Montag, 7. November 2016

Miền Nam và chị ôm nhau chết

Về nhà văn Phùng Thăng (Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng)
….Có phải khi dốc tâm dịch Kẻ lạ ở thiên đường, chị đã dọn sẵn cho mình môt nỗi hành hình đau đớn nhất, thảm khốc nhất. Cho những ngọn lửa hỏa thiêu tác phẩm chị, cho những kẻ muốn tiếm đoạt tên tuổi chị, ác tâm với chị, phê bình chỉ trích chị. Và cho cả miền Nam sau năm 1975 mà chị đã vì nó phải chịu thảm tử…..
I. TIỂU SỬ
Phùng Thăng (1943-1975)
qua nét vẽ Đinh Cường
Phùng Thăng (PT) tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng sinh ngày 09.10.1943 (Quý Mùi) tại Huế. Là út trong một gia đình gồm 6 anh chị em. Chị của Phùng Thăng là Phùng Khánh, tức là sư bà Trí Hải. Sư bà Trí Hải tử nạn vào ngày 7-12-2003 trong một tai nạn giao thông, thọ 66 tuổi.
Gia đình Phùng Thăng là một gia đình hoàng tộc và rất mộ đạo Phật. Thân phụ của PT là cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều, cháu nội của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh, tinh thông chữ Pháp và chữ Hán. Cụ nguyên là giáo sư Hán văn tại trường Pétrus Ký vào những năm 50.
Tuổi thơ của PT lớn lên tại Vỹ Dạ. Vỹ Dạ là nơi mà Hàn Mặc Tử đã đưa vào một huyền thoại:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
PT học tiểu học tại trường Thế Dạ. Lên trung học, học những năm đầu tại trường Trần Hưng Đạo – Đà Lạt (1), sau đó chuyển ra học tiếp ở trường Đồng Khánh – Huế. Năm 1960, vì Đồng Khánh không có Đệ Nhất nên PT phải chuyển qua Quốc Học. PT học ban C tức là ban văn chương… Một người bạn học là Thái Kim Lan – một dịch giả quen thuộc sau này – từng có kỷ niệm về PT như sau:
Phùng Thăng là bạn cùng lớp đệ nhất C tại trường Quốc Học của tôi. Phùng Thăng hay bím tóc thành hai con rít hai bên, dáng cao gầy thanh thoát trong áo dài, gương mặt đẹp thanh tú như một tiên cô, rất ít nói, học rất giỏi, nhất là môn Triết và Văn chương.
Tôi còn nhớ, đã giật mình khi nghe bài luận văn về Triết học Đông phương của chị, và đã thầm nghĩ, “người ni thật là trí tuệ và tài hoa”. Chị Phùng Thăng tỏ ra rất thông hiểu triết học Ấn Độ làm cho kẻ thời ấy còn háo thắng theo phong trào triết học Tây phương là tôi ngạc nhiên và nể vì. Mãi về sau, trở về với triết học Đông phương và Phật giáo, tôi mới biết mình đã thua xa các chị về kiến thức Đông phương. Các chị đã thức thời đi trước. [2]
Phùng Thăng học Đại Học Văn Khoa – Huế, ban Triết.
Luận án ra trường của chị là Chỉnh lý tư tưởng Tây Phương. Năm 1966, PT trở thành một giáo sư Triết tại trường trung học Trần Quý Cáp – Hội An, lúc chị mới 23 tuổi.
PT dạy một năm tại Hội An. Sau đó vì không chịu nổi không khí chính trị ngột ngạt ở địa phương nên chị và phu quân là ông Trần Xuân Kiêm – nguyên là cựu chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Huế và đoàn trưởng Phật tử trong thời kỳ Phật giáo tranh đấu – phải rời bỏ Hội An lên nương thân ở tận Di Linh. Ở đây chị là một giáo sư Anh văn của trường Trung Học Nông Lâm Sức Bảo Lộc… (3)
Sau đó, chị và Trần Xuân Kiêm chia tay. Trần Xuân Kiêm trở thành Chơn Hạnh, và Phùng Thăng trở thành Huệ Minh. (4)
Chị mang con gái trở lại Saigon. Ở đây chị là “single mom”, sống một cuộc sống khó khăn vất vả. Bạn bè đều nghĩ là “Những ruồi” của J. P. Sartre là dịch phẩm cuối cùng của chị, tuy nhiên chị vẫn tiếp tục âm thầm làm việc.
Năm 1973, chị cho ra đời một tác phẩm dịch thuật của Simone Weil mà tựa đề do chị tự chọn. Đó là “Kẻ lạ ở thiên đường”, mà trong phần giới thiệu, hình như chị bày tỏ tất cả nỗi lòng của chị:
Qua toàn thể văn phẩm, tâm hồn Simone Weil vẫn là một tâm hồn quằn quại cô đơn nhưng rất sáng suốt trong công cuộc đi tìm một Quê Hương tâm linh đích thực cho mình.
Đầu tháng 5, 1975, chị dẫn con gái (bấy giờ mới 9 tuổi) tìm đường vượt biên. Chị theo ghe ra đảo Thổ Chu thuộc xã Nam Du với hy vọng được tàu Mỹ đón. Nhưng quá trễ. Quân Pol Pot lợi dụng lúc đảo không còn có chánh quyền, tấn công chiếm đảo vào ngày 10 tháng 5, lùa theo 515 người giải về đất Kampuchea trong số đó có một số người vượt biển.
Kể từ đó, và mãi đến bây giờ, gia đình chị không còn nghe gì đến tin tức của chị nữa. Chị và con gái được xem như mất tích hẳn.
Riêng về phía thân nhân của chị, sau một thời gian dài cố tìm tông tích PT nhưng không thành, gia đình chỉ còn cách là dựa vào lời đoán của thầy “ngoại cảm”. Họ lấy ngày 10 tháng 6 năm Ất Mão (1975) làm ngày giỗ mẹ con chị. (Xin đọc bài Tìm Dấu Phùng Thăng).
Hiện di ảnh mẹ con chị được đặt tại chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận – Gia Định.
Nếu chúng ta tin mỗi cuộc đời đều gắn liền với cái nghiệp phải trả, thì rõ ràng cái nghiệp mà PT phải trả này quả thật quá khủng khiếp. Quá kinh hoàng.
Chị chết lúc mới 32 tuổi. Con gái chị là Trần Nguyễn Thường Nga tức bé Tiểu Phượng chết lúc cháu mới 9 tuổi.
Chị mất đi để lại một di sản văn học giá trị sau đây:
Dịch phẩm:
1) Hermann Hesse: Câu chuyện dòng sông, Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch. Lá Bối xuất bản lần 1 (1965), lần 2 (1966); An Tiêm xuất bản lần 3 (1967).
2) William Barrett: Thiền với người Tây phương. Tạp chí Tư Tưởng, Viện Đại học Vạn Hạnh, số 1- 1967, số chuyên đề Thiền và Trung Quán luận, tt. ll9-138.
3) Alan Watts: Thiền Beat, Thiền Square, và Thiền hay Thiền nổi loạn, và Thiền bảo thủ. Tạp chí Tư Tưởng, Viện Đại học Vạn Hạnh, số 1-1967, số chuyên đề Thiền và Trung Quán luận, tt. l39-l56.
4) Jean-Paul Sartre: Những Ruồi. Nhà xb Thanh Hiên, năm 1967.
5) Jean-Paul Sartre: Buồn Nôn. Nhà xb An Tiêm, năm 1967.
6) Hermann Hesse: Sói đồng hoang. Phùng Thăng và Chơn Hạnh dịch. Nhà xb Ca Dao, 1969.
7) Tuệ Không: Vang bóng Nguyễn Du. Tạp chí Tư Tưởng, Viện Đại học Vạn Hạnh, số 8 tháng 12-1970, số Chuyên đề về Nguyễn Du, tt. 19-21.
8) Simone Weil: Kẻ lạ ở Thiên đường, An Tiêm xuất bản năm 1973.
Bản thảo bị mất:
9) Thế giới Thiền (The World of Zen) edited by Nancy Wilson Ross, New York 1960, do Nhà xb Thanh Hiên. [Bị mất bản thảo sau biến cố Mậu Thân].
10) Theo dấu tình yêu (Tác phẩm luận đề).
11) Chỉnh lý tư tưởng Tây phương (tác phẩm luận đề – luận án tốt nghiệp).
12) Thư cho Tiểu Phượng – Tuyển tập nhiều người viết: Linh Thoại, Phùng Thăng, Nhất Kiếm, Thiên Tứ._______________
(*) theo ý thơ Nguyễn Đức Sơn:
Rừng và chị ôm nhau chết
23-03-2014 | VĂN HỌC Viết Về Phùng Thăng TRẦN HOÀI THƯ. Tìm Dấu Phùng Thăng (Trần Hoài Thư) Tiểu Sử. Phùng Thăng (1943-1975)
 [1] Nguyễn thị Ngọc Dung: Đà Lạt, Nhớ… nguồn: Internet.
[2] Thái Kim Lan: Câu chuyện dòng sông và dịch giả Phùng Khánh, nguồn. Internet.
[3] Nguồn: Trang mạng Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
[4] Trước đó pháp danh và cũng là bút danh của PT là Tuệ Không, được ký dưới một số bài viết, ví dụ: Vang bóng Nguyễn Du. Tạp chí Tư Tưởng, Viện Đại Vạn Hạnh, số 8 tháng 12- 1970, số Chuyên đề về Nguvễn Du, tt. 19-21.
Nhưng bút danh này lại trùng hợp với pháp danh và cũng là bút danh của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Sự trùng hợp này khiến những bài viết của PT ký dưới bút hiệu Tuệ Không cho đến nay vẫn bị nhầm là của Tuệ Không Phạm Thiên Thư!
______________________________ ______
II. TÌM  DẤU PHÙNG THĂNG
Từ thầy Chiêm đến một bài ký sự
Phùng Thăng và Tiểu Phượng – Blao 1968
 Trên phả hệ của ông Trần Xuân Kiêm: Phùng Thăng sinh ngày 9-10-1943 (Quý Mùi) và mất ngày 10 tháng 6 năm Ất Mão (nhằm ngày 18-7-1975 – chú thích của TQBT) tại Kampuchea. Có nghĩa là chị dẫn con gái đi vượt biên và bị cáp duồn. Qua một bài ký sự quan đề “Về Miền Tây” của Nguyễn Đạt trên báo Người Việt, có một đoạn liên quan đến cái chết này: Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng (em ruột ni sư Trí Hải – Phùng Khánh, đã mất vì tai nạn giao thông, dòng dõi Tùng Thiện Vương), cùng một người con và nhiều người Việt Nam khác, bị Khmer Đỏ “cáp duồn” từ đảo Nam Du (thuộc Kiên Giang), mang về Kampuchea bắt đi lao động khổ sai ở công-nông-trường, cả hai mẹ con chết tại đó. Thời điểm ấy cũng có nhiều du khách Việt kiều hôm nay, vượt biển từ Kiên Giang đi tìm tự do.
Một câu hỏi là làm sao gia đình lại biết được chính xác về ngày chết của mẹ con Phùng Thăng, trong khi tất cả 515 người này đều bị mất tích? Câu hỏi này, chúng tôi nhờ một thân hữu chuyển đến một người thân của Phùng Thăng.
Tại sao? Đây là lời giải thích của người thân của Phùng Thăng:
Sau nhiều năm bặt tin, không có tin nào biết đích xác về hai mẹ con. Năm 1981, Trần Xuân Kiêm nhờ một cô bạn tên Hoa lên Đàlạt hỏi Thầy Chiêm.
(Thầy Chiêm là ông Thầy nổi tiếng tại Đàlạt về tướng số, mách bảo cho biết những điều dưới Cõi Âm, người ta nói ông có thờ Ma Xó.)
Và không phải ai đến ông cũng tiếp và coi. Có lần Trần Xuân Kiêm và Trịnh Công Sơn lên coi. Ông chỉ coi cho Sơn về căn nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ – Huế, mà không coi cho Trần Xuân Kiêm. Nên Kiêm phải nhờ cô Hoa lên coi ông Chiêm vào năm 1981 trước khi cô ấy đi Mỹ.
Cô Hoa ngồi chờ trước cửa nhà ông Chiêm khá lâu, không thấy ai ra tiếp, bỏ đi, thì có cậu con trai ra kêu lại, mời vô ông Thầy Chiêm tiếp.
Cô Hoa nói, sắp đi Mỹ, muốn biết tin một cô bạn sinh năm Quý Mùi (tuổi Phùng Thăng) vượt biên và không thấy tin. Ông nói ngay: “Không phải chết vượt biên trên biển mà chết tập thể cùng với con gái và một nguời cháu nữa (con ông anh ruột Phùng Thăng là Bửu Vụ). Cô Hoa hết hồn. Ông còn nói bị đập đầu vào gốc cây mà chết… khoảng 10 tháng 6 âm lịch. Nên cô Trí Hải nói lấy ngày ấy làm ngày giỗ Phùng Thăng…
… Như vậy, ngày chết của mẹ con chị Phùng Thăng không dựa vào sự thật mà chỉ dựa vào lời của một thầy “ngoại cảm”. Lấy gì để kiểm chứng cho những lời của thầy Chiêm là đúng? Vậy đó. Tôi mệt lả đi tìm lý lịch tiểu sử Phùng Thăng giữa cõi ảo. Người thân của Phùng Thăng còn chịu thua thì huống gì là tôi – một kẻ xa lạ. Chỉ có người biết rõ là ông Nguyễn văn Linh và ông Phạm văn Trà – tướng chỉ huy QK4 CS và cấp lãnh đạo đảng CSVN. Họ có thể cứu sống 515 người này nếu họ thực tâm muốn cứu. Xin đọc một đoạn hồi ký của một cựu đại sứ Việt Nam tại Cao Miên sau 1975:
Ngày 4/5/1975, một tiểu đoàn CPC (tức Khmer Rouge – tòa soạn ghi chú) đổ bộ lên đảo Phú Quốc.
Ngày 8/5/1975, lực lượng Pol Pot tiến công nhiều địa phương thuộc tỉnh Hà Tiên và Tây Ninh.
Ngày 10/5/1975, lưc lượng Pol Pot tiến công dảo Thổ Chu của Việt Nam và bắt đi 515 dân trên đảo. Thưc hiện quyền tự vệ của mình, quân đội ta đã đánh trả và truy kích chúng đến tận nơi xuất phát là đảo Wai, bắt giữ một số tù binh.
Ngày 2/6/1975, đ/c Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) đi Phnom Penh gặp Pol Pot, Nuon Chea và Ieng Sary.
Ngày 12/6/1975, Pol Pot thăm bí mật Hà Nội, cho việc họ tấn công đảo Thổ Chu là do “không rành địa lý”, đề nghị ký Hiệp ước hòa bình hữu nghị nhưng lờ đi đề nghị của ta về đàm phán ký Hiệp ước biên giới.
Ngày 3/7/1975, đ/c Nguyễn Văn Linh gặp lại Nuon Chea ở Phnom Penh và ngày 10/8/1975, đ/c Nguyễn Văn Linh một lần nữa đi Svay Rieng gặp Nuon Chea để xủ lý vụ đảo Wai và về quan hệ hai nước, ta đồng ý trao trả số tù binh CPC (800 lính) bị ta bắt ở đảo Wai nhưng phía họ vẫn không trao trả cho ta 515 dân bị bắt ở Thổ Chu. [l]
Mãi đến tháng 1.2014, nhà báo Bùi Văn Bồng mới phanh phui ra sự thật về số phận của 515 người này qua một bài ký sự nhiều kỳ trên báo Tuổi Trẻ mạng. Bài báo đã trả lời những gì tôi thắc mắc. Và thêm một lần chứng tỏ là lời của thầy Chiêm là đúng.
Bài báo viết về một hòn đảo mang tên là Koh Tang, nơi bọn Pol Pot mang 515 người Việt đến giam giữ. Chúng tôi xin mạn phép trích đăng một đoạn dưới tiêu đề:
Những tấm căn cước trên đảo Koh Tang
– Anh đi với tôi! – đột nhiên đảo trưởng Đức quay lại và nói, giọng gấp gáp.
-Đi đâu anh?
Cứ đi. Rồi anh sẽ thấy thêm nhiều chứng tích…
Anh chỉ một ngôi mộ nhỏ:
Đây là mộ của hai mẹ con xấu số. Khi ra đảo, anh em đào công sự phát hiện ra. Chúng chỉ vùi cát sơ sài. Chúng trói chặt đứa trẻ vào mẹ. Người mẹ và đứa trẻ bị đập vỡ sọ. Có lẽ chúng giết hồi cuối năm 1978 cho nên tháng 1-1979, anh em bới lên thấy xác họ thịt chưa rữa hết. Trong túi áo người mẹ còn tấm thẻ căn cước đề: Nguyễn Thị Tua, 29 tuổi, ở đảo Thổ Chu, do chính quyền Sài Gòn cấp ngày 20-2-1968…
Chúng tôi đi qua khỏi vườn dừa, vòng ra bãi biển. Ven bờ cát có một cây dương cao vút đứng chơ vơ. Xung quanh có cây mọc rậm rạp.
– Anh nhìn lên cây dương, có thấy gì không? – anh Đức hỏi.
– Một đoạn dây!
Rồi tôi thấy gai người, thốt lên:
– Một đoạn dây thòng lọng.
Anh Đức giải thích:
– Đúng vậy. Đây là nơi chúng hành hình đồng bào ta. Khi mới lên đảo, dưới gốc cây nhẵn thín, hàng trăm dấu chân đè lên nhau. Xung quanh gốc cây chúng còn vứt rải rác gậy, dây trói, búa, dao quắm. Khi ấy anh em còn thấy máu đọng khô lại.
Chúng tôi qua bãi lau rậm, đi trên chiếc cầu gỗ bắc qua hồ nước rồi vòng ra chân đồi. Ở đây có những căn nhà lợp ngói. Một kiểu nhà sàn bốn mái, xung quanh lát gỗ, cầu thang bằng xi măng. Kiểu nhà này là nguyên dạng cấu trúc nhà ở mà người ta thường thấy ở Trung Quốc.
– Đây là nhà của các cố vấn Trung Quốc.
Sao anh biết?
– Biết chứ! Giấy tờ, tư trang và cả thư của họ để lại mà.
Phía trước căn nhà sàn bốn mái ấy là một dãy hầm bê-tông nửa mái nổi. Dãy hầm này mới xây xong khoảng năm 1978, rêu phủ một lớp xanh sẫm ở bậc lên xuống.
Chui vào hầm còn thoáng mùi vôi vữa. Dãy hầm có bốn ngăn. Mỗi ngăn chứa gần 10 người. Ngăn nào cũng có lỗ châu mai hướng ra biển.
Trong số giấy căn cước đã nhàu nát, mối xông, thấm nước, vứt rải rác quanh khu nhà bốn mái này, tôi còn đọc được những địa danh, phần lớn là Thổ Chu, những căn cước khác có ghi rõ quê quán nạn nhân ở Chợ Lớn, Biên Hòa, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Vinh…
Khi sáng, ở ven chân đảo phía đông, tôi còn thấy những chiếc tàu đánh cá loại vừa và nhỏ đã bị hỏng. Có con tàu gối lên bờ cát, cái thì nằm chềnh ềnh giữa lối đi, có cái nửa chìm nửa nổi. Môt mảnh ván bị sóng đánh tung lên bờ từ khi nào khô cong, mốc thếch, nứt nẻ.
Môt chiếc tàu có mấy chữ số kẻ sơn còn đọc được: KG13…, mấy chữ số tiếp theo bị bong hết sơn. À, bọn diệt chủng Pol Pot chẳng những bắt hơn 500 người dân đảo Thổ Chu về đây, mà chúng còn bắt cóc tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam đang làm nghề trên biển.
Bao nhiêu ngưòi già, đàn bà, trẻ em? Bao nhiêu người bị đánh đập tàn nhẫn rồi bị chết vùi thân dưới những gốc dừa kia? Chẳng ai trả lời được những câu hỏi ấy. [2]
Bây giờ, chị Phùng Thăng khỏi cần chọn địa ngục thật như Simone Weil đã chọn. Và cháu Thường Nga cũng vì không muốn xa mẹ nên cũng ở chung với mẹ không rời. Có phải khi dốc tâm dịch Kẻ lạ ở thiên đường, chị đã dọn sẵn cho mình môt nỗi hành hình đau đớn nhất, thảm khốc nhất. Cho những ngọn lửa hỏa thiêu tác phẩm chị, cho những kẻ muốn tiếm đoạt tên tuổi chị, ác tâm với chị, phê bình chỉ trích chị. Và cho cả miền Nam sau năm 1975 mà chị đã vì nó phải chịu thảm tử.
Rõ ràng miền Nam và chị ôm nhau mà chết.
Chị và con ôm nhau mà chết…

Trần Hoài Thư

(Thư Quán Bản Thảo số 59, Tháng 3-2014)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen