Tấn công tin tặc : Nguồn thu ngoại tệ hữu hiệu của Bắc Triều Tiên
Tin tặc Bắc Triều Tiên lại tấn công. Theo tiết lộ của các chuyên
gia thuộc công ty an ninh mạng Anh Quốc BAE Systems, những tin tặc
này đã suýt thành công trong việc tấn công một ngân hàng Đài
Loan.Tìm kiếm ngoại tệ dường như là một trong những động lực chính
của các tin tặc Bắc Triều Tiên vào lúc các biện pháp trừng phạt
ngày càng mạnh mẽ đang bóp nghẹt nguồn tài chính của chính quyền
Bình Nhưỡng.
Từ Seoul, thông tín viên Frederic Ojardias giải thích vụ việc:
« Vào đầu tháng 10, tin tặc Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc
ra lệnh chuyển 60 triệu đô la của ngân hàng Đài Loan Far Eastern
International, khi chúng tấn công vào hệ thống chuyển tiền ngân
hàng quốc tế SWIFT.
Vụ trấn lột tin học này đã được ngăn chặn kịp thời : ngân hàng đã
kịp hủy bỏ 99% các khoản chuyển tiền. Nhiều chuyên gia của công ty
BAE Systems khẳng định các thông tin về cách thức hành động và mã
tin học cho thấy lại một lần nữa, dường như vụ này do nhóm «
Lazarus » thực hiện.
Các hacker trong nhóm Lazarus bị cáo buộc có liên hệ với chế độ
Bình Nhưỡng. Chính những hacker này đã đánh cắp 81 triệu đô la của
ngân hàng trung ương Bangladesh hồi năm 2016 và đó là trường hợp
đánh cắp ngân hàng qua mạng đầu tiên do một Nhà nước điều phối.
Nhóm Lazarus cũng bị nghi ngờ đã tấn công, nhưng không thành, các
ngân hàng Mehicô, tại Ba Lan hoặc tại Philippines. Bắc Triều Tiên
đã liên tục khẳng định không có liên hệ với nhóm này. »
Vẫn theo Frédéric Ojardias, tấn công tin học dường như trở thành
một nguồn thu ngoại tệ mới đối với chế độ Bắc Triều Tiên.
« 6 000 hacker do Bình Nhưỡng đào tạo bị nghi ngờ đã đánh cắp hàng
chục triệu đô la, qua các vụ tấn công ngân hàng và các website cá
cược trực tuyến hoặc thông qua « ransomware », một dạng vi rút tin
học ngăn chặn máy tính của bạn hoạt động chừng nào bạn chưa trả
tiền chuộc.
Các hacker này cũng bị cáo buộc đã tấn công trong thời gian gần đây
ba wesite trao đổi tiền kỹ thuật số (tiền ảo) bitcoin của Hàn Quốc.
Báo New York Times đã đăng một phóng sự điều tra cho thấy không
phải tất cả các tin tặc này đều hoạt động từ Bắc Triều Tiên. Nhiều
kẻ trong số này hoạt động tại Trung Quốc hoặc Ấn Độ.
Theo một cựu điệp viên Anh Quốc được tờ báo trích dẫn, các vụ tấn
công tin học ngân hàng này có thể mang về cho Bình Nhưỡng mỗi năm
một tỷ đô la. Có thể thẩm định này là phóng đại vì số tiền này
tương đương một phần ba thu nhập xuất khẩu của Bắc Triều Tiên. »
Làm thế nào mà Bắc Triều Tiên lại có được khả năng tấn công tin học
dường như ngày càng tinh vi ? Frédéric Ojardias giải thích tiếp:
« Cách nay khoảng 15 năm, chính Kim Jong Il, thân phụ của lãnh đạo
Bắc Triều Tiên hiện nay đã quyết định đào tạo các đơn vị hacker
tinh nhuệ, bằng cách xác định và tuyển dụng các sinh viên có khả
năng nhất.
Tấn công tin học có nhiều điểm lợi : ít tốn kém nhưng lại có thể
gây ra những thiệt hại đáng kể cho một quốc gia thù địch, trong một
chừng mực nhất định, khó nhận diện…Và Bắc Triều Tiên lại rất ít bị
tổn thương do các cuộc tấn công tin học vì nước này ít kết nối với
mạng toàn cầu.
Khi lên nắm quyền, Kim Jong Un đã bắt đầu sử dụng đến hacker để có
được ngoại tệ, trong lúc Bắc Triều Tiên, do tiến hành chương trình
hạt nhân, ngày càng bị bóp nghẹt bởi các biện pháp trừng phạt. Do
vậy, các vụ tấn công tin học này sẽ còn tiếp tục xẩy ra. »
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen