Ts. Lê Vĩnh Triển - Đại học Quốc tế, Đại học Quốc Gia TPHCM
Xung đột lợi ích, nền kinh tế dựa nặng nề vào các quan hệ thay vì dựa trên nền tảng pháp luật, và tham nhũng lần lượt được đề cập như những hệ lụy trực tiếp của một thể chế yếu kém - hệ thống pháp luật, tư pháp không độc lập, tính thực thi pháp luật yếu kém, cùng với báo chí thiếu độc lập, khách quan.Hệ lụy thứ nhất: Xung đột lợi íchXung đột lợi ích xảy ra khi một chủ thể (cá nhân, tổ chức) bị những ràng buộc về lợi ích làm hạn chế hoặc vô hiệu hóa khả năng thực thi trách nhiệm xã hội hay chức trách nghề nghiệp của mình. Một cách nói đơn giản của người Việt khi đề cập đến xung đột lợi ích là: để công bằng thì anh không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong một thể chế yếu kém, hệ thống pháp luật sẽ không chế tài được xung đột lợi ích. Dù luật pháp có quy định nhưng không được thực thi thì xung đột lợi ích càng “bất trị”. Các kiểu công ty sân sau của các cổ đông lớn, hay của các quan chức nhà nước; quan chức nhà nước bổ nhiệm người nhà vào các công ty nhà nước; công ty vừa kiểm toán vừa nhận tiền hậu hĩnh cho dịch vụ tư vấn từ một khách hàng... là những ví dụ điển hình của xung đột lợi ích.Hệ lụy thứ hai: nền kinh tế dựa vào quan hệ
Trong cải cách thể chế, một trong những mục tiêu quan trọng luôn được đề cập là tăng cường khả năng thực thi pháp luật. Khi khả năng thực thi pháp luật yếu kém, các chủ thể kinh tế càng có khuynh hướng tận dụng các quan hệ với đại diện phía nhà nước để cạnh tranh nhằm chi phối các nguồn lực. Từ đó, các quan hệ kiểu này được xem như những món hàng được săn đuổi. Các chủ thể kinh tế sẽ mưu tìm những quan hệ để được đảm bảo an toàn khi vi phạm quyền lợi của các cá nhân và cộng đồng.Hệ lụy thứ ba: tham nhũngHai hệ lụy nêu trên lại là nền tảng vững chắc cho hệ lụy này. Tham nhũng là hệ quả tất yếu của một thể chế dung dưỡng xung đột lợi ích và tạo điều kiện cho nền kinh tế không được điều chỉnh bởi luật pháp mà được chi phối bởi quan hệ. Tham nhũng có thể được hiểu là khi các chủ thể (cá nhân, tổ chức) thực thi pháp luật bị xung đột lợi ích. Trong trường hợp đó, khả năng thực thi pháp luật chắc chắn sẽ yếu kém, thậm chí vô hiệu. Như vậy có thể nói tham nhũng - xung đột lợi ích - khả năng thực thi pháp luật kém có quan hệ hữu cơ với nhau. Ở đây có thể thấy, các quan hệ được gầy dựng (tốn kém-bằng tiền) một mặt là mục tiêu cạnh tranh của các chủ thể kinh tế, mặt khác là ràng buộc lợi ích khiến cho những chủ thể thực thi pháp luật thất bại trong việc thực hiện trách nhiệm của mình. Ở mức độ thấp, các quan hệ có thể được mua nhanh và chấm dứt nhanh chóng nhằm mục đích tránh khỏi chế tài pháp lý, ví dụ hối lộ trên đường vì vi phạm luật giao thông.Tuy những hệ lụy trên nảy sinh từ thể chế yếu kém, nhưng trong một chừng mực nào đó, chúng có thể được liệt kê như những thành phần nội tại của chính bản thân thể chế yếu kém, cần thay đổi.Những tác động tiêu cực đến đạo đức xã hộiXung đột lợi ích một khi trở thành phổ biến đến mức hiển nhiên và hệ thống pháp lý đã thất bại trong kiểm soát và chế tài xung đột lợi ích thì đạo đức xã hội xuống cấp là điều không tránh khỏi.
Không riêng gì các chủ thể kinh tế và những người có trách nhiệm thực thi pháp luật tham gia trong “trò xung đột lợi ích” này mà tất cả thành phần, chủ thể xã hội khác đều phải chấp nhận cuộc chơi này, dù muốn hay không. Khi hầu hết các quan hệ trong các ngành nghề đều được định giá thì đạo đức nghề nghiệp, lương tâm chức nghiệp cũng bị vùi dập. Nếu bị các lợi ích ràng buộc, quan tòa có thể xử sai án, bỏ sót tội phạm; nhà báo, nhà văn bẻ “cong ngòi bút”, trọng tài “bẻ cong còi”, thầy cô giáo sửa điểm, đánh giá thiên lệch..., sai hóa ra đúng, trắng đen lẫn lộn, giả dối lên ngôi.Như vậy, xung đột lợi ích không còn là vấn đề giữa chủ thể thực thi pháp luật (khu vực công quyền) và chủ thể kinh tế - bên mưu cầu mua bán quan hệ, mà xung đột lợi ích đã lan sang mọi ngóc ngách xã hội.Xung đột lợi ích càng tệ hại hơn khi bên thực thi chức phận công bộc, bên thực hiện đạo đức nghề nghiệp không phải bị đặt vào ràng buộc lợi ích mà là cố ý tự đặt mình vào đó để hưởng lợi. Đó là, khi các bên này ra giá: công an đòi tiền (chứ không phải bị hối lộ), nhà báo làm áp lực để đăng hoặc không đăng tin, nhà giáo đòi tiền, tống tình để cho điểm, y bác sĩ kê đơn thuốc chữa bệnh vì hoa hồng của nhà thuốc, hãng dược phẩm...Đối với hệ lụy thứ hai nêu ở phần trên, khi quan hệ với các cá nhân trong hệ thống thực thi pháp luật trở thành mục tiêu nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trong mọi lĩnh vực xã hội, thì tiền bạc được tiêu tốn ngày càng nhiều vào loại chi phí này, tham nhũng vừa gia tăng vừa được củng cố. Nhà nhà đổ xô kiếm tiền không phải chỉ để đảm bảo cho mình khi đau ốm bệnh tật mà còn phòng khi vi phạm pháp luật, khi cần cho các cuộc “chạy”, chạy chức, chạy trường, chạy điểm, chạy học hàm học vị, chạy án...Trong môi trường như thế, người có chức quyền sẽ coi trọng quan hệ cấp trên và coi thường quan hệ cấp dưới, bổ nhiệm người biết chạy hay chí ít là biết nghe lời, chứ không phải người có năng lực thật sự. Trong môi trường như thế, rất khó có thể nuôi dưỡng văn hóa phản biện (chủ yếu với cấp trên) để phát triển tổ chức, phát triển xã hội. Và trong môi trường như thế, dân chủ không thể tồn tại vì làm cho dân vui không quan trọng bằng làm hài lòng quan chức cấp cao hơn.Con người trong một môi trường như vậy cũng sẽ không còn tin vào tính công bằng, bình đẳng vì pháp luật được nhìn nhận qua lăng kính đồng tiền. Xã hội đa số là người nghèo, sẽ không tin vào sự bảo vệ của pháp luật dành cho mình, từ đó rút lại cố thủ, trở nên ích kỷ hơn, trở nên thờ ơ, vô cảm với những khó khăn của cộng đồng. Gặp người bị nạn ngoài đường sẽ không dám ra tay giúp đỡ vì sợ liên lụy mà pháp luật không đủ phân minh để giải oan cho mình. Tố cáo việc sai trái của cấp trên chỉ mang họa vào thân vì không đủ tiền để theo đuổi kiện tụng, trù dập. Người ta càng lúc càng tin rằng những người vì lợi ích chung, đòi hỏi lợi ích cho cộng đồng, cho những người cô thế rồi mang họa vào thân là những kẻ thiếu thực tế và không khôn ngoan.Đối với doanh nghiệp, tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng trượt dốc vì các lỗi do vô trách nhiệm với cộng đồng (dân cư, khách hàng, môi trường, nhà nước...) có thể được giải quyết bằng tiền và quan hệ.Thế nên người ta cầu tài, cầu tiền, cầu an... bằng mọi cách, kể cả kêu cứu thánh thần.Trong tất cả các hệ lụy thể chế và đạo đức nêu trên, nếu hệ thống truyền thông, ngôn luận không đủ mạnh và khách quan để soi rọi những quan hệ, để bóc tách đến cùng những xung đột lợi ích thì tiếng nói của các thành phần yếu thế, của người dân không đủ tiền cho các loại quan hệ chắc chắn sẽ khó được lắng nghe.Những yếu kém trong thể chế (cần được thay đổi, cải cách) và những vấn nạn trong đạo đức xã hội có mối liên hệ liên hoàn với nhau. Nếu không nhìn nhận thực tế này thì những nhức nhối của đạo đức xã hội vẫn còn đó và việc cải cách thể chế sẽ chỉ dừng lại ở ngôn từ.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen