Donnerstag, 24. April 2014

THƯ NGỎ GỞI NGHỆ SĨ NGUYỄN THỊ KIM CHI

 
Thưa Chị Nghệ Sĩ Cộng Sản Nguyễn Thị Kim Chi,
 
 
Chị có tin rằng trên đời này con người ta có cái duyên với nhau không, dù thuận duyên hay nghịch duyên.  Nếu theo thuyết tam vô là vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc thì chưa chắc chị đã tin. Nhưng không sao, tôi tin. Tôi tin vì tôi không theo thuyết tam vô.  Tôi tin vì tôi rắt ít khi làm thơ tặng riêng cá nhân, thế mà tôi lại làm thơ tặng chị mặc dầu tôi không hề biết chị là ai. Tôi làm thơ tặng chị chỉ vì tình cờ nghe tin chị là một văn công VC nhưng đã coi thường tờ giấy khen của thủ tưởng VC Nguyễn Tấn Dũng mà từ chối lời đề đạt chỉ vì chị nhìn thấy đồng bào quanh chị đang bị hà hiếp, bất công và đau khổ. Chỉ có thế và chỉ vì thế mà tôi xúc động, tôi làm thơ tặng chị. Nói đúng hơn là tôi làm bài thơ đó vì sự việc nghe được làm tôi xúc động và đối tượng, theo cái duyên, tình cờ là chị, một nghệ sĩ cộng sản tên Nguyễn Thị Kim Chi.
 
Trước khi viết xa hơn, tôi cần khẳng định vị trí giữa chúng ta cho rõ.  Chị là "một người cộng sản chân chính" như chị tự nhận nên tôi gọi chị là người nghệ sĩ cộng sản, như thế hẳn là không phật ý chị.  Cũng như tôi, một người quốc gia chân chính  thì chị hay bất cứ ai gọi tôi là người quốc gia Ngô Minh Hằng thì tôi vui và cảm ơn họ lắm vì tôi đã được gọi đích danh.  Vậy từ bây giờ tôi gọi chị như vậy cho đến lúc chị bảo tôi gọi khác đi, chị nhé.
 
Thưa chị nghệ sĩ cộng sản Nguyễn Thị Kim Chi,
 
Nhiều người nói với tôi rằng cộng sản là quỉ quyệt, là gian dối, là tàn bạo, là vô nhân tính, là...đủ thứ. Tôi tin điều đó. Tôi tin không phải vì nghe người ta nói mà vì tôi thấy và hơn thế, tôi là một trong những nạn nhân. Quê tôi ở Hưng Yên, một nơi trù phú về lúa gạo và còn nổi tiếng về nhãn. Những vườn nhãn với những qủa no tròn ngọt lịm và từng được chọn dâng vua. Từ những năm tôi còn bé, bố mẹ tôi đã phải bỏ nhà cửa ruộng vườn để đem chúng tôi trốn ra Hà Nội. Khi biết bố tôi bỏ trốn, bà nội tôi dù đã gìa cũng bị Việt Cộng (VC) - lúc đó là Việt Minh - lôi ra đấu tố thay bố tôi và sau đó ít tuần, bà tôi chết. Bố mẹ tôi được tin nhưng không dám về để tang. Như thế, chị thấy là VC đã làm bố mẹ tôi đau đớn đến thế nào.
 
Chúng tôi di cư vào Nam năm 1954 và tôi trưởng thành ở đó. Từ 1954 đến 1975, trong 21 năm, được 9 năm đầu thanh bình hạnh phúc.  Nhưng 12 năm sau thì không. Miền Nam của chúng tôi bị VC các chị từ miền Bắc lén lút xâm nhập, nhập bọn với VC nằm vùng, phá hoại.  Lúc đầu thì còn lẻ tẻ như đặt mìn, bắt cóc, đắp mô, sau tăng dần thành những vụ pháo kích, tấn công. Miền Nam tôi có tự do nên qua báo chí và đài phát thanh chúng tôi biết được mọi sự việc tang thương đau khổ do VC gây ra cho dân chúng  từ Bến Hải tới Cà Mau.  Tôi không nhớ hết tất cả những cuộc tấn công vì nhiều lắm nhưng các trận lớn mà mọi người đều không thể quên mà chị cũng cỏ thể tìm hiểu chi tiết trên  Net như trận tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 mà riêng tại Huế đã có đến bảy ngàn người dân bị VC chôn sống, chưa kể lính của miền Nam bao người phải hy sinh.  Nhiều nhân chứng và cả những tên đao phủ như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân hiện nay còn sống. 
 
Trận Quảng Trị năm 1972, VC từ trên núi đã pháo thẳng xuống Đại Lộ Kinh Hoàng để giết những người dân đang chạy tìm bình yên. Thủy Quân Lục Chiến của chúng tôi đã hy sinh đến gần trọn tiểu đoàn mới chiếm lại được Cổ Thành để dựng cờ chiến thắng.
 
Trận Bình Long An Lộc năm 1972, VC đưa vào Bình Long thêm 3 công trường gồm CT 5, CT 7, CT 9, để tăng cường cho công trường Bình Long. Hai trung đoàn thiết giáp 202, 203. Pháo đội 105, 155, 130, 107, 122 và các pháo đội phòng không đủ loại để  tấn công Bình Long. Chị xem, thị xã An Lộc với điện tích bốn cây số vuông mà phải chịu tới 200000 trái pháo đủ loại thì còn được bao người thoát chết?  Phía chúng tôi, với sự tham chiến của các sư đoàn 5, 21, 25, 18 và lữ đoàn Biệt Cách Dù 81 cùng sự yểm trợ của các đơn vị địa phương và quan trọng nhất là vì chính nghĩa, quân đội miền Nam của chúng tôi đã chiến thắng.
 
Trận Long Khánh, Xuân Lộc năm 1975.  Ở mặt trận này, CSBV tung vào chiến trường quân đoàn 4 gồm ba Sư đoàn 6, 7 và 341 cùng các lực lượng pháo binh, chiến xa, phòng không hùng hậu và các đơn vị của Quân khu 7.  Ðây là một trận chiến bi hùng của lịch sử VN trong thế kỷ 20 và cũng là cuộc chiến thắng oanh liệt cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà miền Nam chúng tôi.  Sư Ðoàn 18 và các quân binh chủng yểm trợ hoặc tham chiến và các lực lượng Địa phương quân, Nghĩa quân, đã hoàn thành anh dũng Trách Nhiệm bảo quốc an dân của Người Lính Trong Danh Dự mà Tổ Quốc VN trao cho họ. Chiến thắng này đã được ghi nhận trước khi vì nhiều lý do chính trị, trong đó có cả việc CSBV vi phạm hiệp định Paris, quân đội VNCH miền Nam chúng tôi phải buông súng.  
 
Trong việc buông súng này kèm theo sự sụp đổ của chính quyền VNCH.  Bao nhiêu cảnh đau buồn chia biệt tóc tang lại sảy ra trong hoà bình do đảng CSVN gây ra. Số người chết trên biển Đông vì đi tìm tự do tuy không có con số chính xác nhưng rất nhiều. Nhiều đến trên dưới triệu người.  Cả vài trăm ngàn binh lính và công chức của chế độ cũ bị đảng CSVN lừa, đưa đi tù nơi rừng thiêng núi độc bằng mỹ danh "học tập cải tạo". Bao nhiêu vợ trẻ mất chồng, con dại lìa cha, bao nhiêu gia đình ly tán, trong đó có gia đình bé nhỏ của tôi. Tôi biết, trong thời gian xâm lăng miền Nam, miền Bắc của chị cũng có nhiều cảnh chia ly chết chóc. Đành rằng cái chết nào cũng đau thương nhưng những cái chết đó, VNCH chúng tôi không gây ra và không có trách nhiệm. Còn những cái chết tại miền Nam, từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau trong các cuộc giao tranh và ám sát thì hoàn toàn do đảng CS miền Bắc phát động và người chịu trách nhiệm chính là đảng CSVN.
 
Quân đội miền Nam chúng tôi buông súng nhưng không thua trận. Tại sao tôi nói thế ?  Nếu miền Nam chúng tôi thua thì sao hôm nay chị phải sang Mỹ để dự hội nghị về tự do báo chí trong khi cùng thời gian, một số người ở trong nước lại cho là chị đi "bêu xấu tổ quốc?".  Nếu miền Nam chúng tôi thua thì sao đảng CS của chị phải cho VC Nguyễn Đình Bin đem nghị quyết 36 chiêu dụ chúng tôi, nhập nhằng khoác cho chúng tôi cái áo "Việt Kiều", gọi dân Tị Nạn VC chúng tôi là "khúc ruột ngàn dặm không thể thiếu" mặc dầu trước đó đảng CSVN không tiếc lời chửi chúng tôi là đĩ điếm, là tàn dư Mỹ - Ngụy là vân vân và vân vân... Và  nếu chúng tôi thua thì đã chẳng có bài thơ tôi làm tặng chị vì phục chị đã can đảm từ chối lời đề nghị ban khen của "đỉnh cao quyền bính". Nếu chúng tôi thua thì chị đã không thấy cảnh bất công tràn lan, dân tình nghèo khổ và bọn cầm đầu tàn ác bất lương.  Cuối cùng nếu chúng tôi thua thì nhất định hôm nay không bao giờ có lá thư "Thư gửi bạn bè" của chị viết từ nước Mỹ gởi về VN như thế này đâu. Đúng không, thưa chị ?
 
Có một số người Tị Nạn VC bất bình với tôi vì bài thơ tôi khen chị.  Có người còn lăng mạ tôi vì tôi gọi chị là đóa sen trong bài thơ ấy. Họ bảo chị là người CS chân chính thì những gì chị nói làm sao tin được mà khen. Riêng tôi, tôi nghĩ khác. Trong đá, đôi khi người ta vẫn tìm ra ngọc. 
 
Thôi, hôm nay chị đã đến đây, chị đang ở trong nước Mỹ -  một nước mà ngày xưa chị và  đồng chí CS của chị từ miền Bắc đã len lỏi, lén lút theo dãy Trường Sơn vào miền Nam của chủng tôi để tìm đánh họ, đuổi họ về cho bằng được rồi chỉ để vài chục năm sau đảng CSVN của chị lại cúi đầu mời rước họ và xòe tay xin họ mở lòng nhân đạo - để làm sứ mạng cho tự do báo chí.  Tôi chúc chị làm cho đẹp, cho hay, cho tròn, cho giỏi như ngày xưa chị đã làm công tác văn công của chị.  Có điều, những việc ngày xưa chị làm, hậu qủa thế nào chị và toàn dân VN ngày hôm nay đã rõ vì họ đang khổ đau hứng chịu. Còn việc hôm nay chị làm, nếu thành công thì kết qủa sẽ hoàn toàn trái ngược vì nó đem lại hy vọng và ánh sáng cho tương lai của dân tộc và quê hương VN.
 
Tôi chờ và có một số người cũng đang chờ. Hãy làm cho đẹp và đừng như như lần trước chị nha. Hãy là đóa hoa sen trong bài thơ tôi tặng chị.
 
 
Ngô Minh Hằng 
 
Link về cảc trận đánh:

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen