Dienstag, 22. Juli 2014

HD-981 đã dời đi nhưng hiểm họa xâm lăng vẫn còn đó!

Bài viết của Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
http://vidan.info/images/stories/HD-981-directions.pngGiàn khoan HD-981 đã dời đi nhưng trong thực tế chưa có sự bảo đảm nào là chủ quyền lãnh hải Việt Nam đã được trả lại toàn vẹn. Cơn bão Rammasun sẽ qua, và những áp lực ngoại giao của thế giới đối với Trung Cộng sẽ từ từ lắng dịu, nhưng tham vọng bành trướng của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với biển Đông Việt Nam vẫn còn nguyên trạng. Vấn đề của Việt Nam là làm sao để có thể đối phó được mọi hình thức xâm lấn khác nhau trong thời gian tới, kể cả khi các giàn khoan mới sẽ được đưa trở lại Biển Đông.
Giàn khoan của Trung Cộng tạm thời rời khỏi vùng biển Việt Nam không do kết quả của sự "đấu tranh bằng con đường ngoại giao" của nhà nước Việt Nam, mà là từ các áp lực quốc tế xuất phát bởi quyền lợi liên đới trong khu vực biển Đông.
Bên cạnh đó là nhu cầu cân bằng ảnh hưởng và quyền lực của các quốc gia đang đóng vai trò quan trọng trong một chiến lược chung nhằm ngăn chận làn sóng bành trướng nguy hiểm của Trung Cộng ở vùng Đông Nam Á. Cùng lúc, giàn khoan HD-981 đã làm xong nhiệm vụ trắc nghiệm phản ứng của mọi phía liên hệ. Trớ trêu thay điều mà Bắc kinh thấy khá rõ ràng là nhân dân Việt Nam quyết liệt chống đối, chính phủ nhiều nước đồng thanh cảnh cáo họ nhưng nhà nước Việt Nam thì lại rất lúng túng, mâu thuẫn trong những lời tuyên bố cũng như hành động ứng xử. Việt Nam sẽ tiếp tục kiện Trung Cộng đã vi phạm chủ quyền lãnh hải để khẳng định quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, và đòi Bắc kinh phải bồi thường các thiệt hại tài sản mà họ đã gây ra cho nhà nước và ngư dân, hay chỉ được tạm thoát nạn là hài lòng?
Sự ôn hòa, kiên nhẫn của một nhà nước trước tình hình căng thẳng, nguy hiểm là điều cần thiết song ôn hòa không có nghĩa là thiếu dứt khoát với kẻ xâm lăng hung hãn, và càng không thể vì mục đích tránh xung đột với nước đang gây hấn mà đàn áp những công dân yêu nước. Đảng đương quyền quên rằng thiếu sự ủng hộ của đông đảo quần chúng thì bất cứ nhà nước nào cũng không có đủ sức mạnh để khiến cho Bắc kinh phải kiêng dè.
Thật vậy, trở ngại của nước ta không phải là không vận động được một sự hậu thuẫn hiệu quả và lâu dài từ cộng đồng các quốc gia tự do, hay không thành hình được một đường lối bảo toàn chủ quyền một cách hiệu quả. Vấn đề là vì Việt Nam đang ở dưới chế độ độc đảng. Từ đó, sách lược đối phó với vấn đề biển Đông của nhà nước Việt Nam chỉ là đường lối riêng của đảng CSVN, với ưu tiên lớn nhất được dành cho mục đích bảo vệ vận mệnh chính trị của đảng này. Thái độ và hành động đấu tranh bảo toàn chủ quyền đất nước của nhân dân  đã bị chính nhà nước Việt Nam ngăn trở. Và vì vậy, trở ngại của vấn đề biển Đông không phải chỉ là làm sao đối phó với Trung Cộng, mà còn là làm sao hóa giải được cản trở lớn nhất từ phía đảng cầm quyền hiện thời.
Sự kiện Trung Cộng tạm rút giàn khoan tạo được sự nhẹ nhỏm nhất thời cho chế độ đương quyền nhưng nỗi lo của nhân dân về hiểm họa Bắc phương xâm lấn vẫn còn nguyên vẹn. Với tình hình này, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tìm cơ hội khác để tiếp tục hành động "hợp thức hóa" chủ quyền  trên biển Đông. Chiến lược lấn chiếm bằng cách dùng vũ lực đặt thành "sự kiện đã rồi" như họ đã từng làm ở Hoàng sa (1974) và Trường Sa (1988) rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra. Thực tế cho thấy dù bị thế giới lên án, chịu nhiều áp lực song Trung Cộng vẫn còn ở thế thượng phong trong thế trận ở biển Đông. Nói cách khác, Bắc kinh vẫn ở thế chủ động trong việc gây biến động và điều hướng tình hình, và nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục chống chỏi bằng các hình thức bị động. Cho nên, sự kiện "HD-981" sẽ có thể tái diễn bất cứ lúc nào dưới những tên gọi mới. Cục diện biển Đông sẽ trở lại tình trạng sôi sục đầy đe dọa. Nếu vậy, Việt Nam đã chuẩn bị được gì với chiều hướng nguy hiểm đó?
Trước các nhận thức nêu trên, có phải chăng đây là lúc mà mọi hình thức vận động đấu tranh cần phải tập trung áp lực để buộc đảng CSVN phải trả lại quyền lãnh đạo và bảo vệ đất nước cho toàn dân? Có phải chăng tình trạng độc quyền yêu nước và đàn áp những người chống xâm lăng cần phải được chấm dứt càng sớm càng tốt?
Trong bối cảnh phải đối phó với nạn ngoại xâm, nước ta cần một sự đoàn kết dân tộc, xây dựng một sức mạnh có thể buộc Bắc kinh phải kiêng nễ. Tuy nhiên, sự đoàn kết quốc dân trong thời đại này không thể là củng cố một chế độ độc tài toàn trị. Việt Nam cần chuyển thể để trở thành một cơ chế dân chủ đa đảng pháp quyền. Từ đó, chính phủ dân chủ sẽ có điều kiện huy động được sức mạnh của toàn dân, bao gồm các thành phần xã hội và chính trị.
Hiểm họa ngoại xâm đã đánh thức được lòng yêu nước của nhiều người và kinh nghiệm thực tế cho thấy là tình trạng độc tài toàn trị đang là trở ngại lớn nhất cho cuộc đấu tranh bảo toàn tổ quốc. Trong chiều hướng đó, giải thể cơ chế độc tài để cứu nước đang là một yêu cầu trọng đại.
Biển Đông chưa thực sự yên bình và làn sóng xâm lăng của Bắc phương vẫn còn. Muốn công cuộc chống xâm lăng được thật sự được thành công, mọi người Việt Nam phải tiếp tục đấu tranh để khẳng định lập trường của dân tộc đối với Trung Cộng, và đối với cả nhà cầm quyền CSVN.
Chúng ta phải xót xa để nhận rằng, với thân phận một nước nhỏ, Việt Nam sẽ rất khó giành lại được những phần biển đảo đã bị cưỡng chiếm. Không những thế, với hoàn cảnh chính trị hiện nay, ngay cả việc bảo toàn được phần lãnh hải còn lại cũng không phải là điều dễ dàng. Nhưng dù vậy, những khó khăn to lớn đó chỉ là thử thách dành cho các thế hệ Việt Nam hôm nay.
Chủ quyền đất nước sẽ có thể được bảo toàn khi Việt Nam đã thật sự có một chính thể dân chủ, vì với một chính phủ đa đảng, Bắc kinh sẽ không thể mua chuộc hay uy hiếp được. Hơn nữa, khi đã có dân chủ, mọi tầng lớp nhân dân đều có quyền và được khích lệ thể hiện lòng yêu nước.
Dân chủ là chìa khóa tốt nhất để giải quyết những vấn nạn của đất nước chúng ta. Và ý chí đoàn kết của toàn dân sẽ là sức mạnh truyền thống trong cuộc tranh đấu chống xâm lăng như Ông Cha ta đã có trong ngàn năm qua.
Lê Nguyên Bình
Thành viên Đảng Vì Dân Việt Nam 
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen