Sonntag, 18. September 2016

Việt Nam tiếp tục bị chỉ trích về vi phạm quyền tự do tôn giáo

Mạch Sống, ngày 17 tháng 9, 2016

Tuần qua lãnh đạo của nhiều tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận đã đến Hoa Kỳ để chứng tỏ là ở Việt Nam có tự do tôn giáo. Họ tháp tùng Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, họ đã không qua mắt được các giới chức chính quyền và những tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ.
“Ai cũng thấy rõ sự khác biệt giữa những người mang danh nghĩa tôn giáo đi theo phái đoàn của nhà nước và những người thuộc các tôn giáo độc lập ”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định.
Theo Ông, yếu tố phân biệt đập vào mắt chính là tư cách đi tháp tùng phái đoàn của nhà nước.
“Họ được nhà nước Việt Nam tài trợ, sắp xếp mọi thủ tục xuất cảnh và hướng dẫn mọi đường đi nước bước trong khi những nhóm độc lập thì bị cấm xuất cảnh hoặc bị sách nhiễu, tra khảo và thậm chí bắt giam sau khi trở về”, Ts. Thắng nói.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và một số tổ chức nhân quyền quốc tế đang theo dõi sát việc chính quyền Việt Nam bắt giam Mục Sư A Đảo thuộc Hội Thánh Tinh Lành Đấng Christ ở Kontum từ một tháng nay. Đầu tháng 8, vị Mục Sư người Tây Nguyên này tham dự Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Ở Đông Nam Á, do BPSOS đồng tổ chức ở Dili, Đông Timor. Mục Sư A Đảo hiện bị giam ở Trại Giam Gia Trung, Tỉnh Gia Lai.

Cô Tina Mufford (thứ 3 từ trái), Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, đang lắng nghe MS. A Đảo chia sẻ, Đông Timor ngày 1/08/2016 (ảnh BPSOS)
Những khó khăn mà các nhóm tôn giáo độc lập phải đối mặt được Cô Tina Mufford thuộc Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ giải thích tại buổi hội luận được tổ chức ngày 12 tháng 9 tại Hudson Institute, Hoa Thịnh Đốn:
“Tháng vừa rôi tôi đến Đông Timor để tham gia Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ở Đông Nam Á; nhiều người Việt Nam muốn tham gia đã bị cấm xuất cảnh và nhiều người khác đã bị sách nhiễu, giam giữ sau khi họ về nhà chỉ vì tham gia hội nghị này.”
Theo Ts. Thắng, lộ liễu hơn nữa là các tổ chức tôn giáo quốc doanh đã ủng hộ chính sách kiểm soát tôn giáo của chính quyền.
Ngày 17 tháng 8, tại buổi họp lấy ý kiến do Mặt Trận Tổ Quốc thực hiện, Hoà Thượng Thích Đức Thiện, Tổng Thư Ký của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, ca ngợi rằng dự thảo Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo mà Quốc Hội Việt Nam sắp phê chuẩn sẽ bảo vệ tự do tôn giáo cho mọi người. Còn Ông Phạm Huy Thông, Phó Chủ Tịch Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam, thì nhấn mạnh rằng dự thảo luật sẽ bảo đảm quyền tự do thay đổi đạo, tự do tôn giáo giành cho tù nhân, và đơn giản hoá thủ tục bổ nhiệm hay các suy cử chức sắc.
Ngược lại, các nhóm tôn giáo độc lập mạnh mẽ chỉ trích sự đi thụt lùi của dự thảo luật mới nhất so với các bản trước đó vốn đã nặng tính xin-cho.
“Chẳng hạn, theo dự thảo hiện hành thì tín đồ phải được một tổ chức tôn giáo thừa nhận, và tổ chức tôn giáo thì lại phải được nhà nước thừa nhận”, Ts. Thắng giải thích.
Chỉ vài ngày trước khi phái đoàn của Ông Vũ Hồng Nam đến Hoa Kỳ, một đại diện của BPSOS đã chuyển mối quan tâm của Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam đến Đại Sứ Lưu Động về tự do tôn giáo quốc tế, Ông David Saperstein, tại buổi họp ở Bộ Ngoại Giao. Được thành lập vào tháng 3 vừa qua, Bàn Tròn Đa Tôn Giáo là diễn đàn thường trực dành cho các cộng đồng tôn giáo độc lập và những người quan tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Ông Đặng Đức Hân Hoan, người đại diện cho BPSOS, cho biết là Đại Sứ Saperstein mong nhận được bản góp ý chính thức của Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam.
Theo một nguồn tin thân cận, khi gặp phái đoàn của Ông Vũ Hồng Nam sáng ngày 12 tháng 7, Đại Sứ Saperstein đã nói về tình trạng thiếu tự do tôn giáo ở Việt Nam và những điều khoản cần thay đổi trong dự thảo luật hiện hành về tín ngưỡng và tôn giáo. Hiện diện có các lãnh đạo tôn giáo quốc doanh.
Tại buổi hội luận ở Hudson Institute, Cô Mufford nhận xét về dự thảo luật này: “[Chính quyền Việt Nam] mang tâm lý là phải kiểm soát chặt chẽ các tôn giáo; không có lý do nào hay lý lẽ biện minh nào cho việc này.”

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen