Donnerstag, 10. April 2014

Vụ dân quỳ trước cổng ủy ban: Dân vẫn thay nhau thắp hương kêu cầu


Viết Cường
(GDVN) – Vì con đường cổ có từ hàng nghìn năm, nhiều cụ già tại phường Mễ Trì vẫn đang hằng ngày chịu gió bụi, mong chờ một tin vui từ lãnh đạo TP. Hà Nội…
Từ ngày 25/3 cho đến nay, nhiều người dân phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội (trước đây là xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm) vẫn tập trung trước cổng ủy ban, lập bàn thờ, treo cờ nhằm đòi lại con đường cổ vào miếu Bàn Thổ của làng đã có từ hàng nghìn năm. Lí do vì khu đất này đã bị TP. Hà Nội cho Điện lực Từ Liêm thuê từ năm 2007, thời hạn thuê là 50 năm.
Người dân Mễ Trì bật khóc khi nói về 'con đường lịch sử' bị UBND TP. Hà Nội thu hồi cho điện lực thuê (ảnh GDVN)
Người dân Mễ Trì bật khóc khi nói về ‘con đường lịch sử’ bị UBND TP. Hà Nội thu hồi cho điện lực thuê (ảnh GDVN)
Trước đó, đêm ngày 24/3, hàng trăm người dân Mễ Trì đã góp tiền thuê máy xúc san gạt, đổ bê-tông con đường này để chuẩn bị cho lễ rước thánh vào miếu trong năm sau. Sự việc trên không được sự đồng thuận của chính quyền Mễ Trì. Quận Nam Từ Liêm (khi đó là huyện Từ Liêm) đã cử công an, thanh tra giao thông, cảnh sát cơ động và đầy đủ ban bệ chính quyền huyện, xã ra ngăn cản bà con thi công con đường.
Theo người dân cho biết, trong lúc ngăn cản, công an đã bắn hai phát súng lên trời để “cảnh cáo” những người dân có mặt. Đến gần 3h sáng ngày 24/3, khi lực lượng chức năng ra về, nhân dân tiếp tục hoàn thành nốt con đường từ gần cổng ủy ban Mễ Trì vào tới miếu Bàn Thổ.
Ngày 27/3, trong cuộc họp với đông đảo người dân hai thôn Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng, ông Đào Tăng Quýnh – Chủ tịch UBND phường Mễ Trì đã khẳng định, việc cho Điện lực Từ Liêm thuê đất là quyết định của UBND TP. Hà Nội, phường chỉ đứng ra làm nhiệm vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tiền cho thuê đất thì UBND TP. Hà Nội thu.
Như vậy, đã nửa tháng trôi qua, người dân – trong đó chủ yếu là các cụ già vẫn tiếp tục tập trung bám trụ, lập bàn thờ trên con đường cổ, đoạn trước cổng UBND phường Mễ Trì nhằm đòi lại con đường. Chính quyền mới Nam Từ Liêm thì vẫn đang loay hoay, chưa thể vận động người dân trở về nhà.
Nhiều cụ già ở Mễ trì đã nửa tháng nay chịu nắng gió, bụi bặm, mong lấy lại được con đường cổ của làng (ảnh Viết Cường)
Nhiều cụ già ở Mễ trì đã nửa tháng nay chịu nắng gió, bụi bặm, mong lấy lại được con đường cổ của làng (ảnh Viết Cường)
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam ngày 8/4, ông Hứa Đức Minh – Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho hay, tạm thời vẫn để nguyên con đường cho bà con đi lại.
Ông Minh cho biết thêm, sau khi xảy ra vụ “lùm xùm” trên, chính quyền Mễ Trì đã gửi rất nhiều văn bản lên quận, thành phố để xin ý kiến, phương hướng giải quyết. Có hai phương án được đưa ra, thứ nhất là yêu cầu chủ đầu tư khớp nối một con đường khác, khi hoàn thành xong con đường này thì mới thu hồi con đường cũ.
Hướng thứ hai là xin thành phố phê duyệt, thay đổi quy hoạch để giữ lại con đường cũ cho nhân dân.
Nhưng theo ý kiến của vị phó chủ tịch, nếu triển khai việc mở một con đường mới, chạy thẳng từ miếu Bàn Thổ ra ngoài đường Mễ Trì có thể người dân sẽ không đồng ý. Ngài ra, con đường này đi qua vỉa hè, phải xin ý kiến của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
“Phường cũng đã xin ý kiến mấy lần nhưng Sở GTVT chưa đồng ý. Do đó, nếu UBND TP. Hà Nội thay đổi quy hoạch, giữ nguyên được con đường cũ cho bà con là điều tốt nhất” – ông Minh nói.
Vị phó chủ tịch Mễ Trì cũng chia sẻ, việc người dân bức xúc, tập trung bao ngày nay là có cơ sở. Bởi theo ông, con đường vừa là đường cổ, vừa là đường dân sinh và mang tính chất tâm linh. Tuy nhiên ông Minh cho rằng, động cơ giữ gìn những giá trị lịch sử của bà con là đúng nhưng hành động lại chưa chuẩn.
“Chúng tôi cũng đang dần thuyết phục bà con, nhằm giảm bớt đi sự mâu thuẫn giữa chính quyền và nhân dân. Bà con nói chính quyền phường bán nhưng thực chất chúng tôi đâu có bán. Đây là quyết định của thành phố, còn phường giờ lại là người chịu…” – ông Minh cho hay.
Ngày 27/4, trong cuộc họp giữa chính quyền Mễ Trì và bà con, nhiều người dân nhấn mạnh, đây là con đường có từ hàng nghìn năm, là ‘con đường lịch sử’ của làng. Hơn nữa, người dân cho rằng, khu đất ấy TP. Hà Nội chỉ cho Điện lực thuê thì vẫn có thể đòi lại được.
Và hiện tại, để giữ gìn những giá trị lịch sử, nhiều cụ già ở Mễ Trì đã phải ngồi hứng gió, chịu bụi đêm ngày trong nửa tháng nay. Họ đang mong chờ một “quyết định nhân văn” từ lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen