào ruột thịt như kẻ thù không đội chung trời; cái thiên tài ấy đã góp phần gây ra tai họa khủng khiếp cho dân tộc, đẩy đất nước xuống hố diệt vong. Vậy thì cái vòng hào quang Quốc Gia mà ai đó cố choàng cho  Trịnh Công Sơn là không có thật, không bao giờ có thật. Thật sự trong tận cùng tim đen, Trịnh Công Sơn cũng không hề muốn đội cái vòng hào quang Quốc Gia ấy.
Một lần nữa, hãy nghe họ Trịnh khẳng định chổ đứng : 
- Con kênh này sẽ kêu gọi những con kênh khác ra đời. Kênh chị, kênh em sẽ mọc lên cùng khắp để góp phần lợi ích cho những con người mới trong một thời đại mang tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam { sđd, tr.170 : Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba (1979 ) }
- Trốn lính gần như là một cái “ nghề ” đầy tính chất phiêu lưu của hàng triệu thanh niên  miền Nam lúc bấy giờ. Thái độ phản kháng ấy, dù nhìn dưới góc độ nào đó còn mang tính thụ động, vẫn phải được nhắc nhở đến như một nốt nhạc trong trẻo đã ngân lên trong một giai đoạn u ám, nhiễm độc, giữa những đô thị miền Nam.
      ( sđd,tr.180 )
Giai đoạn mà Trịch Công Sơn cho rằng “ u ám, nhiễm độc ” đó, như  đã nói ở trên, chính là giai đoạn mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang ra sức bảo vệ tự do no ấm cho 25 triệu đồng bào miền Nam, chống lại công cuộc xích hóa của CS quốc tế mà Hà Nội là tay sai. Trốn lính trong giai đoạn ấy chỉ có những loại người sau đây: hèn nhát, ích kỹ và CS nằm vùng.  
Cho rằng có “ hàng triệu thanh niên miền Nam trốn lính” vào thời bấy giờ, Trịnh Công Sơn đã mặc nhiên hòa nhịp theo cung điệu tuyên truyền của các cán bộ cộng sản, loại cán bộ đã huênh hoang “ lên lớp” những sĩ quan QL/VNCH trong các trại tù cải tạo rằng:  máy bay của ta nấp ở trên mây, đợi lúc máy bay địch xuất hiện thì bất thần bay ra nghênh chiến...
Gọi hành động trốn lính là một “ thái độ phản kháng”, Trịnh Công Sơn muốn xác định rõ ràng anh ta không phải là người Quốc Gia.
Gọi hành động trốn lính là “ một nốt nhạc trong trẻo trong giai đoạn u ám, nhiễm độc...”, Trịnh Công Sơn muốn minh định rõ “ thiên tài âm nhạc ” họ Trịnh không thuộc Việt Nam Cộng Hòa mà thuộc về  “ thời đại mang tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ”!   
Qua những tài liệu sống và những tài liệu thành văn, Trịnh Công Sơn là tổng hợp của:
- Một kẻ ích kỷ
- Một tên hèn nhát trốn lính
- Một tên nằm vùng
- Một loại ký sinh trùng
- Một kẻ phản bội
- Một tên lừa dối
- Một tên ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản

Hãy nói cho đúng nhất, Trịnh Công Sơn đã hiện nguyên hình là một tên cộng sản trong ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sau bao nhiêu năm phục vụ cho đảng cộng sản trong sự nghiệp cai trị đất nước và đọa đày dân tộc, Trịnh Công Sơn đã được đảng cộng sản VN trả công bằng cách đặt tên cho một con đường tại thành phố Huế.
Và bên cạnh Trịnh Công Sơn, còn có "những người bạn đấu tranh", cùng tư tưởng, cùng chí hướng với Trịnh Công Sơn mà Nguyễn Đắc Xuân đã đề cập kèm theo hình ảnh trong quyển sách "Trịnh Công Sơn Có Một Thời Như Thế" !
Một điều đau lòng là sau gần nửa thế kỷ, khi những tin tức, tài liệu, chứng cớ về con người thật của Trịnh Công Sơn và " những người bạn đấu tranh" của họ Trịnh đã được phơi bày ra ánh sáng, nhưng  bọn họ vẫn được một số người quốc gia ca tụng, tâng bốc là những người quốc gia yêu nước.  
Những vòng hoa, như "thiên tài nghệ thuật", "nghệ thuật vị nghệ thuật", " nghệ thuật không biên giới", "nghệ thuật phi chính trị", hay vòng hoa "quốc gia yêu nước ", vẫn được choàng lên cổ những bọn người này, chỉ vì họ xuất thân, thành danh, và tạo được sự nghiệp nhờ sống ký sinh trong thể chế Việt Nam Cộng Hòa.
Đấy chính là hành vi tiếp tay với cộng sản trong việc bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử, để bôi nhọ Việt Nam Cộng Hòa và bôi nhọ sự chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam.

Với tư cách là một công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa, và tư cách của một người cầm bút, tôi có bổn phận phải nói ra Sự Thật.
vì "Sự Thật Sẽ Giúp Các Con Được Tự Do" - Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo (John 8:32)

Nguyễn Thị Bé Bảy
Để Tưởng Niệm 30 tháng 4.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen