Samstag, 15. März 2014

Malaysia tập trung điều tra vào phi công và hành khách

 
Malaysia tập trung điều tra vào phi công và hành khách
Không quân Hoàng gia Malaysia gia tăng tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH 370 tại eo biển Malacca. Ảnh chụp ngày 13/03/2014.
Không quân Hoàng gia Malaysia gia tăng tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH 370 tại eo biển Malacca. Ảnh chụp ngày 13/03/2014.
REUTERS/Samsul Said

Thụy My
Kịch bản chuyến bay MH370 bị cố tình thay đổi đường bay, và sau khi mất liên lạc với kiểm soát không lưu còn tiếp tục bay thêm gần bảy tiếng đồng hồ nữa, đã khiến trung tâm cuộc điều tra nay tập trung vào các phi công và hành khách, mà trong đó có hai người khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp.

Thủ tướng Malaysia hôm nay 15/03/2014 loan báo, các dữ liệu do các radar và vệ tinh cho thấy có việc tắt hệ thống thông tin, và chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines đã đổi hẳn hướng bay. Chiếc phi cơ còn tiếp tục bay gần bảy tiếng đồng hồ nữa, trước khi biến mất trên màn hình radar dân sự.
Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Najib Razak tuyên bố, các chuyển động của máy bay « phù hợp với một hành động cố ý của ai đó bên trong chiếc phi cơ ». Và như vậy các nhà điều tra phải quay sang « tập trung vào phi hành đoàn và hành khách ».
Từ sau các vụ khủng bố ngày 11/09/2001, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã quy định các nguyên tắc an toàn rất nghiêm nhặt ở buồng lái. Các cánh cửa chống đạn phải được khóa từ bên trong trước khi cất cánh.
Chuyên gia hàng không Paul Yap thuộc trường bách khoa Temasek ở Singapore cho biết theo ông, chỉ có vài kịch bản khả tín. Kịch bản đầu tiên : đây là hành động cố tình của một trong hai phi công, hoặc là cả hai. Hay cũng có thể bọn khủng bố buộc các phi công phải chuyển lộ trình, và dùng vũ lực cắt các hệ thống thông tin, bằng cách đe dọa sát hại hành khách.
Theo các nhà phân tích, hệ thống phụ trách thông báo vận tốc và vị trí của máy bay đã bị tắt vào lúc chiếc phi cơ đạt vận tốc bay bình thường trên không trung. Đó là lúc một hay hai phi công nghỉ ngơi và ra khỏi buồng lái. Bọn không tặc của vụ khủng bố ngày 11/9 đã tắt hệ thống thông tin của ba trong số bốn máy bay bị cướp.
Chuyến bay MH370 do cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi điều khiển, và phi công phụ là Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi. Một phụ nữ Nam Phi trong tuần này cho biết trên truyền hình Úc là năm 2011 đã có lần được Fariq Abdul Hamid mời vào buồng lái, trong một chuyến bay nối liền Phuket (Thái Lan) với Kuala Lumpur. Từ sau các vụ khủng bố ngày 11/09/2001, việc mời bất kỳ hành khách nào vào buồng lái đều bị cấm tuyệt đối.
Anh thanh niên Fariq Abdul Hamid vào làm việc tại Malaysia Airlines lúc 20 tuổi, và học lái máy bay ở Langkawi (Malaysia). Hamid là con trai một quan chức cao cấp thuộc Bộ Công chánh của một trong những bang ở Malaysia.
Còn cơ trưởng Zaharie là một phi công lành nghề. Ông làm việc cho Malaysia Airlines từ năm 1981 và đã có tổng cộng 18.365 giờ bay. Các đồng nghiệp mô tả ông là một « phi công làm tròn nhiệm vụ », được Hàng không Dân dụng cho phép tiến hành các bài thi trên mô hình cho các phi công khác.
Các phóng viên Malaysia cho AFP biết có trông thấy cảnh sát vào nhà của phi công trưởng hôm nay, và ở lại hai tiếng đồng hồ. Cảnh sát từ chối xác nhận tin này.
Nếu đây là một vụ cướp máy bay, thì mọi nghi ngờ tập trung vào hai hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp. Interpol đã nhanh chóng nhận diện hai người đàn ông Iran : Seyed Mohammed Reza Delavar, 29 tuổi, sử dụng hộ chiếu Ý, và Pouria Nourmohammadi, 18 tuổi, lên máy bay với hộ chiếu Áo. Cả hai hộ chiếu này đều bị lấy cắp ở Thái Lan.
Interpol cho biết hai thanh niên trên từ Qatar đi đến Malaysia, muốn sang châu Âu thông qua ngõ Bắc Kinh. Giám đốc Interpol là Ronald Noble nói rằng có lẽ họ không phải là kẻ khủng bố, mà chỉ là những người nhập cư lậu.
Giáo sư Adam Dolnik thuộc trường đại học Wollongong ở Úc nghi ngờ đây là một vụ khủng bố. Một tổ chức như Al Qaida « rất muốn làm rơi một chiếc máy bay », nhưng tại sao lại nhắm vào Malaysia Airlines ? Còn về các hộ chiếu đánh cắp, ông thấy rằng việc này có vẻ nghiệp dư. Chuyên gia nhận xét : « Bọn khủng bố không còn cướp máy bay vì cơ hội thành công rất ít ỏi », do rất khó mang vũ khí lên máy bay và khuất phục các hành khách.
Cho đến nay, chưa có tổ chức hay cá nhân nào nhận là tác giả. Tại Malaysia không có các hoạt động khủng bố đáng kể, nhưng trên đất nước đa số dân theo đạo Hồi có thể có những phần tử liên quan đến các nhóm Hồi giáo cực đoan như Jemaah Islamiyah.
Hai phần ba hành khách trên chuyến bay là người Trung Quốc. Trong khi khu tự trị Tân Cương từ năm 2009 đã xảy ra nhiều vụ bạo động đẫm máu giữa người Hán tộc và người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, luôn tố cáo Bắc Kinh đã gạt họ ra bên lề công cuộc phát triển kinh tế và nhất là đàn áp văn hóa, tín ngưỡng của họ.
David Kaminski-Morrow của tạp chí Flight International cảnh báo những kết luận vội vã. Ông nói : « Các thông tin mới phù hợp với hành động cố tình nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong số các dữ liệu chứ không phải toàn cảnh. Như vậy nói đến việc máy bay bị cướp và chuyển hướng có vẻ hơi sớm ».

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen