Sonntag, 23. Oktober 2016

Các Kho Chứa Cá Nục ở Hà Tĩnh và Quảng Bình

 
TS.Mai Thanh Truyết

Căn cứ theo một số tin tức nhận được, kể từ đầu tháng 6 vừa qua cho đến nay, ngư dân bắt đầu đi đánh cá trở lại và tiếp tục cho đến nay (10/2016).
Số cá đánh bắt được trong suốt thời gian kể trên đã được xét nghiệm đầu tiên tại kho chứa Cửa Tùng của một cơ sở chế biến cá tại Vĩnh Linh. Trong 30 tấn cá đánh bắt đã được Ông Hồ Sỹ Biên, Trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Trị cho biết nồng độ trung bình của phenols (tổng hợp) trong cá là 0,037 mg/Kg. Hiện cơ sở nầy chứa 110 tấn cá đông lạnh.
Ngoài kho chứa cá Cửa Tùng ra, từ đó đến nay lần lượt các kho chứa khác, tọa lạc từ ngay phía Nam Khu Formosa (nằm phía trên biên giới Hà Tĩnh và Quảng Bình, được xây dựng trên những cồn cát thiên nhiên rộng lớn nằm phía đông của quốc lộ Bắc Nam 1), các kho trải dài từ biên giới phía Nam khu Formosa khoảng 10 Km. Bắt đầu là Kho ở Trường Hải, tiếp theo là Cồn Sẻ, Ba Đồn, Xuân Hòa, Thanh Khê, và Tân Mỹ. Cũng theo ước tính mỗi kho chứa từ 100 cho đến 500 tấn cá. (Cá đánh bắt được sau nầy có nồng độ thấp hơn LD50, cho nên chưa chết hẳn (còn sống lờ đờ vì độ nhiễm còn thấp) như nồng độ phenols trong các mẫu phân tích cá chết ở phần dưới đây.)
Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao cá đã bị nhiễm độc phenols và các kim loại nặng có nồng độ thấp (nhưng trong vòng an toàn(?) theo tiêu chuẩn Việt Nam) như Cadmium, Chrome, Nicken, Đồng, Sắt, Kẽm, và Mangan… lại được lưu trữ trong phòng đông lạnh tiêu tốn chi phí năng lượng quá lớn?
Lượng cá bị nhiễm độc trên được giữ lại để làm gì?

• Để tiêu hủy?
• Hay dùng để biến chế thành thực phẩm?
Các phân tích dưới đây sẽ cho chúng ta có thêm khái niệm về mức độ nhiễm độc của cá và giới hạn an toàn trong việc tiêu thụ các loại cá trên.
Hàm lượng độc hại LD50
LD50 (Lethal Dose 50) là lượng hóa chất có thể gây ra cái chết của 50% nhóm động vật thử nghiệm. LD50 là phương pháp dùng để đo lường khả năng bị ngộ độc ngắn hạn (cấp tính) của động vật. Sau đây là nồng độ LD50 của hóa chất xâm nhập vào trong các mô của cá:
• Cyanide (CN-): 20 – 76 ug/L (phần tỷ- part per billion-ppb) tùy theo loại cá.
• Phenol (C6H5-OH): 1 – 4.11mg/L (phần triệu- part per million-ppm).
• Mercury (Hg), Thủy ngân: Có đời sống bán hủy (half life của Hg là 2 tháng rưỡi (nghĩa là trong thời hạn nầy Hg bị hủy tự nhiên). Tánh sinh tiếp nhận (bio-accumulation) của thủy ngân lên hàng triệu lần so với môi trường nước bên ngoài, do đó thủy ngân trong nước sẽ tạo ra sự nhiễm độc lâu dài (long term poisoning).
• LD50: 0.12 +/- 0.08 ppm cho cá trên mặt nước và 0.08 - +/; 0.06 ppm cho cá dưới đáy vì tính sinh tiếp nhận).
• Arsenic (As), Thạch tín: 2 – 5 ug/L (ppb) cho cá nước ngọt. Đối với cá nước mặn giao động từ 20 – 50 ppb.
• Cadmium (Cd): 0.072ppm (72 ppb).
• Sắt (Fe): Sắt trong nước có nhiều tác dụng vào đời sống thủy sinh, cả tốt và xấu. Trong thiên nhiên, Sắt (Fe) có trong nước biển với tỉ lệ khoảng 1-3 phần tỷ (ppb), khoảng 1 phần triệu (ppm) trong nước sông và 100ppm trong nước ngầm. Sắt đến từ các khoáng chất khác nhau trong đất, đó là lý do tại sao nước ngầm có chứa nồng độ sắt cao nhất. Lượng sắt trong nước khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố và có thể ảnh hưởng đến các quần thể thủy sản.
LD50 – Nồng độ sắt trong nước và cá: Khi một lượng cao bất thường của sắt tồn tại trong nước, điều này thường là do ô nhiễm liên quan đến xây dựng, khai thác mỏ sắt. Sắt đến trong nhiều hình thức trong nước. Nó có thể được hòa tan trong nước hoặc vì quá nặng mà nó tạo thành một chất kết tủa (colloidal) hoặc những hạt sắt thật nhỏ lơ lững trong nước. Đây là trường hợp chất thải có trong nước xả thải của Formosa sau ngày 6/4 vừa qua, mà một số “khoa học gia” Việt Nam gọi đó là do tảo đỏ khi thấy dòng nước biển màu đỏ cuồn cuộn chảy ngay sau khi thoát ra từ miệng cống của Formosa.
Ở mức độ bình thường, sắt không gây chết người với bất kỳ động vật thủy sản, nhưng ở mức cao hơn khi sắt không hòa tan trong nước, cá và các sinh vật khác không thể tiêu thụ tất cả các chất sắt có trong nước hoặc thức ăn của chúng. Chất sắt có thể tích tụ trong cơ quan nội tạng của động vật, cuối cùng giết chết chúng. Mức độ cao hơn của sắt trong các loại cá và thực vật thủy sinh cũng có tác động xấu đối với người dân hoặc các sinh vật tiêu thụ chúng.
Hậu quả là một lượng lớn chất sắt thúc đẩy sự phát triển của tảo, trong đó có thể chặn ánh sáng mặt trời từ các nhà máy khác và có thể phá vỡ môi trường sống. Sự hiện diện của tảo lớn trong nước sẽ làm giảm độ tươi (freshness) của nước. Sắt hấp thụ nhiều trong cá sẽ ảnh hưởng đến mức sinh sản, làm giảm thiểu nhiều quần thể cá và các động vật khác sống trong nước. Nồng độ cao của sắt đôi khi dẫn đến tăng nồng độ acid trong nước - giết chết hoặc làm tổn thương đời sống thủy sinh. Vì vậy không thể định lượng được mức LD50 cho cá.
Trong kỹ nghệ luyện gang thép, cứ 1 tấn gang hay thép được chế tạo, phát thải ra 500 kg rỉ (gỉ) sắt dưới dạng sắt nguyên chất, Hydroxid sắt II (Fe (OH)2), và Oxid sắt II và III (FeO hoặc Fe2O3). Hỗn hợp của hai chất sắt sau cùng gọi là sesqui Iron Oxide.
Đây chính là nguyên nhân làm cá chết nhiều nhứt và tồn tại lâu dài ở tầng đáy (sediment) và chuyển mức nhiễm độc đi xa do dòng hải lưu.
Phân tích các mẫu cá sau ngày 6/4
 
Một số mẫu nước và cá chết dọc theo bờ biển từ Cửa Lò, Nghệ An xuôi phía Nam Vũng Áng đến tận Thừa Thiên, được phân tích tại Hoa Kỳ từ tháng 6 vừa qua, cho chúng ta có thể đưa ra kết luận ban đầu là nước xả thải của Formosa chứa những hóa chất và kim loại nặng của kỹ nghệ gang thép.
Kết quả phân tích tại Hoa Kỳ cho thấy sự hiện diện của các hóa chất sau đây trong nước xả thải:
• Phenols: 3,7 – 73 mg/Kg
• Thủy ngân: 0,017 – 2,5 mg/Kg
• Arsenic: 3,8 - 21 mg/Kg
• Sắt: 6,3 – 110 mk/Kg
(Về sự hiện diện của cyanide, không thể phân tích được vì các mẫu đã quá ngày lưu trữ (holding time) khi được di chuyển đến Mỹ).
Qua các kết quả nầy, chúng ta đã thấy rõ nguyên nhân làm cho cá chết là do bị nhiễm bất cứ một yếu tố nào trong 4 hóa chất khi so với nồng độ LD50, đã nêu ở phần trên. Từ đó, kết luận khẳng quyết là vấn đề biển đã bị nhiễm độc trầm trọng và mức di hại sẽ lan tỏa và kéo dài hàng vài chục năm theo dòng hải lưu về phương Nam. Hệ lụy trước mắt là cá ở tầng dưới, san hô và các bè cá ở đảo Phú Quý, Ninh Thuận bị chết đồng loạt vào tháng 8 vừa qua.
Chúng ta hẳn đã chưa quên thảm nạn do việc xả thải cyanide và phenols của một nhà máy hóa chất từ thập niên 50 của thế kỷ trước ở vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumamoto, Nhật đã gây ra chứng bịnh thế kỷ có tên Minamata (tay chân phân liệt, bắp thịt co giật, liệt não, điếc, mù, dị dạng), mặc dù Nhật đã mất 37 năm để tẩy rửa trầm tích ngay sau đó và tiêu tốn khoảng 200 tỷ Mỹ kim tính theo thời giá năm 2016. Chúng ta cũng không quên Cty sản xuất hóa chất D.T.T. ở Palos Verdes, phía Bắc thành phố Long Beach, CA, Hoa Kỳ vào thập niên 1960, xả nước thải nhà máy thẳng vào biển nơi đây, mà mãi cho đến năm 2000, US EPA mới xử phạt Cty và bắt buộc phải thanh lọc một vùng biển rộng lớn chung quanh.
Trở về câu chuyện “cá chết” ở Vũng Áng, căn cứ theo công bố của “nhà nước” vào cuối tháng sáu vừa qua là nước xả thải từ Formosa chỉ chứa: Hydroxid Sắt, Cyanide, và Phenols.
Như vậy, phải có điều gì không ổn trong việc công bố kết quả phân tích của CS Bắc Việt hay không?
Chắc chắn là phải có!
CS Bắc Việt công bố như thế để che mắt dư luận thế giới về thành phần hóa học của nước xả thải không phải là nước thải từ Cty gang thép Hưng Nghiệp, Vũng Áng vì Cty nầy chưa có một ngày nào đi vào sản xuất gang thép cả.
Tất cả nhằm mục đích làm giảm đi tội trạng của Khu công nghiệp Formosa Vũng Áng mà họ đã từng “ăn chịu” trong việc cho phép xây dựng Formosa mà không áp dụng Luật Môi trường qua dự án nghiên cứu tác động môi trường (Environmental Assessement Impacts – EAI) và việc xây dựng nhà máy thanh lọc nước thải của khu công nghiệp, cùng vi phạm Luật Đầu tư vì không qua thủ tục đấu thầu quốc tế nếu dự án lớn hơn 300 triệu Mỹ Kim, cũng như việc xử dụng nhân công nội địa nằm trong chính sách phát triển quốc gia (hơn 80% trong tổng số khoảng 18 ngàn công nhân là người Tàu).
Như vậy nước xả thải trong suốt thời gian qua đến từ đâu?
Phải chăng đến từ hơn 150 Cty gang thép của Trung Cộng (TC) và được chở sang xả thải ở Formosa, một bãi rác của TC. Việt Nam cũng vừa “tạm giam” một tàu TC chở trên 500 tất bùn đỏ vào Vũng Áng trong tháng 9 vừa qua!
Kết luận
Nói đến cá, nhứt là một số lượng lớn cá dọc theo bờ biển, chúng ta liên tưởng ngay đến kỹ nghệ làm nước mắm. Theo tin tức ngày 17-10 ở Việt Nam, Hội Tiêu Chuẩn Và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng, phối hợp với Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, đã tổ chức công bố kết quả khảo sát, kiểm tra các mẫu nước mắm được lấy tại 10 tỉnh, thành phố. Theo đó, có khoảng 67% mẫu có chỉ tiêu Arsenic (thạch tín, một loại hóa chất độc hại cho sức khỏe) vượt quy định của Bộ Y Tế của Việt Nam. Theo qui định, hàm lượng Arsen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1.0mg/l. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát vượt quy định này, có khi đến trên 5 mg/l.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam nhận xét: “Việc một chai nước mắm mà phụ gia có đến 17 loại có thể ví như hành động đong nước hòa hoá chất để bán lấy tiền, chứ sao gọi là nước mắm?”. Một chai nước mắm 0.5 lít mà có đến 17 hoá chất là quá nhiều, bởi đây là thực phẩm dùng hàng ngày. Các tin tức trên đây có thể cho phép chúng ta liên tưởng đến sự hiện diện của những nhà kho chứa cá đông lạnh nhiễm kim loại nặng ở vùng Formosa, Hà Tĩnh.
Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court-CC) vì tội ác chống lại nhân loại vừa ra phán quyết mở rộng quyền hạn, cho phép xét xử các vụ lạm dụng chiếm đoạt đất đai và phá hủy môi trường.
Ngày 16/9, theo The Diplomat, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague đạt được bước chuyển đổi chính sách đáng kể trong tiến trình khởi kiện của nội bộ ICC về chọn lựa và ưu tiên vụ kiện. ICC thay đổi trong chính sách, cho phép mở rộng điều tra thêm các tội ác vi phạm hoặc hệ quả để lại khiến môi trường bị phá hủy, do việc khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên hoặc chiếm đoạt đất đai.
Bà Gillian Caldwell, Giám đốc điều hành Tổ chức Nhân chứng toàn cầu cho biết:"Các lãnh đạo công ty, chính trị gia vi phạm việc chiếm đoạt đất đai, phá hoại rừng nhiệt đới hoặc làm nhiễm độc nguồn nước sẽ sớm phải hầu tòa quốc tế tại The Hague cũng như những tội phạm và kẻ độc tài khác".
Qua quyết định trên của ICC, chúng ta thấy cánh cửa đã hé mở, cho phép các nhóm nhân quyền và NGO có nhiều hy vọng sẽ tạo thành một tiền lệ pháp lý cho những vụ xét xử các "ông trùm chiếm đoạt đất đai" như TC ở Việt Nam với sự tiếp tay của Thái thú biết nói tiếng Việt là CS Bắc Việt.
TS.Mai Thanh Truyết
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

1 Kommentar:

  1. Các quán ăn thường phục vụ món Cách làm cá nục hấp ngon cùng một đĩa rau sống, bao gồm rau muống, chuối chát, xà lách, húng quế, tía tô… và một bát nước chấm cay xé, đôi khi là một bát mắm nêm. Sự kết hợp hoàn hảo giữa cá hấp ngọt mềm, rau thơm thanh mát cùng vị mặn mòi đậm đà của mắm và ớt cay có sức hấp dẫn kỳ lạ với bất kỳ thực khách nào.

    AntwortenLöschen