Montag, 21. August 2017

ĐÃ ĐẾN LÚC…

   Thạch Trung Ngọc
 

LỜI NGƯỜI VIẾT: Đây chỉ là những dòng chia xẻ về quê hương đất nước, không với mục đích biên khảo, vì nội dung chỉ là những thiển ý cá nhân và những bài thơ dẫn ra chỉ là do nhớ lại trong trí và đem ra chia xẻ.  Do đó, nếu có gì sai sót, xin độc giả lưọng thứ và chỉ dẫn cho. Chân thành cảm tạ.
Tôi còn nhớ khi học ở Tiểu học, những bài thơ văn yêu nước sao mà thấm thía, với những lời lẽ đầy cảm động nói lên lòng yêu quê hương, nòi giống, tổ tiên. Ngoài những bài học thuộc lòng, ca ngợi tình yêu thương đối với gia đình, lòng hiều thảo đối với cha mẹ, kính trọng người già, thương người nghèo khó…

Còn có những bài nói lên chí làm trai, tinh thần tiến thủ rất đáng ca ngợi. Phải nói là tôi rất đỗi cảm phục những tấm gương đó và cảm kích nữa, ngay từ ngày còn nhỏ. Thế mà những ý nghĩ ấy quả thật “tôi chưa lần nào ghi lên giấy vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần…” (1) được nghe hay chứng kiến những tấm gương biểu lộ tinh thần yêu nước hào hùng hay thái độ can đảm, bất khuất cuả những nhà đấu tranh vì dân tộc, thì lòng tôi lại “sôi lên” một nỗi niềm khó tả!
Tôi chả biết gọi là gì, và không biết có phải là yêu nước hay không…Tưởng cũng không cần thiết để xác định điều này. Nhưng có điều tôi cảm thấy … khó mà lặng im. Dù rằng im lặng có “là vàng” đi nữa.
Những bài học thời tiểu học mang đầy dân tộc tính và nhân bản tính ấy đã ăn sâu vào tâm hồn non nớt của tôi, và chắc chắn là tâm hồn của những bậc đàn anh, đàn chị sống cùng một thời với tôi, hoặc trước sau một tí. Những bài học thuở trước chúng tôi còn “nhớ nằm lòng”; mà ngày nay mỗi khi nhắc lại tôi còn cảm thấy nao nao…
Từ những bài thơ văn ca ngợi cảnh thiên nhiên đất nước, với hình ảnh quen thuộc nơi làng quê của một nước nông nghiệp với con trâu lưỡi cày; hay hình ảnh êm đềm của một làng chài lưới với sông nước vây quanh, trong một buổi “trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng, dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá” trong thơ Tế Hanh.  Hình ảnh ấy nên thơ và đẹp như tranh vẽ! Những hình ảnh này đã in sâu vào hồn tôi với những giấc mơ lành mạnh.

 Nguyễn Thái Học, Lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Một nhà trí thức và nhà giáo yêu nước, bất khuất chống thực dân tiền bán Thế kỷ Hai mươi
Nhưng, đặc biệt hơn cả, sâu đậm hơn cả và nhất là, cao quý hơn cả, là những bài thơ nói lên tinh thần yêu nước, đề cao anh hùng dân tộc. Những bài ca ngợi những nhà cách mạng như một Nguyễn Thái Học bền bỉ chống Pháp, cùng với mười ba liệt sĩ khi lần lượt bước lên đoạn đầu đài, trước máy chém, đã không hề nao núng, còn dõng dạc hô to: “VIỆT NAM MUÔN NĂM” cho thấy tấm lòng yêu nước và sự hi sinh cao cả biết bao nhiêu. Hiên ngang và dũng cảm!
Tôi thật sự cảm kích và ngưỡng mộ những tấm gương trong sáng ấy. Tinh thần bất khuất của một anh hùng Trần Bình Trọng thuở trước (*) – khi bị giặc dụ ra hàng để được quyèn cao chức trọng- đã khảng khái và dõng dạc mắng quân thù:

Quân bay lầm ! Dầu dâng cả ngai vàng.
Khó lay chuyển lòng ta thờ Tổ Quốc!
Đừng tưởng bả vinh hoa mà mua được,
Lòng trung quân ái quốc của ta đâu?
Hơn thế nữa, còn ngaọ nghễ, thách thức:
  Bắt được ta, thôi chớ nói gì lâu,
                                          Cứ đem chém, ta không thề than tiếc.
                                          Hễ còn sống ta làm dân nuớc Việt,
                                          Chết, ta đành làm quỷ nước Nam ta!  (2)
Và câu nói bất hủ của ông còn được lưu truyền sử xanh:Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” (“Nam” đây là ý nói nước Việt Nam. Đất “Bắc” không gì khác hơn là bọn Tàu phương Bắc). Ôi, khảng khái làm sao, cao ngạo làm sao, tinh thần tự trọng! Trần Bình Trọng quả xứng đáng được ca ngợi là “Anh hùng tử, chứ khí hùng nào tử. Nêu gương trong sách sử để muôn đời”…
Lịch sử Việt Nam không thiếu gì những tấm guơng trung hiếu khác, như một Nguyễn Trãi, vị Khai Quốc Công Thần thời nhà Lê, thế kỷ 15, cũng vì tấm lòng yêu nước, thương nòi mà đành nuốt hận, nuôi chí phục thù. Suốt mười năm gian khổ, ông theo phò Lê Lợi để đền được nợ nước, trả xong thù nhà; vì cha ông là Nguyễn Phi Khanh- bị quân Minh bắt sang Tàu (3). Từ đó ông cương quyết rửa hận, làm tròn nhiệm vụ một bầy tôi yêu nước, vừa tận trung, vừa tận hiếu. Lịch sử còn ghi; vì đó là sự thật, không phải là huyền thoại.
Trong văn chương Việt Nam cũng có biết bao bài thơ, văn, bài ca nói lên lòng yêu nước, ca ngơị những anh hùng của dân tộc, hữu danh hoặc ngay cả vô danh nữa. Một trong những bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi -và chắc chắn cho rất nhiều người Việt Nam- là bài “Anh hùng Vô Danh” của thi sĩ Đằng Phương, mà mãi sau này tôi mới được biết là của cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một nhà yêu nước chân chính, đã cả đời dấn thân, tìm con đuờng vận động cho một Việt Nam dân chủ thực sự:
   Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước,
               Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu.
     Và làm cho những đất cát hoang vu,
               Biến thành một giải sơn hà gâm vóc.
             Họ là kẻ khi giang sơn chuyển động,
              Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng.
              Đã xông vào khói lửa quyết liều thân,
              Để bảo vệ tự do cho Tổ quốc… “
                      (Một đoạn trong bài “Anh Hùng Vô Danh”- Đằng Phương)

Thế còn đất nước ta ngày nay thì sao?
Đứng trước cảnh đất đai bị xâm lấn, cắt xén từng phần dâng cho kẻ thù phương Bắc, đứng trước nạn Trung Cộng đanh hoành hành Biển Đông, ngày càng gia tăng, thái độ của những kẻ có trách nhiệm đối với đất nước hiện nay ở Việt Nam như thế nào?
Liệu trước tình thế dầu sôi lửa bỏng ấy, ai là người có tinh thần quốc sỉ, quốc nhục, biết lo cho tiền đồ dân tộc, đứng ra kêu gọi mọi người chống xâm lăng như những “anh hùng ngàn thu trước”?
Ai là người chứng tỏ tinh thần “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” của cha ông?
Thực ra điều này cũng dễ trả lời…
Nhìn vào thực tế, đất nước ta ngày nay, dưới sự cai trị cùa Đảng CSBV, người dân Việt đã và đang phải trải qua một thời kỳ vô cùng đen tối, phải chiu đựng một cuộc sống lạc hậu, nghèo nàn.  Nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần: Đời sống thiếu thốn, nhân tài bị kềm kẹp, không phát triển được. Người dân không có quyền nói lời xây dựng. Còn đâu lý tưởng để mà tranh đấu? Bao nhiêu năm qua họ đành phai chấp nhận sống lầm than, mà im lặng trước những bất công, để được sống yên thân. Dân tộc ta không những đã khổ vì phải sống trong một chế độ độc tài toàn tri của Đảng CSBV, trong ngót bốn muơi hai năm, (nếu tính từ 30 tháng 4 năm 1975, và sáu mươi ba năm nêu kể từ năm 1954), còn thêm nhục vì thái độ khiếp nhược trước ngoại bang –
Do đó, việc đòi hỏi Tự Do, Nhân Quyền quả là một việc xa vời trong khi đời sống đại đa số người dân là thiều thốn, chật vật, đã phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” còn chưa đủ, thì dễ gì có được những người dám “dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch” như những “anh hùng vô danh” mà giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đề cập? So với ngày xưa, khi nước ta bị ngoại xâm và kẻ thù phương Bắc đã thi hành một chính sách độc ác, vơ vét tài nguyên, làm nhiều điều “bại nhân nát cả càn khôn”. Nhưng nhờ có truyền thống tranh đấu bất khuất của dân tộc ta mà từ vua đến dân, đều một lòng “quyết chiến!”  Ngày nay thì, hỡi ôi, chính sách vơ vét và đàn áp này lại được chính kẻ cầm quyền cùng màu da tiếp tay với kẻ ngoại bang thực hiện, thì quả thật khó có thể tha thứ ! Khi ý thức đuợc hành động của Trung Cộng ngang ngược lấn đất giành biển, hà hiếp ngư dân Việt Nam, thì người dân đã tỏ thái độ.  Nhưng chỉ vừa cất tiéng lên thì tức thời bị ngay sự ngăn chặn, đàn áp của chính những kẻ cùng dòng máu, vốn đã từng nối giáo cho giặc, có thể được xem như những tên “thái thú” thời đại.
Đứng trước tình thế đó, những người có lòng, từng quan tâm đến vận mệnh đất nước không khỏi băn khoăn tự hỏi: “Biết đến bao giờ dân tộc ta – dưới hai tầng áp bức như thế- mới vùng lên được?”
May thay, mối quan tâm ấy nay đã được phần nào giải toả. Và chúng ta – những người Việt thực sự có lòng yêu nước – ở quốc nội, cũng như ở hải ngoại – đang theo dõi từng ngày, những diễn biến của thời cuộc. Ngay tại trong nước- ngoại trừ những nhà đấu tranh cho dân chủ đã can đảm nói lên tiếng nói chống đối từ nhiều năm qua và vẫn tiếp tục kiên trì– những người dân lành, trước đây từng sợ hãi trưóc sự kềm kẹp của chế độ, bây giờ cũng bắt đầu lên tiếng. “Con giun xéo mãi cũng quằn”! Điều này quả là đúng; và là một việc làm rất đáng khích lệ.  Vì đã chứng tỏ rằng đã đến lúc người dân đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước.
Đặc biệt là các bạn trẻ.  Các bạn đã bắt đầu gác bỏ những nhu cầu hưởng thụ cá nhân tầm thường để cùng nhau ghé vai, góp phần vào việc bảo vệ nước nhà trước ngoại bang xâm chiếm. Hẳn các bạn cũng biết rằng đất nước ta, một đất nước đã khô cằn vì môi trường ô nhiễm, băng hoại vì những tệ đoan xã hội; nhân dân Việt Nam đa số phải chiụ thiệt thòi vì sự chênh lệch giai cấp, lại thêm phải bất mãn vì thái độ phân biệt đối xử Bắc- Nam.  Sự phồn thịnh nếu có chỉ là bề ngoài; mà thực chất là cả một yếu kém về mọi mặt, khiến cho nước nhà ngày càng xuống dốc. Thiết tưởng nguời dân thức thời trong, ngoài nước đều biết cả. Trong khi đó thì cái tệ hại trước mắt, là nạn xâm lấn bờ cõi của Trung Cộng, sự nhũng nhiễu đời sống người dân Việt đang diễn ra hàng ngày thì những người lãnh đạo không thấy phản ứng hoặc phản ứng chiếu lệ. Điều này cho thấy cả một thái độ khiếp nhược đối với kẻ xâm lăng, Thật là đau lòng khi phải chứng kiến cả một chính sách đồng hoá thâm độc của bọn Tàu, trong khi chúng vẫn tiếp tục xâm lấn ngoaì biển đông.
Bây giờ tình thế đã biến chuyển, những câu hỏi mà chúng ta – những người Việt hải ngoại- hằng thao thức bấy lâu như:
Ai là người có trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc trong lúc này, trước chính sách đồng hoá và sự xâm lăng của Trung Cộng?
Hầu như bây giờ đã có câu trả lời. Và những quan tâm trước đây rằng:
Đến bao giờ đất nước ta mới có được những tấm gương anh dũng và tinh thần bất khuất của những thời Đinh, Lê, Lý, Trần xa xưa, như của một Lý thường Kiệt, Trần BìnhTrọng, Quang Trung thuở trước; hay như một Nguyễn Thái Học của thời cận đại…?
Những câu hỏi này ngày nay không còn cần thiết nữa, vì dân ta đã thực sự xuống đường trước nạn ngoại xâm.  Cảm động biết bao!
Xin nhường cho tuổi trẻ ngày nay suy nghĩ và tiếp tục dân thân trên con đường đã  chọn. Song song với trào lưu cách mạng dòi hỏi dân chủ và nhân quyền trên thế giới, tuổi trẻ Việt Nam, với sáng kiến, nghị lực và bầu nhiệt huyết chỉ cần cương quyết và kiên trì theo đuồi lý tưởng đang thành hình; và theo đuổi cho đến thành công. Các bạn có thể tự nhắc nhở nhau rằng:
Bây giờ là đã đến lúc để các bạn “lên đường“. Nhưng, cần nhất là:
  • Tuổi trẻ Việt Nam nên luôn luôn sáng suốt để không bị mua chuộc, luôn vững tâm để không bỏ cuộc hay thối chí. Nhất là sáng suốt để nhận định rõ xem ai là ngưòi có tâm huyết, ai không mà noi theo.
  • Tuổi trẻ Việt Nam tiếp tục học hỏi không ngừng, tham khảo ý kiến với những nhà yêu nước chân chính, giàu kinh nghiệm tranh đấu.
  • Tuổi trẻ Việt Nam có quyền thắc mắc vì đâu mà đất nước ta lâm vào tình trạng bi đát như ngày hôm nay…Để từ đó, thấy rõ ai là kẻ có tội trong việc cắt đất, dâng biển cho Trung cộng, và nhất là để các bạn sẽ thấy rõ thêm hướng đi của mình.  Để từ đó, các bạn sẽ đứng lên dành lấy chủ quyền cho mình; trước là bảo vệ đất nước, sau là xây dựng quê hương trên căn bản thực sự vì nhân dân và do nhân dân – không phải là những lời rỗng tuếch mà chế độ hiện hữu phô trương, nói một đàng làm một nẻo.
Đây là lúc mọi công dân Việt Nam đồng lòng đứng ra lãnh trách nhiệm giành lại chủ quyền cho đất nước.
Xin đừng quên sự hy sinh của những nhà yêu nước chân chính trong suốt quá trình mấy chục năm qua. Những nhà đấu tranh cho Tự do, Nhân quyền, Dân chủ cho đất nước. ..Tất cả đã như những ngọn hải đăng thắp sáng để chúng ta khỏi đi sai đường.
Chúng tôi, những người yêu nước hải ngoại, không phân biệt tuổi tác, địa vị, học vấn.. sẽ ủng hộ các bạn- một khi quê huơng không còn bóng dáng kẻ bán nước đã đưa dân tộc đến tình trạng bi đát như hiện nay.
Không thể để những kẻ có tội với tổ tiên và dân tộc tiếp tục hưởng thụ, tiếp tục làm tan nát quê hương.
Tương lai đang chờ các bạn.
Sau hết, xin đừng quên rằng:
Đất nước ta từng trải qua bao cuộc ngoại xâm. Dân tộc ta đã từng, cả ngàn năm, trải qua bao lần bị nô lệ bởi kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, cả trăm năm bị đô hộ bởi Thực dân phương Tây. Lại cũng đã từng nếm chịu ách thống trị tàn ác của đế quốc cùng màu “da vàng” Nhật trong suốt mấy năm trời.
Điêu đứng đến như thế, lầm than đến như thế, mà cuối cùng dân ta vẫn vươn lên thoát khỏi ách nô lệ, vẫn lại giành được chủ quyền của mình.  Lịch sử còn đó, không ai có thể phủ nhận tinh thần tranh đấu mãnh liệt của dân tộc, nhất là của tuổi trẻ Việt Nam…Thì tại sao chúng ta không có quyền trông mong ngày ấy xảy ra?
Xin hãy vững tay chèo lái và cùng hát câu:
Nào anh em ta, cùng nhau xông pha lên đường”. “Lên đường” làm một cuộc cách mạng cho dân tộc, dù có phải hy sinh việc học hành, nghề nghiệp của bản thân!
            Xin chúc các bạn sớm thành công.
 (1)      Theo giọng văn của Thanh tịnh, “Quê Mẹ”- bài “Tôi đi học”.
(2)      Bài thơ “Trần Bình Trọng”, một danh tướng nhà Trần, thế kỷ 13.
(3)      Nguyễn Phi khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi – một Hàn lâm học sĩ nhà Hồ (Thế kỷ 15)
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen