Bùi Bích Hà
Bạn tôi có mấy chục năm làm thơ, là thi sĩ nổi tiếng từ trong nước ra hải ngoại. Chị làm thơ dễ dàng, như thò tay vào túi lấy cái khăn mùi soa hay viên kẹo bỏ quên một lúc nào đó. Nếu có nói chị nghĩ bằng thơ thì cũng không ngoa.
 
Gần đây, cá chết hầu như khắp nơi trên quê hương, ở biển, ở ngòi, ở những khúc sông và cả những lồng bè nuôi cá kỹ nghệ của dân. Ghe thuyền nằm úp mặt trên bãi, không biết sẽ trong tư thế này bao lâu nên ngư dân phủ lên chúng những tấm bạt, hệt như tấm vải liệm theo tục lệ dành cho những xác người bị tai nạn mệnh vong giữa đường.
Thi sĩ khóc vùi. Rạt rào. Thánh thót. Như mùa đông Tây Bắc sụt sùi dài theo những đỉnh cây ủ rũ dưới mưa.
Thi sĩ làm thơ:
“Buổi tối tôi đi ngủ, nằm mơ thấy
Cá leo vào giường
xin nằm bên cạnh
thân cá mềm nhũn
vẩy màu xám xanh
mắt màu trắng đục
tôi nằm xích vào
cho cá nằm ké
Cá thở nhè nhẹ
thở hơi cuối cùng
Ôi còn đâu nữa
những con cá hồng
những con xanh tươi
những con cam đậm
những con mắt trong
những con vẩy bạc
Tôi mở tấm chăn
ôm cá vào lòng
Sáng ra thức giấc
ướt một góc chăn
Cá tan thành nước
hay đã bơi xa
chỉ còn dòng lệ
của tôi vỡ òa.”
(TMT)
Là một bà nội trợ xuất sắc, thi sĩ (và triệu triệu bà nội trợ xuất sắc khác trên địa cầu này) từng bao nhiêu lần trăn trở những thân cá đánh vẩy, rửa sạch, đôi mắt trơ như viên bi nhỏ, trong cái chậu ở nhà bếp, chuẩn bị cho chúng vào nồi, vào chảo, nấu thành món ăn bổ dưỡng cho cả nhà. Thi sĩ không khóc trừ phi củ hành làm cay mắt. Khi khói thơm từ nồi cá kho, cá hấp, từ chảo cá rán bay lên, khi mở vung nhìn những khoanh cá thấm gia vị, màu nâu đỏ, vàng rụm, óng ánh, mướt mát gợi thèm, nằm lả lơi phơi mình dưới mắt, thi sĩ hài lòng, hình dung ra bữa ăn hạnh phúc của chồng con, bạn bè.
Khắp nơi, loài người ra công đánh bắt cá, coi đây là nguồn thực phẩm thủy sản trời cho (hơn thế nữa, còn là thức ăn thư giãn tinh thần cho các Lã Vọng qua mọi thời đại.) Những đêm cỏn sâu, những ngày chưa rạng, từ các bến cảng, bến sông, tàu lớn, tàu bé, thuyền to, thuyền nhỏ, ghe, xuồng tấp nập ra khơi, giăng lưới, thả câu. Ngư phủ nhà nghề hay tài tử, cười vui “vì được khoang cá đầy.” Không thấy ai khóc vì cá nặng thuyền, nặng lưới và mối lái đông đầy chờ cân cá cho phiên chợ sớm/chiều trên bến cả.
Thế nhưng cá chết vì biển ô nhiễm thì cả thế giới nổi giận và than khóc. Trong giấc mơ, thi sĩ mở lòng như mở chăn, thương xót ôm cá vào mình, ru cá như ru con trong cơn đại nạn. Sáng ra, lệ đẫm chỗ nằm, thi sĩ mong cho đàn cá tìm lại được dòng nước hiền như nước mắt người thơ đưa chúng trở về nguồn sống an lành cũ.
Tôi không là cá để biết nếu đàng nào cũng phải hóa kiếp thì cá muốn chết như thế nào? Chết thảm thương như những con cá hồi mẹ vượt vũ môn vỡ bụng trứng trên đường về quê xưa, như những con cá hồi bố quặn mình hy sinh cho lũ con chờ mầm sống trong các bể thụ tinh do con người sắp đặt; chết hàng loạt giữa đồng chủng vì bị ngư phủ mang lên cạn, vứt vào hầm nước đá, vây mang hết động cựa; chết ngay đơ như những con cá lóc đầu tóe máu dưới cái chày gỗ của chị hàng cá bán lẻ ngoài chợ; chết vì nước bị nhiễm độc chất thải bởi bàn tay của đám người tham lam ngu muội gây nên ở Vũng Áng; cái chết nào dễ chịu, ít đau đớn cho cá hơn, cá ơi?
Từ khi bắt đầu lịch sử tồn sinh của nhân loại, cá chết tươi roi rói, mỗi giây phút, mỗi ngày, khắp nơi, bằng mọi cách, hàng triệu triệu tấn. Cho nên thế giới bàng hoàng than khóc không vì thương cá chết bởi tội lỗi nhà máy Formosa mà vì đằng sau những xác cá ấy sẽ đến lượt những xác người, chết vì cùng một nguyên nhân như cá.
Báo chí trong nước loan tin ngư dân Vũng Tàu đem cá chết rải xuống quốc lộ, làm nghẽn lưu thông. Những xác cá lác đác nằm thành hàng ngang trên mặt đường như hình ảnh báo chí, Internet loan tải, thực tế có đủ là chướng ngại vật ở tầm cỡ khiến ô tô các loại không thể cán qua hay chính tài xế run tay lái vì những xác cá ấy là biểu tượng cõi lòng tan nát của ngư dân đi kèm với cảnh báo mai đây sẽ là những xác người theo sau? Thậm chí đau thương hơn, là những “xác búp bê” dị dạng, tay chân còng queo, rung giật từng lúc, nằm lăn lóc trong những nấm nhà ảm đạm, nằm oan khiên trong vòng tay những bà mẹ bất hạnh chẳng may bị nhiễm độc khi mang thai vì ăn cá ở vùng biển ô nhiễm từ chất thải của các nhà máy Chisso ở Minamata, Showa Denko ở Nigata trên đảo Honshu.
Kỹ nghệ gia, tài phiệt sở hữu nhà máy, nhắm mắt chạy hết năng suất nhằm phục vụ nền kinh tế Nhật trong cơn lốc “phát triển diệu kỳ” đầu thập niên 60 thế kỷ trước với không một chút quan tâm đến môi trường để có kế hoạch khu xử an toàn lượng chất thải xả ra trong quy trình sản xuất. Ấy là chuyện của nước Nhật gương mẫu về nhiều phương diện, với các khoa học gia, các giáo sư đại học lương thiện và uy tín mà họ cũng còn cần đến hơn một thập niên, từ 1956 đến 1968, mới xác định được thủy ngân là nguyên do gây ra thảm họa, để lại di chứng tác hại suốt 6 thập niên dài. Chính phủ, giới chức trách nhiệm đã tận lực, bằng mọi phương cách, vừa làm sạch biển, vừa bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân trong ngần ấy thời gian, nói chi tới Việt Nam ngày nay coi mạng người không bằng cỏ rác, môi trường sao bằng đẫy bạc kè kè không chỉ vừa lận lưng mà chừng như phải đào hầm mới đủ chỗ chứa?
Chao ôi, cùng với cá chết dài dài các vùng duyên hải Việt Nam là những thân tàu thiếu sóng nằm chết trên cát khô, là những bữa ăn vốn đạm bạc của ngư dân bao đời sống nương nhờ biển, nay dù cố vét voi đến cùng kiệt, may ra chỉ còn chút cơm rau cầm hơi, là những bé thơ còm cõi vì thiếu ăn, khát sữa, những thiếu nhi không còn phương tiện tới trường, là những cô giáo quay quắt trong những lớp học vắng vẻ chỉ còn tiếng gió lùa qua cửa, là những đôi mắt đỏ hoe khóc biển lâm nạn và người lâm nạn.
Ôi, đâu rồi quê hương hiền hòa, thanh sạch của tôi những ngày thơ ấu, dù phải tản cư trong chiến tranh, vẫn có một ngôi làng trăng soi vằng vặc những đêm hè cho trẻ con chúng tôi vui đùa, cho người lớn hò khoan giã gạo trao tình trên các vuông sân đất nện; vẫn có những bờ ruộng thơm ngái mùi rơm rạ lẫn mùi đất ải, mùi phân trâu bò đó đây trong gió thoảng, là mùi đặc biệt quê nhà cho lũ trẻ con chúng tôi căng phổi ra thở mà khôn lớn; vẫn có một con hói nước trong vắt, khép nép cuộn mình bên lũy tre cho chúng tôi vẫy vùng, hò hét rủ nhau tập bơi để mai kia ra sông dài, biển rộng. Mẹ Thiên nhiên cho con người muôn vàn ân sủng. Bị bạc đãi, Mẹ đau buồn, ủ ê. Bị lạm dụng, Mẹ nổi giận, tiếng nói hiếm hoi của Mẹ khi cất lên sẽ vô cùng hung hãn.
Tiến bộ là xu hướng tất yếu của xã hội loài người nhưng không có tiến bộ nào trong việc xén đất của tổ tiên cho ngoại nhân thuê làm bãi đổ rác độc hại, để khói những nhà máy xây trên phần đất thiêng liêng ấy ngày đêm phun thán khí làm ô nhiễm bầu trời quê hương. Tội ác này không có tòa án nào của nhân loại xử cả ngoại trừ tòa án của lương tâm và lịch sử. Khốn thay, không ích lợi gì cho chế độ nên tòa trước đóng cửa đã trên bốn thập niên cùng với miền nam thất thủ, tòa sau đang làm nhiệm vụ hình thành bản cáo trạng cho tương lai, chưa biết bao giờ mới xong?