Dienstag, 29. Juli 2014

“Tự Do Tôn Giáo”: Nhà nước Việt Nam Vi Phạm Cả Chính Sách Lẫn Luật Pháp

Lực lượng CA đàn áp đánh đập, bắt tất cả thành viên Giáo
Hội Tin Lành Mennonite như tội phạm, Bình Dương 
đêm 9-6-2014. Ảnh RFA
 
Nhà cầm quyền luôn luôn nói ở Việt Nam có tự do tôn giáo. Họ nói với Liên hiệp quốc và các phái bộ ngoại giao của các nước rằng Nhà nước Việt Nam có chính sách và luật pháp nhất quán về tự do tôn giáo.Một quan chức ngoại giao Hoa Kỳ đã nói với tôi khi tiếp xúc tại Washington DC: Chính phủ Việt Nam nói những sự việc căng thẳng được cho là vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam thường là do tranh chấp đất đai hoặc cấp dưới đã tùy tiện làm sai pháp luật, không thực hiện đúng chính sách. Chuyện đất đai là chuyện phức tạp ở Việt Nam không thể giải quyết một sớm một chiều, còn chuyện cán bộ thì cũng có người này người kia.

Đó là quả quyết của nhà cầm quyền. Gần đây, các phái bộ ngoại giao đã tiếp cận được nhiều hơn với những nhân chứng về vi phạm tự do tôn giáo, nên họ đã không còn ghi nhận cách trả lời như trên là xác đáng.

Đọc luật pháp Việt Nam, người ta không tìm thấy quyền tự do tôn giáo của người dân được bảo vệ, mà chỉ thấy pháp luật là công cụ để nhà cầm quyền sử dụng để hạn chế tối đa quyền tự do tôn giáo của người dân đến mức đàn áp tôn giáo ở một số nơi.

“Tự do tôn giáo” bị luật pháp vi phạm như thế nào?

Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội (QH) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua sáng 28.11.2013. Tại điều 24:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật“.
Hiến pháp (HP) công nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng pháp luật về tôn giáo [Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 92] lại vi phạm quyền tự do hiến định này, và buộc mọi công dân, các tổ chức tôn giáo phải thực hiện theo các quy định pháp luật. Lưu ý, các văn bản pháp luật này cũng do chính Quốc hội và Chính phủ Việt Nam ban hành, nên có ràng buộc thi hành.

Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, QH ban hành ngày 18.06.2004 (Pháp lệnh), có hiệu lực ngày 15.11.2014; Nghị định 92, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, ban hành ngày 08.11. 2012 (nghị định) là những công cụ hạn chế tự do tôn giáo. Pháp lệnh này, sau khi nhắc lại điều quyền tự do tôn giáo như HP thì hoàn toàn bàn về cách quản lý hoạt động tôn giáo của nhà cầm quyền, mà các chức sắc tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và các tín đồ đều phải tuân thủ. Pháp lệnh không bàn đến cách giúp công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình.

Pháp lệnh và Nghị định được ban hành nhằm quản lý tôn giáo, hạn chế quyền tự do tôn giáo và mở cửa cho việc đàn áp tôn giáo theo pháp luật.

Không thiếu bằng chứng

Điều 11 của Pháp lệnh quy định:

“1. Chức sắc, nhà tu hành được thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo.

2. Trường hợp thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo ngoài quy định tại khoản 1 Điều này phải có sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) nơi thực hiện“.

Với điều luật này, các chức sắc tôn giáo có thể xem là vi phạm pháp luật khi hành lễ tại tư gia của mình, hay nơi cơ sở tôn giáo của đồng đạo, nhưng không do mình phụ trách. Trong các doanh trại quân đội, khu công nghiệp, nhà tù có hàng triệu tín đồ các tôn giáo không thể đến cơ sở thờ tự, vì trách nhiệm quốc gia, vì đời sống kinh tế và vì bị giam giữ. Nhưng với điều luật này, nhà cầm quyền đã đương nhiên cấm các chức sắc tôn giáo đến đây cửa hành lễ nghi tôn giáo cho các tín đồ này. Như vậy không chỉ các chức sắc tôn giáo bị bắt luật khi thi hành trách nhiệm tâm linh với đồng bào, mà cả các quân nhân sẵn sàng đổ xương máu để bảo vệ quốc giá vẫn bị xâm phạm quyền tự do tôn giáo.

Một chức sắc khi ốm đau, không thể cửa hành nghi lễ tôn giáo cho tín đồ, muốn mời một chức sắc khác đến giúp làm thay, nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo của công dân thì buộc phải xin phép và phải đợi sự chấp thuận của nhà cầm quyền, nếu nhà cầm quyền không đồng ý thì phải chịu.

Ngày 19.04 vừa qua là Thứ bảy Tuần Thánh. Đêm đó là lễ Phục Sinh, một lễ quan trọng nhất của người Công giáo. Cha Phêrô Đinh Quốc Thái Bình, phụ trách giáo điểm Plơi Athai, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai bị bệnh, khó có thể cử hành trọn vẹn một thánh lễ dài, trong đó có cử hành bí tích rửa tội cho hơn 100 anh chị em đã học đạo hơn hai năm, nên cha Bình đã mời tôi đến giúp. Trước giờ lễ, chính quyền, ban tôn giáo, công an và dân quân tự vệ đến không cho phép tôi được cử hành. Tôi chỉ có thể đứng bên cạnh để phụ cha Bình mà thôi.

Đây là quy định nhằm giới hạn hoạt động tôn giáo của nhà tu hành.

Mọi hoạt động tôn giáo đều phải đăng ký và phải được nhà cầm quyền chấp thuận

Điều 12 Pháp lệnh quy định:

“1. Người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm diễn ra tại cơ sở đó với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã); trường hợp tổ chức hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyềnchấp thuận.

2. Thẩm quyền chấp thuận việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng do Chính phủ quy định“.
Phải liệt kê chi tiết: Hành lễ lúc mấy giờ? Ai chủ lễ? Ai tổ chức lễ? Có bao nhiêu người tham dự? Có người của địa phương khác đến tham dự lễ không?

Làm sao linh mục có thể biết trước thánh lễ đại chúng có bao nhiêu người tham dự để đăng ký? Làm sao linh mục có thể biết ai là người tỉnh khác, huyện khác hay phường xã khác đến tham dự thánh lễ, nếu người ấy không đến xin phép dự lễ? Nhà thờ là là nhà của Chúa và cũng là của Dân Chúa, giáo dân ở Mỹ, ở Tây Ban Nha hay ở Cà Mau, Bắc Cạn … đều có thể lên Tây Nguyên dự lễ, khi nơi đó có lễ, mà không cần xin phép cha xứ.

Nói chung, tất cả các hoạt động thuần túy nội bộ tôn giáo như hội nghị của nội bộ tôn giáo, phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển, thành lập tu viện, trường đào tạo giáo sĩ … đều phải đăng ký và phải được chấp thuận như quy định tại các điều 18, 20, 22, 23, 24 … thì mới được tổ chức, còn nếu không đồng ý thì bị ngưng trệ.

Nếu tiếp tục đọc các điều khoản còn lại, người đọc sẽ thấy chỉ toàn là công cụ quản lý chứ không có chút gì để giúp công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo.

Chỉ có ở Việt Nam

Các tôn giáo hoàn toàn không có tư cách pháp nhân độc lập, nên việc mua, bán, nhận hiến tặng đất đai đều không được phép, do đó không thể chủ động mở rộng cơ sở hoạt động tô giáo hoặc xây dựng mới cơ sở tôn giáo.

Khi một linh mục được giáo phận giao xây dựng nhà thờ mới, theo hướng dẫn của nhà chức trách, vị linh mục ấy phải làm các việc sau đây:

1. Chọn đất, thỏa thuận với người đang có quyền sử dụng để mua lại quyền sử dụng (nôm na là trả tiền mua đất).

2. Người đang đứng tên có quyền sử dụng đất phải làm đơn gởi Ủy ban nhân dân huyện xin trao trả lại đất với lý do không còn nhu cầu sử dụng, đồng thời đề nghị nhà cầm quyền cấp mảnh đất đó để xây nhà thờ.

3. Linh mục phụ trách phải làm đơn xin cấp đất (cấp lại mảnh đất đã trả tiền mua)

4. Nhà cầm quyền xem xét, nếu hợp lý thì cấp theo đơn và theo đề nghị của công dân; còn nế không phù hợp thì không cấp. Trường hợp sau xem như vị linh mục và Giáo hội Công giao mất trắng tiền mua đất đã trả.

Những quy định được xem là phù hợp là phải có số giáo dân phù hợp với quỹ đất đề nghị cấp (đất đã mua), không nằm trong vùng quy hoạch. Lý do thứ nhất nhằm ngăn cấm việc truyền giáo. Linh mục không được truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo thì làm sao có số tín đồ đông ở vùng đất mới để xây nhà thờ? Còn nếu muốn có số tín đồ đông đủ để xin xây nhà thờ thì trước đó nhiều năm, các linh mục phải vi phạm pháp luật để đi truyền giáo. Lý do thứ hai thường là lý cớ để không chấp thuận cấp đất, và có thể sau đó là một âm mưu cướp đất mà Giáo hội đã mua.

Vì sao lấy lý do “trùng tên tôn giáo”?

Sau 1975, nhà cầm quyền Hà Nội đã lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để sau đó cấm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã có hoạt động từ trước đó. Khi các tổ chức quốc tế can thiệp, và chính tôn giáo này khiếu nại, thì nhà cầm quyền cho rằng các tôn giáo đó đã có, nên không thể công nhận các tôn giáo trùng tên nhau.

Họ giải tán toàn bộ đạo Cao Đài, rồi lập ra tổ chức đạo Cao Đài mới và cấm những ai theo Đạo Cao Đài chân truyền, giữ truyền thống cơ bút. Họ tịch thu toàn bộ tài sản và bắt tù các tu sĩ cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo, rồi lập ra một Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo khác … Tất cả đều nhằm không công nhận các tôn giáo đã có lâu đời.

Thực tế chính sách và pháp luật nhất quán của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tôn giáo là như thế.

Lm. Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR

(Phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen