Freitag, 14. Oktober 2016

Quốc vương Thái Lan Bhumibol qua đời

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161013-quoc-vuong-thai-lan-bhumibol-adulyadej-qua-doi

Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, ảnh chụp năm 2010.REUTERS/Damir Sagolj/File Photo
Chiều tối ngày hôm nay, 13/102/016, Hoàng cung Thái Lan đã phát đi cáo phó vua Bhumibol Adulyadej đã tạ thế "thanh thản" tại bệnh viện Siriraj, Bangkok, hưởng thọ 88 tuổi, sau một thời gian dài điều trị vì sức khỏe suy yếu. Thủ tướng Thái Lan cũng vừa ra thông báo quốc tang nhà vua kéo dài trong một năm.
Với hơn 70 năm trên ngai vàng Vương quốc Thái Lan, vua Bhumibol Adulyadej không chỉ là một trong những vị quân vương trị vì lâu nhất thế giới, mà ông còn là một vị vua được người dân Thái Lan hết sức kính yêu, được tôn sùng như thánh sống. Với giới chính trị, dù thuộc đảng phái nào hay thuộc quân đội, cảnh sát, nhà vua Thái Lan đã tạo được một uy quyền gần như tuyệt đối, khiến tất cả phải nể trọng nghe theo.
Sinh ngày 5/12/1927, tại Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ, vua Bhumibol Adulyadej, thuộc dòng dõi triều đại Rama V, đến đóng đô ở Bangkok từ năm 1782. Ông đã được chỉ định làm vua vào năm 1946 sau khi người anh trai của ông là vua Ananda Mahidol qua đời. Nhưng vì đang dang dở chuyện học hành, phải đợi đến ngày 5/5/1950, vua Bhumibol mới chính thức đăng quang. Sinh ra ở nước ngoài và phần lớn thời niên thiếu sống và học tập ở phương tây, Bhumibol là một vị vua thông minh, ham học hỏi, đã tích lũy được những tinh hoa của các nền văn minh thế giới.
Dù theo học ngành khoa học chính trị và luật ở Thụy Sĩ, tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Pháp, nhưng vua Thái Lan lại là người nhận được nhiều bằng sáng chế kỹ thuật. Đó cũng là kết quả từ những trăn trở lo âu cho cuộc sống khó khăn của người dân Thái Lan, đặc biệt ở vùng nông thôn.
Vị vua nhân ái thương dân
Là người học rộng, năng nổ có lòng nhân ái, ngay từ những ngày đầu trị vì vương quốc, nhà vua Bhumibol đã thường xuyên đến với những vùng hẻo lánh xa xôi để thị sát đời sống thực tế của người dân.
Từ những chuyến đi đó, ông đã lập ra nhiều dự án của hoàng gia giúp người dân nghèo khó vùng nông thôn cải thiện cuộc sống. Vua Bhumibol đã sử dụng khối tài sản lớn của mình để chi phí cho không ít các đề án phát triển đất nước. Bởi thế mà người dân Thái Lan hết sức biết ơn, đến độ tôn thờ ông như thánh sống.
Tiếng nói uy quyền với chính giới
Từ năm 1932, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang thể chế quân chủ đại nghị. Quốc vương trên nguyên tắc chỉ giữ vai trò biểu tượng, không can thiệp vào chính trường cũng như công việc điều hành đất nước. Trong những tình huống hệ trọng của đất nước, vua Bhumibol đã chứng tỏ là một chính trị gia nhạy cảm, sắc sảo, được các đảng phái, quân đội cũng như cảnh sát lắng nghe và tuân thủ. Với uy quyền của mình, nhà vua đã không ít lần cho những ý kiến quyết định để giải tỏa những đợt khủng hoảng chính trị, đưa đất nước thoát khỏi hỗn loạn bạo lực.
Sự nhạy cảm chính trị và vai trò của nhà vua trên tinh thần đoàn kết dân tộc Thái Lan đã được giới quan sát thừa nhận qua nhiều phen biến động của chính trường nước này.
Từ trước tới giờ, mỗi khi Thái Lan lâm vào khủng hoảng, bế tắc chính trị, từ người dân thường cho đến các đảng phái chính trị đang tranh giành nhau đều lại hướng về hoàng cung trông chờ một tiếng nói của nhà vua như một chỉ dụ để trấn an người dân, làm dịu tình hình đất nước.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen