11/08/2017
Phẫn nộ trước việc chính quyền Việt Nam sử dụng mật vụ ở Đức, bắt
cóc ông Trịnh Xuân Thanh mới đây, de dọa an ninh của cộng đồng và
vi phạm luật pháp của nước sở tại, cộng đồng người Việt đang chuẩn
bị cho một cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào lúc 14 giờ thứ Bảy
12/8 tại Cổng thành Brandenburg, một biểu tượng của thủ đô Berlin.
Từ Berlin, bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch Liên hội người Việt tị
nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức, đơn vị tổ chức biểu tình, cho VOA
biết mục đích của cuộc biểu tình:
“Trong cuộc biểu tình này chúng tôi biểu hiện thái độ chống hoạt
động mật vụ của Việt Nam trên nước Đức.”
Trong cuộc biểu tình này chúng tôi biểu hiện thái độ chống hoạt động mật vụ của Việt Nam trên nước Đức.
Văn phòng Trưởng Công tố viên Liên bang Đức hôm 10/8 cho Reuters
biết cuộc điều tra tập trung vào nghi vấn về hoạt động tình báo
nước ngoài và tước đoạt quyền tự do bất hợp pháp.
Văn phòng này nói Việt Nam đã rút lại yêu cầu dẫn độ ông Trịnh Xuân
Thanh. Trước khi bị bắt cóc, ông Thanh đang xin tị nạn ở Đức, ông
cũng đang bị Việt Nam truy nã về tội “cố ý làm trái quy định của
nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chính phủ Đức nói hôm 9/8 rằng họ đang xem xét các bước tiếp theo
sau khi Hà Nội không hồi đáp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Đức, đòi
‘trả’ Trịnh Xuân Thanh về Đức. Bộ trưởng Ngoại giao Đức khẳng định
“không thể bỏ qua vụ việc nghiêm trọng này.”
Bộ Ngoại giao Đức quả quyết Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
trên lãnh thổ Đức và đã trục xuất một giới chức tình báo tại sứ
quán Việt Nam ở Berlin, vì cho rằng ông này có dính líu trong vụ
bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh.
Hà Nội không thừa nhận đã thực hiện vụ bắt cóc như cáo buộc của
chính phủ Đức trong một thông cáo cách đây hơn 1 tuần.
Bác sĩ Mỹ Lâm nói cộng đồng người Việt ở Đức phản đối các hoạt động
mật vụ bắt cóc người của chính quyền Hà Nội ở Berlin:
“Chúng tôi kêu gọi một cuộc biểu tình tại Berlin xuất phát từ
nguyên nhân là Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, việc này ai cũng biết
rồi, xảy ra như một chuyện gián điệp thời chiến tranh lạnh. Những
điệp viên không hoàn hảo của Việt Nam đã để lại quá nhiều dấu tích
tại hiện trường, và không qua mắt được sự chuyên nghiệp của an ninh
Đức. Hiện tại thì tất cả hãy còn trong vòng điều tra và thương
lượng của hai bên: Việt Nam và Đức. Chúng ta vẫn chưa biết hoàn
toàn những gì phía Đức biết và hậu quả sẽ ra sao.”
Bác sĩ Mỹ Lâm cho biết Liên hội đã gửi thư cho các cơ quan chính
phủ và Thủ tướng Đức để bày tỏ những quan tâm sâu sắc của cộng đồng
về hành động vi phạm pháp luật của chính quyền Việt Nam, gây bất an
cho cộng đồng.
“Chúng tôi đã viết thư gửi đến Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Thủ tướng
Angela Merkel và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bày tỏ sự
lo lắng của cộng đồng người Việt tị nạn tại Đức về vấn đề an ninh
bị đe dọa.”
Trong bức thư Liên hội gửi cho Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas De
Maizière đề ngày 5/8 có đoạn: “Việc dùng vũ lực bắt cóc một người
Việt đang xin hưởng quy chế tỵ nạn ngay trên lãnh thổ Đức xảy ra
hôm 23/7 là một sự vi phạm trắng trợn vào luật pháp Đức và vào Công
ước quốc tế. Chúng tôi đánh giá sự kiện trên như một mối đe dọa
trực tiếp vào an ninh của cộng đồng người Việt tỵ nạn trên nước
Đức.”
Trong lời kêu gọi, Ban tổ chức cuộc biểu tình nêu rõ:
"Đảng Cộng Sản Việt Nam đang gia tăng bạo lực công khai đàn áp dân
chúng ... và gần đây nhất vụ tình báo Việt Cộng xâm nhập biên giới
Âu Châu bất hợp pháp dùng vũ lực bắt cóc người đang xin tỵ nạn tại
Đức."
Lời kêu gọi biểu tình của Liên hội có đề cập tới một số nhà hoạt
động trong nước bị bắt bớ và tuyên những bản án tù dài ngày:
“Việt Nam đang gia tăng bạo lực công khai đàn áp dân chúng qua các
vụ xử án vô nhân đạo đối với Mẹ Nấm, Trần Thị Nga những người bảo
vệ Nhân Quyền tại Việt Nam, vụ bắt khẩn cấp năm nhà hoạt động dân
chủ trong nước Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Lê Đình Lượng,
mục sư Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội, và gần đây nhất vụ tình báo
Việt cộng xâm nhập biên giới Âu Châu bất hợp pháp dùng vũ lực bắt
cóc người đang xin tỵ nạn tại Đức.”
Bác sĩ Mỹ Lâm nói cộng đồng người Việt ở Đức ngoài ra còn quan tâm
tới hành động lấn át của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp chủ quyền
lãnh hải với Việt Nam.
“Chúng tôi biểu tình chẳng những chống hoạt động mật vụ của Việt
Nam trên nước Đức mà còn lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân
quyền trong nước đang bị chính quyền bạo hành. Một lý do nữa của
cuộc biểu tình là do Trung Quốc dọa dùng vũ lực nên Việt Nam đã ra
lệnh công ty Repsol ngưng khoan dầu ngày 24/7 tại bãi Tư Chính
thuộc chủ quyền của Việt Nam.”
Bác sĩ Mỹ Lâm nói vụ bắc cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã làm lộ hoạt
động tình báo của mật vụ Việt Nam ở nước ngoài:
“Chúng ta biết rằng Tòa Đại sứ Việt Nam ở Đức luôn luôn có những
đường dây ngầm theo dõi người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền tại
Đức. Bây giờ trước một sự việc mà an ninh Đức chính thức xác nhận,
trắng đen rõ ràng như vậy, buộc cộng đồng chúng tôi phải cảnh báo
với chính quyền Đức về sự đe dọa an ninh của những người Việt tại
Đức.”
Chúng ta biết rằng Tòa Đại sứ Việt Nam ở Đức luôn luôn có những đường dây ngầm theo dõi người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền tại Đức.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 10/8, tuần báo Der Spiegel
online của Đức loan tin là theo yêu cầu của Cơ quan cứu xét tỵ nạn
Liên bang (BAMF), Sở Cảnh sát Hình sự Liên bang (BKA) đã vào cuộc,
tiến hành điều tra xem ông Hồ Ngọc Thắng, một nhân viên của BAMF,
có tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không.
Trên mạng xã hội Facebook cũng lan truyền một bức thư được cho là
của BAMF nói rằng ông Thắng bị buộc nghỉ việc từ ngày 9/8 cho đến
khi kết thúc điều tra toàn bộ sự việc.
Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/8
bình luận trên Facebook về việc ông Thắng bị nghi làm mật vụ Việt
Nam:
“Khi cơ quan điều tra Đức phát hiện ra Hồ Ngọc Thắng làm trong cơ
quan xét người tỵ nạn của Đức là mật vụ của Việt Nam, thì cũng đồng
thời lộ ra y là dư luận viên cao cấp chuyên viết bài núp dưới bóng
khách quan, dân chủ, nhưng định hướng dư luận theo ý của an ninh và
tuyên giáo Việt Nam.”
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen