Mittwoch, 7. Dezember 2016

Báo chí Pháp nhận định: Lá bài Trump đối với Trung Quốc

                Posted on: 2016-12-07                 Author: Minh Anh                        Source: RFI

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trao đổi điện đàm với tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.REUTERS
Donald Trump không « hớ hênh » khi điện đàm với tổng thống Đài Loan. Ông đang tìm cách làm thay đổi các đường hướng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, theo cách của ông, vừa khiêu khích, vừa mập mờ không rõ ràng. Ông có tài làm cho người đối thoại lúng túng, không biết chắc là nên đáp lại như thế nào cho thích hợp. Trên đây là nhận định của báo Le Figaro ngày 06/12/2016 trong bài viết đề tựa « Đối mặt với Trung Quốc, Trump cố tình chơi lá bài Đài Loan ».
Đối với ông Trump, cuộc điện đàm giữa ông với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, hôm thứ Sáu (02/12) vừa qua, chỉ là một « cuộc gọi xã giao » của tổng thống Đài Loan chúc mừng ông thắng cử. Nhưng Le Figaro cho rằng cử chỉ này đã xóa bỏ một điều cấm kỵ kể từ năm 1979 và kể từ khi tổng thống Mỹ Richard Nixon công nhận nước Trung Hoa cộng sản.
Do không có quan hệ chính thức với giới lãnh đạo Đài Loan, chính quyền Washington đã duy trì một tổ chức mang tên Viện Hoa Kỳ, có thẩm quyền lãnh sự và phục vụ cho việc bán vũ khí Mỹ cho Đài Loan. Chính điều này làm cho ông Trump khó chịu về việc Trung Quốc có phản ứng ầm ĩ về cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan.
Nhóm cố vấn thân cận của ông Trump thì trấn an rằng không nên coi cuộc điện đàm như một chỉ dấu báo hiệu sự thay đổi chiến lược của Washington trong quan hệ vơí Bắc Kinh. Cho đến lúc này, ông Trump thấy không cần thiết phải tham khảo ý kiến các chuyên gia bộ Ngoại Giao Mỹ trước khi điện đàm, tiếp xúc với các lãnh đạo nước ngoài.
Tính khí bất thường : Vũ khí lợi hại của Trump ?
Tuy nhiên, theo Le Figaro, khó có thể coi đây là một hành động hớ hênh của Donald Trump. Ông Richard Grenell, nguyên là nhân viên ngoại giao, trong nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực ở Washington, cho rằng « tất cả các cuộc nói chuyện (ở cấp nguyên thủ) đều đã được lên kế hoạch từ trước. Cuộc điện đàm (giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn) là hoàn toàn chủ ý ».
Lời khẳng định trên cũng đã được phát ngôn viên của tổng thống Đài Loan xác nhận. Hôm thứ Bẩy (03/12), Trung Quốc chính thức phản đối Hoa Kỳ thông qua con đường ngoại giao và đến Chủ Nhật, báo chí chính thức Trung Quốc thay đổi giọng điệu, nói đến nguy cơ chiến tranh nếu hồ sơ Đài Loan không được xử lý tốt.
Theo như thói quen, thông qua mạng xã hội Twitter, ông Trump lên tiếng đáp lại Bắc Kinh : Phải chăng Trung Quốc đã hỏi ý kiến Hoa Kỳ khi phá giá tiền tệ, khi đánh thuế nặng nề vào các sản phẩm của Mỹ hoặc khi xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ ở giữa Biển Đông ?
Đối với Le Figaro, vụ điện đàm với tổng thống Đài Loan không chỉ dồn lãnh đạo Trung Quốc vào thế phòng thủ, một nhận định cũng được tờ Les Echos đồng chia sẻ, mà còn làm cho thế giới thấy rõ tính khí khó lường cũng như bản tính thích mọi người phải tuân thủ của ông Trump. Một cố vấn thân cận của Donald Trump khẳng định : tổng thống đắc cử biết rõ việc ông đang làm.
Ông Jon Huntsman, nguyên đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, giải thích : « Đài Loan đang trở thành một yếu tố rõ nét trong quan hệ Mỹ-Trung. Donald Trump là một doanh nhân có thói quen tìm kiếm điểm tựa để thúc đẩy công việc và Đài Loan có thể sẽ đóng vai trò này trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ».
Le Figaro cho rằng việc ông Trump nói chuyện điện thoại với lãnh đạo Đài Loan cũng là để làm hài lòng cánh hữu tại Mỹ. Mặc dù chỉ coi Đài Loan là một lá bài trong đàm phán với Trung Quốc, các thành phần bảo thủ Mỹ đánh giá cao vai trò của một ốc đảo dân chủ đối mặt với Hoa lục.
Cuối cùng, theo Le Figaro, có thể cú điện đàm cho thấy mối quan tâm cá nhân. Ông Reince Priebus, người sẽ đứng đầu văn phòng tổng thống, đã hai lần sang Đài Loan, trong các năm 2011 và 2015. Hai nhân vật khác nằm trong đế chế kinh doanh của Trump đã tới thăm Đài Loan trong những tháng vừa qua, và họ quan tâm đến một dự án phát triển địa ốc do Nhà nước Đài Loan kiểm soát.
Trump mạnh dạn tấn công Trung Quốc
Cũng theo hướng này, báo Les Echos có bài « Trump lao vào tấn công mạnh mẽ Trung Quốc» bởi vì sau vụ điện đàm với tổng thống Đài Loan, Donald Trump còn gây sức ép với Trung Quốc, qua việc chỉ trích chính sách tiền tệ, thương mại của Bắc Kinh và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo nhận định của nhật báo, tổng thống đắc cử Mỹ giữ nguyên giọng điệu cứng rắn đối với Trung Quốc, giống như trong giai đoạn tranh cử. Thậm chí, giờ đây, ông còn chỉ trích Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực khác.
Về việc ông Trump đe dọa đánh thuế vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, ông Francis Cheung, thuộc công ty môi giới CLSA cho rằng ít có khả năng toàn bộ mức thuế hải quan sẽ tăng, nhưng ông Trump có thể theo gương tổng thống Reagan, cho đánh thuế cao đối với một số sản phẩm gây tranh cãi, bị phản đối nhiều nhất. Trong những năm 1980, tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã cho áp dụng mức thuế cao đối với một số sản phẩm nhập khẩu của Nhật Bản như xe hơi, TV hay sản phẩm tin học.
Trước các phát biểu của ông Trump, chính quyền Bắc Kinh có phản ứng chừng mực và chỉ tuyên bố rằng quan hệ kinh tế Mỹ -Trung đều có lợi cho cả hai nước. Về chính sách bành trướng của Trung Quốc, ông Trump không hề đề cập đến trong chiến dịch tranh cử, nay tổng thống đắc cử Mỹ công khai chỉ trích tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Cũng như Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng những động thái vừa qua của Donald Trump chứng tỏ ông không phải là chính trị gia không có kinh nghiệm, như báo chí Trung Quốc vẫn hy vọng. Tờ báo trích nhận định của ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, thuộc đại học dòng tên Hồng Kông, thì Donald Trump muốn chơi ván bài lật ngửa, thể hiện rõ lập trường của mình trước khi nhậm chức, nhằm tạo ra một tương quan lực lượng mới.
Điều này không có nghĩa là Donald Trump sẽ có chính sách hoàn toàn chống Trung Quốc, mà chỉ muốn nhấn mạnh là ông ta cứng rắn và nhắc lại cho Bắc Kinh biết tất cả những phản kháng, đòi hỏi của Mỹ. Đó là phong cách của Donald Trump và đặc biệt phương pháp này nhằm tạo ra một vị thế mới trước khi bước vào các cuộc đàm phán.
Trung Quốc thật sự thao túng nhân dân tệ?
Xét trên góc độ thuần túy kinh tế, Les Echos có bài giải thích « Nếu như Trung Quốc thao túng nhân dân tệ, chính là để hỗ trợ mạnh mẽ đồng tiền quốc gia ».
Trong những ngày qua, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhắc lại một số luận điểm mà ông đã không ngừng nêu ra trong chiến dịch vận động tranh cử : đó là Trung Quốc thao túng đồng tiền quốc gia, làm cho các doanh nghiệp Mỹ khó cạnh tranh hơn. Quả thực là từ đầu năm tới nay, nhân dân tệ giảm giá khoảng 6% so với đô la Mỹ, và xuống tới mức thấp nhất kể từ năm 2008. Giới chuyên gia cho rằng xu hướng giảm giá này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Thế nhưng, theo Les Echos, Donald Trump đã nhầm khi cáo buộc Bắc Kinh thao túng nhân dân tệ. Trung Quốc làm việc này không phải để giảm giá nhân dân tệ mà là để hỗ trợ mạnh mẽ hơn đồng tiền quốc gia. Trong những tháng qua, nhịp độ chuyển vốn ra bên ngoài Trung Quốc tăng mạnh. Các doanh nghiệp cũng như cá nhân tìm cách « bảo toàn » vốn của mình ở bên ngoài Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh phải tung dự trữ ngoại tệ ra để giữ giá cho nhân dân tệ. Bên cạnh đó, từ tháng 08/2015, Trung Quốc cho phép nhân dân tệ được dao động xoay quanh tỷ giá cơ bản được định ra từng ngày.
Vẫn theo Les Echos, thực ra, nhân dân tệ bị giảm giá trị là do đô la Mỹ tăng giá. Điều trớ trêu là kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống, cùng với những lời hứa giảm thuế của ông, thì chính đồng đô la Mỹ đã tăng giá, góp phần làm cho nhân dân tệ giảm giá.
Giới chuyên gia đưa ra ví dụ cụ thể : các ngoại tệ khác như euro, yên Nhật Bản, won Hàn Quốc, real của Brazil, đều giảm giá so với đô la và tỷ giá giữa nhân dân và các ngoại tệ nói trên tương đối ổn định.
Ý : Tương lai mịt mù
Lại một lần nữa châu Âu bị chấn động. Sau Brexit, đến lượt người dân Ý nói « Không » với đề nghị cải tổ hiến pháp của thủ tướng Matteo Renzi. Câu trả lời « Không » của cử tri đã buộc thủ tướng Ý phải trả giá đắt cho đề xuất liều lĩnh. Ông đã phải tuyên bố từ chức ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Đây cũng là chủ đề thời sự chính trên các trang báo Pháp.
« Bất định », « bất ổn » là những từ ngữ xuất hiện trong nhiều bài viết trên các nhật báo hôm nay. Le Monde chạy tít nhỏ trên trang nhất « Tình hình bất định hậu Renzi ». « Sau thất bại của Renzi, Ý lại rơi vào bất ổn », tít nhỏ trên trang nhất Les Echos. Hay như « Nước Ý bước vào một giai đoạn bất ổn », tựa bài viết của La Croix.
Thủ tướng Ý đã chua chát nhìn nhận thất bại : « Tôi đã muốn gỡ bỏ một vài chiếc ghế tiện nghi, nhưng chiếc ghế bị nhổ bật lại chính là ghế của tôi ». Thất bại này đã đẩy nước Ý rơi vào tình trạng « bất ổn chính trị » và « bấp bênh kinh tế » như quan sát của Les Echos.
Cổ phiếu các ngân hàng bị chao đảo nhưng vẫn chưa đến nỗi đổ sụp. Nhưng thắng lợi của phe nói « Không » có nguy cơ cản trở cải cách trong lĩnh vực ngân hàng, hiện đang phải đối đầu với nhiều khó khăn. Nước Ý giờ phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng cùng lúc : ngân hàng và chính trị. Các đảng phái mang tư tưởng dân túy yêu cầu tổ chức bầu cử sớm nhưng họ có nguy cơ phải đợi đến hết nhiệm kỳ của quốc hội năm 2018.
Nếu như sự kiện này đã khiến cho « Bruxelles quan ngại », thì « các đảng dân túy lại tỏ ra vui mừng » như nhận xét của Le Monde. Giống như nhận định của một người dân với La Croix : « Nước Ý như đang chịu ảnh hưởng của vụ Brexit và thắng lợi của Trump. Thắng lợi này của phe nói KHÔNG cho thấy không biết là lần thứ mấy thế giới nhấn chìm trong làn sóng chủ nghĩa dân túy ».
Pháp : Manuel Valls có tập hợp được cánh tả ?
Về thời sự nước Pháp, các tờ báo dành nhiều bài viết cho việc thủ tướng Manuel Valls thông báo ra tranh chức ứng viên tổng thống trong bầu cử sơ bộ cánh tả. Hầu hết các nhật báo đều có chung nhận định ông Valls sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường chinh phục các cử tri cánh tả.
Nhận xét này lần lượt được thể hiện qua các tiêu đề « Những nẻo đường đầy chông gai của ứng viên Valls », tít nhỏ trên trang nhất Le Monde, « Ứng viên Valls âu yếm nhìn sang cánh tả» là hàng tít đậm trên trang nhất Le Figaro, « Bầu cử tổng thống : Valls tự ví mình là thành trì để đối phó với phe hữu » tựa đề nhỏ của Les Echos.
Riêng Liberation kết hợp thất bại của thủ tướng Ý trong cuộc trưng cầu dân ý và thông báo không ra tranh cử của tổng thống Pháp François Hollande để nêu bật thất bại của mô hình xã hội – dân chủ hiện nay mà các đảnh cánh tả tại châu Âu đang theo đuổi. Tờ báo chạy tít lớn : « Cánh tả thứ hai tìm kiếm một hơi thở thứ hai ».
Angela Merkel : Bà là người như thế nào ?
Một nhân vật khác cũng thu hút sự quan tâm của các nhật báo Pháp là bà Angela Merkel. Thủ tướng Đức cho biết sẽ ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 4 trong kỳ bầu cử lập pháp dự kiến diễn ra vào tháng 9/2017.
Nhân sự kiện này Le Monde cho biết một bộ phim tài liệu nói về « Mặt trái của Angela Merkel » được trình chiếu trên đài Arte tối nay. Làm thế nào từ một con người có vẻ tầm thường, chẳng có gì đáng chú ý đến từ vùng Đông Đức lại có thể bước lên đỉnh cao quyền lực tại một quốc gia là kinh tế đầu tàu của khối Liên Hiệp Châu Âu ?
Nhưng chính cái vẻ tầm thường đó, bị đánh giá thấp đó lại là lá chủ bài của bà. Bộ phim tài liệu sẽ vạch rõ những « Thủ đoạn Angela Merkel » như hàng tựa của Le Figaro, được dùng để gạt các đối thủ cạnh tranh ngay trong chính đảng của bà và làm tê liệt các địch thủ quan trọng, thuộc đảng đối lập xã hội-dân chủ SPD.
Về phần mình, Libération phác họa lại chân dung một « Merkel : Điềm tĩnh tự tin » và nêu rõ « Ba thách thứ lớn trong chiến dịch vận động tranh cử của bà » : Hồi phục kinh tế, Đầu tư trong quốc phòng, và Duy trì các quan hệ đồng minh ở nước ngoài.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen