Mittwoch, 24. Januar 2018

Có Một Binh Chủng Nhảy Dù Bị Lãng Quên

The Forgotten South Vietnamese Airborne
By Barry R. McCaffrey
August 8, 2017
 
Lời nói đầu:
 
Vào năm 1993, trong quyển tự truyện “It Doesn’t Take a Hero”, Đại Tướng Norman H. Schwazkopf đã dành nguyên một chương để viết về cảm nghĩ, thời gian ông phục vụ trong Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam; Năm 1995, tác giả Michael Martin (Command Sergeant) xuất bản quyển Angels in Red Hats: Paratroopers of the Second Indochina War, gồm nhiều hình ảnh và bài viết của các cựu cố vấn Hoa Kỳ phục vụ trong Sư Đoàn Nhảy Dù; Năm 2009, Đại Tá hồi hưu Robert L. Tonsetic viết quyển “Forsaken Warriors: The Story of an American Advisor who Fought with the South Vietnamese Rangers and Airborne, về những kỷ niệm thời chinh chiến, phục vụ trong vai trò cố vấn với hai binh chủng này, Tiểu Đoàn 44BĐQ, và Tiểu Đoàn 2 Dù; Đến năm 2012, Đại tá hồi hưu Mike McDermott viết quyển sách “True Faith and Allegiance: An American Paratrooper and the 1972 Battle for An Loc”, về thời gian ông có mặt với Tiểu Đoàn 5 Dù trong trận đánh An Lộc; Vào tháng 5 năm 2014, Thiếu Tá hồi hưu John J. Duffy viết tập thơ “The Battle for ‘Charlie”, về trận đánh Đồi Charlie của Tiểu Đoàn 11 Dù; Cuối năm 2014, Đại Úy Gary N. Willis phi công Hoa Kỳ, từng bay biệt phái cho Sư Đoàn Nhảy Dù viết quyển “Red Markers, Close Air Support for the Vietnamese Airborne, 1962-1975, về các phi công bay yểm trợ không yểm, liên lạc với các cố vấn Hoa Kỳ trong các tiểu đoàn Nhảy Dù, cho những trận đánh của binh chủng Nhảy Dù. Cả sáu quyển sách này đều đề cao sự chiến đấu dũng mãnh của các người lính Nhảy Dù Việt Nam.
Những tưởng các quyển sách vừa nêu trên đủ nói lên được tấm lòng của các viên cố vấn Hoa Kỳ, dành cho các người bạn Nhảy Dù Việt Nam của họ. Nhưng, mới ngày hôm qua, ngày 8 tháng Tám, Đại Tướng hồi hưu Barry McCaffrey đã dành một sự ngạc nhiên cho người Việt tị nạn chúng ta, khi ông viết một bài viết ngắn trên báo New York Times [cho độc giả Hoa Kỳ], viết về những người lính Nhảy Dù Việt Nam, với tấm lòng cảm phục và sự tiếc nuối vô bờ.
 
Tôi xin phép chuyển dịch và đặt tựa bài viết: “Có Một Binh Chủng Nhảy Dù Bị Lãng Quên”.
Tôi đến Việt Nam vào tháng Bảy năm 1966, và cho nguyên cả năm sau tôi làm việc cố vấn với Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam. Đó là năm cuối mà chúng ta nghĩ là đang chiến thắng. Đó là năm cuối mà chúng ta có thể định nghĩa điều mà chúng ta nghĩ chiến thắng là như thế nào. Đó là năm của chủ nghĩa lạc quan, của gia tăng quân số và nhận lãnh cuộc chiến từ người Việt – và con số thương vong của Hoa Kỳ cũng cao hơn.
Vào cuối năm 1967, có 486,000 quân nhân Hoa Kỳ trên chiến trường. Con số lính Mỹ tử trận năm ấy gần như gấp đôi con số của năm 1966. Giữa tất cả các sự việc đó, sự hy sinh, lòng dũng cảm và việc hiến dâng của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cho đất nước họ hầu như đã biến mất từ ý thức của giới truyền thông và chánh trị Hoa Kỳ.
Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, mà tôi đã tham gia với tính cách là viên cố vấn phụ tá cho tiểu đoàn, là một đơn vị chiến đấu ưu tú. Cho đến năm 1967, các người lính Nhảy Dù, với quân phục ngụy trang và mũ đỏ riêng biệt, đã lên đến 13,000 quân nhân, tất cả đều là lính tình nguyện. Những người như chúng tôi được vinh dự làm việc với họ, rất kinh ngạc bởi lòng dũng cảm và chiến thuật táo bạo của họ. Các viên sĩ quan và các hạ sĩ quan thâm niên là những người lính rất tài năng và có đầy kinh nghiệm chiến trường; thật là một điều dễ quên khi biết các người lính Hoa Kỳ là mới mẻ đối với đất nước Việt Nam, trong khi nhiều người trong bọn họ đã có mặt với cuộc chiến từ năm 1951.
Là các viên cố vấn, chúng tôi thường làm việc như một cán bộ hay sĩ quan liên lạc từ cấp tiểu đoàn và chiến đoàn/lữ đoàn. Chúng tôi đã dành một năm để chuẩn bị tại California, tính luôn cả 16 giờ đồng hồ của mỗi ngày để học về văn hóa và ngôn ngữ tại học viện Defense Language Institute. Tôi cũng hoàn tất xong khóa, học và hiểu để nói tiếng Việt. Các chiến thuật về phản du kích và huấn luyện hệ thống về võ khí thời Đệ Nhị Thế Chiến mà người Việt vẫn còn sử dụng thì học tại căn cứ Fort Bragg, North Carolina.
Chúng tôi làm việc với một vai trò rộng lớn; phối hợp yểm trợ pháo binh và không yểm, sắp xếp trực thăng chuyển quân và tải thương, và cung cấp tin tức tình báo cùng giúp đỡ về tiếp liệu. Chúng tôi không cho lịnh, và chúng tôi không cần phải làm vậy. Các người bạn đồng nhiệm là những người đàn ông mà chúng tôi ngưỡng mộ, và họ vui thích có được chúng tôi – và hỏa lực Hoa Kỳ – cho họ. Chúng tôi dùng thức ăn của họ. Chúng tôi nói tiếng họ. Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào họ. Tôi thường có một người lính Nhảy Dù mang máy truyền tin, và anh cũng là người lính cận vệ.
Thông thường, một toán cố vấn cấp tiểu đoàn như tôi bao gồm ba người: một viên đại úy Lục Quân Hoa Kỳ, một viên trung úy và một viên hạ sĩ quan, thường là một trung sĩ. Các viên trung sĩ là thành phần nồng cốt. Trong khi các sĩ quan sẽ thay phiên: đến và đi; các viên trung sĩ ở lại với các đơn vị được chỉ định cho họ cho đến cuối cuộc chiến – hay cho đến khi họ hy sinh, hay bị loại khỏi chiến trường.
Lần tôi được giới thiệu về Việt Nam lại là một kinh nghiệm đầy xương máu. Chúng tôi chuyển quân bằng các chiếc giang đỉnh Hải Quân và trực thăng của Lục Quân Hoa Kỳ, vào một con sông sình lầy của vùng đồng bằng Cửu Long, nằm ở phía nam Sài Gòn. Đây là trận chiến chả có vinh quang, chiến đấu và chết chìm dưới sình lầy dơ bẩn và nước mặn. Không có một chút phiêu lưu mà chúng tôi đã cảm giác khi học một khóa học của Biệt Động Quân. Ông đại úy của tôi, là một sĩ quan chuyên nghiệp và cũng là người cố vấn trưởng tài năng, tử trận. Về lại căn cứ, tôi giúp mang thi hài ông xuống trực thăng. Nhưng đây chỉ là một khởi đầu.
Sau bốn tháng trong ‘tua’ với Nhảy Dù, chúng tôi liên quan đến một trận đánh lớn và đẩm máu, tiếp sức cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ phía bắc Đông Hà, gần bờ biển, nằm về hướng bắc của Nam Việt Nam. Hai trong các tiểu đoàn của chúng tôi được trực thăng vận vào vùng Phi Quân Sự, tìm kiếm và chận đứng một đoàn quân quan trọng của Bắc Việt, đang di chuyển về hướng Nam. Công tác này trở thành ba ngày chiến trận khốc liệt và đầy máu. Viên cố vấn trưởng bị hy sinh. Người hạ sĩ quan dũng cảm, Thượng Sĩ Rudy Ortiz bị trúng đạn đầy người. Anh kêu tôi lắp băng đạn vào khẩu súng M-16 của anh và đặt súng lên ngực, để cho anh có thể “chiến đấu cho tới chết” như những người lính còn lại của chúng tôi (may mắn, anh thoát chết).
Chúng tôi có cả trăm thương vong và gần như bị tràn ngập. Nhưng những người lính Nhảy Dù chiến đấu dũng mãnh và bền bỉ. Trong lần nguy khẩn, với sự yểm trợ của không yểm và hải pháo, chúng tôi tái phản công. Viên tiểu đoàn phó vẫn bước thẳng người trong lúc đạn bay đầy quanh để đến ngay hố cá nhân tôi. “Trung Úy”, ông bảo tôi, “đây là giờ phút chúng ta mất mạng”. Tôi vẫn cảm thấy rợn da khi nhớ tới những lời nói của ông.
Trong chiến trận, lính Nhảy Dù không bỏ rơi đồng đội đã chết hay bị thương trên chiến trường; ngay cả võ khí cũng vậy. Trong một trận đánh khác, Tommy Kerns, người bạn cùng khóa tại trường West Point là một người to lớn, chơi football cho trường, bị thương nặng và bị kẹt trong một cái rãnh hẹp. Những người lính Nhảy Dù Việt Nam đang ở với anh, nhỏ con hơn anh nhiều, đã cố gắng nhưng không thể kéo anh ra khỏi rãnh. Thay vì rút lui và bỏ mặc anh, họ giữ vững tuyến và chiến thắng cuộc chiến đấu hung tợn cho cái thân xác to lớn của anh. Anh thoát chết nhờ vào lòng dũng cảm của các chiến binh Dù ấy.
Các viên cố vấn Hoa Kỳ và hầu hết các đơn vị của Sư Đoàn Nhảy Dù đóng quân ngay và chung quanh thành phố Sài Gòn. Chúng tôi yêu thích sức sống và sự náo nhiệt của thành phố. Chúng tôi yêu thích văn hóa, ngôn ngữ và luôn cả người Việt. Chúng tôi hãnh diện một cách điên cuồng về tính cách của chúng tôi với Mũ Đỏ. Chúng tôi biết chắc là cả thế giới đã ghen tương về nhiệm vụ của chúng tôi – chúng tôi đang làm việc chung với đơn vị ưu tú nhứt của đất nước. Được trả lương với chiến trận và cộng thêm bằng dù, chúng tôi có vẻ như có cả đống tiền. Chúng tôi sống trong những tòa nhà có máy lạnh. Chúng tôi còn trẻ trung, có một chút ít khờ dại, nhưng luôn mạnh bạo. Các viên đại tá, trung tá Hoa Kỳ chỉ huy đám cố vấn là những người lớn tuổi, trầm tĩnh và là những người đàn ông dày dạn chiến trường; họ đã từng là những chiến binh Nhảy Dù đánh những trận đánh tệ hại hơn trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và Chiến Tranh Triều Tiên.
Đời sống cố vấn trong Sư Đoàn Nhảy Dù rất khó mà đoán biết cho được. Công việc của sư đoàn là phục vụ với tính cách tổng trừ bị, luôn được mang đến chiến trường bất cứ lúc nào mà các viên tư lịnh cảm thấy tình hình nguy kịch. Một tiểu đoàn Nhảy Dù hay nguyên cả một chiến đoàn/lữ đoàn sẽ được báo động cho cuộc chuyển quân khẩn cấp trong lúc giữa đêm. Chúng tôi sẽ ngồi chật cứng bên trong các chiếc vận tải cơ của Không Quân Hoa Kỳ hay Không Quân Việt Nam, các chiếc máy bay đang đậu với máy nổ vang, từng hàng dài tại căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt, sát cạnh Sài Gòn. Đạn dược sẽ được cấp phát, có đôi khi, cả dù nữa. Một kế hoạch chiến trường gấp rút ban hành.
Và rồi – hỗn loạn, địa ngục mở rộng. Các tiểu đoàn sẽ được mang đến những chỗ nào mà họ cần đến.. Chúng tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào, và sẽ biết được chúng tôi đang ở giữa một trận chiến. Rất nhiều viên cố vấn và cả ngàn người lính Nhảy Dù mà tôi đã chiến đấu chung đã không trở về lại từ trong các cuộc hành quân đó. Tôi vẫn có thể nhìn thấy các gương mặt non trẻ ấy. Đại Úy Gary Brux, Đại Úy Bill Deuel, Trung Úy Chuck Hemmingway, Trung Úy Carl Arvin. Người lính mang máy rất trẻ của tôi, Binh Nhứt Michael Randall. Tất cả đều hy sinh. Dũng Cảm và Tự Hào.
Việt Nam không phải là “tua” đầu chiến trận của tôi. Sau khi tốt nghiệp từ trường Võ Bị West Point, tôi gia nhập Sư Đoàn 82 Nhảy Dù cho sự can thiệp “khủng hoảng” Dominican Republic vào năm 1965. Chúng tôi được mang đến một hòn đảo và dẹp sạch đám Cuba – cảm hứng nổi dậy của bọn cộng sản, và ở lại như một đoàn quân bảo vệ hòa bình.. Chúng tôi đã nghĩ chiến trận là như vậy, và rồi chúng tôi trở về lại căn cứ Fort Bragg, và mong mỏi được đến Việt Nam – nhiều viên trung úy trong tiểu đoàn chiến đấu của tôi nhảy lên chiếc jeep, lái thẳng đến Bộ Tư Lịnh Lục Quân ở Washington để tình nguyện cho chiến trường Việt Nam. Chúng tôi đã nghĩ sẽ bị bỏ lỡ chiến trận.
Giờ thì chúng ta đã biết câu chuyện kết thúc ra sao. Hai triệu người Việt đã mất mạng. Hoa Kỳ mất 58,000và có 303,000 thương vong. Hoa Kỳ sa vào cuộc nội chiến đắng cay và rối loạn về chánh trị. Lúc ấy thì chúng tôi không biết gì hết. Tôi rất lấy làm hãnh diện được chọn phục vụ với Nhảy Dù Việt Nam. Người vợ đẹp đẽ mới vừa cưới mà tôi rất thương yêu, biết tôi cần phải đi. Cha tôi, một viên Tướng của Lục Quân, sẽ vinh danh tôi, nếu tôi chẳng may tử trận.
Tất cả các sự việc này đã biến mất đi 50 năm trước đây. Các người lính trong Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, những người đã may mắn thoát khỏi việc sụp đổ của miền Nam Việt Nam, hoặc là trốn thoát qua ngả Cam Bốt [Thái Lan] hay trải qua cả một thập kỷ trong các trại “cải tạo” tàn bạo kia. Gần như hầu hết những người đó rồi cũng đến được Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Chúng tôi có một hội cố vấn người Mỹ cùng các chiến hữu người Việt, và có cả một Bia Đá Tưởng Niệm cho các Cố Gắng của chúng tôi tại Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington. Tại nơi ấy, chúng tôi gặp gỡ mỗi năm và nhớ lại những kỷ niệm đã cùng nhau chiến đấu, như thế nào.. Chúng tôi đội Mũ Đỏ. Chúng tôi cười vang với các câu chuyện xưa kia, nhưng có một điều rất đau lòng là chúng tôi đã mất mát quá nhiều, và điều ấy lại là con số không, không có được một sự đền bù, tưởng thưởng nào.
Nhiều người đã luôn hỏi tôi về các bài học trong chiến trận tại Việt Nam. Những người trong chúng ta đã từng chiến đấu chung với Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam là những người không bao giờ lên tiếng. Tất cả những điều chúng ta luôn nhớ và biết đến là sự chịu đựng dũng cảm và lòng quyết tâm của các Binh Nhì Nhảy Dù Việt Nam, những người lính trẻ luôn thẳng bước vào chiến trận. Họ không có được các tượng đài vinh danh, chỉ trừ trong tâm tưởng và ký ức của chúng ta.
Barry McCaffrey (@mccaffreyr3) served as an adviser in the Vietnamese Airborne Division. He retired as a four-star general, later served as the Clinton administration drug czar and is now a national security commentator for NBC News.
 
Vài hàng về tiểu sử của Đại Tướng Barry McCaffrey
Barry Richard McCaffrey sanh năm 1942, tại thành phố Tauton, tiểu bang Massachusetts.
Ông tốt nghiệp trung học Phillips Academy, Andover vào năm 1960.
Tình nguyện vào trường Võ Bị West Point, ra trường năm 1964, với văn bằng Cử Nhân.
Ông tốt nghiệp Cao Học, môn Civil Government tại trường American University, năm 1970.
 
Ghi danh theo học Harvard, chương trình National Security Program và Business School Executive Education Program.
Và, ông cũng theo nhiều khóa học của các trường Quân Sự Hoa Kỳ, như: United States Army War College, Command and General Staff College, Deffense Language Institute và Armor School Advanced Course.
 
Ông trở thành sĩ quan hiện dịch Lục Quân sau khi tốt nghiệp Võ Bị West Point, 1964.
Vào năm 1965, tham chiến tại Dominican Republic trong Sư Đoàn 82 Nhảy Dù.
Từ năm 1966-67 ông chiến đấu ở Việt Nam với nhiệm vụ cố vấn cho Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam, MACV Team 162 .
Năm 1968-69, ông làm đại đội trưởng trong Sư Đoàn 1 Không Kỵ, cũng trong chiến trường Việt Nam.
 
Trong thời bình, ông được chỉ định các nhiệm vụ, như: trở lại trường Võ Bị West Point, giảng dạy cho các sinh viên trường, năm 1972-75. Ông cũng là phụ tá cho chỉ huy trưởng trường U.S. Army Infantry School. Chỉ huy phó, cho U.S. Representative NATO. Phụ tá cho Tham Mưu Trưởng Joint Chief of Staff (JCS).
 
Năm 1991, trong trận chiến Desert Storm (Bão Sa Mạc), ông làm Tư lịnh Sư Đoàn 24 Bộ Binh Cơ Giới (24thInfantry Division), sư đoàn hoàn tất nhiệm vụ nổi tiếng “Left Hook” đánh bọc sườn quân Iraq của Saddam Hussein, góp phần quan trọng cho chiến thắng Desert Storm.
 
Từ năm 1994-96, ông làm Tư Lịnh SOUTHCOM (United States Southern Command), với trách nhiệm chỉ huy các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ tại các khu vực Trung và Nam Mỹ (Central and South America), Bộ Tư Lịnh nằm tại Panama.
 
Năm 1996, Barry Richard McCaffrey về hưu với cấp bực Đại Tướng, ông là một vị tướng bốn sao trẻ nhứt và nhiều huy chương nhứt của Quân Đội Hoa Kỳ.
 
Trong chiến trận, ông được tưởng thưởng các Huân Chương Distinguished Service Cross (hai lần), Purple Heart (ba lần) và Silver Star (hai lần).
 
Từ năm 1995-2001, trong thời Clinton, ông chỉ huy cơ quan ONDCP (Office of National Drug Control Policy).
 
Ông hiện là phân tích gia, về tình hình quân sự cho hai đài truyền hình NBC và MSNBC; và  cũng làm chủ tịch cho công ty của ông, BR MCCaffrey Associates.
 
Tài liệu: Wikipedia
 
 
Huân chương Distinguished khi là Trung Úy giữ nhiệm vụ cố vấn phó cho Tiểu Đoàn 2 Dù:
Trong cuộc hành quân gần Đông Hà vào ngày 6 tháng 10 năm 1966, Lúc 3 giờ 15 sáng, đạn cối pháo dữ dội vào đơn vị, làm cho Đại Úy Barry McCaffrey bị thương ngay vai. Không ngại đạn cối và súng thượng liên của cộng quân, ông quan sát để để lượng định tình hình cuộc tấn công và biết được viên cố vấn trưởng đã tử thương, và vài viên đại đội trưởng bị thương. Ông lên nắm quyền cố vấn trưởng, trong suốt 12 tiếng của trận đánh, ông phối hợp yểm trợ pháo binh và không yểm đánh vào các đợt tấn công của quân địch. Ông bị thương thêm vì nhiều mảnh cối của địch.
 
Huân chương Distinguished khi là Đại Úy Đại đội trưởng Đại đội B, Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 3, Sư Đoàn 1Không Kỵ:
 
Vào ngày 9 tháng 3 năm 1969, trong một công tác trinh sát, một toán quân của đại đội ông bị quân địch trong một căn hầm, pháo đài kiên cố bắn phá dữ dội. Đại Úy Barry McCaffrey liền có mặt ngay tuyến đầu, ông chỉ huy các người lính cho trận tấn công, đánh thẳng vào pháo đài. Sau nhiều lần tấn công, ông phá hủy được khẩu thượng liên và giết chết nhiều tên địch. Tuy bị thương ngay cánh tay, ông vẫn chỉ huy kiểm soát toàn bộ hệ thống hầm hố của quân địch. Sau khi lo việc tải thương cho các thương binh, ông gọi pháo binh bắn vào quân địch. Chỉ sau khi tổ chức lại việc phòng thủ và biết chắc các người lính đã được chăm sóc, ông mới chịu theo trực thăng tản thương để cho chăm sóc vết thương của chính cá nhân ông.
 
 
..............
Little Saigon/9 tháng 8 năm 2017
Phuc Nguyen
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen