Trọng Đức
Với sự hỗ trợ không mệt mỏi của đội quân đông đảo gồm vợ chồng đương kim Tổng thống Obama cùng người chồng là cựu tổng thống Bill Clinton, sự ủng hộ của hầu hết giới tinh hoa, tài phiệt kinh tế, ngôi sao truyền hình, nghệ sĩ nổi tiếng, bà Hillary đáng lẽ ra phải có một chiến thắng dễ dàng. Nhưng tại sao người Mỹ lại chọn một người “ngoa ngôn” như Donald Trump? Đó phải chăng là vì nước Mỹ chính là nước Mỹ?
Donald Trump, tổng thống tân cử thứ 45 của Hoa Kỳ
Tính đến thời điểm này (10/11) Hillary Clinton đạt 47,7% số phiếu bầu trên toàn nước Mỹ, (còn 3 bang chưa kiểm xong phiếu) dẫn trước về phổ thông đầu phiếu so với Donald Trump (47,5%), nhưng thua về số phiếu Đại cử tri. Ở một quốc gia khác, Clinton có thể đã giành chiến thắng. Nhưng tại Mỹ, dưới hệ thống Đại cử tri đoàn thì bà đã thất bại trước Trump.
Đây là hệ thống bầu cử độc đáo nhất thế giới, hình thành từ hàng trăm năm qua từ thời lập quốc. Đại cử tri đoàn được áp dụng để ngăn chặn sự “độc tài của số đông” tại Hoa Kỳ. Hệ thống này đảm bảo sự công bằng giữa các bang lớn nhỏ và bắt buộc những người muốn nắm được quyền lực phải để ý đến tất cả các tiểu bang và do đó phải quan tâm đến tiếng nói của mọi khu vực, vùng miền trên đất nước.
Hầu hết người Mỹ đều tôn trọng và tự hào về hệ thống này. Cho dù không thích thất bại đến đâu, bà Clinton không thể dùng ưu thế của mình về phổ thông đầu phiếu làm lý do ca thán. Bà đã chấp nhận thất bại như một người Mỹ thực sự.
Thất bại của truyền thông chính thống
Truyền thông dòng chính trong nỗ lực dắt mũi cử tri Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Sự lên ngôi của truyền thông xã hội đã trợ giúp Trump đắc lực. Donald Trump có hơn 13,5 triệu người theo dõi trên Facebook, so với Clinton chỉ có hơn 9 triệu người. Twitter của Trump có hơn 14 triệu follower, còn Clinton chỉ có gần 11 triệu.
Truyền thông dòng chính hoàn toàn đứng về phía Clinton. Những hãng thông tấn danh tiếng như New York Times, CNN, Washington Post, ABC News … đồng loạt ra bài chung một giọng điệu: nâng Clinton, dìm Trump. Nhưng đội quân hùng hậu này phải trả giá vì đánh giá thấp sức mạnh của truyền thông đại chúng và sự tỉnh táo của người Mỹ.
Donald Trump cũng khôn ngoan dùng truyền thông đại chúng để cân bằng lại sự thiếu hụt khi bị giới truyền thông đả kích. Bằng việc miệt mài đi diễn thuyết khắp nước Mỹ nói chuyện, phát biểu hàng giờ đồng hồ, ông thu hút được lượng người ủng hộ trung thực và chân thành, những người nhìn thấy ông với một hình ảnh hoàn chỉnh, chứ không phải chỉ là kẻ lộng ngôn, ngu dốt, hay độc tài phân biệt chủng tộc như truyền thông chính thống thêu dệt.
Trong khi bà Clinton ngồi trong phòng máy lạnh trau chuốt từng từ ngữ cho những bài diễn văn hào nhoáng, thì ông Trump tạo được hình ảnh gần dân bằng quá trình đi tiếp xúc cử tri không mệt mỏi. Chính ông và đội vận động của ông tạo ra phong trào phản đối truyền thông dòng chính tại Mỹ. Các bài phát biểu của ông được phát trực tiếp trên facebook hoặc youtube. Các bài viết, đường lối tranh cử sắc sảo, cam kết chính sách tận tâm và kế hoạch tỉ mỉ xây dựng, tái thiết nước Mỹ của Trump cũng được trình bày rõ ràng trên các các trang cá nhân hay tổ chức tranh cử của ông, bất kỳ ai nếu muốn cũng có thể dễ dàng truy cập. Ông cũng dùng quyền lực mềm của truyền thông xã hội để đảm bảo cử tri Mỹ nhìn rõ điều này.
Trong khi đó, các hãng truyền thông lớn của Mỹ thì cắt gọt từ ngữ, không hề chú trọng vào chính sách tranh cử quan trọng mà ông Trump đề ra, chỉ tập trung toàn lực vào phê bình thiếu sót trong tính cách, những scandal quá khứ, hoặc trích dẫn những phát ngôn có khả năng gây phản cảm.
Đây cũng là lý do tại sao người dân châu Âu và thế giới lại bàng hoàng đến vậy trước tin Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Toàn bộ những gì người châu Âu biết được về Trump hay Clinton đến từ những trang báo một chiều, đã bỏ nguyên tắc trung lập của mình mà ma quỷ hoá Trump. Còn những người Mỹ trong cuộc, những người thực sự bỏ công sức tìm hiểu, họ chứng kiến rõ nhất toàn bộ sự thiên vị của truyền thông chính thống.
Thế hệ người Mỹ trung niên
Một tờ báo đã chạy tít bài “Nếu chỉ để những người trẻ tuổi bầu cử, thì bà Clinton đã chiến thắng vang dội!”. Sắc xanh (đại diện cho bà Clinton) phủ gần như hết bản đồ bầu cử của cả 50 bang của Mỹ khi làm thuật toán lọc độ tuổi. Chiến thắng của Trump là do sự lựa chọn của những người Mỹ trung niên trở lên. Những người này sinh ra trước thời của những chiếc Iphone, Ipad, trước khi những ngôi sao truyền hình ăn mặc loè loẹt, trước những bài hát ngôn từ sáo rỗng nhưng lại thu hút hàng ngàn đám trẻ thiếu niên đến kêu gào.
Họ là nhóm người sâu sắc, kiên nhẫn, chăm chỉ, là rường cột của nước Mỹ, khác với thế hệ trẻ hiện nay, phần lớn ham vui, hằng ngày chỉ cắm mặt vào iPhone nên dễ bị truyền thông dắt mũi. Họ đã từng chứng kiến nước Mỹ bước lên đỉnh cao thế giới, một nước Mỹ thét ra lửa, một nước Mỹ chiến thắng Thế chiến II, hạ gục Liên Xô, một nước Mỹ đứng đầu trong mọi liên minh và là chỗ dựa vững chắc cho bất kỳ đồng minh quốc tế. Họ cũng là thế hệ đau đớn khi phải chứng kiến một tổng thống Dân chủ như Obama đi xin lỗi khắp thế giới, một tổng thống để Trung Quốc dùng làm đối tượng làm trò cười tại hội nghị Bắc Kinh, hay sự nhục nhã khi thấy hải quân của họ quỳ mọt dưới chân quân đội Iran, rồi sau đó phải dùng trực thăng tải tiền trả tiền chuộc người cho nhà nước tài trợ khủng bố. Với những người này, không một sự tinh ranh dắt mũi của truyền thông nào hiệu quả. Họ chọn Trump vì không muốn tiếp tục có 4 năm giống như hai nhiệm kỳ vừa qua dưới chính quyền Obama.
Hơn nữa, đây là những người chăm chỉ, sẵn sàng xếp hàng dài từ sáng tinh mơ để đi bỏ phiếu. Họ ý thức rõ ràng hơn trách nhiệm của mình với lá phiếu, với nền dân chủ quốc gia. Còn những người trẻ, dẫu ủng hộ Clinton nhưng những thú vui bên ngoài lại thu hút họ hơn là việc phải trải qua gần chục giờ hồ xếp hàng tới hòm phiếu.
Người Mỹ không thích Obama
Barack Obama là một vị tổng thống đáng kính trọng. Ông cũng là người được người dân trên khắp thế giới ưa thích, nhưng phần lớn người Mỹ lại không ưa ông. Các chương trình tài trợ làm đẹp lòng thế giới của ông khiến người Mỹ tốn quá nhiều tiền. Núi nợ công của Mỹ đã đội trần dưới thời Obama. Các chính sách cánh tả như bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân Obamacare làm cho nhiều người phát điên vì bị tước mất tự do lựa chọn, đồng thời quỹ này liên tục vỡ nợ đẩy phí bảo hiểm tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Rốt cuộc người nghèo mới là những người bị tổn hại nhiều nhất. Chính sách nhân đạo của Obama khi nhận hàng vạn người tị nạn từ những vùng có nguy cơ khủng bố cao mà không cách nào kiểm tra lý lịch được đặt an nguy nước Mỹ vào tình trạng hiểm nguy. Các hiệp định thương mại quốc tế mà ông đề xuất bị chê trách là sẽ khiến nước ngoài lợi dụng, ăn cắp việc làm của hàng triệu dân Mỹ đang thất nghiệp.
Sự yếu đuối trong các chính sách ngoại giao, chẳng hạn liên tục để Nga và Syria qua mặt trên mặt trận Trung Đông, hay sự bất lực trước Trung Quốc ghìm tỷ giá hối đoái, thu lợi trên mồ hôi của người lao động Mỹ cũng khiến ông bị chê trách tại quốc nội. Ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ với lưỡng viện do đảng Dân chủ chiếm thế đa số, nhưng khi rời đi thì quốc hội chịu sự kiểm soát hoàn toàn của đảng Cộng hoà đối lập. Điều này cho thấy trong phần lớn các bang của Mỹ, người dân đã từ bỏ chính sách cánh tả của đảng Dân chủ.
Trong khi đó, sự ủng hộ hết mình của Obama thành ra lại là một bất lợi cho bà Clinton. Người ta thấy rằng bà này không là gì ngoài cái bóng nối dài tiếp 4 năm của Obama và đã từ chối điều đó.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Trí Thức VN.
Posted by: Mike Duong <nguoidichinhchien269@yahoo.com>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen