Huy Lâm
Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam có nhắc nhiều đến nhân vật
Ngọc Hoàng, được miêu tả như là vị vua trên thiên đình. Đứng bên
cạnh tả hữu còn có hai nhân vật khác là Nam Tào và Bắc Đẩu,
là hai vị coi giữ số sách ghi chép những chuyện trên dương
thế. Nếu Ngọc Hoàng là vua, vậy hai vị này có thể xem như là
quan văn của thiên đình vậy. Còn vị quan võ chắc hẳn là ông
Thiên Lôi chứ không phải là ai khác. Ông này được miêu tả là người
dữ dằn lắm, luôn đứng túc trực gần đó để chờ Ngọc Hoàng phán
lệnh trừng phạt ai thì lập tức liền vung cây búa sấm sét
lên giáng một tia xuống trần gian làm rung chuyển cả bầu trời.
Nhưng chắc là ông chỉ vung cây búa lên rồi đánh đại một cái chứ
không thật sự nhắm vào ai cả, là vì hầu như tất cả những trận sấm
sét xảy ra thường là không đánh trúng ai cả. Tuy nhiên, nếu giả như
ông có thật sự nhắm vào ai đó thì ông Thiên Lôi quả thật là một
người đánh búa rất dở vì thống kê cho biết riêng tại nước Mỹ mỗi
năm chỉ có độ 50 người chết vì sét đánh, là một con số quá sức nhỏ
so với khoảng 100,000 cơn giông sấm chớp xảy ra mỗi năm tại quốc
gia này. Đã thế còn có những người bị sét đánh nhiều lần vẫn chỉ bị
thương xoàng và không hề hấn gì đến tính mạng như ông Roy Sullivan,
bị sét đánh tới bảy lần mà vẫn sống nhăn cho tới khi qua đời ở tuổi
71. Cho đến nay ông này vẫn là người giữ kỷ lục Guiness là người bị
sét đánh nhiều nhất mà không chết.
Sấm sét tuy không đánh trúng nhiều người nhưng gây thiệt hại về tài
sản như nhà cửa hay cây cối thì có. Từ nhà tranh vách đất đến lâu
đài kiên cố, từ những cây nhỏ gốc bằng cổ tay cho đến những cây cổ
thụ nhiều người ôm không hết, nhưng hễ mỗi khi bị sét đánh trúng
thì đều bị thiệt hại nặng. Ví dụ như ngôi lâu đài Osaka ở Nhật Bản
bị sét đánh năm 1660, mà lại bị đánh trúng ngay thùng thuốc súng
gây một tiếng nổ lớn và làm cháy một phần lớn lâu đài. Ngôi lâu đài
sau đó được trùng tu lại nhưng tới năm 1665 thì lại bị sét đánh một
lần nữa trúng ngay ngôi tháp chính và lần này thì lâu đài bị cháy
rụi hoàn toàn. Không biết có phải vì ông Thiên Lôi có ác cảm với
tòa lâu đài hay không mà nó bị sét đánh tới hai lần liên tiếp chỉ
cách nhau có mấy năm.
Nhưng đó là chuyện của mấy trăm năm trước. Thời bây giờ thì chắc là
khác và ta thấy ở đời cái gì cũng thế, luôn luôn có luật bù trừ để
cân bằng sự việc. Thế nên, trên đời này có ông dữ thì bắt buộc phải
có ông hiền để bù lại, và trên trời có ông Thiên Lôi thì dưới đất
cũng phải có một ông hiền để hóa giải những cơn giận dữ của ông kia
chứ. Và ông hiền, vị cứu tinh dưới đất của nhân loại, chính là “ông
thu lôi” mà chúng ta vẫn thường gọi là cột thu lôi ấy mà.
Cột thu lôi là tên mà chúng ta quen miệng gọi chứ nhiều khi nó chỉ
đáng gọi là “que” thu lôi thôi. Nhưng kể từ khi nó xuất hiện khoảng
hơn 250 năm trước cho tới nay thì nó đã hóa giải được biết bao
nhiêu những tia chớp mạnh kinh hồn với cường độ 30,000 amperes có
thể đốt cháy bất cứ thứ gì nó đụng đến.
Người phát minh ra chiếc cột thu lôi này không ai khác hơn chính là
Benjamin Franklin, một trong những vị khai quốc công thần của nước
Mỹ. Franklin là một con người hết sức đa tài: là một nhà cách mạng,
chính trị gia, nhà ngoại giao, nhà xuất bản sách, nhà báo, khoa học
gia và là một nhà phát minh. Trong số những vị khai quốc công thần
của nước Mỹ thời đó có hai người được cho là đa tài. Ngoài Franklin
còn có Thomas Jefferson – là một luật sư, nhà cách mạng, một trong
những tác giả của bản tuyên ngôn độc lập, tổng thống thứ ba của
nước Mỹ và là một kiến trúc sư có tài. Ông tự vẽ thiết kế cho ngôi
biệt thự Monticello của ông và nay là một trong những tài sản quốc
gia được bảo tồn. Ông còn là kiến trúc sư của trường Đại học
Virginia, với thiết kế lấy tòa nhà thư viện làm trung tâm của
trường mà đến nay vẫn còn nhiều trường đại học mới xây sau này vẫn
lấy theo mẫu thiết kế này.
Sinh thời, Benjamin Franklin thích nghiên cứu về khoa học, trong đó
có nghiên cứu về điện. Thời đó thì đâu có những dụng cụ khoa học
tân tiến cho việc nghiên cứu cho nên có lẽ ông dựa nhiều vào lý
trí. Nhiều lần ông nhìn lên bầu trời và thấy những tia chớp có màu
sắc, tiếng kêu, hình dáng tựa như những tia điện và ông nghi ngờ
rằng những tia sấm chớp trên bầu trời kia có thể cũng chính là
những dòng điện vậy. Ông cũng để ý ở trong những phòng thí nghiệm,
những cây kim loại nhọn sắc có thể hút được những dòng điện phát ra
từ trái cầu tròn cũng bằng kim loại đặt ở một góc đối diện, và
Franklin tin rằng với một thanh sắt cũng có thể có khả năng hút
được tia chớp từ trên trời đánh xuống. Và nếu quả đúng như vậy thì
thanh sắt đó có thể dùng để đỡ cho những toà nhà và người ở dưới
đất tránh được những đòn đánh bởi những tia sấm chớp nguy hiểm kia.
Người ta kể rằng trong một ngày u ám năm 1752, Franklin cùng với
người con trai leo lên lưng ngựa phóng ra ngoài đồng cùng với con
diều có cột vào đó một chiếc chìa khóa để có thể chứng minh về điều
ông nghi ngờ ở trên. Hai cha con thả con diều cho bay lên cao dưới
bầu trời đầy giông bão sấm chớp cho tới khi một tia chớp đánh vào
con diều thì Fraklin kéo nó xuống và sờ vào chiếc chìa khoá và cảm
thấy những tia điện từ sấm chớp vẫn còn bám vào chiếc chìa khóa kia
và điều này xác nhận sự nghi ngờ của ông là đúng: những tia sấm
chớp trên bầu trời là những dòng điện thiên nhiên cực mạnh.
Từ đó cột thu lôi ra đời và đến nay sau hai thế kỷ rưỡi, vật phát
minh này của Franklin vẫn còn hiện hữu, không chỉ là một thứ di
tích của quá khứ và dùng để hoá giải những dòng điện cực mạnh của
sấm chớp mà còn là một thứ vật trang trí đặt ở vị trí cao nhất của
những kiến trúc nổi tiếng trên thế giới, từ nóc của toà nhà Empire
State Building ở New York đến đỉnh của tháp Eiffel ở Paris.
Sau này Franklin còn đưa ý tưởng cột thu lôi đem áp dụng cho những
tàu đi biển nữa, trong đó có cả những tàu chiến của người Anh, lấy
mỏ neo cột với dây xích sắt thả từ trên ngọn cột buồm bằng gỗ kéo
xuống cho tới dưới biển. Với cách thức này là để chia nhỏ năng
lượng của dòng điện ra và nhờ vậy cột buồm sẽ không bị đánh gẫy nếu
như chẳng may bị tia chớp vô tình đánh trúng.
Chỉ ít năm sau phát minh này của Franklin thì chiếc cột thu lôi
xuất hiện ở khắp nơi, trước tiên là từ vùng đông bắc nước Mỹ rồi
sau đó lan qua nhiều nơi khác. Và dường như Franklin không nhận
được một đồng xu tác quyền nào từ phát minh độc đáo này của ông là
vì suốt đời ông chỉ biết tận tuỵ làm việc giúp ích cho đời và không
màng tới lợi lộc. Người như thế mới đáng được gọi là vĩ nhân thật
sự.
Tuy nhiên, phát minh cột thu lôi này không hẳn là không gặp sự
chống đối, trong đó có cả những vị lãnh đạo tôn giáo thời đó. Nổi
bật có mục sư Thomas Prince, là mục sư của nhà thờ nổi tiếng Old
South Church tại Boston, đã khẳng định rằng cơn động đất ở khu vực
Cape Ann năm 1755 có thể là do cột thu lôi được gắn quá nhiều ở
khắp nơi trong vùng New England, đặcbiệt là ở thành phố Boston. Cơn
địa chấn xảy ra ở ngay trung tâm của khu vực bờ biển mà nay là tiểu
bang Massachusetts, và mục sư Prince nhất định tin rằng sự kiện này
không phải là một sự tình cờ ngẫu nhiên mà vì chính loài người đã
thiếu sự khôn ngoan trong khi cố tình ngăn cản bàn tay của Thượng
Đế.
Mặc dù ngày nay cột thu lôi của Franklin được gọi bằng nhiều thứ
tên gọi nhưng thiết kế ban đầu của nó đến nay vẫn không thay đổi
bao nhiêu, với một thanh sắt được nối với một dây cáp kim loại.
Thông thường, đường kính của thanh sắt đó bằng khoảng hai đốt ngón
tay nối liền với dây cáp được giấu ở bên trong bức tường của toà
nhà. Đường kính của cả thanh sắt lẫn dây cáp lớn hay nhỏ là tuỳ ở
chiều cao của toà nhà và làm bằng kim loại gì. Tựu trung, toà nhà
càng cao thì thanh sắt và dây cáp được sử dụng cũng theo đó lớn
hơn. Nhưng dù kích cỡ lớn nhỏ thế nào thì sợi dây cáp cũng được
chuyền xuống dưới lòng đất và được cột chặt lại. Khi tia sấm
chớp đánh vào cột thu lôi thì dòng điện được chuyền xuống
dưới đất và sau đó năng lượng của tia chớp bị tiêu tan vào trong
lòng đất và được hoá giải.
Ngoài phát minh ra cột thu lôi, Benjamin Franklin còn có một phát
minh khác không kém phần quan trọng: đó là chiếc xe cứu hoả. Cả hai
phát minh có thể nói là rất đơn giản nhưng lại đó ng góp rất nhiều cho nhân loại và được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới. Trải qua bao nhiêu thời kỳ,
với biết bao nhiêu những phát minh một thời làm thay đổi thế giới nhưng r ồi nay cũng đã biến mất, nhưng phát minh của Franklin
không những còn tồn tại mà ngay cả thi ết kế cơ bản của nó cũng vẫn hầu như đượ c giữ lại giống như ban đầu: cột thu lôi thì vẫn là thanh kim loại v à sợi dây cáp; xe cứu hoả thì vẫn là chiếc máy bơm nướ c di động, xưa kia do ngựa kéo và bơm nước bằng tay thì nay là xe
kéo và bơm máy.
Có thể nói phát minh của Benjamin Franklin là loại phát minh vượt
không gian và thời gian, và chiếc cột thu lôi có thể được xem là
một vật cứu người.
Huy Lâm
__._,_.___
Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen