Montag, 28. Juli 2014

Sài Gòn lại bị bức tử


Bùi Tín
Cây cổ thụ hàng chục năm tuổi, đường kính 50-60 cm, cao hàng chục mét bị chặt.

Các bạn từ Sài Gòn đang kéo còi báo động; gửi đến tất cả những tấm lòng yêu nhớ Sài Gòn đang sống khắp cả nước, đang sống rải rác khắp các châu lục.

Sài Gòn lại đang bị bức tử, để bị buộc phải chết dần chết mòn, để không còn gì là Sài Gòn nữa hết.

Mấy ngày nay, từ ngày 25/7/2014, sở công viên thành phố cho hạ hàng loạt cây cổ thụ trong công viên Lam Sơn trước Nhà hát thành phố, quanh Đài phun nước, vùng ngã tư đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ . Cuộc giải tỏa đang mở rộng ra khu vực bùng binh Quách Thị Trang, đến tận khu tượng đài Trần Nguyên Hãn.

Hàng loạt cây dầu bách niên gốc bự, hàng loạt cây dương liễu quý yểu điệu đang bị máy cưa
đốn hạ không chút tiếc thương, như cứa vào lòng mỗi người yêu nhớ Sài Gòn, một thời từng là Viên Ngọc Viễn Đông, niềm kiêu hãnh của người Việt.

Họ đang một lần nữa bức tử Sài Gòn, sau cuộc bức tử tàn bạo năm 1975, khi lột tên truyền thống của thành phố được mang từ thời sơ sinh – Sài Gòn -  để mang một tên khác vốn lạ hoắc với người dân Sài Thành.

Cuộc bức tử lần nay độc ác là nhằm triệt hạ, xóa bỏ khu vực trung tâm lịch sử- chính trị - kinh tế - văn hóa của Sài Gòn, trái tim của Sài Thành, vẫn theo nếp nghĩ tật bệnh dai dẳng của giới lãnh đạo cộng sản, hận thù và cao ngạo.

Họ vin cớ xây dựng Khu trung tâm mới, một nhà Ga tầu điện ngầm hiện đại  làm nét kiến trúc đặc sắc đầu tiên rồi mở rộng  với những tượng đài hoành tráng của thời Cộng sản. Những tượng đài CS hoành tráng nhất, giữa lúc đảng CS đang suy thoái và đang « chết tươi », theo cách nói của đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang, với cái nghĩa thâm thúy là nó chết do chính những bầy sâu độc hại nảy nở từ xương tủy của chính nó.

Đảng CS luôn leo lẻo «nhân dân làm chủ». Nhưng nhân dân Việt Nam, nhân dân Sài Gòn, nhân dân Quận 1 / Sài Gòn…  có được hỏi ý kiến gì về cuộc cải tạo địa bàn hệ trọng này? Quốc hội, Hội đồng nhân dân Sài Gòn, các chuyên gia trong Hội kiến trúc sư có được tham gia ý kiến gì không ? Báo chí có được huy động để nhân dân góp ý về một chủ trương lớn này không?

Đã có ý kiến cái Ga tầu điện ngầm nên đặt ở khu vực Công viên 23 tháng 9, gần nhà Ga xe lửa cũ, sau trở thành bến xe ô tô khách, ở quận 3, là thích hợp hơn cả.
Nhiều nhà kiến trúc nêu ý kiến trong các thủ đô và thành phố hiện đại, các nhà ga nên đặt ở nhiều hướng, xa vùng trung tâm. Tại sao Ga tầu điện ngầm Sài Gòn lại phải đặt giữa thành phố, ở ngay quận 1, phá nát vùng trung tâm độc đáo với bao kỷ niệm lịch sử, là nét đẹp cố hữu truyền thống của thành phố rộng lớn nhất, đông dân nhất cả nước này.

Tại sao khu phố cổ Hà Nội được bảo tồn thành khu vực thương mại, du lịch, tản bộ độc đáo, trường tồn, mà Sài Gòn lại không có được cái quyền văn hóa chính trị cao quý ấy?
Một so sánh, ở Pháp, chính quyền đã có quyết định xây dựng một sân bay lớn hiện đại nhất  gần thành phố Nantes phía Tây - Nam thủ đô Paris, nhưng đang bị đình hoãn vì nhân dân địa phương chưa đồng tình, e ngại môi trường sống bị đảo lộn do tiếng ồn của máy bay, các đền bù thiệt hại đất đai nhà cửa di dời chuyển nhượng chưa hợp lý, nay đang phải xem xét lại sau những tranh cãi trên báo chí và qua các cuộc biểu tình dai dẳng của nhân dân địa phương trong đó có cả các dân biểu.

Xin cám ơn các bạn yêu quý Sài Gòn đã báo động khi cuộc bức tử trung tâm Sài Gòn mới vừa khởi đầu. Hãy còn kịp để bảo vệ trái tim của Sài Gòn thân yêu.

Trước hết các công dân Sài Gòn hãy lên tiếng mạnh mẽ và xuống đường. Xin nhớ ông Thủ tướng trong thông điệp đầu năm đã cam kết: nhân dân có quyền làm tất cả những gì luật pháp không cấm, cán bộ và viên chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.  

Nhân dân chính cống của Sài Gòn hãy tự khẳng định quyền công dân trọn vẹn của mình, không thể để trên thực tế bị coi là công dân loại hai, phải bị những công dân loại một từ xa, từ rất xa vào cai trị và đàn áp mình; hãy cảnh tỉnh họ đứng về phía nhân dân, lẽ phải và nhân quyền, về phía Sài Gòn của đất Việt.

Bùi Tín

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen