Sonntag, 29. Oktober 2017

Chỉ vì... cái tóc!

HOÀI MỸ
Giết người vì bị chê mái tóc mới hớt... xấu
Cách nay chừng một tuần, Chủ Nhật, ngày 15 tháng 10, tại thành phố Troitsk, Nga, đã xảy ra một “sự cố” khiến cả thế giới rùng mình, khiếp đảm, chỉ bởi nguyên nhân nghĩ ra hoàn toàn... lảng nhách. Chàng thanh niên tên Pavel Luzyanin, 28 tuổi đã dùng xiên sắt nướng thịt đâm chết anh thợ cắt tóc, Dany-Dastan Adkhamov chỉ mới 24 xuân xanh.

Pavel đến tiệm của Adkhamov để hớt tóc. Được biết, theo thường lệ Adkhamov đã hỏi cặn kẽ Pavel muốn cắt kiểu nào, o bế mái tóc ra sao. Dany-Dastan Adkhamov tuy không phải người Nga chính cống nhưng là dân Uzbekistan nhập lậu vào Nga, nhưng bao năm qua vẫn sống ung dung nhờ tài nghệ “cầm đầu” đàn ông bản xứ.

Nhờ tay nghề cao, Adkhamov đã lôi cuốn được nhiều thân chủ, đặc biệt khách hàng trẻ. Tiệm hớt tóc Adkhamov nhờ thế nổi tiếng phắp vùng. Mà không phải lần đầu tiên Pavel Luzyanin tới đây nhé, nhưng đã nhiều lần rồi. Và như các lần trước, kỳ này Pavel cũng đã thơ thới hân hoan ra về sau khi được chủ nhân thực hiện đúng chỉ tiêu: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”!
Vậy mà lần này Pavel Luzyanin lại bỗng... giở chứng. Thật sự cũng không hoàn toàn bởi chính anh chàng này mà do bạn bè. Họ chê là nhìn đầu Pavel thấy y chang của tù nhân. Chẳng hiểu đã suy nghĩ gì để bị mặc cảm thế nào hoặc những câu bình phẩm của đám bạn tác động sâu đậm ra sao mà mấy ngay sau Pavel trở lại tiệm cắt tóc với cơn thịnh nộ cao độ.

Hiểu ra nguyên do, anh thợ hớt tóc Adkhamov bèn đề nghị sửa lại... đầu theo ý (mới) của thân chủ nhưng Pavel không chịu. Rồi chắc bởi ma đưa lối, quỷ dẫn đường mà Pavel đã vớ ngay được một cái xiên nướng thịt mà ai đó đã vứt bỏ ở gần một thùng rác rồi vừa đánh vừa đâm anh thợ hớt tóc. Nạn nhân chạy thoát nạn được ra ngoài cầu cứu “ông đi qua, bà đi lại.” Thế nhưng Pavel vẫn như con hổ dữ đuổi theo... và đã đâm Adkhamov cho tới chết.
                    Pavel Luzyanin và anh thợ hớt tóc Dany-Dastan Adkhamov
Lời khen tiếng chê!
Không rõ thật hư nhóm bạn của hung thủ Pavel Luzyanin có thật tình hay không khi phê bình rằng kiểu tóc mới cắt làm Pavel giống một tên tù. Nghi lắm! Tuổi trẻ vẫn lấy đùa nghịch làm “thượng sách” đến độ vô tâm, tàn nhẫn. Chẳng thế mà tác giả Pháp La Fomtaine đã gọi: “Ladolescence est sans pitié.” Hơn nữa, với các tên ưa “điệu,” hay diện hoặc chuyên “nặng phần trình diễn” thì lại càng dễ trở thành con mồi cho các trò chọc phá.

Cứ hỏi thăm quí độc giả mà nay đã từ “thất thập cổ lai hy” trở lên, ắt rõ. Thuở còn thò lò mũi xanh, mười “thằng con trai” thì tối thiểu cũng bảy “đứa” mỗi lần hớt tóc xong lại trở thành “niềm vui... miễn phí” cho lũ bạn trời đánh. Những trò “chọc quê” thường là: Mày húi tóc kiểu này chẳng khác gì lấy cái nồi hay cái rế úp lên đầu. Hoặc: Nhìn xa thì... tạm được, lại gần thì lại thấy chung quanh có những luống cầy nham nhở. Đau nhất và xấu hổ “hết ý” đồng thời cảm thấy “nhục nhã” vô cùng khi nghe: Nhìn đầu mày, người ta nhầm là của con gái! Kết quả lại tái diễn các cuộc chửi lộn hay đánh nhau, giận hờn hay âm thầm... khóc, đau khổ.
Hồi ở tuổi choai choai, đối với con trai, mỗi lần phải hớt tóc - còn gọi là húi đầu - luôn luôn là một lần “sầu vạn cổ.” Mà có bà mẹ nào “thấu cho tình ta này,” cứ thấy tóc của thằng con chí mới hơi dài là lại đích thân giắt tay cương bách ra tiệm cắt tóc hoặc giúi cho mấy đồng, bắt đi “húi đầu.” Điệp khúc được nhắc đi nhắc lại muôn thuở vẫn là: Nhớ bảo ông thợ cắt thật cao, thật trắng đấy nhá! Kiểu tóc lý tưởng mà các bà mẹ mong là đứa con chịu nghe lời là “húi cua” hay “húi ca-rê.” Tuy lý do được các bà mẹ công bố là “để... cho mát” nhưng thật tình nhằm đỡ tốn tiền, bởi lâu mới phải hớt lại. Thế thôi!.

Những nam tử - như cá nhân tôi - đã từng là con nhà nghèo lại đông anh em trai (1 hĩm, 6 cu!) thì thôi, hết nói, càng “lãnh đủ” biết bao... hệ lụy của cái tóc. Lương lính ba cọc ba đồng của bố tôi đã bắt buộc mẹ tôi phải chắt chiu “hết cỡ thợ mộc” về đủ mọi phương diện chứ không chỉ riêng vụ hớt tóc tai của anh em tôi. Về quần áo, em mặc lại của anh chỉ là những “chuyện nhỏ.” Tất cả đều đồng phục và do chính mẹ tôi... khâu tay. Cơm độn ngô (bắp) với tôm, tép, nhộng kho mặn, trứng vịt bác, rau muống luộc... là thực đơn “trường kỳ kháng chiến.”

Và oai phong thay, mẹ tôi cũng đã trở thành... thợ hớt tóc chính cống. Anh em toàn con trai mà hàng tháng kéo nhau ra tiệm thì “lấy trấu mà đổ vào mồm,” mẹ tôi thường bảo vậy. Thế là mẹ mua tông-đơ về rồi “tự biên tự diễn.” Chúng tôi cứ lần lượt, lớn trước bé sau ngồi cho mẹ tha hồi... hành nghề.

Thế nhưng, loại tông đơ mẹ mua dĩ nhiên không phải thứ xịn, loại “bèo” nên phải nói, mẹ vừa cắt vừa như... dứt tóc ra. Lại kêu đau, cằn nhằn và lại nước mắt ngắn nước mắt dài. Tuy vậy, mẹ vẫn tỏ ra cứng rắn đến... vô cảm, quyết chí “đường ta, ta cứ đi, nhà ta, ta cứ ở; tóc con ta, ta cứ... cắt.” Thiết tưởng chẳng cần miêu tả kết quả. Chỉ biết, sau mỗi lần “được” mẹ hớt tóc, chúng tôi rất chịu khó đội... mũ đi học bất kể thời tiết khi đó thế nào và cũng vào những dịp ấy, anh em chúng tôi lại hết sức... “ngoan,” rất hiếm lúc ra ngoài chơi, chẳng ngại lắm lũ bạn trời đánh, chỉ duy nhất sợ gặp... con gái! Chỉ chừng hơn tuần lễ sau, tóc mọc lại, che lấp bớt mọi sự “xấu xa,” mọi “tội lỗi,” cuộc sống của chúng tôi mới trở lại nhịp độ bình thường...
Cứ như vậy cho tới khi mẹ (chợt) nhận ra chúng tôi đã... dậy thì - và cũng đúng thời gian bố chúng tôi đã được đeo lon Thượng Sĩ; lương bổng vì thế cũng “thơm” hơn chút đỉnh - mẹ mới “giải phóng” cho phép anh em chúng tôi - nhưng cũng theo qui luật lớn trước bé sau - lần lượt ra ngoài húi đầu nhưng chỉ đến cắt ở các bác thợ đặt đồ nghề dưới bóng cây vệ đường “để cho đỡ tốn,” chứ chưa được chính thức vào tiệm.
Thế nhưng, đối với chúng tôi đó cũng là hạnh phúc vĩ đại rồi, bởi kèm theo việc được hớt tóc theo kiểu này, mốt nọ, chúng tôi còn được hưởng những thú vị khác nữa của người lớn: Cạo mặt và lất ráy tai và xịt xịt chút nước hoa! Riêng bản thân tôi, tôi chỉ cảm nghiệm mình đã thật sự trưởng thành từ ngày biết chải tóc... rẽ ngôi!

Cái răng, cái tóc...

Vâng, thế nhưng, chẳng cứ thuở xa xưa mà cả ngày nay và mãi mãi sau này, có lẽ càng hơn các cụ mình, chúng ta cũng vẫn tiếp tục đã “đánh giá cao hàm răng và mái tóc. Chỉ cần nói đơn giản “cái răng, cái tóc,” ai cũng hiểu tầm quan trọng và giá trị của hai “của quí” này. Tuy nhiên nếu nói trọn cả câu thành ngữ thì từ lâu đã có tới ba... kiểu phát ngôn khác nhau. Cũng dễ hiểu thôi, bởi viết còn bị “tam sao thất bản” huống chi truyền khẩu.

- Nhiều người bảo, phải gọi: “Cái răng, cái tóc là GÓC con người.”
- Người khác cãi, nói thế này mới chuẩn: “Cái răng, cái tóc là GỐC con người.”
- Lại có ý kiến khác: “Cái răng, cái tóc là VÓC con người.”
Câu chuyện ở đây không nhằm bàn ra tán vào một cách rộng rãi vế cái răng, cái tóc, chỉ nhân bản tin giết người chỉ vì bị chọc quê mái tóc mới hớt... mà nhắc lại sơ qua quan niệm của cổ nhân về răng và tóc đồng thời ôn lại một vài kỷ niệm liên quan đến mái tóc mà phần đông con trai ở tuổi “nhí” đều “chậy trời không khỏi nắng” như vừa “ôn cố tri tân” trên đây.

Theo thiển ý, chỉ cần ngẫm nghĩ một chút thôi, người ta cũng đủ nhận ra sự hợp nghĩa, hợp lý của các câu nói kể trên vốn chỉ khác nhau ở ba từ: Góc - Gốc - Vóc. Theo đó:

- “Góc” có nghĩa là “phần”: Hàm răng và mái tóc góp phần quan trọng tạo nên vẻ đẹp của con người. Tục ngữ cũng còn có câu: “Răng đen một góc, tóc tốt một phần.”

- “Gốc” đồng nghĩa với căn bản. Nhìn hàm răng và mái tóc, người ta có thể đoán biết sức khỏe của “chủ nhân” mà xa hơn, cao hơn thì còn có thể biết cả “gốc rễ” của các bậc sinh thành. Thành ngữ có câu bóng bẩy “Xem quả, biết cây” là thế đó.

- “Vóc” nói chung là thân người. Một người “đẹt” con thì khó có thể sở hữu mộ hàm răng mạnh, trắng đều và một mái tóc óng ả. Tục ngữ có câu: “Vóc ngọc, mình vàng” và trong Chinh Phụ Ngâm cũng ca tụng: “Vóc bồ liễu dễ ép nài chiều xuân.”

Nói tóm lại, hàm răng, mái tóc vào thời nào và ở đâu luôn luôn đóng một vai trò quan trọng; đó không chỉ là biểu hiệu của tình trạng sức khỏe cơ thể và tinh thần mà còn là một yếu tố mang tính quyết định trong lãnh vực xã giao và tình cảm. Một hàm răng sún hoặc vàng khè, đầy bựa... chẳng thể khiến “anh về anh nhớ hàm răng mình cười.” Một mái tóc dài mượt dĩ nhiên phải hơn “ tóc quăn chải lược đồi mồi; Chải đứng, chải ngồi, quăn vẫn còn quăn” (Ca dao).

Chẳng thế không lạ khi người ta có thể bỏ ra nhiều tiền của, thời gian và công sức để chăm sóc và o bế hàm răng, mái tóc. Thời đại càng văn minh, con người càng sẵn sàng chấp nhận “hy sinh” nhiều thứ cho hai “đối tượng” này.

Lược kể những điều trên đây, người viết hoàn toàn không ngầm ý muốn bênh vực cho hành động sát nhân của Pavel Luzyanin. Chẳng ai có thể nhân danh bất cứ thứ gì để đoạt mạng người khác huống chi chỉ vì bị chê... mái tóc giống như của tù nhân.

Bằng chứng là hung thủ đã bị bắt và chờ ngày ra tòa để lãnh bản án sơ sơ cũng khoảng mười mấy năm “bóc lịch.” Trong khi đó, bạn hữu và khách thường đến tiệm của Adkhamov, đã khởi sự quyên tiền để di chuyển linh cửu của anh thợ hớt tóc bạc phước này về quê quán Uzbekistan, một quốc gia thuộc Trung Á, được độc lập từ năm 1991 sau khi khối Cộng Sản Xô Viết sụp đổ..

Cô thợ cắt tóc làm... cử chỉ đẹp

Để bù lại bản tin đau buồn kể ở đầu bài, mạn phép tường thuật ở đây một “sự cố” tốt đẹp mà nhân vật chính là một nữ chủ nhân tiệm hớt tóc kiêm thợ húi đầu. Không rõ cô chủ tiệm này mỹ danh là gì và bao nhiêu xuân xanh, chỉ biết tổng quát trên các trang mạng xã hội là tiệm của cô nằm ở huyện Ban Chang, tỉnh Rayong, Thái Lan.

                   Cô chủ tiệm cắt tóc ở huyện Ban Chang, tỉnh Rayong, Thái Lan

Câu chuyện cũng mới diễn ra đây thôi. Số là trưa ngày 20 tháng 8, 2017, thời điểm thường vắng khách trong ngày thì bỗng một người đàn ông... khác thường về mọi phương diện lững thững tiến vào. Tóc dài và bờm xờm như tổ quạ cộng với bộ râu chổi xể... che gần hết khuôn mặt khiến người đối diện không thể đoán nổi tuổi tác nói che tới nhan sắc. Áo quần tả tơi để lộ ra cắng chân, cẳng tay y chang mấy khúc củi. Cô chủ nhân liền “trông mặt đặt tên” mà gọi ở trong đầu là “người rừng.” Thế nhưng “người rừng” này chẳng tỏ vẻ dữ dằn gì, trái lại bằng một giọng nhỏ nhẹ nói với cô chủ tiệm: “Giúp tôi... cắt tóc... nhưng tôi... không có tiền.”

“Chuyện nhỏ!” Cô chủ kiêm thợ hót tóc này vui vẻ vội trả lời vậy rồi ân cần mời “người rừng” an tọa trên chiếc ghế nệm trước một tấm gương lớn. Dĩ nhiên không “dễ ăn” với một cái đầu mà tóc đã như cả... thế kỷ chưa được một lần gội sạch. Theo thời gian, tóc đã quá dài, rối bời đồng thời đóng bệt lại bởi đất cát, chốc ghẻ và hàng trăm thứ khác. Vậy mà cô thợ vừa trổ tài vừa niềm nở truyện trò.

Câu mà cô lập lại nhiều lần là “cắt tóc xong, ông tha hồ mà đẹp trai” khiến “người rừng” cũng bật cười. Bình thường một mái tóc cô thợ chỉ “thanh toán” tối đa trong vòng 15 phút nhưng đầu của “người rừng” cô đã phải dành cho hơn nửa tiếng đồng hồ. Xong xuôi, cô thợ còn cẩn thận cầm một chiếc gương nhỏ soi bên phải, bên trái đầu và sau gáy của “người rừng” để ông ta có thể nhận xét mà “phát biểu ý kiến.” Vừa gật gù đầu, “khách” vừa nói lí nhí “cám ơn... cám ơn.”

Tưởng cũng cần nhắc lại là cô thợ cũng đã xin chụp hình “người rừng” trước và sau khi cắt tóc cho đương sự với câu chú thích: "Hôm nay đã cắt tóc xong cho một người, đẹp trai ra đó" cộng với cảm nghĩ “đây là một người đáng thương.”

                                    Anh “người rừng” trước và sau được hớt tóc.

Nhờ thế khi cô đăng tải hình ảnh “tác phẩm” của mình trên trang mạng cá nhân thì cư dân mạng được cơ hội... chiêm ngưỡng với lòng mến phục và lời khen ngợi cô đồng thời cầu chúc tiệm hớt tóc của cô phát đạt, được đông đảo nam tử đến “nạp mạng” để cô chỉ việc... xoa đầu mà thâu tiền.
Ấy, cái tóc có lẽ là cái góc con người thật đấy - tuy nhiên cũng đủ sức giết người - nhưng vẫn dư khả năng tạo nên tình người! (hm)
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen