Căng thẳng Ukraine: Mỹ điều khu trục hạm tên lửa tới Biển Đen
USS Truxtun, tàu khu trục mang tên lửa dẫn
đường của Hải quân Mỹ đang trên đường tới Biển Đen.
Quân đội Mỹ khẳng định đây là đợt triển
khai theo lộ trình đã được lên kế hoạch từ trước khi cuộc khủng hoảng tại
Ukraine diễn
ra.
Thông báo được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc tiết lộ kế hoạch triển khai
nhiều hơn các máy bay chiến đấu tham gia nhiệm vụ tuần tra của NATO trên biển
Baltic, nhằm trấn an các đồng minh của Mỹ đang cảm thấy lo ngại về việc Nga
chiếm giữ bán đảo Crimea.
Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục USS Truxtun đã rời Hy Lạp hôm thứ Năm
(6/3) để lên đường tới Biển Đen và sẽ tham gia nhiệm vụ huấn luyện với hải quân Romania và
Bulgaria.
Theo thông báo của Hải quân
Mỹ: "Khi ở Biển Đen, con tàu sẽ tiến hành một
chuyến thăm cảng và theo kế hoạch trước đó, nó sẽ tập trận cùng các đồng minh và
đối tác của Mỹ trong khu vực. Các hoạt động của tàu Truxtun tại Biển Đen đã được
lên kế hoạch từ trước".
Pháo hạm Mk45 trên tàu USS Truxtun khai hỏa
trong một cuộc tập trận
Trước đó, hôm thứ Tư (5/3), tờ Hurriyet Daily News đưa tin chính quyền
Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận rằng họ cho phép tàu chiến của Hải quân Mỹ đi qua eo biển
Bosphorus, lối vào duy nhất dẫn tới Biển Đen. Một số nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ
nghi ngờ con tàu được triển khai đến không phải là tàu sân bay hạt nhân USS
George H.W. Bush như một số nguồn đưa tin bởi USS George H.W. Bush có trọng tải
quá lớn, vượt quá yêu cầu của Hiệp định Montreaux về eo biển.
USS Truxtun là tàu khu trục lớp Arleigh
Burke, có lượng giãn nước 9.200 tấn. Con tàu
được đưa vào phục vụ trong Hải quân Mỹ từ năm 2009. USS Truxtun mang theo 300
thủy thủ, con tàu là một phần trong nhóm tác chiến tàu sân bay đã rời Mỹ từ giữa
tháng 2 theo một đợt triển khai.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Chiến đấu cơ F-16 và lính Mỹ xuất hiện sát
Ukraine
Ba Lan yêu cầu Mỹ tăng cường triển khai máy bay chiến đấu
và quân nhân đến nước này sau khi Nga can thiệp vào Ukraine.
Chiều 6/3, Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận, tuần tới, Mỹ sẽ
cử 12 máy bay chiến đấu F-16 và 300 quân nhân đến Ba Lan để huấn luyện nhằm đối phó với
tình hình ở Ukraine. Cuộc huấn luyện sẽ diễn ra ở căn cứ không quân Lask, miền trung Ba Lan,
nước láng giềng của Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết, quy
mô dự kiến ban đầu của cuộc huấn luyện này ban đầu nhỏ hơn nhiều, và chỉ huy
động các máy bay vận tải. Cũng theo ông Siemoniak, chính Ba Lan đã yêu cầu tăng
quy mô cuộc huấn luyện sau khi Nga can thiệp vào Ukraine.
Xuất hiện bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan trong một
cuộc họp báo, Đại sứ Mỹ tại nước này, Stephen Mull nói “Khi đối mặt với một
thách thức an ninh nghiêm trọng như vậy, chúng tôi cần trấn an các đồng minh
rằng các cam kết đảm bảo an ninh của chúng tôi vẫn có hiệu lực”.
Thông báo của Mỹ về việc đưa F-16 đến Ba Lan được đưa ra sau khi
Washington đã điều thêm 6 chiến đấu cơ F-15 đến Lithuania.
Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Juozas Olekas đã xác nhận
tin này với báo giới. Ông cũng cho biết, động thái này nhằm đáp trả “hành động
xâm lược của Nga vào Ukraine, cũng như việc Nga gia tăng các hoạt động quân sự ở
Kaliningrad, vùng lãnh thổ Nga có biên giới với Ba Lan và
Lithuania.
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Vì sao Mỹ không điều động Hạm đội 6 tới Ukraine để chặn Nga?
Hạm đội 6 của Mỹ là một lực lượng đáng kể nhưng để triển khai
trong một hành động quân sự tới Ukraine thì hoàn toàn không đơn
giản.
Cho dù tối hậu thư buộc Ukraine đầu hàng từ Moscow chỉ là một
đòn “tâm lý chiến” nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Nga sẽ khoanh tay đối
với Ukraine, đặc biệt là bán đảo Crimea nơi Hạm đội biển Đen đã đóng quân được 231
năm. Câu hỏi đang được dư luận thế giới quan tâm là Mỹ-NATO sẽ làm gì nếu Moscow
thực sự động binh với Ukraine?
Mạnh miệng nhưng tay run
Kể từ khi bất ổn chính trị tại Ukraine diễn biến theo chiều hướng ngày
càng phức tạp, Mỹ vẫn liên tiếp đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ tới Moscow về ý
định can thiệp quân sự vào Ukraine. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố
“Nga sẽ phải trả giá đắt nếu có bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào
Ukraine”.
Không lâu sau tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Nga Putin đã được sự cho
phép của Duma Quốc gia để tiến hành các hành động cần thiết nhằm bảo vệ những
người dân nói tiếng Nga tại Crimea. Cảnh báo của Washington hoàn toàn không có
sức nặng đối với Moscow. Simon Tisdall, biên tập viên của tờ The Guardian (Anh)
nhận định “Tổng thống Mỹ đã không xác định một cách rõ ràng về những cái giá mà
Moscow phải trả. Người đứng đầu Nhà Trắng đang ở vào tình thế tiến thoãi lưỡng
nan mà Mỹ và các đồng minh đang phải đối mặt”.
Một viễn cảnh được nêu ra là Mỹ, Anh hoặc Pháp có thể triển khai số lượng
lớn lực lượng chiến đấu có kinh nghiệm nhằm phản ứng lại một cuộc tấn công của
Nga vào Crimea, nhưng đây là điều hoàn toàn không khả thi. Moscow chắc chắn đã nhìn
thấy được vấn đề này và rất khó có thách thức như vậy đối với họ, tương tự như
những gì đã xảy ra ở Gruzia.
-
Người đứng đầu Nhà Trắng đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan" đối với một phản ứng nào đó nếu Nga can thiệp quân sự vào Crimea.
Michael Crowley, một
phóng viên cao cấp của tạp chí The Time nhận định “Nga còn nắm trong tay
một công cụ quyền lực quan trọng là kinh tế, Nga hiện đang là một trong những
nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Châu Âu đang dần phụ thuộc vào nguồn
cung khí đốt từ Moscow. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa có
dấu hiệu khởi sắc, liệu họ có mạo hiểm lợi ích kinh tế của mình đối với
Moscow?”
Tình hình đối với nước
Mỹ thậm chí còn tồi tệ hơn, thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng, nền kinh tế
lớn nhất thế giới đang vật lộn với những khó khăn nội bộ nên Ukraine khó lòng là
một ưu tiên hàng đầu của họ.
Khó có thể triển khai quân tới Ukraine
Simon Tisdall bình luận thêm, ngay cả khi Mỹ muốn theo đuổi một lựa chọn
quân sự cũng rất khó có thể triển khai một cách đáng tin cậy. Lực lượng quân sự
Mỹ đồn trú ở miền Tây châu Âu liên tục bị cắt giảm trong thời gian qua. Hạm đội
6 của Mỹ có trụ sở tại Naples, Italia là một lực lượng đáng kể nhưng để triển
khai trong một hành động quân sự tại Ukraine hoàn toàn không đơn
giản.
Nếu có bất kỳ kế hoạch nào đối với Ukraine, họ phải vượt qua eo biển
Dardanelles và Bosphorus để vào biển Đen. Đây là con đường hiệu quả nhất để tiến
hành một hành động can thiệp vào Crimea. Tuy nhiên, ngay cả khả năng này cũng
gần như không có chút khả thi nào. Sự di chuyển này rất có thể vấp phải sự phản
đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ chỉ có thể
đứng nhìn Nga tung hoành ở Crimea mà chẳng làm được gì
nhiều.
Mặc khác, bán đảo Crimea là một chốt chặn án ngữ trước mặt Ukraine, nơi
đó có sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen (Nga). Nếu liều lĩnh tiến vào biển Đen,
hạm đội 6 của Mỹ chắc chắn sẽ vấp phải sự chống trả quyết liệt của hải quân Nga
tại đây. Một cuộc xung đột quy mô lớn có thể xảy ra và chắc chắn không ai muốn
điều này.
Nếu tính đến khả năng triển khai một chiến dịch hỗ trợ không kích từ hạm
đội tàu sân bay Mỹ thì chỉ có thể triển khai từ Địa Trung Hải và họ phải mượn
không phận Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng liệu Ankara có đủ sự liều
lĩnh để chọc giận Moscow hay không là một câu hỏi gần như đã có sẵn đáp
án.
Nếu chính quyền Kiev có kêu gọi hỗ trợ thì việc triển khai bộ binh Mỹ hay
NATO cũng không phải là một kế hoạch có tính khả thi cao. NATO, liên minh quân
sự lớn nhất thế giới, đã cho Mỹ nhận thấy rằng không thể có sự ảo tưởng nào
trong việc hỗ trợ của châu Âu đối với một phản ứng quân sự dành cho
Moscow.
Angela Merke, nhà lãnh đạo Đức mạnh mẽ nhất của châu Âu được chào đón ở
London vào tuần trước. Hai nước lớn nhất châu Âu này không muốn thực hiện thêm
bất cứ điều gì về chiến tranh, họ chỉ muốn gìn giữ hòa bình và rất miễn cưỡng
đối với vấn đề này. Mối quan tâm hiện tại của Berlin là thương mại với Moscow.
Họ muốn giữ nguồn cung cấp năng lượng, giữ ánh đèn trên những đường phố và những
nhà máy hoạt động. Đó là Đức, tương lai không xa là Anh là quốc gia của những
người bán hàng ở châu Âu.
Cách đây 5 năm, trong cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Gruzia, Mỹ-NATO
cũng không có một phản ứng cụ thể nào đối với Moscow. Nội bộ khối quân sự lớn
nhất thế giới này cũng bị chia rẽ sâu sắc trong việc đưa ra một phản ứng mạnh mẽ
đối với Nga. Sự ràng buộc về kinh tế của NATO đối với Moscow là quá lớn để họ có
thể đánh đổi nó bằng một cuộc phiêu lưu quân sự mới.
Từ những phân tích của các chuyên gia trên thế giới, có thể thấy rằng, Mỹ
và NATO cũng chẳng làm được gì nhiều nếu Nga tiến hành một cuộc can thiệp quân
sự vào Crimea. Họ chỉ có thể đứng ngoài cảnh báo Nga bằng những lời lẽ có phần
“mạnh miệng” nhưng thực tế họ lại “run sợ” trước sức mạnh quân sự-chính trị và
cả những ràng buộc kinh tế quá lớn đối với Moscow.
Rõ ràng, Ukraine là quá nhỏ để họ có thể đánh đổi sự đỗ vỡ trong mối quan
hệ chính trị-kinh tế với Moscow. Thế chủ động trong cuộc chơi ở Ukraine đang nằm
trong tay Nga nhưng họ vẫn khá thận trọng với tình hình tại đây. Hơn ai hết, Nga
hiểu rằng một cuộc xung đột quân sự lớn giữa Nga-NATO sẽ là thảm họa cho cả đôi
bên.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen