Dienstag, 27. September 2016

Quảng Trị: Hai nông dân bỏ công khai hoang nhưng… không được khai thác

Pháp Luật VN 24/09/2016 07:33 GMT+7

Bỏ tiền của, công sức ra khai hoang một vùng đồi để trồng rừng kể từ năm 1998 và đã thu hoạch nhiều vụ. Thế nhưng, từ năm 2013 đến nay ­2 hộ dân là ông Võ Hoành (SN 1962) và Đoàn Kim Lịch (SN 1975) cùng ngụ ở thôn Trấm, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị không được khai thác vì cơ quan chức năng cho rằng số rừng này thuộc rừng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh do Nhà nước quản lý?
Ông Võ Hoành và ông Đoàn Kim Lịch bên khu rừng trồng
Rừng trồng… biến thành rừng dự án?
Ông Võ Hoành và Đoàn Kim Lịch trình bày, năm 1987 cả 2 hộ dân này rời quê lên thôn Trấm làm kinh tế mới. Sau đó, họ tự bỏ tiền của, công sức ra để khai hoang vùng đồi xung quanh khu vực khe Nà Lượt để trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và trồng cỏ chăn nuôi bò. Sau khi thấy mô hình không hiệu quả, nên năm 1994 hai ông chuyển sang trồng rừng và cây cà phê.
Đầu năm 1998, khi phao tràn Nam Thạch Hãn hình thành, đập Trấm phải nâng lên khiến phần đất màu ở đây bị ngập lụt, không thể sản xuất nông nghiệp nên ông Đoàn Kim Chánh (bố đẻ ông Lịch lúc là Bí thư Chi bộ thôn) đã làm đơn xin đất lập vườn và đã được ông Võ Duy - Trưởng thôn đồng ý cấp. Trên khu vực đất được cấp, họ trồng những loại cây ăn quả như chuối, chanh, cam…, trồng cỏ nuôi bò, thả heo, và trồng rừng.
Năm 2005, cả 2 hộ này bắt đầu khai thác rừng lần thứ nhất. Sau khi khai thác xong, họ tiếp tục trồng mới. Cũng trong năm ấy, Sở TN&MT Quảng Trị đã tiến hành đo đạc và ghi nhận diện tích rừng của ông Đoàn Kim Lịch là 6,1ha và của ông Võ Hoành là 4,5ha.
Tuy nhiên, sau 4 đợt khai thác rừng trồng, vào cuối năm 2013, cơn bão số 10 và 11 đã làm gãy đổ một số diện tích rừng tràm nên tháng 1/2014, 2 hộ dân này đã làm đơn xin khai thác rừng. Sau đó, tại Công văn số 113/SNN-LN (ngày 8/2/2014) của Sở NN&PTNT Quảng Trị cho phép người trồng rừng khai thác 103ha rừng do dân tự bỏ vốn ra trồng. Và hiển nhiên trong danh sách đó có tên hộ ông Võ Hoành và ông Đoàn Kim Lịch. Khi 2 hộ dân này tiến hành làm đơn, nộp thuế để khai thác thì Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Thạch Hãn không đồng ý với lý do diện tích này thuộc rừng khoanh nuôi tái sinh (thuộc Dự án 661) do Nhà nước quản lý?
“Dự án rừng khoanh nuôi tái sinh chủ trương thực hiện vào tháng 8/2000, sau thời điểm 2 hộ chúng tôi khai hoang trồng rừng sao có thể quy kết chúng tôi đã trồng lấn chiếm lên rừng khoanh nuôi được”, ông Võ Hoành bức xúc.
“Khu vực này trước đây toàn đá và bom đạn, chúng tôi đã không ngại hiểm nguy thuê người ngày đêm rà phá, phát quang để trồng rừng. Hiện những cây ăn trái mà chúng tôi đã trồng vẫn còn sao gọi là rừng khoanh nuôi của Nhà nước được”, ông Lịch cho biết thêm.
Để tìm hiểu vụ việc, chúng tôi đã băng đèo hơn 15km đến khu vực rừng nơi hai ông khai hoang trồng cây. Trước mắt chúng tôi vẫn còn đó những cây xoài, tiêu, mít, cà phê… nằm xen lẫn giữa rừng tràm bạt ngàn cho thấy, việc hai ông khai hoang trồng ở khu vực này là có cơ sở.
Mòn mỏi chờ “minh oan”
Mất rừng, 2 hộ dân này đã gửi đơn khiếu nại cầu cứu các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, nhưng không hiểu sao vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.
Trong biên bản làm việc xác minh nội dung kiến nghị của 2 hộ dân Đoàn Kim Lịch và Võ Hoành (ngày 31/8/2014), ông Tạ Quang Lịch - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT cho rằng: Qua kiểm tra hồ sơ của Ban quản lý Dự án 661 trên địa bàn huyện Triệu Phong thì diện tích rừng của ông Lịch và ông Hoành đã trồng lấn chiếm lên diện tích đã được thiết kế khoanh nuôi xúc tiến tái sinh là 5,3ha (trong đó ông Đoàn Kim Lịch 3,8ha; ông Võ Hoành 1,5ha).
Tiếp đó, ngày 15/9/2014, Sở này lại có Công văn số 1201/SNN-LN gửi các cấp, ngành liên quan khẳng định rằng: Toàn bộ diện tích rừng trồng liên quan đến nội dung đơn phản ánh của 2 hộ dân nói trên được xác định nằm trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn.
Xét thời điểm hai ông lên khai hoang trồng rừng là năm 1998, trong khi dự án trồng mới 5 triệu ha rừng Triệu Phong được triển khai từ năm 2000 có thể khẳng định hai ông đã khai hoang trước khi có dự án. Theo đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Thạch Hãn cũng được thành lập từ ngày 12/12/2006, tức là sau giai đoạn có rừng tái sinh. Rất nhiều văn bản của Sở TN&MT Quảng Trị vẫn khăng khăng diện tích rừng mà hai ông khiếu nại là rừng khoanh nuôi tái sinh do Nhà nước trồng. Nhưng như chúng tôi đã đề cập, dự án có sau thời điểm hai ông khai hoang và trồng rừng nên rừng dự án “chồng lấn” lên rừng của hai ông mới đúng, rất cần được chính quyền tỉnh Quảng Trị xem xét.
Hiện tại, hơn 10ha tràm mà 2 hộ dân này trồng đã vào kỳ thu hoạch, nhưng họ đành ngậm đắng nuốt cay nhìn thành quả lao động bấy lâu bỗng dưng thành của Nhà nước? Đau xót thay, khi mới đây, hai ông do hoàn cảnh quá khó khăn đã lên khai thác một số tràm xoay xở cuộc sống gia đình thì bị Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Hãn chặn lại. Đến nay số gỗ này vẫn nằm phơi mưa nắng giữa đầu nguồn mà không cho hai ông đem về.
“Chính cha tôi lúc đó là Bí thư Chi bộ đã vận động người dân đi khai hoang trồng cây, nay nghe nói rừng khoanh nuôi tái sinh ông đau đớn ngã bệnh vì quá uất ức. Công lao và tiền của của chúng tôi bỏ ra biết đến bao giờ mới được cơ quan chức năng thấu xét”, ông Lịch than vãn và đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cần vào cuộc xác minh trả lại công bằng.
Quang Tám – Phạm Quyên

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen