Nhưng sống ở xứ người mà tập cho người bản xứ học tập ngôn ngữ và văn hóa xứ mình là một chuyện lạ và ngược đời.
Nhóm ca nữ của ban nhạc Favic.
Chuyện lạ và ngược đời ấy đã xảy ra tại Pháp.
Với nhóm ca FAVIC, người ta đã nhìn thấy những người ngoại quốc mặc y phục VN và ca những bài ca bằng tiếng Việt. Rất hài hước và rất cảm động.
Xin mời quý thính giả cùng Tường An tìm hiểu về tốp ca đặc biệt này.
Hướng đi và mục đích của ban ca nhạc Favic
Hẳn quý vị cũng nhận được rõ những câu ca dao quen thuộc của bài dân ca « Qua cầu gió bay » được diễn ngâm bằng giọng ngâm không phải là người Việt nam.
Sẽ rất bình thường, nếu chúng ta
nghe những người Việt Nam hát những bản dân ca này, nó sẽ không để lại
một cảm xúc lâng lâng trong chúng ta như khi nghe những bài dân ca quen
thuộc được hát bởi những người ngoại quốc. Cái cảm giác ấy, không chỉ
là một cảm giác vui vui khi thấy người ngoại quốc biết được tiếng Việt
mà đâu đó trong lòng chúng ta còn dâng lên một niềm tự hào khi nghe
tiếng của dân tộc ta - một dân tộc nhỏ bé - được nói lên, được hát lên
bởi những người không cùng chủng tộc.
Chúng tôi muốn nói đến nhóm FAVIC, một ban ca gồm toàn người ngoại quốc, nhưng chỉ hát thuần nhạc Việt Nam. Với người sáng lập là anh Thiều Đoàn, ban ca ra đời từ 10 năm nay với những bước chậm chạp, nhưng vững vàng, nhóm đã đi vào hầu hết các sinh hoạt Tết, văn nghệ của người Việt tại Pháp.
Anh Thiều Đoàn là thông dịch viên Việt ngữ cho tòa Thượng thẩm Paris.
Nhận thấy rằng tìm hiểu văn hóa của nước người để hội nhập là một điều
cần thiết, nhưng để cho người dân nước sở tại hiểu chúng ta hơn, thông
cảm với chúng ta hơn, tại sao không tìm cách cho họ biết thêm về chúng
ta qua sự làm quen của họ với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt ?
Bên cạnh đó, để đánh tan mặc cảm
của thế hệ trẻ không còn biết tiếng Việt bằng cách tạo cho họ niềm tự
hào, rằng, ngôn ngữ của chúng ta cũng được yêu thích bởi những người dân
bản xứ. Ngoài ra, anh Thiều Đoàn quan niệm : cái “tự hào dân tộc” về
truyền thống của văn hóa VN, không thể nói lên bởi chính những
“người-tự-cho-mình” cái niềm tự hào đó. Tốt hơn hết, nên để những người
“ngọai cuộc” đánh gía cái “đáng tự hào” hay “không đáng tự hào” đó. Anh
Thiều Đoàn giải thích thêm về sự ra đời của nhóm FAVIC :
...khi nghe những bài dân ca
quen thuộc được hát bởi những người ngoại quốc. Cái cảm giác ấy, không
chỉ là một cảm giác vui vui khi thấy người ngoại quốc biết được tiếng
Việt mà đâu đó trong lòng chúng ta còn dâng lên một niềm tự hào khi nghe
tiếng của dân tộc ta - một dân tộc nhỏ bé - được nói lên, được hát lên
bởi những người không cùng chủng tộc...
« Sau 75, tất cả chúng ta đều
phải làm mọi cách để hội nhập với xã hội mới, vì hội nhập như vậy thì
con cháu chúng ta ít có cơ hội nói tiếng Việt, ra đường, ở trường, ở sở
không ai nói tiếng Việt cả thì các cháu quên dần tiếng Việt và phần nào
có mặc cảm tự ti dân tộc. Vì thế bây giờ phải có cách gì để đánh động
lương tâm của các cháu, gợi trí tò mò của các cháu và đó là một trong
những lý do để chúng tôi tại ra nhóm này.
Ba cô nữ ca sĩ của ban nhạc Favic chuyên hát nhạc Việt Nam
Trong lúc đó, nhưng người địa
phương tiếp nhận những thuyền nhân thì lại rất thích thú tìm hiểu văn
hóa của một dân tộc đã kiên cường đi vượt biển tìm tự do thì họ mới tìm
hiểu văn hóa này. Nhưng thay vì, chính mình nói về văn hóa mình thì cách
hay nhất là để những người bạn ngoại quốc nói và hiểu được về văn hóa VN »
Ý tưởng có vẽ trái chiều nhưng
mới lạ này nảy sinh và anh Thiều Đoàn bắt đầu tìm những người ngoại quốc
yêu thích văn hóa Việt để thành lập tốp ca. Sau những ngày một mình đi dán giấy ở quận 13 khu Á châu để tìm người, dần dần một nhóm với 10 người được hình thành.
Họ là những người biết đến văn hóa VN và gắn bó với âm nhạc VN qua một
chuyến du lịch, qua một cuốn phim, một quyển sách, một chương trình văn
nghệ hay cũng có thể qua một chuyện tình hai chủng tộc.
Chị Mais, người đảo Guadeloupe ,
tuy nói tiếng Việt không rành, nhưng khi hát, người ta nhìn thấy sự say
mê, niềm hân hoan, phấn khởi hiện rõ trên gương mặt và đôi tay không
ngừng múa may của chị, chị nói :
« Tôi thích học hát tại vì tôi thích phong cảnh VN, tôi thích bài hát « Làng tôi », tôi thích ca sĩ Như Quỳnh »
Thành viên được lựa chọn khá gắt gao
Toàn ban nhạc Favic đang trình diễn tại Paris.
Sự phát triển của nhóm rất chậm, từ 10 người đầu tiên, sau 10 năm, nhóm chỉ lên được 15 người bởi sự chọn lựa khá gắt gao :
Chỉ những ngưởi hoàn toàn không có chút dòng máu Việt nào mới được tham gia, trong
vài trường hợp ít ỏi thì anh Thiều Đoàn mới nhận người có 25% hoặc 50%
dòng máu Việt nhưng phải có những điều kiện kèm theo.
Hiện
Favic có 15 thành viên gồm 7 nguồn gốc khác nhau : Pháp, Nhật, Nam Tư
(yougoslave), Đức, Thụy điển, Martinique, và Guadeloupe.
...Khó khăn là chúng tôi không thể nào chấp nhận tất cả mọi người, thành ra lúc đầu là 10 người, bày giờ cũng chỉ có 15 người.
Mỗi
một thành viên phải có 3 tháng tập sự, và sau 3 tháng khi thấy sinh
hoạt hợp và 2 bên đều đồng ý chấp nhận nhau thì mới được giữ lại.
Và điều kiện để vào nhóm cũng không phải là dễ :
phải không là người VN, trừ một vài trường hợp đặc biệt là có 50% dòng máu VN thì phải có thêm vài điều kiện đặc biệt nào khác »
Ngoài ra, khó khăn chính vẫn là vấn đề ngôn ngữ :
« Đây cũng là một trắc nghiệm về
sinh ngữ : làm thế nào để chuyển một ngôn ngữ đa âm sang môt ngôn ngữ
độc âm. Đây là vấn đề mà có những người không thể nào thích ứng được, có
những người thì thích ứng được một cách dễ dàng, đó là điều kiện thứ
nhất. Điều kiện thứ hai là chấp nhận kỷ luật tập thể, sống chung trong tập thể với nhau, biết tôn trọng, tương kính lẫn nhau. »
Trước khi học một bài hát, thành viên được giải thích về tác giả, nội dung bài hát, ý nghĩa từng câu trong bài. Như vậy họ có khá nhiều dữ kiện để có đủ cảm hứng về bài hát.
Và vô hình chung , họ đang học một sinh ngữ mới. Những bài hát thường được chọn theo chủ đề dân ca, nhạc tiền chiến…v.v.. với những nhịp điệu vui tươi, dễ hát :
Anh Thiều Đoàn
« Trước tiên chúng tôi ưu tiên hát dân ca, sau đó chúng tôi hát tân nhạc. Những bản tân nhạc mà chúng tôi chọn phần nhiều về nội dung nói về sức sống của dân tộc. Về hình thức phần nhiều là nhạc điệu rumba, chachacha…để cho dễ hát. Sau đó, chúng tôi cũng chọn những bản nhạc ngoại quốc những lời Việt, như bản La Paloma, Bésamé Mucho, Come back to Sorento….bằng lời Việt. »
Thành quả của nhóm Favic, theo anh Thiều Đoàn, hãy còn nhỏ nhoi, tầm thường cũng chỉ vì thiếu nhân lực và vật lực.
Anh nói : « Một
cánh én không làm nổi mùa Xuân. Thế nhưng, nhìn lên bầu trời, không một
bóng mây, trông thấy được một cánh én, kể cũng vui vui » và trong cái vui vui ấy, anh kể lại một câu chuyện mà đối với anh đó là phần thưởng quý giá cho hơn 10 năm gầy dựng tốp ca :
« Một kỷ niệm mà chúng tôi đáng
nhớ nhất là trong khi chúng tôi hát trên chùa Khánh Anh thì tôi đi xuống
dưới đồng bào để tôi xem phản ứng như thế nào thì 1 bà mẹ đã quay lại nói với các con mình :
« Đó ! người ta ngoại quốc mà người ta còn biết hát nhạc VN còn chúng mầy ở nhà bảo nói tiếng Việt mà không chịu nói tiếng Việt »
Thì đó là một điều cảm động và đúng với mục đích mà chúng tôi nhắm vào. Và đối với các cộng đồng, các hội đoàn ngoại quốc thì đó cũng là một cái gì mới lạ.
Chưa có bao giờ có một ca đoàn gồm 7 quốc tịch khác nhau, không có người VN mà chỉ chuyên hát nhạc VN »
Sự
đa dạng của tốp ca được nhìn thấy qua những mái tóc vàng xen lẫn tóc
nâu, mắt xanh biêng biếc hay mắt thẳm màu nâu, da đen Phi châu lẫn da
trắng Tây Phương.
Những gương mặt rất trẻ bên cạnh những mái đầu đã bạc. Họ tự hào trong những bộ đồ bà ba, áo dài VN, áo tứ thân thắt lưng xanh đỏ.
Tình
yêu VN của họ được thể hiện qua những bài dân ca mà họ say sưa hát với
niềm đam mê trong mắt, trên môi ; dù với cách phát âm hãy còn lạc điệu
một cách hồn nhiên.
Ở FAVIC, ngôn ngữ VN, ngôn ngữ của một dân tộc nhỏ bé đã vượt trùng dương và trở thành nơi hội tụ của nhiều chủng tộc.
Bài hát « Đất lành » của nhóm Favic sẽ kết thúc bài phóng sự về một tốp ca không có người VN nhưng chỉ hát nhạc VN
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen