Mittwoch, 10. September 2014

Những cuộc thanh trừng đẫm máu trong các đảng cộng sản

 Trúc Giang MN
- Mục đích của thanh trừng là loại đối thủ để củng cố và bảo vệ quyền lực. Hình thức “hợp pháp” là dùng cơ quan truyền thông trong tay, bịa chuyện, chụp mũ, bôi nhọ. Ở mức độ nặng hơn là bắt người tra tấn, mớm cung hoặc dùng cơ quan mật vụ trong tay ngụy tạo hồ sơ và cuối cùng loại đối thủ ở những kỳ Đại Hội Đảng trong mục sắp xếp lại nhân sự của Bộ Chính Trị. Đồng thời với việc hạ uy tín đối phương là việc suy tôn mình trong chính sách sùng bái cá nhân. Stalin đã đẻ ra chính sách nầy và nó được áp dụng rập khuôn trong đảng Cộng Sản Trung Quốc và đảng CSVN...

I. Tổng quát
 
Mục đích tối hậu của người làm chính trị là nắm lấy quyền lực. Ở những nước dân chủ thì quyền lực được nhân dân trao cho một cách hợp pháp, có giới hạn bằng những nhiệm kỳ, qua những cuộc bầu cử công bằng. Đó là sinh hoạt của xã hội văn minh.

Trái lại, bọn lưu manh thì dùng thủ đoạn và bạo lực để cướp chính quyền. Khi đã nắm được chính quyền rồi, thì dùng những thủ đoạn gian manh, lừa bịp để bảo vệ và duy trì quyền lực.

Mao Trạch Đông đã nói: “Súng đẻ ra chính quyền”.

Lịch sử của các đảng Cộng sản là lịch sử của những cuộc thanh trừng dã man, tàn bạo, điển hình là đảng CS Liên Xô, Trung Cộng và cả đảng CSVN nữa.

Tại sao các đồng chí lại phải thanh trừng lẫn nhau?

Lý do giản dị là, các đảng Cộng Sản (CS) là những tổ chức độc tài, không những độc tài với quần chúng nhân dân, mà còn độc tài trong nội bộ đảng nữa. Không có dân chủ thì sinh ra tranh chấp. Tranh chấp sinh ra bè phái, phe nhóm. Sức mạnh là yếu tố chiến thắng trong mọi tranh chấp.

Vì nạn bè phái, phe nhóm, cho nên những cuộc thanh trừng thường kéo theo rất nhiều người từ trung ương đến địa phương và cuộc thanh trừng được tổ chức bằng những chiến dịch hoặc được gọi là cuộc cách mạng.

Triệt hạ đối thủ chính trị bằng nhiều hình thức như đấu tố, bắt bớ giam cầm, ám sát, thủ tiêu, cô lập, quản chế…

II. Chi tiết

1. Cuộc thanh trừng trong đảng Cộng Sản Liên Xô

Stalin và trùm mật vụ KGB Beria

1.1. Diễn tiến Đại Thanh Trừng

Đại Thanh Trừng là một chiến dịch thanh trừng đẫm máu diễn ra ở Liên Xô dưới sự chỉ đạo của Joseph Stalin vào thập niên 1930. Đó là một cuộc thanh trừng vĩ đại, tàn sát những người chống đối tư tưởng và chế độ Stalin. Nạn nhân là những đảng viên cao cấp trong đảng Bolshevik. Nổi tiếng nhất là Trotsky, bị tống ra khỏi đảng năm 1927, bị đày tới Kazakhstan năm 1928 và sau đó bị trục xuất ra khỏi Liên Xô năm 1929. Sau cùng, Stalin cho người ám sát Trotsky tại Mexico City năm 1940.

Stalin đã hủy hoại về mặt tinh thần và thể xác những đối thủ chính trị, ngay cả những người từng là thân cận. Có đến hàng triệu người bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bách (Gulag), bị giết, như con trai của Trotsky là Lev Sedov.

Hai năm 1936, 1937 là thời gian kinh hoàng nhất đã bao trùm trên Liên Xô, gọi là “Nỗi khiếp sợ vĩ đại”.

Chính tay Stalin đã ký 40,000 giấy cho phép xử bắn những người tình nghi là đối thủ chính trị của ông ta. Ngoài ra, hàng loạt người bị bắt giữ, tra tấn và hành quyết mà không cần tòa án.

Theo tài liêu được giải mật, chỉ riêng 2 năm 1937, 1938 đã có 681,692 người bị xử bắn. Các nhà sử học cho rằng con số nầy đã bị nhà nước Liên Xô giảm xuống. Thật ra, con số thật sự khoảng 1,548,367 người bị xử bắn. Tính ra, trung bình có hơn 1,000 người bị giết mỗi ngày.

Hàng triệu người được chuyển tới những trại lao động cưỡng bách.

Trong các cuộc điều tra của Bộ An Ninh thì có:

- 1,710,000 người bị bắt giữ.

- Có ít nhất là 2,000,000 người bị kết vào những tội dân sự.

1.2. Joseph Stalin

Tới lượt Stalin bị thanh trừng

Tên Nga là Iosif Vissarionovich Stalin, sinh ngày 18-12-1878. Quân hàm Đại nguyên soái, Tổng tư lịnh Quân Đội Liên Xô.

Ngày 1-3-1953, sau khi ăn tối với Bộ trưởng Nội vụ là Beria (Giám đốc KGB) và 3 thủ tướng tương lai là Georgi M. Malenkov, Nikolai A. Bulganin và Nikita S. Khrushchev ở Moskva, thì Stalin bị ngã quỵ trong phòng rồi nằm liệt giường. Đám cận vệ lấy làm lạ là không thấy ông thức dậy vào buổi sáng hôm sau, nhưng họ có lịnh của Beria là không được quấy rầy Stalin, cho nên đến tối hôm đó, mới phát hiện Stalin đã chết.

Có nguồn tin cho rằng Beria đã đầu độc Stalin để chiếm đoạt chức vụ. Và Beria là người thay thế Stalin liền ngay sau đó. Beria bị Khrushchev xử tử ngày 23-12-1953.

Stalin được tuyên bố là đã qua đời vào ngày 5-3-1953 (74 tuổi). Thi hài được giữ trong Lăng Lênin cho mãi tới ngày 31-10-1961 thì mới bị mang ra khỏi Lăng và chôn bên cạnh tường của Điện Kremlin.

1.3. Beria, tên đao phủ của Stalin


Lavrentiy Pavlovich Beria (29.3.1899 - 23.12.1953) là là đại tướng 4 sao, trùm mật vụ KGB, tên đồ tể thi hành những vụ bắt bớ giam cầm, ám sát và thủ tiêu những đối thủ chính trị của Stalin.

15 thành viên của chính quyền Bolshevik đầu tiên, ngoại trừ Stalin, thì 14 người còn lại đã bị Beria xử bắn 10 người và thủ tiêu 4 người. Beria cũng ra lịnh cho Ramon Mercader ám sát Trotsky tại Mexico City ngày 20-8-1940.

Beria tiến hành thanh trừng trong quân đội.

- 3 trong 5 Nguyên soái bị tử hình.
- 3 trong 5 Tổng tư lịnh QĐ bị tử hình.
- 10 Phó tổng tư lịnh QĐ bị tử hình.
- 57 trong 85 Tư lịnh Quân đoàn bị tử hình.
- 110 trong 195 tư lịnh sư đoàn bị tử hình.

Beria, Giám đốc KGB, có thể bắt giữ và giết chết bất cứ ai, thường bắt gái đẹp ngoài phố đưa về văn phòng hãm hiếp. Sau khi Stalin chết, Beria lên thay thế nhưng liền sau đó bị nhóm của Nikita Khrushchev, gồm Molotov và Malenkov bắt giam cùng với bè đảng hàng chục người.

Nikita Khrushchev, Malenkov Molotov

Một tòa án đặc biệt do nguyên soái Ivan Konev lãnh đạo, đã bí mật xét xử từ ngày 16 đến 23-12-1953. Khi quyết định của tòa án đưa ra thì Beria đã bị xử bắn tại phòng giam của cơ quan Phòng không. Có nghĩa là, Beria đã bị giết chết trước khi tòa án được thành lập.

Stalin đã tạo ra chính sách Tôn sùng cá nhân để tự tôn sùng mình. Nhiều nhà báo cho rằng Stalin tàn bạo hơn Hitler, ở chỗ Stalin tàn sát đồng bào của mình bằng chính sách khủng bố nhà nước.

1.4. Đảng Cộng Sản Việt Nam nâng bi Stalin

 

Stalin là tên đồ tể của đảng CS Liên Xô (Bolshevik). Các khuôn mẫu về tàn sát đồng bào của mình đã được thi hành rập khuôn bởi những tên đồ tễ như Mao Trạch Đông, Pol Pot và cả Hồ Chí Minh nữa.

Sự thật còn chứng cớ ràng ràng không thể chối cãi được.

Tại Đại Hội II ở Việt Bắc vào tháng 2 năm 1951, Hồ Chí Minh chỉ lên hình Mao Trạch Đông và Stalin treo trên hội trường, bác nói:

“Hai vị lãnh tụ nầy của chúng ta không bao giờ phạm sai lầm, bác có thể bảo đảm chắc chắn như thế”.

Tố Hữu ca ngợi Stalin như sau:

Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng lúa tốt thuế mau xong
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt...

**

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Xít ta lin bên cạnh nhi đồng
Áo ông “thấm đỏ máu hồng” (Áo ông trắng giữa mây hồng)
Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười.

** Ông Xit ta lin! ông Xít ta lin!

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười!” (Tố Hữu)

Thật là nâng bi trâng tráo quá cỡ thợ mộc. Nâng bi tập thể, nâng bi có kế hoạch. Nâng bi tội ác! Vậy ai là tay sai đế quốc đây?

“Nước tôi có Đặng Xuân Khu
Đâm chết thằng chú, bỏ tù thằng cha.”

Kẻ nào ở miền Bắc XHCN hỗn hào hết chỗ nói. chẳng những chửi Đặng Xuân Khu Trường Chinh, mà còn chửi leo tới thằng cha, thằng chú!

Ngày 30-10-2009, Tổng thống Nga Dmitry Atolyevich Medvedev đã viết trên trang Blog của ông như sau:

“Hàng triệu người đã chết vì khủng bố do những cáo buộc dối trá. Không có sự phát triển nào gọi là thành công, bằng cái giá của hàng triệu sinh mạng của đồng bào mình. Không gì có thể đặt trên sự sống của con người cả. Hành động giết hàng loạt nhân dân mình của Stalin, không có lời giải thích nào thỏa đáng cả”.

Trong một bài diễn văn có tên là “Bài diễn văn bí mật” được đọc vào lúc nửa đêm ngày 5-3-1956, Khrushchev đã tố cáo tội ác của Stalin: Tôn sùng cá nhân, vi phạm nội quy đảng về lãnh đạo tập thể, là một kẻ sát nhân và tra tấn (Murderer, Torture), chụp mũ giết hại đảng viên lão thành Bolshevik.

Kết quả, hạ bệ Stalin. Mang xác Stalin ra khỏi Lăng Lênin.

2. Thanh trừng trong đảng Cộng sản Trung Quốc

 
 

2.1. Lý do thanh trừng nội bộ là thất bại của kế hoạch Đại Nhảy Vọt

Mao Trạch Đông muốn nhảy từ nông nghiệp lạc hậu thẳng lên công nghiệp để trở thành một siêu cường quốc giàu nhất, mạnh nhất thế giới trong vòng 10 năm.

Sáng kiến xây dựng lò cao luyện thép ở sân nhà của nông dân. Thế là đã có trên một triệu lò cao được xây dựng.

Phát động chiến dịch thi đua đi tìm “quặng”. Già trẻ bé lớn đều phải tham gia. Đinh vít, dao búa, bản lề, cuốc xẻng và ngay cả kẹp tóc, kim khâu cũng được thu nhặt đưa vào lò.

Khẩu hiệu “một cục sắt là một tên đế quốc bị tiêu diệt”. Nông dân bỏ mùa màng, hoa màu không ai gặt, vào thi đua luyện thép.

Thiếu than đốt lò. Cột nhà, mái rạ, bàn ghế, cây cối trong vườn, ngoài rừng ra tro hết.

Thu được một triệu tấn nhưng phân nửa là vô dụng.

Thất bại là do cái tối tâm dốt nát của một nông dân thất học Mao Trạch Đông mà ra.


Bành Đức Hoài lớn tiếng chỉ trích. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình thì làm ngược lại những nguyên tắc của Mao. Thế là mâu thuẫn phát sinh, đưa đến thanh trừng.

Lưu Thiếu Kỳ thì bị loại trừ ra khỏi đảng, bỏ tù và hành hạ cho đến chết. Vợ của Lưu là Vương Quang Mỹ bị Giang Thanh sai Hồng Vệ Binh đem ra đấu tố ngoài đường phố.

2.2. Mao Trạch Đông giết Lưu Thiếu Kỳ

 
 

Lưu Thiếu Kỳ (24.11.1898 - 12.11.1969)

Là Chủ tịch nước, từng là nhân vật số hai đã bị chết thảm. Vợ của Lưu là Vương Quang Mỹ bị Giang Thanh sai Hồng Vệ Binh đem ra đấu tố ngoài đường phố. Buộc Vương phải mặc váy dơ bẩn, cổ mang vòng hạt ngọc giả, làm bằng nhựa to bằng quả bóng bàn. Bọn sinh viên Hồng Vệ Binh đánh đập, đá, bắt phải quỳ cúi đầu xuống, nhưng bà Vương vẫn ngẩng đầu lên và đứng dậy.

Mao Trạch Đông giở trò độc ác, tách riêng vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ ra mỗi người một nơi để đấu tố, tránh trường hợp họ Lưu phát biểu tố cáo tội ác của Mao trước công chúng.

Hàng trăm người liên hệ xa gần với vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ đều bị bắt giữ, tra tấn, đe dọa, mớm cung, bịa chuyện để bắt tội hắn.

Vương Quang Mỹ, vợ của LTK, bị giam 12 năm và sau đó bà chết lặng lẽ ngày 13-10-2006.

Vào sinh nhật thứ 70, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai cho mang quà sinh nhật đến là cái Radio để nghe tường thuật buổi họp của Đại Hội Đảng là "Vĩnh viễn khai trừ tên phản bội, gián điệp và nổi loạn Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi đảng và tiếp tục truy tìm các tòng phạm của hắn".

Lưu Thiếu Kỳ nằm liệt giường, không cử động được cho nên cổ, lưng, mông và gót chân bị lỡ loét chảy mủ. Sau đó toàn thân bị thúi rữa. Đảng ra lệnh lột hết quần áo, quấn người trong cái mền, dùng máy bay chở từ Bắc Kinh đến nhà tù Khai Phong nhốt trong một cái lô cốt kiên cố. Không cho y tá chăm sóc sức khỏe.

Lưu Thiếu Kỳ chết trong toàn thân bị hủy hoại, tóc bạc dài 6 tấc. Thật ra tên nầy chết cũng đáng đời, bởi vì những thành viên của đảng Cộng Sản ít nhiều tay cũng đã nhuộm máu của nhân dân.

Bành Đức Hoài cũng vậy, bị giam cho đến chết trong tù năm 1976. Số của Bành Đức Hoài (BĐH) rất bi đát. Bị quản chế ở vùng núi Tứ Xuyên năm 1957. Năm 1961 được cho về thăm quê nhà ở Hồ Nam. Năm 1966, Mao sai một viên tướng đi giải BĐH về Bắc Kinh. Viên tướng cảm phục và xin tha tội cho Bành, thì bị Mao bỏ tù luôn.

Mao cho tay chân hành hạ BĐH một cách tàn nhẫn. Đánh đập bằng gậy, mang giày da đá và đạp làm cho Bành bị gãy 2 xương sườn, chết đi sống lại. Bị hỏi cung 260 lần để tìm người cùng phe nhóm. BĐH ở tù 15 năm, chết được chôn dưới một bí danh. Sau khi Mao chết, ngày chết của BĐH mới được các cháu chắt biết ngày làm giỗ. Bành Đức Hoài chết chỉ vì dám phê bình Mao Trạch Đông.

2.3. Mao Trạch Đông giết Lâm Bưu

 
 

Lâm Bưu là thuộc cấp của Bành Đức Hoài, lừa thầy phản bạn, được Mao cho Lâm Bưu thay thế BĐH ở chức vụ Bộ trưởng Quốc Phòng, rồi làm Phó chủ tịch đảng, là nhân vật số hai và được chọn làm người kế vị Mao. Lâm Bưu là “Kiến trúc sư” của cuộc Cách mạng Văn hóa.

Mao còn cho vợ của Lâm Bưu (LB) vào Bộ Chính Trị. Bà nầy không có tài mà còn nổi tiếng là đa dâm. Ở Nga, là bồ bịch với sĩ quan Nga, về nước thì quan hệ tình dục buông thả vì Lâm Bưu yếu về mặt tình dục, tạng yếu, sợ nước, sợ gió và tiếng động. Mật vụ của Mao còn ghi âm những buổi trao đổi tình tứ mùi mẫn trên điện thoại với viên Tổng tham mưu trưởng họ Hoàng.

Lòng tham quyền lực của Lâm Bưu (LB) không có giới hạn. LB muốn nắm lấy ghế Chủ tịch nước, thay thế Lưu Thiếu Kỳ. Trái lại, Mao Trạch Đông thì muốn bãi bỏ chức vụ đó, vì muốn trong nước chỉ có một chủ tịch, là chủ tịch đảng của Mao mà thôi.

Bất đồng ý kiến nảy sinh. Mao là người nham hiểm, ra tay triệt hạ những thủ hạ thân cận của LB. LB biết không chống lại nổi Mao, cho nên có ý định đưa vợ con chạy trốn.

Kế hoạch đã vạch nhưng chưa biết sẽ chạy trốn ở đâu, Hồng Kông, Nga hay Đài Loan. Lâm Bưu, vợ là Diệp Quần và con trai là Lâm Lập Quả, có bí danh là Hổ.

Hổ rất ghét Mao. Thường gọi Mao là bạo chúa, là B-52 bụng bự chứa đầy những tư tưởng xấu xa để giết người tập thể.

Hổ âm mưu ám sát Mao nhưng không thực hiện được.

Một sai lầm lớn của Hổ là viết thơ cho chị là Lâm Lập Hành bảo về nhà gấp để sáng sớm hôm sau cả nhà lên đường chạy trốn.

Nhưng người chị ruột nầy là người mê muội, bị nhồi sọ và là một người rất tích cực trong Cách mạng Văn Hóa, cho rằng chạy ra nước ngoài là một hành vi phản bội tổ quốc, cho nên đã mật báo với lực lượng an ninh. Tin tức nầy được thông báo ngay cho Chu Ân Lai, và Chu ra lịnh kiểm soát vị trí của tất cả những phi cơ, nhất là chiếc Trident mà LB thường dùng.

Hổ được bạn bè báo tin về lịnh kiểm soát của Chu Ân Lai, cho nên phải chạy trốn ngay.

23 giờ 50 xe chở gia đình Lâm Bưu vào sân bay, nhưng xe không dừng ở trạm kiểm soát mà chạy vượt qua cổng, làm cho viên quản lý thường đưa LB ra phi trường, biết rằng có việc chạy trốn, nên hô hoán lên và nhảy ra khỏi xe. Có vài tiếng súng nổ.

Chiếc Trident đang đổ xăng mới có 12 tấn rưởi nhưng phải cất cánh ngay. Phi hành đoàn 9 người nhưng chỉ còn có 4. Lại thêm một người bạn của Hổ trên chuyến bay.

2 giờ sau, phi cơ đến Ngoại Mông trên đường qua Liên Xô thì kim báo nhiên liệu sắp hết và bị nổ tung lúc 2 giờ 30 ngày 13-9-1971. Không ai sống sót. Nguồn tin cho rằng phi cơ bị hỏa tiển bắn hạ.

2.3. Mao Trạch Đông hạ bệ Đặng Tiểu Bình

 
 

Năm 1966.

Đặng Tiểu Bình (ĐTB) theo phe Lưu Thiếu Kỳ. Trong Cách mạng Văn Hóa, ĐTB bị cách hết các chức vụ. Từ năm 1969 đến 1972, vợ chồng ĐTB bị đưa về quản chế ở Giang Tây. Con cái tất cả đều bị đưa đi trại cải tạo.

Năm 1973.

Ngày 20-3-1973, ĐTB được phục hồi công tác, trở về Trung Nam Hải (Bắc Kinh). Giữ chức Phó chủ tịch đảng, phó thủ tướng cho Chu Ân Lai vì Chu Ân Lai làm ăn bết bát quá.

Năm 1976.

Sau khi Chu Ân Lai mất, Mao Trạch Đông lại cách chức ĐTB, chỉ còn danh hiệu đảng viên và còn hộ khẩu ở Bắc Kinh. Bị quản chế 3 tháng.

Tháng 6 năm 1976.

Sau khi “Bè Lũ Bốn Tên” bị lật đổ, ĐTB lại được phục hồi chức vụ.

Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản đã tàn sát gần 10 triệu người chỉ là để thanh trừng phe nhóm Lưu Thiếu Kỳ, sau khi Mao Trạch Đông bị mất uy tín do thất bại của Bước Đại Nhảy Vọt.

Lưu Thiếu Kỳ đã yêu cầu Mao hãy chấm dứt cuộc CMVH, đừng trừng phạt ai nữa, nếu cần, thì hãy trừng phạt Lưu nầy mà thôi.

Qua cuộc Cách Mạng Văn Hóa, Mao Trạch Đông đã đạt được mục đích là củng cố và duy trì quyền lực.

Nhìn lại sự kiện bi thảm nầy, không có một tí gì gọi là cách mạng cả, mà cực kỳ phản văn hóa, vô nhân đạo và còn đày đọa đến tận cùng giai cấp nghèo khổ, vô sản.

Đối với người Việt Nam, thì hầu như nhà nào ở miền Bắc cũng phải treo hình của Mao Trạch Đông và Mác, Lenin cả. Biết bao nhiêu bài thơ ca ngợi Mao của Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư... nào là: Mao Trạch Đông là mặt trời, là cứu tinh, là ngôi sao sáng nhất, là cây đại thọ, là ngọn hải đăng, là Ông hiền từ, là Bác Nhân ái, là vị lãnh tụ anh minh...

Bọn a dua nịnh bợ xem những lời của Mao là chân lý vĩnh cửu.

3. Những vụ thanh trừng trong đảng Cộng Sản Việt Nam

 
3.1. Những vụ hạ bệ

Bất đồng ý kiến về việc thiết lập chính sách và kế hoạch quốc gia là việc bình thường. Cùng là “đồng chí” với nhau, nếu cùng một mục đích phục vụ quốc gia dân tộc thì mọi bất đồng ý kiến có thể bàn bạc với nhau để đi đến nhất trí và thống nhất hành động. Cần gì phải kéo bè, kéo đảng để hạ độc thủ cho nhau.

Đó chẳng qua là những đám tay sai ngoại bang, Nga và Tàu. Hai quan thầy không thể sống chung hòa bình với nhau, thì bảo sao các đám đàn em làm như thế cho được?

Hồ Chí Minh gọi tình trạng đó là “Sự chia rẽ trong đảng”, và trước khi nhắm mắt, viết di chúc kêu gọi đoàn kết.

Hoàng Văn Hoan sợ bị Lê Duẩn-Lê Đức Thọ thanh trừng cho nên phải chạy trốn sang Trung Cộng năm 1988.

Võ Nguyên Giáp bị Lê Duẩn-Lê Đức Thọ đì từng bước, từ đại tướng cầm quân, đến đại tướng cầm quần chị em, rồi chả còn cái gì để cầm nữa, thì hoàn toàn bị hạ bệ và bị cô lập khỏi quyền lực. Nói không ai nghe. Viết chẳng ai trả lời.

Sinh hoạt của đảng CSVN giống như những câu chuyện trong “thâm cung bí sử” cho nên mới có những “cụm từ” cung vua, phủ chúa, thái thượng hoàng... Chỉ có những người trong cuộc tiết lộ ra ngoài thì bàng dân thiên hạ mới biết được.

Nhờ nhật ký của Đoàn Duy Thành phanh phui thì đồng bào mới biết được sự đấu đá nhau để tranh giành quyền lực giữa Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu.

Đến như Hồ Chí Minh khi về già cũng bị Duẩn-Thọ hạ bệ, loại ra khỏi quyền lực.

Trong nhật ký, Nguyễn Văn Trấn viết:

“Mà trời ơi, dưới triều đại Hồ Chí Minh, ai mà được Lê Đức Thọ để ý và có cảm tình, thì má thằng đó, đẻ nó đêm rằm tháng bảy” (tươi sáng, huy hoàng) “Tao nói cho mầy nghe, Bùi Công Trừng nói tiếp, về chuyện lão Hồ Chí Minh, tao nghe thằng Thọ âm mưu lật đổ ông già, và lấy Nguyễn Chí Thanh vô thay. Ông lão chỉ còn làm người chuyên viên nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, chuyện nước giao cho Nguyễn Chí Thanh. Việc đảng Statu-quo Lê Duẩn. Cái thằng tự nhiên nó muốn làm Khổng Tử nầy, khó lật nó lắm. Vì nó có công trạng ở Nam Bộ và mấy bà má ôm nó chum chủm trong lòng.

Mầy coi, coi có tội nghiệp không, đồng chí Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta, bận đồ lụa gụ, chủ trì Hội nghị mà quay mặt ra sân. Có lỗ tai, tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi nghe chướng tai quá, lão quay vô, đưa tay xin nói, thì thằng Thọ “lễ phép Bắc Hà”: “Bác hãy để cho anh em người ta nói đã nào”.

Tao đếm lão Hồ đã đưa tay mấy lần mà lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn” (Hồi ký “Viết cho mẹ và Quốc hội, Nguyễn Văn Trấn, trang 328)

Vụ tranh chấp bộ ba “Mười-Anh-Kiệt” đã xì ra những sự việc như sau:

Lê Đức Anh là phu cạo mủ, làm việc cho Tây ở đồn điền, đã khai gian lý lịch về ngày được kết nạp vào đảng, đồng thời đã đánh đập hà hiếp công nhân cạo mủ...

Bộ ba đã cố bám lấy quyền lực, đã hết nhiệm kỳ mà vẫn cố lì ở lại làm “Thái Thượng Hoàng”, tức là cố vấn cho Bộ Chính Trị TW Đảng. Bám quyền lực như Lê Đức Anh, bị tai biến mạch máu não, liệt nhẹ bán thân, mà không chịu nghỉ hưu.

3.2. Một loạt những cái chết bí ẩn

Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không thoát khỏi đặc điểm chung của các đảng Cộng Sản: đó là thanh trừng.

Nhiều tác giả nêu lên những cái chết đầy bí ẩn được cho là thanh trừng nội bộ. Cụ thể như những cái chết của: Lâm Đức Thụ, Dương Bạch Mai, của các đại tướng: Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, thượng tướng Đinh Đức Thiện…

III. Kết luận

“Stalin đã sát hại 2/3 Ủy Viên Chính Trị Bộ, khoảng 3/4 Ủy Viên Trung Ương thời Lênin và khoảng 20 triệu dân Nga. Mao Trạch Đông cũng đã hãm hại nhân vật thứ 2 như Lâm Bưu, rồi Chủ Tịch Lưu Thiếu Kỳ, Bành Chân, Bành Đức Hoài..., chính Đặng Tiểu Bình cũng 3 lần bị hạ bệ và khoảng 60 triệu dân TQ. CSVN cũng không thoát khỏi những hành vi man rợ thuộc loại này”. (Đỗ Thông Minh)

Mục đích của thanh trừng là loại đối thủ để củng cố và bảo vệ quyền lực. Hình thức “hợp pháp” là dùng cơ quan truyền thông trong tay, bịa chuyện, chụp mũ, bôi nhọ. Ở mức độ nặng hơn là bắt người tra tấn, mớm cung hoặc dùng cơ quan mật vụ trong tay ngụy tạo hồ sơ và cuối cùng loại đối thủ ở những kỳ Đại Hội Đảng trong mục sắp xếp lại nhân sự của Bộ Chính Trị.

Đồng thời với việc hạ uy tín đối phương là việc suy tôn mình trong chính sách sùng bái cá nhân. Stalin đã đẻ ra chính sách nầy và nó được áp dụng rập khuôn trong đảng Cộng Sản Trung Quốc và đảng CSVN.

Mao Trạch Đông in hàng triệu quyển sách nhỏ “Mao Tuyển”, “Hồng Bảo Thư” phát cho sinh viên, nghỉ học để đi làm công tác thanh trừng. Mao lội trên sông Dương Tử rồi phổ biến rầm rộ.

Chính sách sùng bái cá nhân tạo ra một lớp người xu nịnh, lừa thầy phản bạn như Lâm Bưu.

Bịa chuyện thần thánh hóa, tạo ra nhiều huyền thoại chung quanh mình.

Mao kể lại cho nhà báo Edgar Snow về cuộc chiến đấu rực lửa của Hồng quân khi qua cầu Đại Đô rằng “sáu hàng xích sắt lớn nối hai đầu cầu được nung đỏ, phía trước là những ụ súng máy nhả đạn không ngừng, thế mà Hồng quân vẫn bò qua...” Nghe đến đây, dù người dễ tin cách mấy cũng thấy có điều không ổn, không hợp lý, không có thật. Đúng là Mao đã thần thánh hóa quân đội của mình.

Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã lấy tên một người là Trần Dân Tiên, viết chuyện tự đề cao mình.


Trúc Giang
__._,_.___

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen