Chuyện một chiếc máy bay mất tích và sinh mạng con người ở VN!
Song Chi
Báo chí trong nước và quốc tế mấy ngày nay liên tục đưa tin về vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, cất cánh rời Kuala Lumpur vào lúc 0h41 ngày 8.3 (giờ địa phương) và dự kiến tới Bắc Kinh khoảng 6h30 cùng ngày. Một cuộc tìm kiếm quy mô với đủ loại máy bay, tàu cứu hộ của 10 quốc gia khác nhau được triển khai, nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cũng như bất cứ dấu hiệu nào của chiếc máy bay mất tích.Trong vụ này, nhà nước VN đã tỏ ra rất tích cực. VN huy động 10 máy bay các loại, 8 tàu hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, chưa kể trực thăng, thủy phi cơ…, với sự tham gia của các bộ phận khác nhau từ lực lượng hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, Cục Hàng không VN, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, lực lượng QĐND Việt Nam…, sự có mặt của hàng chục ông tướng tá, thứ trưởng, chuẩn đô đốc, chính ủy…, lập Sở chỉ huy trực tiếp chỉ đạo cuộc tìm kiếm ngay tại Phú Quốc v.v…
Vẫn biết VN phải có trách nhiệm chia sẻ việc tìm kiếm với các nước láng giềng, nhất là khi chiếc máy bay được cho là đã mất tích trong không phận, hải phận VN. Vẫn biết trước những sự việc như thế này, mỗi hành động tích cực hay không của VN đều có nước khác nhìn vào. Nhưng là người VN, chứng kiến sự nhiệt tình, không tiếc công tiếc sức, huy động lực lượng tối đa của nhà cầm quyền trong chuyện này, rồi nhìn lại mới đây, ngày 8.3, một tàu cá của ngư dân VN lại bị “tàu lạ” (hai chữ “tàu lạ” hèn hạ quen dùng) tấn công, khống chế, cướp tài sản vì không được bất cứ lực lượng nào bảo vệ khi ra khơi mà chạnh lòng.
Và đây không phải lần đầu tiên. Từ nhiều năm qua, khi sự tranh chấp biển, đảo giữa TQ và các nước láng giềng, đáng nói nhất là VN, trở nên căng thẳng, khi TQ ngày càng hung hăng trên biển Đông, thì việc ngư dân VN bị tàu TQ rượt đuổi, bắn hỏng tàu, cướp ngư cụ, hải sản, bị đánh đập, bị bắt cóc đòi tiền chuộc…cũng thường xuyên diễn ra.
Phải nói thẳng, TQ trong lời nói thì như một ông chủ lớn, tự cho vùng biển này là hoàn toàn thuộc về họ, còn khi đụng độ trên biển, đối với những ngư dân Việt tay không tất sắt, họ đã hành xử như một bọn cướp biển!
Trong tất cả những lần như vậy, có mấy khi ngư dân được các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, tàu chiến VN hỗ trợ, hoặc cứu hộ? Hay như bài báo trên Thanh Niên “Ngư dân phải tự thuê tàu đi cứu nạn?”. Hay khi chuyện xảy ra, ngư dân một mặt phải gánh chịu tổn thất nặng nề, nợ nần chồng chất, mặt khác, cứ việc báo cáo, cầu cứu lên các cấp chính quyền, nhưng mọi chuyện vẫn cứ để đó, rồi lần sau ngư dân lại tiếp tục ra khơi trong tâm trạng bất an, sợ hãi?
Những câu chuyện về ngư dân VN chỉ là một trong vô số ví dụ cho thấy nhà cầm quyền không thực sự biết quý trọng con người, quý trọng sinh mạng nhân dân. Hàng ngày hàng giờ, trên khắp mọi lĩnh vực, mọi miền đất nước, chúng ta đều có thể nghe, xem, đọc, hoặc tận mắt chứng kiến, hoặc từ trải nghiệm của chính bản thân, về tình trạng tính mạng người VN đang bị rẻ rúng như thế nào.
Nếu nói đến tai nạn máy bay, sự tổn thất về sinh mạng thường rất lớn vì trên mỗi chuyến bay thường có vài trăm hành khách trở lên chưa kể phi hành đoàn, và khi xảy ra chuyện gì, việc có người sống sót rất hy hữu. Nhưng cứ thử so sánh với tai nạn giao thông đường bộ ở VN, mỗi năm có bao nhiêu người chết? Con số dao động từ 10,000-13,000 người. Thật kinh khủng! Trong đó ngoài nguyên nhân chủ quan do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân còn kém, đi sai luật, phóng nhanh phóng ẩu, có bao nhiêu phần trăm do những nguyên nhân bên ngoài như mật độ xe cộ giao thông trên đường quá đông, chất lượng đường xá quá tệ hại v.v…?
Vậy nhưng nhà nước đã làm gì để giảm thiểu tai nạn giao thông trong những năm qua?
Các thành phố lớn nhất nước như Hà Nội, Sài Gòn với dân số từ 5,6-10 triệu người mà vẫn cứ xe gắn máy chạy loạn xạ trên đường, bao nhiêu năm rồi vẫn không phát triển nổi hệ thống giao thông công cộng hiện đại với metro, xe điện…Đi đường dài thì hàng không và đường bộ là chủ yếu, một việc nhà nước có thể làm được trong khả năng là mở rộng khổ đường ray, nâng cấp xe lửa để giảm bớt gánh nặng cho giao thông đường bộ, vẫn không được tiến hành…Và tai nạn giao thông tiếp tục xảy ra hàng ngày, cướp đi bao cuộc đời đang hạnh phúc, để lại bao nỗi đau cho người ở lại.
Ngay trong một lĩnh vực lẽ ra phải hết sức quý trọng sinh mạng con người như y tế, thời gian qua chúng ta đã quá bội thực với những thông tin không lấy gì làm vui về cách ứng xử của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ công nhân viên ngành y đối với người bệnh, những vụ chết người do sai sót trong nghiệp vụ chuyên môn hoặc do thờ ơ, tắc trách, nạn “phong bì”, tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn, bệnh viện trung ương trong khi các bệnh viện nhỏ, trạm xá địa phương thì điều kiện chữa chạy quá thiếu thốn, yếu kém…
Ngành y đã mang một diện mạo “xấu xí” với hàng loạt sự cố nghiêm trọng: hàng chục trẻ chết oan sau khi tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1, nhưng Bộ Y tế vẫn cho là không phải tại vaccine và sau một thời gian tạm ngưng, lại quyết định cho tiêm và lại có thêm những em bé vô tội tử vong; vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm” tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội; vụ tráo thủy tinh thể tại BV Mắt, Hà Nội cho tới vụ bác sĩ làm chết người xong ném xác xuống sông Hồng để thủ tiêu…
Tất cả những sự cố này một phần do đạo đức ngành y bị xuống cấp nghiêm trọng, một số thầy thuốc, cán bộ nhân viên y tế thời nay làm việc chỉ biết có tiền, nhưng trên hết, là từ một nếp nghĩ, thái độ hết sức coi thường sinh mạng con người.
Nhưng không có lĩnh vực nào mà danh dự, mạng sống con người lại bị coi rẻ như ngành công an và tòa án ở VN. Công an VN chưa bao giờ được xem là bạn dân mà ngược lại, ngày càng trở thành “hung thần” của dân. Công an giao thông là một trong mấy ngành tham nhũng, hối lộ hàng đầu ở VN. Ngày càng nhiều những thông tin người dân sau khi được “mời”về đồn công an làm việc để điều tra, xét hỏi một vụ việc nào đó, đã bị công an đánh đập thậm chí đến chết, sau đó đổ cho là tự tử chẳng hạn.
Đây chỉ là một số vụ việc xảy ra trong vòng vài tháng qua: “Bốn công an dùng nhục hình, xát ớt bột vào hạ bộ một thanh niên” (Pháp luật VN), Vụ “Ói ra máu sau khi bị công an làm việc”: Công an nói nạn nhân tự té” (Pháp luật TP.HCM), “Trưởng công an xã gọi ra ủy ban rồi đóng cửa đánh dân tụ máu não” (Soha), “Một nghi can hiếp dâm bị chết tức tưởi trong trại tạm giam” (Giáo dục VN), “Học sinh chết bất thường ở đồn công an, dân vây quốc lộ phản ứng” (Một thế giới), “Thêm một người chết sau khi làm việc với công an” (Tuổi Trẻ) tại trụ sở Công an xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là nạn nhân thứ tư chết trong tay công an từ đầu năm 2014 đến nay…
Và sau tất cả những vụ việc như vậy, chỉ có vài trường hợp là được đem ra xử với bản án giơ cao đánh khẽ (như vụ nguyên trung tá Nguyễn Văn Ninh, công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng vào tháng 2.2011, chỉ bị 4 năm tù).
Khi câu chuyện về vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang “nổ” ra trên báo chí như một trái bom, dư luận bàng hoàng trước cung cách điều tra cẩu thả, dùng nhục hình bức cung, phá án nhanh cốt lấy thành tích, sự vô cảm đến tàn nhẫn trước số phận một con người của cơ quan điều tra cho tới tòa án các cấp ở Bắc Giang. Nhưng câu chuyện của ông Chấn không phải là ngoại lệ.
Báo chí tiếp tục khui ra bao nhiêu vụ việc khác, từ trước đó “Những vụ án oan rúng động VN” (VNExpress) cho đến hiện tại: “Vụ Hàn Đức Long: 8 năm nghiệt ngã người vợ kêu oan cho chồng bị án tử” (Đời sống và Pháp luật), “Thả 7 thanh niên giam cầm nhờ có người khác tự thú” (Một thế giới), “Kỳ án Vườn Mít: cha Lê Bá Mai ra Hà Nội kêu oan cho con” (Tiền Phong), “Sóc Trăng: thêm một vụ tố điều tra bức cung, có dấu hiệu oan sai” (vụ án giết người liên quan đến một thanh niên bị bệnh tâm thần bị giam suốt 18 tháng nay, báo Một thế giới) v.v…
Điều đáng sợ là khi những người trong cuộc gặp phải những oan sai tày trời, bản thân họ và gia đình cất tiếng kêu oan thống thiết, gửi hàng trăm, ngàn bức thư đi khắp nơi, gõ cửa bao nhiêu cơ quan công quyền từ dưới lên trên, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng lạnh lùng, tàn nhẫn. Đôi khi, may mắn đến với họ nhưng không phải từ sự hồi tâm nghĩ lại, điều tra lại của các cơ quan có thẩm quyền, mà từ sự ra đầu thú của kẻ thủ ác, như vụ ông Chấn hoặc 7 thanh niên bị giam ở Sóc Trăng chằng hạn.
Với “thành tích” lẫy lừng trong việc chà đạp nhân quyền, coi thường sinh mạng người dân như vậy, chẳng trách gì những ngày qua, khi nhà cầm quyền VN tỏ ra tích cực, thậm chí “ồn ào” trong việc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích, nhiều người dân, thông qua các trang blog, trang mạng xã hội, đã lên tiếng chỉ trích. Trong mắt họ, hành động của nhà cầm có cái gì đó như phô diễn, muốn chứng tỏ với các nước, thậm chí, muốn “lấy điểm” với Trung Quốc, quốc gia có nhiều người nhất đi trên chuyến bay định mệnh. Và đáng nói nhất, cuộc trình diễn này lại không hề rẻ!
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen