Một
thánh lễ Công giáo ở Việt Nam. Dụ luật tôn giáo bị xem là vẫn nhằm kiểm
soát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo như Giáo hội Công giáo.Reuters
Chính
quyền Việt Nam hiện đưa ra thảo luận và lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tín
ngưỡng, Tôn giáo, mà theo dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào năm tới.
Nhưng đối với các tổ chức nhân quyền, bản dự thảo luật này không đáp ứng
đúng các yêu cầu của quốc tế về tự do tôn giáo. Sau đây mời quý vị nghe
ý kiến của ông Vũ Quốc Dụng, giám đốc điều hành tổ chức VETO, Mạng lưới
các nhà bảo vệ nhân quyền, tại Đức.
RFI : Thưa
ông Vũ Quốc Dụng. Trước hết, theo ông dự thảo luật này có thay đổi gì
tốt hơn hay xấu hơn so với Pháp lệnh tôn giáo, Tín ngưỡng 2004 không?
Vũ Quốc Dụng :Trước
hết, chương XI của dự thảo luật này là một điểm mới khi cho phép người
dân và các tổ chức tôn giáo có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm luật
tôn giáo. Tuy nhiên tôi không thấy dự luật này qui định gì về tội danh
và hình phạt đối với kẻ vi phạm cho nên tôi nghi ngờ về tác dụng thực tế
của việc khiếu nại và tố cáo vi phạm.
Nhìn
chung, tôi không thấy trong Dự thảo luật này một sự thay đổi tổng quát
về quan điểm tự do tôn giáo của chính quyền Việt Nam. Nó vẫn giữ quan
điểm của Pháp Lệnh, nghĩa là chính quyền phải kiểm soát chặt chẽ các tôn
giáo và việc này được thực hiện bằng đủ loại giấy phép, mà các tôn giáo
ở Việt Nam đã gọi là cơ chế XIN-CHO.
Theo
tôi so với Pháp Lệnh, dự thảo luật này tỏ ra khắt khe hơn khi chính
thức thêm một loại đăng ký nữa. Đó là loại "đăng ký sinh hoạt tôn giáo“
không thấy có trong Pháp lệnh hiện hành mà chỉ thấy có trong Nghị định
22 nằm dưới nó. Như vậy là Dự thảo Luật chính thức có đến 3 loại đăng
ký: trước nhất là „ đăng ký sinh hoạt tôn giáo“, rồi đến „ đăng ký hoạt
động tôn giáo“, và „ đăng ký tổ chức tôn giáo“. Đẻ ra càng nhiều loại
đăng ký thì lại càng nhiêu khê và càng tạo cơ hội cho chính quyền các
cấp có cơ hội làm khó dễ các tôn giáo.
Một
nhận xét thứ hai là sự can thiệp khó chấp nhận được của chính quyền vào
nội bộ các tôn giáo. Có những 39 điều khoản của dự luật này qui định từ
việc tổ chức đại hội thường niên, thành lập hội nhánh, phong chức, bổ
nhiệm, tuyển người đi tu, v.v… Việc bắt phải được chấp thuận đăng ký thì
mới được suy cử, bầu cử người lãnh đạo tôn giáo, mới được đi tu cho
thấy chính quyền thọc sâu như thế nào vào việc điều hành nội bộ của các
tôn giáo. Rõ ràng là các tổ chức tôn giáo “chỉ được làm những gì đã được
cho phép” và bị thắt xiết đến nghẹt thở chứ không được tự do. Muốn tự
do thì các tôn giáo phải được làm tất cả những gì mà luật không cấm.
RFI : Dự thảo luật này có đáp ứng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không?
Vũ Quốc Dụng : Việt
Nam tham gia vào Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR)
từ năm 1982 cho nên chúng ta phải dùng Điều 18 của công ước này về Quyền
Tự do Tư tưởng, Tự do Lương tâm hay Tự do Tôn giáo để qui chiếu. Ngoài
ra, chúng ta cần phải tham chiếu thêm Bản Bình luận Tổng quát về điều 18
ICCPR này của Uỷ Ban Nhân quyền LHQ để hiểu rõ hơn về các qui định về
tự do tôn giáo trong luật quốc tế.
Sau
khi tham khảo 2 văn bản nói trên tôi cho rằng dự thảo luật tôn giáo,
tín ngưỡng của Việt Nam đã vi phạm nhiều nguyên tắc căn bản của ICCPR.
Vì thời giờ không cho phép nên tôi xin nói vắn tắt về một vài điểm
chính.
Thứ
nhất là tầng khái niệm. Tôi cho rằng dự thảo luật đã đưa ra những định
nghĩa quá chật hẹp về tôn giáo hoặc tín ngưỡng với kết quả là loại trừ
rất nhiều tôn giáo hoặc tín ngưỡng ra khỏi vòng pháp luật. Đặc biệt,
những nhóm tôn giáo nhỏ, mới được thành lập hay bị chính quyền xem là
bướng bỉnh sẽ khó được chấp nhận. Thực tế của nhiều thập niên qua cho
thấy việc đồng hóa "tôn giáo“ với "tổ chức tôn giáo“ cũng như "tín
ngưỡng“ với "tín ngưỡng dân gian“ đã là nguyên nhân gây ra biết bao vi
phạm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam vì không phải tôn giáo nào cũng
phải được tổ chức thành một tổ chức và ngoài tín ngưỡng dân gian thì tín
ngưỡng còn phải bao gồm cả nhiều niềm tin hay thế giới quan khác nữa.
Thứ
nhì là "quyền tự do theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng tự chọn“ đã không
được tách riêng ra trong dự thảo. ICCPR tách riêng nó ra vì nó là một
quyền tuyệt đối và không thể bị giới hạn trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể
cả khi đất nước có chiến tranh. Vì cho đến nay chính quyền Việt Nam vẫn
bắt nhiều người phải ký giấy bỏ đạo hoặc phải theo một tổ chức tôn giáo
do chính quyền qui định, cho nên việc tách riêng này không những phù hợp
với ICCPR, mà còn giải quyết được một nhu cầu cấp thiết của người có
đạo nữa.
Thứ
ba là dự luật đặt ra quá nhiều điều cấm, riêng điều 6 đã có tổng cộng
12 điều cấm, với ngôn từ rất chung chung và dễ áp đặt tùy tiện như "cấm
lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo". Như thế nào là "lợi dụng"
thì chúng ta đã thấy qua những bắt giữ tùy tiện liên quan đến điều 258
của Bộ luật Hình sự mà quốc tế đã nhiều lần phê phán. Tôi muốn nói thêm
rằng lý do "xâm phạm an ninh quốc gia“ trong dự luật này (điều 6, khoản
5, điểm c) rõ ràng vi phạm ICCPR vì trong những lý do để giới hạn về
quyền tự do bày tỏ niềm tin tôn giáo hoặc tín ngưỡng được qui định tại
điều 18 khoản 3 ICCPR không có điều nào liên quan đến an ninh quốc gia
và tất cả các văn bản diễn giải của LHQ đều nhấn mạnh đến điều này.
RFI : Dự
thảo luật này có đáp ứng những khuyến nghị của Báo cáo viên Đặc biệt về
Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng của Liên Hiệp Quốc (BCV) vừa viếng thăm
Việt Nam hồi năm ngoái không?
Vũ Quốc Dụng : Khi
đọc các khuyến nghị của ông BCV Heiner Bielefeldt tôi thấy ông đặc biệt
quan tâm đến 3 lãnh vực là đăng ký tôn giáo, tôn trọng điều ước quốc tế
và những điều cấm. Dự luật đã không thỏa mãn được cả 3 mối quan tâm
này. Tôi đã phê bình điểm thứ ba ở trên nên không nhắc lại nữa.
BCV
quan niệm rằng việc thực thi quyền tự do tôn giáo không thể để bị phụ
thuộc vào một quyết định hành chánh là đăng ký hoặc cho phép. Do đó, BCV
đề nghị luật tôn giáo phải cho các tổ chức tôn giáo được chọn lựa giữa
việc đăng ký hay không đăng ký, và việc này không ảnh hưởng gì đến các
hoạt động chủ yếu của họ trong cộng đồng tôn giáo. Dự luật thì rõ ràng
bắt họ phải đăng ký nếu không thì sẽ bị chính quyền xem là hoạt động bất
hợp pháp.
BCV
đề nghị thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế. Như đã phân tích ở trên
dự thảo luật tôn giáo, tín ngưỡng đã vi phạm nhiều nguyên tắc căn bản
của ICCPR. Cho nên qui định tại Điều 5 về việc ưu tiên thực hiện điều
ước quốc tế khi có mâu thuẫn giữa điều ước quốc tế và luật Việt Nam chỉ
là sự đãi bôi. Thực ra Pháp lệnh tôn giáo, tín ngưỡng của năm 2004 cũng
đã có điều khoản tương tự (Điều 38) mà chẳng thấy ai thi hành. Hỏi công
an thì công an bảo không biết. Hỏi uỷ ban và tòa án nhân dân thì họ nói
họ chỉ áp dụng luật Việt Nam mà thôi.
Tôi
nghĩ điều đầu tiên cần làm ngay là điều chỉnh tất cả các điều luật cho
phù hợp với luật quốc tế, rồi sau đó mới có thể ghi Điều 5 vào luật
được.
RFI : Dự
thảo luật này có đáp ứng những khuyến nghị của Thủ tục Kiểm tra Định kỳ
Phổ quát (UPR) của Hội đồng nhân quyền LHQ hồi đầu năm 2014 không?
Vũ Quốc Dụng : Trong
thủ tục UPR diễn ra hồi đầu năm ngoái, Việt Nam đã chấp nhận 9 khuyến
nghị của các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ liên quan
đến quyền tự do tôn giáo. Tựu trung các khuyến nghị này xoay quanh việc
sửa luật, tuân thủ điều ước quốc tế, bảo đảm quyền tự do tôn giáo và
giảm thiểu các trở ngại hành chính.
Như
đã phân tích ở trên, năm khuyến nghị liên quan trực tiếp đến luật lệ
tôn giáo đã chưa được phía Việt Nam thực hiện một cách thực tâm và có
thiện chí. Các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ chắc chắn
sẽ không thể thỏa mãn với những sửa chữa vá víu này.
Tôi
hy vọng dự thảo này sẽ không phải là dự thảo cuối cùng về luật tôn giáo
từ nay đến cuối năm 2016 và những dự thảo sau sẽ cố gắng hội nhập với
quốc tế nhiều hơn nữa và sẽ thoáng hơn. Nhưng tôi nghĩ, điều tốt hơn cả
sẽ là không có luật tôn giáo, vì đặt ra luật là đặt ra sự kiểm soát và
khống chế quyền tự do. Việt Nam cần biết rằng các quốc gia khác không
cần đặt riêng luật tôn giáo mà các tôn giáo ở đó vẫn hoạt động ổn định
hòa bình.
RFI : Xin cám ơn ông Vũ Quốc Dụng.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen