Freitag, 4. November 2016

Thử chết để sống hạnh phúc

 Nguyễn thị Cỏ May
 
Nhơn mùa lễ hội ma …
Theo lịch sử, lễ hội ma đã có ở Âu châu từ thời thái cổ . Ái-nhỉ-lan phổ biến qua Mỹ và được Mỹ hưởng ứng nhiệt tình rồi từ Mỹ trở lại các nước Pháp, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Ý, …tuy bị Giáo hội Công gìáo cực kỳ lên án và cấm đoán . Gần đây, lễ hội ma qua Á châu và từ mươi năm nay, xâm nhập vào Việt nam ngày càng sôi nổi . Năm nay thì gần như ma bắt đầu xuất hiện cùng khắp, từ thành thị tới thôn quê, với rực rở y phục, các thứ phụ tùng cho lễ hội bày bán mà hơn 80% là sản phẩm của Ba chệt đưa qua, …Tuy ma là Việt nam !
Nói về ma thì ở Việt nam có lẽ chết là dễ dàng nhứt . Khỏi cần thử chết vì không lắm trường hợp cái chết xảy đến thật bất ngờ . Muốn tránh cũng không được . Ngày nay lại có thêm hiện tượng chết để mọi người thấy « Việt nam nói là làm », khẫu hiệu của giới trẻ việt nam !
Khẫu hiệu đó được khai triển rất đơn giản « Nhảy xuống sông, lấy xăng đốt lớp học, chết bằng mọi cách, … » . Ai hưởng ứng thì hảy làm ngay . Vừa loan tải trên facebook chưa quá một ngày thì đã có hằng ngàn ý kiến và hằng trăm chia sẻ . Chống đối, hoan nghênh, thách thức, sỉ nhục nếu nói mà không dám làm, … Thế là có ngay những vụ tử tử xảy ra để hùng hồn xác nhận « Việt nam nói là làm » . Không biết tuổi trẻ có ngụ ý phản ứng lại lớp cha ông cầm quyền đất nước Việt nam của họ từ hơn nửa thế kỷ nay hay không vì  những người này « chỉ có nói chớ không có làm », nếu có làm, thì « nói trắng, làm đen » . Không bao giờ họ biết lương thiện với chính họ .
Trong lúc đó, ở Đại Hàn Dân quốc, tuổi trẻ lại tự tử quá nhiều vì thấy đời sống đã cướp mất đi cái đời sống bé nhỏ mà thật của họ . Việc học, việc làm, với đời sống phải chạy theo nhịp phi mã hightech, phải thành công, phải vươn lên cao, …
Có một lớp trẻ phản ứng « Ta phải sống và sống hạnh phúc » . Thế là họ bèn chết để sống hạnh phúc . Chết mà để được sống hạnh phúc thì phải không chết chớ . Đúng vậy. Họ thử chết . Họ làm như mình chết thiệt, với tang lễ đấy đủ . Sau giây lác, họ dậy, chui ra khỏi hòm . Và quả nhiên họ cảm thấy tâm lý của họ thay đổi khá sâu sắc . Họ có cảm tưởng như bắt đầu sống đời sống mới . Ở con người mới .
Mỗi cái « thử chết » như vậy phải chi trả một số tiền . Thử chết nay đã trở thành một phong trào trẻ ở Nam Hàn . Nhiều nhà thầu làm ăn bằng dịch vụ này rất khấm khá .
Cuộc triển lãm đầu tiên

Ở Paris hồi mùa hè, có một cuộc triển lãm « đám chết » kiểu mẫu do những nhà chuyên nghiệp ma chay tổ chức qui tụ đông đảo khách thăm viếng, gồm nhiều hạng tuổi khác nhau, đều là những người ham sống và đang yêu đời .
Có những gian hàng như nhà đóng hòm(quan tài), những nhà trang điểm cho người chết, những nhà làm mộ bia, bông hoa, ảnh, tượng, tiếp đón khách phúng điếu thay tang chủ, cả các thủ tục liên quan đến đám chết, …. Khách tới xem triển lãm đều tỏ ra vui vẻ và rất quan tâm .
Có không ít người, chọn lựa cẩn thận một chiếc quan tài cho thật vừa ý, leo vào nằm thử coi có thoải mái không, cả cách tổ chức tang lễ rồi đưa lên internet . Họ cho biết làm như vậy để thật sự sống với cái chết của chính mình . Họ sẽ an tâm từ đây có thể sống bình thảng, hạnh phúc thật sự chờ một ngày kia .
Đây là cuộc triển lãm đầu tiên ở Pháp .
 
Thử chết  để tìm lại sự ham sống, yêu đời

Ai cũng biết Nam Hàn là xứ phát triển kinh tế vô cùng ngoạn mục, với thời gian kỷ lục . Vậy mà hiện nay, một phần lớn khá quan trọng trong dân chúng lại hoang mang, trầm cảm hơn bao giờ hết . Mỗi ngày, có tới 42 người tự tử làm cho Séoul trở thành thủ đô tự tử .
Hiện tượng dĩ nhiên phải đòi hỏi xuất hiện nhiều chương trình điều tra để tìm hiểu lý do . Đồng thời lại ra đời nhiều phong trào tổ chức « kinh nghiệm chết liền tại chổ » nhằm mục đích giúp dân chúng đánh giá tốt hơn, tích cực hơn đời sống của mình . Không ngờ từ phong trào này lại lần lược xuất hiện những dịch vụ quái lạ như cửa hàng tổ chức « đám chết giả » .
Những người tham dự đám chết giả - có trả tiền cho cửa hàng - được yêu cầu viết văn tế ca ngợi chính mình.
Họ bước vào nằm trong quan tài của họ, sau khi được nhà chuyên môn trang điểm, sửa thế nằm cho nghiêm chỉnh để thể nghiệm thật sự đời sống sau khi chết là thế nào .
« Thể nghiệm đám chết của mình để sống hạnh phúc hơn » ! Những nhà lảnh làm đám chết ở Nam Hàn đề nghị với khách hàng, họ tổ chức đám chết giả như thiệt để cho khách tham dự, sau khi sống qua đám chết của chính mình, sẽ bắt đầu thấy niềm vui thật sự trong đời sống thực tế của mình .
Đám chết giả, với đầy đủ phụ tùng và nghi lễ, diển ra ngoài trời hoặc trong một căn phòng trang trí đầy bông hoa . Vì số người tham dự khá đông cùng một lúc, nhiều dảy quan tài được xếp thành hàng . Người thử chết chọn tấm ảnh ăn ý nhứt của mình để làm lễ . Mặc lễ phục hẳn hoi, viết di chúc thật sự, viết thư từ biệc thân nhơn ở xa, bạn bè . Xong việc làm này, người thử chết đọc lên, lớn tiếng, những nguyện vọng cuối cùng, từ từ bước tới quan tài của mình, dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn nến, nằm duổi thẳng chơn trong quan tài . Và quan tài đậy nắp lại .
Chết thử chỉ kéo dài lối mươi phút .
Trên Đài Canal +, ông Jung Joon, Giám đốc một nhà mai táng ở Séoul, cho biết, mươi phút thử chết, khách hàng phải trả cho ông 25 đô-la . Ông giải thích ý nghĩa quan trọng của dịch vụ này là « làm cho người thử chết, sau đó, sẽ nhận thấy như được phục hồi sanh lực, yêu sống và sẳn sàng bắt đầu đời sống của mình từ con số không »
Ông Kim Hi Ho, Giám đốc Institut Happy Dying (Chết Hạnh phúc), giải thích triết lý hơn « Đây là cách để ta thiền định . Mình sẽ suy nghĩ và ý thức đời sống là thật sự đẹp » .
Có người thắc mắc nằm vào quan tài có bị ngộp, có thể chết thiệt bất thần không ? Không vì quan tài ở đây có đục nhiều lổ lớn đủ cho người thử chết thở bình thường . Nên vẫn sống nhăn .
Mỗi tháng, cửa hàng của ông nhận tổ chức cho không dưới 300 người .
Chết thử để giảm bớt tự tử

Theo những nhà kinh doanh ngành tổ chức chết thử, mục đích thật sự của họ là nhằm giúp ngăn ngừa dịch
tự tử đang xảy ra vô cùng nghiêm trọng và thảm hại ở Nam Hàn . Tỷ số tự tử, nếu đem so sánh với các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) thì cao nhứt . Vào năm 2009, cứ 100 000 người, có 33,8%, nhiều gắp đôi so với con số tự tử ở Pháp . Điều đáng ghi nhận là trong năm vừa qua, con số tự tử tăng lên gắp đôi so với mươi năm trước .
Kết quả điều tra đưa ra những lý do như sau : kỷ nghệ hóa xứ sở với mức độ quá nhanh, điều kiện làm việc quá khó khăn, áp lực xã hội lên sự thành công quá nặng . Ngoài ra còn tập trung nổ lực nâng cao sự thành công của xí nghiệp để cạnh tranh .
Đám chết giả đã thu hút hằng chục ngàn người dân Đại Hàn . Họ phần đông là sinh viên đầy năng lực hoặc những người hưu trí . Theo báo chí thì cả xí nghiệp lớn như Samsung, Huyndai Motor cũng đã ghi tên cho nhơn viên của họ thử nghiệm chương trình này . Khi xem xét lại những buổi tổ chức chết giả, xí nghiệp tổ chức  nghĩ họ sẽ cải thiện sự hiệu quả nghề nghiệp của nhơn viên của họ . Đề nghị cho nhơn viên những việc làm, những ý nghĩ hay hơn . Theo nhựt báo Le Figaro của Pháp thì dịch vụ này, tuy thấy thật quái lạ, nhưng thật sự cũng chỉ là một dịch vụ kinh doanh, như bao nhiêu việc làm hợp pháp khác . Không có gì đáng lấy làm ngạc nhiên khi người ta biết rằng chúng ta đang sống trong một xã hội bị ám ảnh bởi áp lực thành công và vượt trội .
Ở Pháp chưa có tổ chức chết giả dành cho những người thử chết để tìm lại sự ham sống, hạnh phúc của đời sống như ở Đại Hàn . Tuy nhiên khi nghe nói sự việc này xảy ra ở Đại Hàn thì nhiều người Pháp vội nhớ lại cuộc triển lảm đám chết ( Salon de la mort) tổ chức ở Paris mùa hè năm 2011 . Nhà xã hội học Tanguy Châtel trả lời báo chí « Luôn luôn có một sự thú vị hấp dẩn nào đó trong cái chết . Lúc còn nhỏ, trẻ con chơi trò tự chôn mình trong cát trên bải biển . Lớn lên chút nữa, chúng đến nghĩa địa vào đêm tối để tìm cho mình cảm giác ớn lạnh xương sống, mình mẩy nổi da gà » . Nhưng ngày nay, ông Tanguy Châtel nói tiếp « dưới ảnh hưởng của kỷ thuật cao và khoa học, người ta đẩy lui ranh giới cái chết xa hơn, gần như chối bỏ cái chết . Riêng với tôi, tôi cảm thấy điều đó như giả tạo . Bởi không thể khi nằm dài trong quan tài là tự nhiên mình sẽ thấu hiểu ngay vấn đề chết là gì » .
Một mai, một cuốc, một cần câu …
 
Xứ nghèo, người dân sống cơ cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trẻ con không có tiền đi học . Riêng Việt nam nghèo không do người dân lười biếng, ngu dốt, trẻ con không được đi học như các nước hồi giáo do chế độ chủ trương ngăn cấm sự xâm nhập nền văn hóa tây phương, mà do chế độ cộng sảnc độc tài cai trị. Trong lúc đó, xứ giàu phát triển như Nhựt bổn, Đại Hàn thì bị những tai vạ xã hội bi đác . Chưa có ở đâu con người được sống thật sự an lạc, thái bình như trong truyện thần tiên .
Vậy ta có thể trở về với triết lý kinh tế «vừa đủ » của nền văn hóa nông nghiệp của ông cha ngày xưa chăng ? Ít ra, minh còn giử được phần nào « con người thật » của mình, tức không bị vong thân trong xã hội mà con người phải làm việc quần quật như trâu bò, mà ngày cũng chỉ ăn 3 bửa, do cái vòng bất tận « sản xuất để tiêu thụ, tiêu thụ kích thích sản xuất » :
 
« Một mai, một cuốc, một cần câu ,» ! …(Nguyễn Bĩnh Khiêm, « Nhàn », Bạch Vân Quốc âm thi tập) .
 
Nguyễn thị Cỏ May

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen