Đại-Dương
Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố Chiến lược An ninh Quốc gia thì Chủ tịch Tập Cận Bình diện chiến phục, đeo găng đen cao giọng thách đố.
Tại buổi biểu diễn sức mạnh quân sự ở Hà Bắc trước 7,000 binh sĩ nam nữ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tập Cận Bình chỉ thị: "Quân lực cần có khả năng tác chiến và phải thắng mà không nên ngại khó, sợ chết". Tập Cận Bình muốn thể hiện vai trò quyền lực tuyệt đối như Mao Trạch Đông, đồng thời gián tiếp thách đố Donald Trump cứ như đang sẵn sàng động binh!
Nhật báo Nhân Dân viết: "Tiếng vổ tay như sấm rền và kéo dài tại 4,000 địa điểm khắp đất nước khi Tập Chủ tịch ban huấn thị".
Hoàn Cầu Thời Báo nhấn mạnh: "Lần đầu tiên, kể từ khi lập quốc (1949) mà những huấn lệnh quân sự được đích thân Chủ tịch Quân uỷ Trung ương ban hành đã chứng tỏ sự cải thiện tình trạng sẵn sàng tác chiến là một nhiệm vụ chiến lược".
Trung Quốc chỉ có thể chiến thắng khi địch thủ suy yếu như Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch. Trung Hoa cai trị khi Việt Nam suy yếu và chịu thần phục. Dù binh hùng tướng mạnh vẫn ba lần bại trận vào đời Nhà Trần và tan tác trước Vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Trung Hoa đã không xâm lăng được Nhật Bản mà còn bị người Nhật cai trị. Bát quốc Liên quân chỉ sử dụng lực lượng ít ỏi vẫn thiết lập được một số nhượng địa thời Nhà Thanh. Trung Quốc có nhiều tàu chiến lớn và trọng pháo to vẫn thảm bại trước Hải quân Nhật Bản kém thiết bị hơn. Trung Cộng kéo 1.4 triệu quân đem theo 266,000 lính Bắc Tiều Tiên với chiến thuật biển người vẫn phải trở về điểm xuất phát tại vĩ tuyến 38 sau ba năm giao chiến với binh sĩ Hoa Kỳ và Đại Hàn.
Suốt dòng lịch sử, Trung Quốc chưa tham gia trận thế chiến nào nên thiếu kinh nghiệm hành quân liên quân quy mô và phức tạp.
Tuy Bắc Kinh cố tuyên truyền về các loại vũ khí và chiến cụ hiện đại, nhưng, theo giới chuyên gia quân sự quốc tế thì phương tiện chiến tranh của Trung Quốc còn dưới Hoa Kỳ và Nga một bậc.
Trung Quốc hiện có một hàng không mẫu hạm mang phi cơ cất cánh bằng cầu dốc, hai HKMH hạng trung truyền thống đang đóng so với 11 chiếc HKMH nguyên tử đồ sộ, tối tân của Hoa Kỳ. Sức mạnh thực sự của HKMH Mỹ do Phi đoàn trang bị các loại phi cơ tối tân. Tất cả 86 tiềm thuỷ đỉnh của Mỹ sử dụng năng lượng hạt nhân so với bốn của Trung Quốc. Mỹ có 13,300 phi cơ, gấp đôi của Nga và Trung Quốc cộng lại. Mỹ có 6,800 đầu đạn nguyên tử so với 270 của Trung Quốc.
Mỹ vẫn dẫn đầu trong cuộc chạy vũ trang trong không gian. Trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc phóng đi vào tháng 9-2011 đã bị mất kiểm soát từ năm 2016 có thể rơi xuống đất vào tháng 3-2018.
Bốn cường quốc Hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Ấn Độ đang thảo luận về một liên minh bảo vệ an ninh trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Dư luận ở Đại Hàn cũng muốn tham gia. Anh Quốc sau khi chia tay Liên Âu đã phái chiến đấu cơ Typhoon tập trận chung với Liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, và Luân Đôn tuyên bố sẽ phái HKMH mới nhất tuần tiễu ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ đang giúp các quốc gia Đông Nam Á tăng cường khả năng phòng thủ trên biển.
Như thế, Trung Quốc sẽ đơn độc đương đầu với nhiều Hải quân hùng hậu trên phương diện tấn công cũng như phòng thủ là một điều kiện mà Bắc Kinh khó tham chiến.
Chưa chắc Putin chịu lao vào cuộc chiến không cân sức có thể làm tan giấc mơ tái lập vị trí siêu cường như thời Chiến tranh Lạnh.
Tờ New York Times ngày 2 tháng 1 năm 2018 cáo buộc Tổng thống Trump đã làm lợi cho Trung Quốc khi rút khỏi Thoả ước Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thực tế, Trung Quốc đã thao túng và thủ lợi dù đứng bên ngoài TPP: (1) Thép của Trung Quốc được doanh nghiệp Việt Nam dán nhãn Made in Vietnam bị Bộ thương mại Mỹ phạt 531% và 238%. Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á tái xuất hàng của Trung Quốc. (2) Thủ tướng Úc Đại Lợi Malcolm Turbull đã chuyển cho Quốc hội Dự luật cấm các đảng phái chính trị nhận tài trợ từ nước ngoài khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng. Chiếc vòi bạch tuộc Trung Quốc phải bị chặt đứt thay vì dung dưỡng. (3) Trung Quốc thao túng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng, Hoa Kỳ và Liên Âu cùng nhiều nước khác vẫn không-công-nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường tự do theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Tờ Diplomat cho rằng Thoả hiệp (entente) Nga-Hoa dựa trên mức độ cao về sự bổ sung cho nhau, hỗ tương, chia nhau lợi ích và những mối đe doạ chung. Đặc biệt, Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Tập Cận Bình và Liên minh Kinh tế Âu Á (EEU) của Vladimir Putin sẽ khống chế làm cho ảnh hưởng của Tây Phương phai mờ trong các khu vực Đông, Nam, Đông Nam Á, Trung và Đông Âu.
Hoa Kỳ và Liên Âu cấm vận kinh tế sau khi Nga cưỡng chiếm Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 đã đẩy Putin hướng về Bắc Kinh cả phương diện kinh tế lẫn quân sự.
NATO đã trả giá khi coi lợi ích của Ukraine lớn hơn chiến lược toàn cầu. Dư luận Châu Âu và Hoa Kỳ chỉ lo xoi mói xem Nga có xen vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay không mà quên chiến lược "hai đánh một không chột cũng què". Trump lẫn Putin đều muốn hợp tác chống tham vọng bành trướng vô bờ của Trung Quốc mà dư luận cố tình không hiểu.
Putin biết rõ, nếu Trung Quốc hạ được Hoa Kỳ thì kế tiếp sẽ đến lượt Nga nên cố gắng làm hoà với Trump để chống kẻ thù chung.
Siêu cường Mỹ đã chứng tỏ suốt thế kỷ trôi qua không hề chiếm đất, biển, đảo của bất cứ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ; tôn trọng luật pháp quốc tế; chịu tốn kém nặng nề để duy trì hoạt động kinh tế toàn cầu và nền hoà bình thế giới.
Trung Quốc thời đế chế, dân chủ, cộng sản đều dòm ngó và cưỡng đoạt lãnh thổ, tài nguyên, không chế hoạt động của các quốc gia khác dù cường quốc hoặc nhược tiểu.
Trung Quốc sẽ man dại, điên rồ, hung tàn hơn nếu trở thành siêu cường thế giới. Các nước Đông Nam Á đã có vô số bài học lịch sử.
Tổng thống Donald Trump đang khai chiến với Chủ tịch Tập Cận Bình trên hai mặt trận kinh tế và quân sự.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận biết sự thực: đi với Trung Quốc sẽ bị mất đất, mất nước hoặc làm toi mọi trong kinh tế và chiến tranh; đi với Hoa Kỳ thì đất đai, biển, đảo nguyên vẹn mà còn "được ăn, được nói, được gói mang về".
Đại-Dương
Jan 6, 2018
__._,_.___
Posted by: bebeliem@aol.com
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen