Dienstag, 7. April 2015

XUNG ĐỘT Ở HÀ TĨNH : CAY CÚ ĂN THUA VỚI DÂN ĐỀU THỦ BẠI

 Theo Một thế giới

Dân thắng thì tỉnh huyện cũng thắng, cái gốc thêm vững thì cành lá sum suê. Cay cú ăn thua với dân đều thủ bại. Lạt mềm buộc chặt, nhưng vẫn chưa tốt bằng buộc mà không cần lạt, kể cả lạt mềm.
Vụ căng thẳng ở thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) mấy hôm nay gây sốt, lo lắng và mức độ nào đó hoang mang cho chính quyền Hà Tĩnh lẫn nhiều người trong chúng ta. Sự việc đã bị đẩy đến mức tác nhân của sự cố (chính quyền và nhân dân) đã bị dẫn tới chỗ bí, tiến hay lùi đều khó.

Nguyên nhân trực tiếp là dân không đồng tình với lệnh bắt người “gây rối trật tự công cộng” của công an nên đánh công an, đốt xe máy của họ và phá hủy nghiêm trọng nhà cửa mấy vị cán bộ chủ chốt của Đảng và chính quyền xã.
Còn nguyên nhân sâu xa là do dân không đồng tình với dự án xây nghĩa trang sinh thái (mô hình Bình Dương) và lệnh thu hồi hàng chục ha đất ruộng của dân thôn Trung Sơn.
Nếu nhìn qua hiện tượng, tìm cái sai cái đúng không khó. Dân chống lệnh chính quyền bằng bạo lực (may mà mới đả thương một số, chưa chết người) là phạm pháp.
Phản ứng cần thiết của chính quyền là ra lệnh khởi tố vụ án. Luật pháp đã có, cứ thế mà thi hành! Nhưng lòng dân thì khó dò như đáy bể.
Thực tiễn thường không phát triển hoàn toàn theo ý chí con người. Đám cháy đã bùng lên chỉ có một nhưng lại có nhiều cách chữa lửa, tùy theo sự khôn ngoan của cả nhiều phía.
Mục đích tối thượng là dập tắt đám cháy, khôi phục cuộc sống bình thường của người dân cũng như niềm tin vào trật tự xã hội, nói gọn là “yên dân”.
Còn chỉ nhằm dập được đám cháy để khỏi lan ra nhiều nơi và thực thi sự trừng phạt nhằm “răn đe” những vụ tương tự trong tương lai lại là chuyện khác.
Hiến pháp vừa được thông qua ghi rõ: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế – xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật“.
Nếu làm được như thế, nghĩa là có tình huống “thật cần thiết”, lại đảm bảo được “công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật” thì liệu có xảy ra sự phẫn nộ của dân Trung Sơn như đã xảy ra?
Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà nên xem lại quá trình thực hiện cái dự án nghĩa địa to lớn quy mô hàng chục ha đất bị thu hồi, ở nơi mà dân rất nghèo, đang đói đất canh tác, đất lại là nguồn sống duy nhất của họ lại có khá nhiều tình tiết “vi lượng” nhạy cảm.
Chính ông bí thư đảng ủy xã đã báo cáo lên trên có tới 5 điểm dân không đồng tình: Một, diện tích đất canh tác bị thu hồi quá lớn (13,5 ha đất sản xuất lúa hai vụ). Hai, về mặt phong thủy và tâm linh, dân “hãi” môi trường nghĩa địa lớn, vì ở đây đã có hai công trình án ngữ lối ra “hanh thông” của thôn là khu chăn nuôi lợn siêu nạc, và một trại giam của tỉnh. Ba, công viên vĩnh hằng sẽ trùm lên nghĩa trang của xã, mai sau người dân Bắc Sơn qua đời phải đi mua đất giá chắc không rẻ của chủ dự án. Bốn, địa giới hành chính giữa hai xã Bắc Sơn và Thạch Lưu chưa được bàn giao, nay lại thu hồi 38,6 ha nên nhân dân không đồng tình. Thứ năm, làm nghĩa trang vĩnh hằng thì sẽ cạn quỹ đất xây dựng quy hoạch nông thôn mới.
Ông bí thư xã rất đáng khen khi cảnh báo chính xác cho cấp trên trong một báo cáo cách đây hơn ba tháng: “Hiện nay quần chúng nhân dân đã mất lòng tin rất lớn đối với cấp ủy, chính quyền vì tính chất của dự án không hợp với lòng dân. Nếu tiếp tục tuyên truyền thì nhân dân sẽ bức xúc và phản kháng rất lớn làm tê liệt bộ máy chính quyền và dẫn đến không thể kiểm soát được sẽ đưa Bắc Sơn trở thành điểm nóng thì hậu quả sẽ rất lớn”.
Và ông đã can đảm đề nghị dừng xây dựng công viên vĩnh hằng này. Nếu biết lắng nghe, không lãnh đạo tỉnh nào, huyện nào lại không dừng lại để cân nhắc khi một dự án có tới năm tử huyệt nhạy cảm liên quan đến phần xác lẫn phần hồn của dân như thế.
Bởi vì, việc chôn người chết ở Hà Tĩnh đâu đã đến mức “thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế – xã hội” như hiến pháp quy định?
Nhưng tỉnh và huyện không nghe, phê bình, kiểm điểm lãnh đạo xã và ra chỉ thị quyết liệt: “Cán bộ, đảng viên toàn huyện phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương của tỉnh, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị”! Liệu có “nhóm” nào thập thò phía sau sự tích cực, quyết liệt xây bằng được cái nghĩa địa khủng này không?
Đúng là sự việc đã xảy ra như dự báo “sáng suốt” của người bí thư xã khá giỏi này, dù ông đã bị dân nổi giận phá nhà oan!
Sực nhớ, trong nhiều tháng, 400 tiểu thương Bỉm Sơn, Thanh Hóa đấu tranh đòi thị xã phải hủy quyết định giao chợ Bỉm Sơn cho một công ty tư nhân. Họ đã “tụ tập” trước cổng tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh, đòi tỉnh Thanh Hóa phải hủy quyết định. Bí thư tỉnh ủy Mai Văn Ninh đã trực tiếp gặp bà con – vì trong thâm tâm ông vẫn coi họ là bà con chứ không phải kẻ thù – để dàn xếp.
Ông đã hủy một số quyết định của chính quyền, tỉnh vận động tiểu thương về lại chợ buôn bán bình thường. Công ty Đông Bắc rút lui êm thấm (có thể trong cay đắng). Báo Thanh Hóa hồ hởi đưa tin: “Tiểu thương chợ Bỉm Sơn đấu tranh đã thắng lợi!”.
Dân thắng lợi thì đã sao? Dân thắng là đáng mừng lắm chứ? Khi căng thẳng mới bắt đầu, ông Ninh có cử công an đến giữ trật tự. Có kẻ “phá rối trật tự” nhưng không một ai bị bắt. Ông thuyết phục được dân không phải bằng lời hứa lèo mà với những quyết định đưa ra kịp thời. Không ai nói ông thua dân. Cả hai bên đều thắng.
Dân thắng thì tỉnh huyện cũng thắng, cái gốc thêm vững thì cành lá sum suê. Cay cú ăn thua với dân đều thủ bại. Lạt mềm buộc chặt, nhưng vẫn chưa tốt bằng buộc mà không cần lạt, kể cả lạt mềm.
Bởi vì, dù lạt mềm có buộc chặt đến đâu cũng có khi người bị buộc tự tháo ra được. Còn buộc mà không có lạt thì đã đạt tới mức chặt tuyệt đỉnh vì có ai trói đâu mà phải cởi trói?
Không có hai sự vật, sự kiện giống nhau nên cũng không có bài học nào y chang nhau. Nhưng Thanh Hóa cũng là khu Bốn xưa, đâu có xa Hà Tĩnh?
Người Hà Tĩnh
Ảnh: Tư liệu

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen