Samstag, 8. Oktober 2016

Syria : Cú đánh cược mạo hiểm của Nga

 Đăng ngày 08-10-2016 Sửa đổi ngày 08-10-2016 16:35


Aleppo, thành phố bị hủy diệtẢnh : Mahmoud Hebbo/Reuters
Khủng hoảng Trung Cận Đông với tiêu điểm là cuộc vây hãm thành phố Aleppo tiếp tục là tâm điểm thời sự của nhiều tuần báo Pháp, không chỉ về những diễn biến khốc liệt, mà còn là những câu hỏi lớn về chiến tranh và hòa bình đang đặt ra trước nhân loại, trước hết là đối với các nền dân chủ hàng đầu thế giới.
Về chiến sự khốc liệt tại vùng phía đông thành phố Aleppo, Syria, nơi quân đội Damas được Nga hậu thuẫn, đang khép chặt vòng vây, mà rất nhiều nạn nhân là dân thường, Le Nouvel Observateur có bài “Aleppo, một chiến lược tàn ác”, với nhận định “chế độ Syria và đồng minh Putin đang tiến hành một cuộc chiến tổng lực chống lại phe nổi dậy và thường dân. Chiến thuật này của tổng thống Nga nằm trong một kế hoạch chung, đó là tìm lại cho nước Nga vị trí siêu cường”.
Tại các khu phố phía đông Aleppo, nơi cư trú của khoảng 275.000 thường dân khốn khổ, “tội ác chiến tranh đang xảy ra hàng giờ”. Hôm thứ bảy vừa qua, bệnh viện lớn nhất còn lại bị trúng bảy trái tên lửa từ máy bay Nga và Damas. L’Obs đặt câu hỏi : “Phải chăng trật tự của thế giới chúng ta đang được quyết định tại Aleppo ?”.
Việc chiếm được Aleppo sẽ là một bước ngoặt, một thắng lợi quyết định cho phép chính quyền Assad làm chủ toàn bộ một khu vực từ trục Damas – Aleppo đến vùng duyên hải. Tuy nhiên, chiến thắng không phải dễ dàng, bởi quân đội chính phủ đã yếu đi rất nhiều sau 5 năm chiến tranh, trong khi đó phe nổi dậy thì quyết tâm kháng cự đến cùng. Người phát ngôn của nhóm nổi dậy lớn nhất đông Aleppo cho biết Assad sẽ phải “biến thành phố này thành tro bụi mới có thể giành được chiến thắng”.
Dù sao, L’Obs cũng ghi nhận là bất kể kết cục của chiến dịch Aleppo như thế nào, Matxcơva đã giành thắng lợi với chiến lược oanh kích tàn bạo, đẩy người dân ra khỏi thành phố, và buộc phe nổi dậy ôn hòa phải hợp nhất với các nhóm thánh chiến cực đoan nhất.
Từ một góc nhìn khác, Le Courrier International đánh giá chiến lược của Nga với bài “Cú đánh cược mạo hiểm của Matxcơva”. Bài viết trích từ nhật báo Liban L’Orient-Le Jour cảnh báo : “Chiến thắng về quân sự không bảo đảm cho ông Putin một thắng lợi về chính trị và ngoại giao”.
Ngược lại với cam kết rút quân sau ba tháng không kích, chính quyền Nga ngày càng can dự sâu vào xung đột Syria, với việc “đưa thêm nhiều lính đánh thuê” tham chiến. Cho đến nay, theo tờ báo Liban, cho dù giành được nhiều thắng lợi chiến trường, nhưng Matxcơva vẫn không làm thay đổi được quan điểm đòi Assad phải ra đi của phương Tây và nhiều nước Ả Rập. Chiến dịch Aleppo đang trở thành nơi Nga “thử nghiệm chiến lược tiêu diệt hoàn toàn đối lập Syria, để buộc phương Tây phải lựa chọn giữa tổng thống Assad và quân thánh chiến”.
“Hội chứng Aleppo”
Về cuộc chiến tại Trung Cận Đông, tờ l’Express đăng tải nhận định rất đáng chú ý của học giả Jacques Attali với tựa đề “Hội chứng Aleppo”. Jacques Attali nhận xét thẳng thừng : Những gì diễn ra tại thành phố này cho thấy “niềm tin tưởng vững chắc của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh nay đã chết”, khi các bên tham chiến tấn công vào các đoàn xe nhân đạo, xé bỏ các thỏa thuận ngừng bắn, việc thảm sát thường dân đang diễn ra với quy mô lớn, và hàng ngày ngay trước mắt cộng đồng quốc tế.
Jacques Attali chỉ ra một sự “mất cân xứng lớn không chỉ giữa các quốc gia và các lực lượng khủng bố, mà còn cả giữa các nền dân chủ và các chế độ khác. Các nền dân chủ có những giá trị cao quý, nhưng ít người sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chúng… Và không có gì nguy hiểm hơn khi những kẻ (khủng bố hay độc tài) tin rằng họ có thể hành động mạo hiểm mà ít sợ bị trừng phạt”. Theo ông, nếu tiếp tục để cho những thế lực như Nga lộng hành, đến một lúc nào đó, phương Tây sẽ bị đẩy đến chỗ buộc phải tiến hành “một cuộc chiến tranh toàn cầu”, chẳng hạn nếu như Nga động đến các nước vùng Bantic.
Bài học mà Jacques Attali khẳng định là : “để cho sự hy sinh của Aleppo không trở thành vô ích… cần phải tìm lại sự sáng suốt, phân biệt kẻ thù trước mắt với kẻ thù lâu dài, và củng cố các định chế nhà nước thế tục. Hơn bao giờ hết, thế giới cần đến một châu Âu thống nhất, mạnh mẽ và đáng tin cậy”.
Vội vã đánh Mossoul là thảm họa
Jacques Attali nhấn mạnh : “Kẻ thù chính của chúng ta trong thời điểm hiện tại không phải ở Matxcơva, mà là ở Mossoul” (ông cũng nhắc đến sai lầm của phương Tây cách nay 20 năm, khi không thực sự coi Nga là thành viên của châu Âu và để cho các quốc gia Trung Đông bị giải thể).
Riêng về Mossoul, thành phố Irak đang nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Le Courrier International có bài cảnh báo “Vội vã trong chiến dịch Mossoul là một sai lầm”. Nếu các cơ sở hậu cần cho việc tiếp đón người tị nạn không được chuẩn bị đầy đủ, việc tiến chiếm Mossoul và khu vực phụ cận với khoảng 2,6 triệu dân cư có thể trở thành thảm họa, để lại những mầm mống cho một cuộc nội chiến Irak tiếp theo.
Đầu tư Trung Quốc và thất nghiệp gia tăng tại Nam Mỹ
Làn sóng đầu tư Trung Quốc lan tràn khắp thế giới là chủ đề chính của tuần báo Le Courrier International, với hàng tựa trang nhất “Thế giới vào lúc Trung Quốc ở thế thượng phong”. Từ Brazil đến Nam Mỹ, cũng như tại châu Âu, không nước nào thoát khỏi trận sóng kinh khủng này. Nhiều quốc gia lo ngại những thiệt hại không thể vãn hồi, đặc biệt tại châu Mỹ Latinh.
Trong một cuộc trả lời đài truyền hình Achentinna Cadenas 3, một cựu đại sứ Mêxicô tại Trung Quốc cho rằng các nước Mỹ Latinh đang đứng trước tình trạng bị “phi công nghiệp hóa”, đặc biệt do Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực hóa dầu hay luyện kim. Nhà đầu tư Trung Quốc sử dụng “kỹ sư Trung Quốc, công nhân Trung Quốc, vật liệu Trung Quốc” và điều này dẫn đến việc làm sẽ bị “mất một cách triệt để”. Cựu đại sứ Mêxicô cho rằng “có một mối liên hệ trực tiếp giữa thời gian Trung Quốc được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và sự suy giảm của công nghiệp tại nhiều nước Mỹ Latinh”.
Nga : Một cuộc cách mạng sẽ lật đổ Putin
Về tình hình nước Nga, L’Obs có bài phỏng vấn cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovski, hiện lưu vong, với tựa đề “Một cuộc cách mạng sẽ buộc Putin phải bỏ trốn”. Nhà đối lập Nga khẳng định với sự thao túng của chính quyền, người dân Nga đang ngày càng trở nên “vô cảm về chính trị”, cụ thể là con số kỷ lục không tham gia bầu cử, 62% trên toàn quốc, và 70% riêng tại Matxcơva. Mọi thứ đều được quyết định từ Phủ Tổng Thống, Quốc Hội chỉ là nơi bỏ phiếu thông qua.
Theo Mikhail Khodorkovski, “lịch sử Nga cho thấy tình trạng vô cảm như vậy thường báo trước một cơn cuồng nộ của dân chúng, nhất là khi điều kiện kinh tế đi xuống, cụ thể như hiện nay. Ông Putin biết nguy cơ này, chính vì vậy ông ta cố gắng tăng cường các phương tiện đàn áp biểu tình… Cách nay ít hôm, 160.000 cảnh sát chống tội phạm đã được chuyển sang bộ phận cảnh vệ, lực lượng chuyên đàn áp biểu tình”.

__._,_.___

Posted by: Mike Duong <nguoidichinhchien269@yahoo.com>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen