Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) vào ngày 23 tháng 10 loan
tin dẫn lời của bí thư thành phố Tam Sa, đơn vị quản lý hành chánh
khu vực các đảo và vùng nước tại Biển Đông do Trung Quốc lập nên
trên đảo Phú Lâm, cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay có 59 đoàn du
khách Hoa Lục ra tham quan quần đảo Hoàng Sa.
Phát biểu của vị bí thư thành phố Tam Sa đưa ra bên lề Đại hội đảng
cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh. Con số 59 đoàn du khách
đi thăm Hoàng Sa như thế còn được cho biết tăng 20% cả về số đoàn
và số du khách so với năm 2016.
Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi
Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng
hơn 39 ngàn người. Mỗi tour bốn ngày- ba đêm đưa du khách đến các
đảo Áp Công (Yagong), Toàn Phú (Quanfu) và Ngân Tự (Yinyu). Hai
hoạt động dành cho khách tham quan Hoàng Sa là lễ thượng kỳ và xem
các tài liệu tuyên truyền về lòng yêu nước.
Ngoài hai hoạt động như vừa nêu là tham dự lễ chào cờ và xem tài
liệu tuyên truyền cho lòng ái quốc, du khách Hoa Lục còn được lặn
biển, thăm các làng chài địa phương.
Tàu đưa du khách đi Hoàng Sa khởi hành từ thành phố Tam Á trên đảo
Hải Nam và khi kết thúc tua cũng tại Tam Á, Hải Nam.
Bí thư Thiên Tường của đơn vị hành chánh Tam Sa còn nói rõ tua du
lịch Tây Sa ( từ mà Trung Quốc gọi Hoàng Sa) càng ngày càng trở nên
phổ biến đối với giới du khách Hoa Lục. Đây cũng là điểm thu hút
mới của ‘nền công nghiệp không khói’ tỉnh Hải Nam.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời của một nhân viên lữ hành
tại thành phố Tam Á khi chào bán tour đi Hoàng Sa rằng nước ở đó
rất sạch mà hiếm nơi nào khác ở Hoa Lục có được. Người này xác nhận
năm nay tour đi Hoàng Sa bán chạy hơn năm ngoái. Tuy nhiên, người
nhân viên lữ hành này bày tỏ sự lo ngại không rõ về khả năng phát
triển thị trường trong năm tới bởi tất cả phụ thuộc vào chính sách
của nhà nước Trung Quốc.
Đúng Kế hoạch của Trung Quốc
Chính sách đưa du khách người Hoa Lục đến thăm những đảo do Trung
Quốc quản lý tại Biển Đông được giới chuyên gia dự báo trước đây.
Theo các nhà quan sát thì chính sách này nằm trong chiến lược dài
hạn của Bắc Kinh trong việc độc chiếm Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ Việt
Nam, trong một lần nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do trong năm 2017,
nhắc lại ý đồ của Bắc Kinh đối với khu vực Biển Đông:
Có thể thấy rằng Trung Quốc là nước luôn tìm mọi cách để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông theo yêu sách đường 9 đoạn, mà chúng ta gọi là đường lưỡi bò. - TS. Trần Công Trục
“Có thể thấy rằng Trung Quốc là nước luôn tìm mọi cách để thực hiện
chiến lược độc chiếm Biển Đông theo yêu sách đường 9 đoạn, mà chúng
ta gọi là đường lưỡi bò. Họ bằng mọi thủ thuật, mọi thủ đoạn đề làm
bằng được điều đó.
Như các bạn đều biết không chỉ đối với Việt Nam họ đánh chiếm Hoàng
Sa và đánh chiếm một số thực thể tại Trường Sa; mà đối với
Philippines họ chiếm quyền kiểm soát tại Bãi cạn Scaborough. Ai
cũng biết họ sử dụng mọi thủ thuật, thủ đoạn về quân sự, ngoại
giao, gây sức ép về kinh tế…Không chỉ Việt Nam thấy mà ai cũng
thấy, thế giới cũng thấy.”
Hợp tác hình thức?
Trung Quốc tự vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền
gần đến 90% tại khu vực có tuyến đường biển quan trọng từ Ấn Độ
Dương ở phía nam qua Thái Bình Dương lên đến Bắc Á.
Vào tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế (PCA) ở La
Haye ra phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt
khúc 9 đoạn. PCA tuyên rằng đường đứt khúc để tuyên bố chủ quyền
như thế không có giá trị cả về mặt lịch sử cũng như pháp lý.
Trước thời điểm có phán quyết của PCA về đường đứt khúc 9 đoạn, Bắc
Kinh cho gấp rút bồi lấp, cải tạo 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa.
Trên những đảo nhân tạo đó, Bắc Kinh tiến hành xây dựng những cơ sở
hạ tầng mà theo hình ảnh vệ tinh ghi nhận được gồm các đường băng,
nhà chứa máy bay, các công trình kiên cố…
Thực tế cho thấy Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng những thực thể
đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và các nước khác trong khu vực. Điều
này được qui định trong Tuyên Bố Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông
(DOC) mà Bắc Kinh và các nước ASEAN ký kết vào năm 2002.
Vừa tháng 8 qua, ASEAN và Trung Quốc đạt được thống nhất về dự thảo
khung Bản Quy Tắc Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông (COC). Đây là
bước từng được đề ra từ khi ký kết DOC và các bên kỳ vọng COC mang
tính ràng buộc hơn DOC.
Bấy lâu nay Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các nước
có tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông mà thôi; tuy
nhiên vấn đề như tiến sĩ Trần Công Trục cho biết thì cả thế giới
đều quan tâm và biết rõ nên Trung Quốc gần đây dường như có thay
đổi chiến thuật.
Đề nghị hợp tác trong khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông
được đưa ra và mới nhất là chuyện diễn tập chung tại khu vực ‘nóng’
này.
Tin tức vào ngày 24 tháng 10 cho biết Trung Quốc và 10 nước thuộc
Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới có thể tiến
hành diễn tập hải quân chung theo như đề nghị từ Bắc Kinh.
Mặc dù chi tiết cụ thể của hoạt động diễn tập chung như thế chưa
được công bố; nhưng giới quan sát đều dự đoán chắc chắn sẽ gồm
những hoạt động dẫn đường, phát tín hiệu, cứu hộ- cứu nạn.
Người đứng đầu nhóm chuyên nghiên cứu toàn cầu sự vụ thuộc Đại học
Yale-NUS của Singapore, thì nói hoạt động diễn tập hải quân chung
Trung Quốc- ASEAN hẳn sẽ đưa vào thi hành Bộ Qui Tắc Ứng xử Trong
những trường hợp đối đầu không lường trước trên biển (CUES) mà các
bên đạt được vào năm 2014.
Một số nước như Singapore thì cho rằng đó là cách thức để xây dựng
lòng tin giữa các bên trong khu vực. Tuy vậy, thực tế cho thấy
Trung Quốc đã thành công phần nào trong chiến lược ‘tằm ăn dâu’ của
họ tại khu vực Biển Đông, sau khi biến quần đảo Hoàng Sa và một số
thực thể tại Trường Sa là nơi phải có phép của Trung Quốc mới được
đặt chân đến. Đơn cử như tua du lịch biển Hoàng Sa chỉ dành riêng
cho công dân Hoa Lục mà thôi.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen