Freitag, 12. Januar 2018

Quy định 105: Đảng ‘không làm thay’ mà ‘làm luôn’!


Theo VOA-11/01/2018 Phạm Chí Dũng

“Tiến hóa” chưa từng có
Sau bản Quy định số 105 mang tính tập quyền cao độ chưa từng có cho “Ban chấp hành trung ương”, nhưng trên nữa là cho Bộ Chính trị đảng và trên hết là cho người ký văn ban này là Tổng bí thư Trọng, đó đây trong chốn quan trường chỉ quen gục đầu đã bắt đầu hiện ra nhiều hơn hẳn những cái nhăn mặt, nhún vai, cười khẩy và ta thán thầm thì.
“Lợi ích chính đáng của công dân” - giới quan chức khối hành pháp và cả lập pháp vẫn cúc cung phục vụ đảng - đang có nguy cơ bị đảng xâm phạm nặng nề…
Gần đây, nguy cơ đó không còn tiềm ẩn mà đã lộ hẳn ra.
Lần đầu tiên trong cuộc đời hơn 6 năm làm tổng bí thư của mình Nguyễn Phú Trọng bắt đầu “nắm” được Bộ Công an.
Sau khi chủ trương “nhất thể hóa” được phóng ra tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2017 với “nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước”, một số quan chức đã nhìn thấy trước tương lai “3 thành 1”, nghĩa là nếu trước đây quyền lực được chia thành ba khu vực cho bí thư tỉnh/thành, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh /thành và chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh/thành, thì với “3 thành 1”, quyền lực và cả lợi ích sẽ chỉ thuộc về duy nhất một người. Và tất nhiên người đó phải là của đảng, được đảng “tín nhiệm và giao trọng trách”. Nói cách khác, vận hội đảng cầm quyền chuyển từ độc tài tập thể sang độc tài cá nhân.

Còn với Quy định 105 do Tổng bí thư Trọng ký ban hành vào tháng 12/2017, giới quan chức bị lột mất quyền lực và lợi ích đương nhiên càng có thêm lý do để bức xúc và bức bối, cho dù thói quen ngủ ngày quá lâu năm sẽ khiến bất cứ một phản ứng nào cũng chỉ mang tính tạm bợ qua ngày đoạn tháng, để nếu không bị khối đảng quá đụng chạm đến lợi ích riêng tư thì cuối cùng tất cả lại cung cúc “theo đảng, tin đảng”.
Quy định 105 đã “tiến hóa” chưa từng có so với những quy định trước đây của đảng về phân cấp thẩm tra, xét duyệt và bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp.
Đảng “không làm thay” mà đảng “làm luôn”!
“Phụ lục 1, chức danh cán bộ do bộ chính trị, ban bí thư quyết định hoặc phân cấp; chức danh cán bộ cần có sự thẩm định nhân sự của các ban đảng trung ương (kèm theo Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị)”, lại “đá” với Luật Tổ chức Quốc hội 2014, bởi rất nhiều chức danh trong Quy định 105 thuộc thẩm quyền bầu và phê chuẩn của Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội chứ không phải của Bộ Chính trị.
Quy định 105 có thể được xem là một bằng chứng rất lộ diện cho quan điểm vào năm 2014 của ông Nguyễn Phú Trọng: “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”.
Một lần nữa trong nhiều lần, Quốc hội được đặt cho biệt danh là “nghị gật” và bị nhiều dư luận xem là “vô dụng”, lại càng trở nên vô tích sự. Nếu trước đây vẫn còn rơi rớt một ít chức danh mà Quốc hội được đảng “nhả” cho để thực thi bầu bán cho có vẻ “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, thì tới đây Quốc hội rất có thể chỉ phải làm động tác “gật, gật nữa, gật mãi” dành cho tất cả các nhân sự cao cấp mà Bộ Chính trị, hay nói chính xác hơn là tổng bí thư, đã phê chuẩn.
Với Quy định 105, đã rất rõ rằng tuyến quan chức nhà nước, chính phủ và quốc hội từ nay chỉ có quyền đề nghị, còn việc có chấp thuận hay không là quyền của tuyến lãnh đạo đảng.
Một số luật gia đánh giá rằng Quy định 105 đã phủ nhận hầu như toàn bộ tính chính danh của các cơ chế bầu cử, các quy chế dân chủ cơ sở, các cơ chế đảm bảo “công khai, minh bạch” do chính Đảng Cộng sản Việt Nam xác lập. Ngay cả quyền hạn của 3 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước và Thủ tướng cũng bị cắt giảm rất mạnh.
Quy định 105 đánh dấu một bước ngoặt về “tái cơ cấu quyền lực”.
Vào tháng 12/2017, Tổng bí thư Trọng đã lần đầu tiên “dự và chỉ đạo” một cuộc họp kéo dài hai ngày của chính phủ. Những chi tiết đáng mổ xẻ là trong phiên họp này, ông Trọng đã ngồi chính giữa dãy chủ tọa đoàn và bàn về chi tiết những vấn đề điều hành kinh tế - xã hội và chống tham nhũng chứ không còn là nghị quyết chung chung.
Nếu hệ thống lại và so sánh những phát ngôn công khai trên mặt báo chí của Nguyễn Phú Trọng từ đầu năm 2016, bắt đầu bằng “tôi bất ngờ…” sau khi ông Trọng đột biến giành chiến thắng vang dội trước đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, cho đến “từ thuở bé đến giờ mới được dự họp chính phủ” - một lối nói vui không cần giấu diếm khi ông Trọng “được mời dự”, mới thấy thái độ tự tin của Tổng bí thư Trọng đã dâng cao đến thế nào.
Về lý thuyết, mô hình “nhất thể hóa” chức danh và cả nội dung giữa đảng và chính quyền có thể dẫn đến cơ chế “gom” hai vị trị tổng bí thư và thủ tướng chính phủ làm một, theo đúng tinh thần “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân” ở cấp tỉnh thành đã được “thí điểm”.
Một dấu hỏi lớn nổi lên là với việc “dự và chỉ đạo họp chính phủ” mà có thể là dấu hiệu đầu tiên của “nhất thể hóa đảng và chính phủ”, và nếu vai trò của tổng bí thư có thể sẽ “kiêm thủ tướng” theo một cách nào đó trong tương lai không xa - tương lai của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ ra sao? Hay ông Phúc sẽ “về” đâu?
Quy định 105 cũng đánh dấu một bước ngoặt về “tái cơ cấu quyền lực”: nếu từ tháng 11/2017 trở về trước, đảng cầm quyền hoạt động theo cơ chế tập quyền nhưng quyền lực được phân bổ theo hướng tản quyền tương đối cho các chức danh trong “tứ trụ” và các ủy viên bộ chính trị, thì từ nay trở đi quyền lực của chủ tịch nước và thủ tướng được “chuyển bớt” cho tổng bí thư và thường trực Ban bí thư.
Trước đây, đảng chỉ “lãnh đạo toàn diện” với nguyên tắc “không làm thay”. Nhưng nay với Quy định 105, rất nhiều khả năng đảng sẽ “làm luôn” những đầu việc quan trọng nhất của chủ tịch nước, thủ tướng và cả chủ tịch quốc hội.
Có thể trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền địa phương và cả chính quyền trung ương, lấy đó làm cơ sở để “người của đảng” kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế “chính ủy trong chính quyền”.
Nếu đà nhất thể hóa thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ “nắm” hết. Mô hình “đảng quản lý” thay cho “đảng lãnh đạo” sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.
Quy định 105 ra đời trong “bối cảnh cách mạng” nào?
Quy định số 105 ra đời vào tháng 12/2017, ngay sau sự kiện bắt Đinh La Thăng mà đã phá vỡ tiền lệ “ủy viên bộ chính trị không thể bị bắt giam và truy tố”.
4 tháng trước đó, vào tháng Tám năm 2017, một hiện tượng chính trị đặc biệt đáng chú ý và mổ xẻ là chỉ ít ngày sau hiện tượng “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú” mà đã gây tranh cãi và nghi ngờ rất lớn, sau lời ví von xuất thần của Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy”, vị tổng bí thư này đã ký ban hành Quy định số 89 - QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; và đặc biệt là Quy định số 90 -QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Người ký và rất có thể chính là tác giả của “phát minh Quy định 90” là ông Nguyễn Phú Trọng. Với nhân vật này, nếu dư luận chung còn ví ông với hình ảnh “giáo làng” trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, thì sau đại hội này cùng chiến thắng gần như tuyệt đối dành cho ông Trọng, dư luận xã hội đã từ ngạc nhiên đến có phần kinh ngạc, thậm chí một số chính trị gia còn dành cho ông Trọng một sự thán phục lần đầu tiên về “thủ pháp chính trị” của ông đã “nâng lên một tầm cao mới”.
Nếu “tiêu chí đặc biệt” về “không để người thân trục lợi” và “vấn đề lịch sử chính trị hiện nay” được ban hành ngay trước đại hội 12 được coi là chỉ nhắm vào trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, Quy định 90 được công bố khi Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền có thể dành cho một cấp số nhân lớn hơn nhiều đối với giới quan chức cao cấp thuộc chính phủ, bộ ngành và các địa phương.
Từ cảnh “nước mắt rơi vào lịch sử” đầy não nuột trước Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012 đến lệnh bắt chấn động đối với Đinh La Thăng vào cuối năm 2017, quyền lực thực tế của Nguyễn Phú Trọng đã sải một bước đủ dài để khiến ông không có đối thủ chính trị, ít ra cho tới khi kết thúc năm 2017 và có thể trong suốt năm 2018.
Vụ bắt Đinh La Thăng không chỉ phá vỡ tiền lệ “ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam” trước đây, không chỉ mở màn cho chiến dịch “chống tham nhũng giai đoạn 2” của Tổng bí thư Trọng, không chỉ khiến một số văn nghệ sĩ một lần nữa ca tụng ông Trọng ngút trời như “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”, “Minh quân”, không chỉ đánh dấu lần đầu tiên trong cuộc đời hơn 6 năm làm tổng bí thư của mình Nguyễn Phú Trọng bắt đầu “nắm” được Bộ Công an, mà sau Quy định 105 Nguyễn Phú Trọng thậm chí còn có thể tự so sánh vị thế của mình với Tập Cận Bình độc trị hành pháp và “đảng chỉ huy súng” ở Trung Quốc.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen