Freitag, 5. September 2014

Minh Ước NATO chuyển hướng

Từ Ukraine, Vladimir Putin đang phục hoạt NATO

Hùng Tâm

Tuần này, nguyên thủ các quốc gia thành viên của Minh Ước Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương NATO có thượng đỉnh tại thành phố Newport của Công quốc Wales trong Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan (United Kingdom) - mà chúng ta thường gọi là nước Anh. Trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tháng Chín, lãnh đạo của 28 thành viên NATO thảo luận về tương lai của một minh ước quân sự hình thành từ 65 năm trước và nay phải xác định lại mục tiêu trước mối đe dọa của Liên Bang Nga tại Ukraine.  tổng hợp lại các sự kiện đáng chú ý của sự xoay chuyển này.
North Atlantic Treaty Organization (orthographic projection).svg


Nói mà không làm mới là giỏi

Ðã có một giai đoạn dài, tới nửa thế kỷ, Minh Ước NATO bị châm biếm là “no action, talk only” - chỉ nói mà không làm. Thật ra đấy mới là sự thành công của một liên minh phòng thủ quân sự. 

Ra đời từ năm 1949 để bảo vệ phân nửa miền Tây Âu Châu trước đà bành trướng của Liên Bang Xô Viết và các chư hầu trong khối quân sự Warsaw, Minh Ước NATO có mục tiêu phòng vệ chứ không phải là tấn công. Tổ chức quân sự này hoàn thành mục tiêu đó khi gìn giữ được hòa bình để các nước Tây Âu có thể phát triển mạnh về kinh tế sau Thế Chiến II (1939-1945). Nền móng của công cuộc phát triển này là dân chủ về chính trị và tự do về kinh tế. Sức mạnh bảo vệ đến từ vai trò trọng yếu của Hoa Kỳ và từ một yếu tố cực kỳ quan trọng trước đó chưa hề có: cả hai phe đều có võ khí hủy diệt tuyệt đối là nguyên tử (atomic), sau này là hạch tâm (nuclear).

Trong tương quan lực lượng mà thời ấy người ta gọi là Ðông-Tây, với phía Ðông của Âu Châu là khối Cộng Sản Xô Viết và phía Tây là các nước Âu Châu tự do, khối tự do đã thắng vì những nhược điểm nội tại của chủ nghĩa cộng sản khiến Liên Xô kiệt sức, suy sụp và tan rã. 

Sau khi Liên Xô tiêu vong vào năm 1991, khủng hoảng bùng nổ trong khối Xô Viết cũ, kết tụ vào vùng đất có nhiếu mâu thuẫn nhất là Liên Bang Nam Tư (Yugoslavia). Sự tan rã của Nam Tư trong khu vực Balkan dẫn tới xung đột về sắc tộc và tôn giáo giữa các thành viên cũ với quốc gia mạnh nhất là Serbia vẫn cố gắng bảo vệ lợi thế và sự thống nhất của mình. 

Kế thừa sự nghiệp của Liên Xô, cường quốc giàu mạnh nhất là Liên Bang Nga khi ấy bị 10 năm khủng hoảng trầm trọng, từ 1991 đến 2001, và không thể làm gì trước đà tan rã của hệ thống cũ. 

Ðấy là lúc Minh Ước NATO lần đầu tiên ra quân, vào năm 1999, để bảo vệ người dân Kosovo bị quân đội Serbia tấn công và tàn sát. Kosovo là một khu tự trị của Cộng Hòa Serbia, bên trong, đa số người dân theo Hồi Giáo và thuộc sắc tộc Albania. Còn Serbia khi đó nằm dưới chế độ độc tài của Slobodan Milosevic, một đồng minh của Nga, và đa số người dân thuộc sắc tộc Nga La Tư (Slav) theo Chính Thống Giáo.

Do quyết định của chính quyền Bill Clinton trước sự hậm hực mà bất lực của Nga, Minh Ước NATO không kích các đơn vị tác chiến Serbia để cứu dân Kosovo. Sau đó, Liên Hiệp Âu Châu còn vận động tiếp để Kosovo ly khai khỏi Serbia thành một nước độc lập. Cuối cùng thì chính người dân Serbia cũng nổi lên lật đổ chế độ độc tài sắt máu của Milosevic và đưa Cộng Hòa Serbia vào khối dân chủ thân Tây phương (Âu và Mỹ), với hy vọng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Lãnh đạo nước Nga sau trận khủng hoảng, Tổng Thống Vladimir Putin khó quên nổi kinh nghiệm đó. Với Putin, Minh Ước NATO hết là tấm khiên phòng thủ của thời Chiến Tranh Lạnh vì sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, NATO biến thành lá chắn cứ lăn về hướng Ðông để bành trướng ảnh hưởng của các nước dân chủ vào khu vực Ðông Âu và Trung Âu xưa kia thuộc quỹ đạo Nga.

Lối suy nghĩ và phản ứng đó của Putin từ 15 năm trước mới giải thích chuyện Ukraine ngày nay, biến cố đang khiến lãnh đạo NATO phải rà soát lại mục tiêu của minh ước.

Trước khi nói đến những chuyển biến sắp tới của NATO, “Hồ Sơ Người Việt” cần nhìn lại minh ước này trong giai đoạn giao thời, khi Liên Xô tan rã và Putin chưa quật khởi.


NATO như chong chóng hết gió

Minh ước NATO tồn tại chủ yếu là nhờ sự góp quân và góp tiền của Hoa Kỳ. 

Trong thời Chiến Tranh Lạnh từ 1949 đến 1991, Hoa Kỳ là quốc gia mở rộng khả năng quân sự trên cả khu vực Tây Âu với các đơn vị tác chiến, cả trăm căn cứ quân sự và một lượng quân cụ lớn lao hơn sức cung ứng của các nước 
Tây Âu. Hệ thống quân sự ấy trải rộng quanh “Bức màn sắt” của Liên Xô. Chiến lược của Hoa Kỳ là có được mạng lưới võ trang bao vây Liên Xô để làm chức năng gián chỉ và báo động. Gián chỉ là can gián và cấm chỉ những toan tính phiêu lưu của Liên Xô, và báo động là khi Liên Xô có thể vượt tường mà tung quân vào Tây Âu.

Nhưng khi Liên Xô suy sụp vào năm 1989 rồi tan rã năm 1991, Minh ước NATO thực tế lại quay trong chân không như cái chong chóng. Sau đó, minh ước là cái chong chóng hết gió.

Trước tiên, các thành viên NATO không còn thấy nhu cầu gia tăng quân phí cho việc phòng thủ nữa. Ngoài trường hợp Luxembourg tí xíu và Tây Ban Nha, từ năm 1990, không xứ nào chấp hành điều kiện của NATO là dành 2% Tổng sản lượng cho quốc phòng. Tới năm 2012 thì chỉ có bốn nước còn đáp ứng đòi hỏi đó, và Hoa Kỳ đành chi tiền để trám vào khoảng trống. Chẳng những cắt giảm quân phí, các nước còn giảm bớt cấp số quân đội. 

Ngoài khối Tây Âu, các nước Ðông Âu vừa thoát khỏi ách Xô viết cũng đi theo trào lưu này. Lý do chính thức là “binh quý hồ tinh,” coi sự tinh nhuệ và hỏa lực là chính, chứ bất quý hồ đa. Chuyển biến thứ ba là NATO còn huy động sự tham gia của các nước xưa kia nằm trong hệ thống Xô Viết và nâng cấp số thành viên lên gấp đôi.

Kết quả là Minh Ước NATO có ít phương tiện hơn xưa, mà đảm nhiệm thêm chức năng mới để có nhiều đơn vị hay căn cứ nằm bên “Bức màn sắt mới.” Ðấy là lúc NATO với ít tiền ít quân hơn, mà lại mở ra nhiều hoạt động nằm ngoài mục tiêu nguyên thủy là ngăn chặn Liên Xô.

Vì hiến chương của NATO quy định là mọi quyết định của Minh ước đều phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên, người ta thấy ra một nghịch lý là NATO bị tê liệt trong khi nhận thêm nhiệm vụ mới. 

Sau vụ không tập Kosovo năm 1999, đến năm 2001 NATO đã căn cứ vào điều 5 của hiến chương (tấn công một thành viên là tấn công cả tập thể nên tập thể có nhiệm vụ bảo vệ) mà can thiệp vào chiến trường Afghanistan - nằm ngoài Âu Châu - vì Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công. Song song, NATO cũng có mặt trong vùng Balkan, ngoài biển Ðịa Trung Hải, tại vịnh Aden và cả Somalia hay Sudan và Nam Sudan ở Phi Châu, v.v... 

Trong khi đó, Liên Bang Nga dần dần ra khỏi khủng hoảng và chuẩn bị tổng phản công, bước đầu tiên là đưa quân vào Georgia năm 2008.

Từ năm 2001 trở đi cho tới gần đây, NATO mới là cái chong chóng xoay theo ba hướng. 

Các nước phía Bắc Âu Châu, từ Vương quốc Anh trở lên, thì còn giữ gìn mục tiêu bảo vệ Bắc Ðại Tây Dương nên có lập trường gần với Hoa Kỳ. Các nước Tây Âu quanh Ðịa Trung Hải thì quan tâm đến mối nguy xuất phát từ miền Nam, từ Trung Ðông, nên muốn NATO là lực lượng quân sự canh chừng Nam Âu cho mình. Trong khi đó, các thành viên mới của NATO tại khu vực Ðông Âu và Trung Âu thì không quên được mối đe dọa từ miền Ðông, từ Liên Bang Nga sau vụ Georgia. 

Vì vậy, NATO không thể có một chiến lược thống nhất và tập trung vào một mục tiêu ưu tiên. Ngày nay, nhờ Putin với bàn tay thọc sâu vào miền Ðông của Ukraine, NATO đang điều chỉnh lại tọa độ.


NATO dàn trận

Từ đầu năm nay, khi vụ khủng hoảng Ukraine bùng nổ vì sự can thiệp của Putin - xâm lấn hay xâm lược là tùy cách gọi - NATO đã tái phối trí lại phương tiện và nghiền ngẫm lại mục tiêu.

Về phương tiện, minh ước ra sức yểm trợ quân sự cho chính quyền Ukraine tại Kyiv (tên thủ đô theo cách gọi của dân Ukraine thay cho chữ Kiev thông dụng, vốn là tiếng Nga) bằng nhiều biện pháp, kể cả thông tin tình báo hay quỹ tài trợ các lực lượng võ trang của Ukraine. Nhiều thành viên khác của NATO thì kêu gọi cung cấp thêm võ khí cho quân đội chính quy của Kyiv. Riêng có ba nước thì đã thi hành điều này, là Hoa Kỳ, Hung và Croatia.

Hôm 29 vừa qua, Thủ Tướng Arseny Yatsenyuk của Ukraine còn yêu cầu Quốc Hội thông qua một quyết định là xin gia nhập Minh Ước NATO. Diễn giải cho dễ hiểu: Ukraine chưa là thành viên NATO, mà đã được minh ước này bảo vệ. Vấn đề ấy khiến NATO phải suy ngẫm lại mục tiêu và hợp thức hóa các quyết định chiến lược trước đà bành trướng của Putin.

Trong thực tế và chìm sâu dưới những bản tin của thời sự, Minh Ước NATO đã tái phối trí lại phương tiện quân sự và cần những văn kiện pháp lý cho phép sự chuyển hướng đó. 

Thí dụ như NATO đang chuẩn bị ký kết một hiệp ước dài hạn cho phép đưa quân vào Thụy Ðiển và Phần Lan nếu được yêu cầu. Mục đích là để khai triển khả năng cấp cứu hay bảo vệ khi hai xứ này, hoặc nhiều xứ khác, có lời kêu gọi. Cũng vì tính toán đó của NATO mà Putin đã cho chiến đấu cơ ba lần xâm phạm không phận của xứ Phần Lan trong Tháng Tám vừa qua.

Một thí dụ khác là NATO lặng lẽ củng cố hệ thống phòng thủ chung quanh bức Màn sắt mới của Putin, tại các nước Ðông Âu xưa kia là thành viên của tổ chức Warsaw. Vì vậy, Hoa Kỳ gia tăng công tác huấn luyện cho quân lực Romania, Bulgaria và quanh khu vực Hắc Hải trong khi bố trí lại các đơn vị tác chiến (Lữ Ðoàn Không Kỵ 173 và Sư Ðoàn I Thiết Giáp) vào Ba Lan và ba nước trong vùng biển Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia. Bên cạnh đó, Anh, Pháp, Ðức và Canada cũng đã nâng cao khả năng không chiến trong khu vực.

Ngoài ra, NATO đang trù tính lập ra các căn cứ thường trực tại Ba Lan và vùng Baltic để khi hữu sự thì có sẵn những đầu cầu đổ quân, và trước hết là để các nước bị đe dọa thấy rõ ý chí bảo vệ của minh ước.

Ngày nay, lãnh đạo của minh ước đang ở vào giai đoạn “ngôn hành hợp nhất,” là hành động đi đôi với lời nói.


Kết luận ở đây là gì?

Các nước dân chủ Tây phương đang gặp hai mối nguy đồng quy - cùng nhắm vào một tâm điểm - là sự bành trướng của chế độ Putin độc tài và sự đe dọa của các lực lượng Hồi Giáo cuồng tín tại Trung Ðông. 

Minh Ước NATO kết tụ nỗ lực phòng thủ của Tây phương trước hành động phiêu lưu của Putin. Nhưng nhiều thành viên NATO cũng nằm tại vùng bản lề của cả hai mối nguy nói trên, điển hình là vùng Hắc Hải bên cạnh Ukraine và Romania, hay là xứ Turkey, thành viên NATO, tiếp giáp với Iraq và Syria.

Sau Tổng Thống Barack Obama, lãnh đạo Hoa Kỳ phải nhìn ra mối quan hệ này và đề xướng với các nước một mục tiêu chiến lược và thiết thực hơn cho Minh Ước NATO. Thế mới là lãnh đạo.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen