Hoài Vũ, phóng viên RFA
2014-10-01
2014-10-01
Sinh viên quốc tế ở Hong Kong đổ ra đường ủng hộ phong trào dân chủ
khiến đặc khu kinh tế sôi sục nhiều ngày nay. Trong số này cũng có
nhiều sinh viên gốc Việt.
Đoàn sinh viên quốc tế tuần hành trên đường phố đặc
khu Hong Kong, trong tiếng hò reo cổ vũ của người dân địa phương. Họ hô
vang khẩu hiệu: Chúng tôi yêu Hong Kong.
Trong đoàn này có sinh viên gốc Việt tên là Long, 22
tuổi. Long đang học năm thứ hai tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong
Kong. Ban đầu, Long chỉ theo dõi biểu tình qua các trang phát video cập
nhật trực tiếp trên mạng. Sau khi cảnh sát bắn hơi cay vào người biểu
tình, anh cảm thấy một bầu không khí tức giận bao trùm, đồng thời có
nhiều người cũng có vẻ mất dần hy vọng. Vì thế, Long xuống đường để ủng
hộ quyền dân chủ của người dân Hong Kong. Long chia sẻ với chúng tôi qua
một tin nhắn trên mạng xã hội Facebook:
Tôi muốn họ thấy rằng họ không cô đơn. Mục đích đi
biểu tình của chúng tôi là muốn dân chúng Hong Kong có được quyền lựa
chọn, quyền được nói “không” với Bắc Kinh.
Long Gia nhập nhóm có tên Unison, gồm đa phần người Pakistan và Ấn Độ. Anh kể:
Người dân địa phương cảm động vì hành động của
chúng tôi. Chúng tôi tuần hành qua phố trước tiếng hò reo của họ. Họ vỗ
tay rào rào khi chúng tôi hét các khẩu hiệu bằng thứ tiếng Quảng Đông
còn chưa sõi. Có người cảm động tới phát khóc.
Cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Hong Kong để
phản đối việc chính quyền Hoa Lục đòi chọn các ứng viên cho cuộc bầu cử
năm 2017 nhanh chóng biến thành cuộc cách mạng dân chủ có tên Cách mạng
Cây Dù.
Giờ đây, không chỉ thanh niên, sinh viên mà các bậc
phụ huynh cùng nhiều người dân khác cũng tham gia biểu tình. Họ chọn
biểu tượng của cuộc các mạng là chiếc ô: những chiếc ô bảo vệ họ trước
ánh nắng mặt trời, mưa và súng hơi cay của cảnh sát bạo động.
Khánh Nhi, sinh viên năm cuối ngành chính trị ở Đại học Hong Kong, cũng xuống đường cùng các bạn trong ký túc xá. Cô kể:
Ký túc xá em khoảng một trăm mấy bạn thay phiên
nhau đi. Tức là có hẳn một nhóm phân công mấy giờ thì bao nhiêu đứa phải
đi, mấy giờ thì bao nhiêu đứa phải đi, đứa nào đi được, đứa nào trong
nhóm sơ cấp cứu, đứa nào trong nhóm ngồi ở vị trí nào.
Cuộc biểu tình dân chủ này diễn ra trong hoà bình,
trật tự. Người biểu tình cũng tránh gây rắc rối cho người dân xung quanh
bằng việc dọn rác hay quét sạch đường phố. Khánh Nhi kể:
Tụi em ra đó cơ bản là chỉ ngồi thôi, ngồi im lặng
nghe bài giảng của giáo sư, một số nhà hoạt động, hô theo mấy cái khẩu
hiệu thôi.
Một trong những yêu cầu của người biểu tình là đòi
được gặp mặt trực tiếp với trưởng đặc khu kinh tế Lương Chấn Anh, yêu
cầu ông từ chức và hơn nữa là sự nhượng bộ của chính quyền Bắc Kinh.
Khánh Nhi cho biết:
Quyền dân chủ này là quyền rất đúng đắn. Họ nên
được phép đi biểu tình như này để giành quyền đó cho mình. Cho nên em
sợ, sau khi cảnh sát tấn công như vậy, không ai ra đường nữa thì rất là
buồn, rất là đáng tiếc. Bởi vì cá nhân mình, mình ở Việt Nam không có
cái quyền đó cho nên họ đang có mà họ để mất đi thì thật là đáng tiếc.
Bùi Huyền Trang, tên tiếng Anh là Christine Leung, 27
tuổi cũng tham gia cuộc biểu tình vì quá giận dữ trước phản ứng dữ dội
của chính phủ Hong Kong trước người dân vô tội. Trang nói với chúng tôi:
Tôi muốn họ thấy rằng họ không cô đơn. Mục đích đi biểu tình của chúng tôi là muốn dân chúng Hong Kong có được quyền lựa chọn, quyền được nói “không” với Bắc Kinh.
- Long, sinh viên gốc Việt
Tôi cảm thấy tôi cần biểu tình cho tới khi trưởng
đặc khu kinh tế từ chức. Kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu từ cả tuần
nay, ông ấy không hề nói lời một lời nào, kể cả khi cảnh sát bắn hơi cay
vào người biểu tình. Như thế thật là vô trách nhiệm.
Tờ New York Times nhận định rằng việc giới chức
Hong Kong im lặng có vẻ là để người biểu tình tự nản rồi tan vỡ. Chiến
lược này dường như được sự ủng hộ của các nhà tài phiệt Hong Kong, những
người thu bộn tiền từ việc cho thuê giá cắt cổ các cơ sở buôn bán nhỏ
và văn phòng. Những tiểu thương này vẫn phải trả tiền thuê nhà trong lúc
người biểu tình chặn đường buôn bán của họ.
Giới chức hy vọng điều đó sẽ khiến những người buôn
bán nhỏ và tầng lớp trung lưu quay lưng lại với phong trào dân chủ. Họ
cũng hy vọng dân chúng coi người biểu tình là những kẻ quấy nhiễu chứ
không phải là biểu tượng dân chủ như các sinh viên chiếm giữ Quảng
trường Thiên An Môn năm 1989. Khánh Nhi nói:
Bọn em đang bàn về sau 3, 4 ngày thì bọn em phải
tiếp tục làm như thế nào. Vì chính phủ không có thiện ý, sẽ không có hòa
giải không có thương lượng gì hết. Người biểu tình từ sau hôm bị cảnh
sát tấn công, 2, 3 hôm nay quá là yên bình đi nên mọi người bắt đầu có
cảm giác hơi chán nản một chút.
Khi được hỏi liệu có sợ bị giới chức đàn áp đẫm máu
như ở Thiên An Môn hay không, các bạn sinh viên đều cho biết khi ở giữa
đám đông người biểu tình dân chủ, họ không còn nghĩ gì tới sự an toàn
của bản thân nữa.
Huyền Trang nhận định khả năng xảy ra một Thiên An Môn
thứ hai có thể xảy ra vì Hong Kong nay thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên,
cô nói một phần trong cô tin rằng an ninh Hong Kong sẽ không đàn áp đẫm
máu.
Chúng tôi viết đơn thỉnh cầu trên mạng gửi tới Tổng
thống Mỹ Barack Obama và quốc tế để họ nhận thức được thực trạng ở Hong
Kong. Tôi nhờ anh chị em họ ở Việt Nam và Anh ký vào đơn này. Dù khả
năng xảy ra việc đàn áp đẫm máu chỉ nhỏ thôi, chúng tôi hy vọng có thể
ngăn chặn được điều đó.
Một cố vấn giấu tên của chính quyền Hoa Lục thì nhận định với New York Times
rằng, giới chức nước này sẽ không để xảy ra một Thiên An Môn thứ hai.
Họ không thể lặp lại sai lầm của 25 năm trước đó, ông nói.
Trong lúc này, sinh viên Hong Kong vẫn biểu tình hiền
hoà. Có người dọn rác, có người tổ chức hậu cần, có người làm bài tập.
Một bạn sinh viên Việt Nam đến xem biểu tình thì cho biết có người nước
ngoài còn bỏ ra cả 4-5000 đôla mua thực phẩm tiếp sức cho sinh viên.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen