Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-10-0
2014-10-0
Cuộc
cách mạng đòi dân chủ ở Hồng Kong đi nhanh hơn dự kiến của rất nhiều
người và nó thực sự truyền cảm hứng cho những
người đang theo đuổi cái khát vọng dân chủ ở người Việt Nam như tôi. Nó
là một phòng trào tôi nghĩ rằng khiến rất nhiều người trẻ không chỉ là
những người theo đuổi phong trào dân chủ suy nghĩ mà tôi đặc biệt tin
rằng các bạn trẻ ở Việt Nam sẽ nhìn vào để nghĩ về mình và nhìn về tương
lai đất nước Việt Nam.
Đó
là phát biểu của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cũng là blogger Mẹ Nấm về
những gì đang diễn ra tại Hong Kong. Tin tức và xúc cảm về cuộc biểu
tình của sinh viên Hong Kong tràn ngập các trang blog tiếng Việt trong
những ngày đầu thu này. Blogger Song Chi viết rằng:
Vốn có một niềm ác cảm chung với chế độ độc tài toàn trị ngạo
mạn của Trung Quốc, những người VN yêu thích tự do, dân chủ lập tức bày
tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ đối với tinh thần dũng cảm, cách tổ chức biểu
tình đầy khoa học, sự đoàn kết của sinh viên, học sinh và người dân
Hong Kong.
Blogger
Trương Nhân Tuấn lại suy nghĩ về khái niệm Tổ quốc vốn hay bị các đảng
cộng sản Trung quốc và Việt nam đánh đồng cùng với những mô hình chính
trị của họ, ví dụ như là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt nam, hay chương
trình học đường yêu nước mà Bắc Kinh áp đặt lên người dân Hong Kong
cách đây hai năm. Nhưng những gì đang diễn ra ở Hong Kong
cho thấy rằng sự đánh đồng khái niệm đó không còn thành công dễ dàng
nữa. Ông giải thích tại sao những người biểu tình ở Hong Kong hiện nay
dường như đang từ bỏ “tổ quốc” Trung hoa của họ:
Lý
do họ muốn từ bỏ tổ quốc Trung Hoa vì « tổ quốc » này (ngự ở Bắc Kinh)
trước hết là một « tổ quốc » độc tài và hung bạo. Tổ quốc này đã không
che chở, bảo vệ họ, cũng không đem lại sự thịnh vượng như ngày xưa. Tệ
hơn, tổ quốc này muốn tước bỏ những gì mà nhà nước « thực dân » ngày
trước đã đem lại cho họ (cũng như tổ tiên của họ), như sự tự do, sinh
hoạt dân chủ, các quyền làm người được tôn trọng…
Blogger
Huỳnh Ngọc Chênh thì nhân đó đưa ra lời khuyên cho những người cộng sản
Trung Hoa đang nắm quyền ở Bắc Kinh rằng những người Hong Kong đang
vinh danh cho dân tộc Trung Hoa trên khắp thế giới vì những hành động cổ
súy những giá trị dân chủ của họ:
Người
Đông Nam Á chúng tôi đã tôn trọng và học hỏi gì đó từ người Hoa thì
cũng là người Hoa Đài Loan, Singapore và Hồng Kong chứ không phải từ
người Hoa lục địa. Và ngày nay khi người Hoa Hồng Kong phô bày nền tảng
giáo dục của họ ra trên đường phố, chúng tôi càng yêu quý và mến phục họ
hơn. Những con người văn minh lịch sự đó đang ảnh hưởng
mạnh mẽ lên chúng tôi từng giờ từng phút chứ không phải những hạm đội
lúc nhúc của ông đang mưu đồ xua xuống biển Đông. Ông (Tập Cận Bình) nên
hiểu điều đó.
Thực tế buồn lòng
Nhưng
bên cạnh các cảm xúc khởi hứng từ những chiếc dù cách mạng đang giương
lên hay những chiếc nơ vàng xinh xắn trên ngưc áo các sinh viên Hong
Kong, blogger Việt Nam cũng biết rằng chuyện Hong kong đối với Viet nam
hãy còn là một giấc mơ. Blogger Song Chi viết tiếp:
Phong
trào biểu tình bất tuân dân sự ở Hong
Kong rõ ràng đã tạo cảm hứng và cả niềm hy vọng cho những người Việt
Nam còn nặng lòng với vận mệnh của đất nước. Trong sự ngưỡng mộ, có cả
nỗi ngậm ngùi cảm thán cho tinh thần của người VN và một câu hỏi nhức
nhối trong tâm trí, trên môi và trên đầu ngọn bút của mỗi cá nhân, mỗi
nhà báo, mỗi blogger VN: “Bao giờ cho đến VN? Bao giờ thì người VN mới
thức tỉnh, đứng lên vì vận mệnh của đất nước, dân tộc, vì tương lai của
chính mình, con cháu mình?”
Và
sự so sánh Hong Kong Việt nam lại càng làm nhiều nhà hoạt động dân chủ
buồn lòng hơn khi thấy rõ rằng những gì mà người dân Hong Kong, dù sống
trong cái gọi là một quốc gia hai chế độ với
những áp chế từ Bắc Kinh, thực ra chưa là gì cả so với những gì mà
người Việt đang chịu đựng. Blogger Viết từ Sài gòn viết rằng:
Thật
là buồn khi phải nói rằng chưa, chưa bao giờ có số người đông như vậy,
mặc dù Việt Nam sống trong độc tài, chuyên chế và nhân dân đã chịu đựng
cái ách này nặng gấp ngàn lần nhân dân Hồng Kông nhưng chưa bao giờ
người Việt dám đứng lên mạnh mẽ, đồng loạt như người Hồng Kông.
Nhưng
bên cạnh đó Viết từ Sài gòn cũng hiểu rằng hai xã hội là khác nhau do
lịch sử hà khắc về chính trị ở Việt nam, và do lịch sử tự do ở Hong
Kong. Blogger Huỳnh Ngọc Chênh viết:
Điều
đó nói lên cái gì? Nói lên rằng Hồng Kong trải qua trên 100 năm trong
một thể chế dân chủ văn minh đã tạo ra một nền tảng xã hội nhân bản và
lành mạnh, hun đúc những người Hoa nông dân nghèo khó ra một cộng đồng
người Hoa văn minh vượt trội sánh ngang với những cộng đồng dân cư tiến
tiến khác trên thế giới.
Trong
suốt một tuần qua, rất nhiều bạn trẻ quay lại nhìn sự thụ động chính
trị của sinh viên, học sinh Việt nam, và nhiều người đồng ý rằng hệ
thống cai trị của đảng cộng sản, mà đi liền với nó là một nền giáo
dục tuyên truyền đã thành công trong việc giữ sinh viên Việt nam trong
trạng thái những đưa trẻ không quan tâm gì đến chuyện chính trị. Blogger
Song Chi viết tiếp:
Còn
học sinh, sinh viên VN ngày nay đã bị nhồi sọ, tẩy não qua bao thế hệ
bởi một nền giáo dục lạc hậu, sai trái, chỉ đào tạo ra những con người
chạy theo bằng cấp, chức tước, địa vị, tiền bạc mà không quan tâm đến
chính trị, tự do, dân chủ, chỉ biết nghĩ cho cá nhân, gia đình mình mà
không biết hy sinh vì quyền lợi chung của đất nước, dân tộc. Một nền
giáo dục nhồi nhét những kiến thức chết mà không dạy con người biết làm
người đúng nghĩa, biết nhục vì cái nghèo cái lạc hậu của đất
nước thay vì cứ tuyên truyền tự hào về một quốc gia từng mấy lần “chiến
thắng” các đế quốc to. Một nền giáo dục bóp méo lịch sử, bóp méo sự
thật, dối trá, tôn sùng lãnh tụ, sợ hãi trước sức mạnh của bạo lực, thể
chế và quỵ lụy vì sức mạnh của vật chất.
Và
chính vì sự khác biệt đó mà cây bút Dân Nguyễn, trong bài viết kể lại
kinh nghiệm thuyền nhân của mình trong các trại tị nạn ở Hong Kong vào
thập niên 80 của thế kỷ trước cho rằng cho tới giờ này dân Việt nam vẫn
đành cam chịu thân phận sống chung với lũ.
Một sinh viên Việt Nam cầm cờ Đảng cộng sản tại Hà Nội. AFP photo
Sự việc sống chung với lũ đó đối với những người mong muốn một tương lai tinh thần tốt đẹp cho Việt nam thấy rằng không phải là
cuộc sống của một con người.
Blogger
Hoàng Ngọc Tuấn kể lại chuyện một người bạn vốn thân thiết từ Việt nam
sang Úc chơi. Người này không hề quan tâm tới những chuyện dân chủ nhân
quyền, hay những giá trị trừu tượng khác của nhân loại mà sẳn sàng thõa
thiệp với những kẻ mạnh trong xã hội mà trục lợi. Cuộc gặp gỡ người bạn
cũ cũng là lần chia tay không tuyến bố của Hoàng Ngọc Tuấn. Ông kết thúc
bài viết:
Cuộc
sống của con người — đúng nghĩa là Con Người — thì không chỉ sống để
kiếm ăn và khi có nhiều đồ ăn thì hả hê mãn nguyện, bất chấp công lý,
bất chấp đạo đức.
Blogger Nguyễn văn Thạnh thì so sánh sự nhẫn nhục chịu đựng giống như những con ngựa được thuần hóa và anh nói rằng:
Người
Hồng Kông đã sống với kiếp người, trong khi nhiều dân tộc khác còn sống
dưới dây cương, roi da và tấm màng che mắt của kiếp ngựa.
Còn một nhà hoạt động xã hội dân sự khác thì cay đắng trích lời một học giả rằng:
Khi nói với những người nô lệ
về sự tự do sẽ nhận được những nụ cười mỉa mai!
Sinh viên Thanh niên Việt Nam sẽ làm gì?
Một
“hiện tượng” làm cho nhiều người ngạc nhiên là diễn biến chính trị ở
Hong Kong lần này được báo chí Việt nam tường thuật đầy đủ và khách
quan, mặt dù các tờ báo có liên hệ chặt chẽ với dảng cộng sản hay là đài
truyền hình vẫn im lặng. Nhiều người nói rằng với não trạng và hiểu
biết của thanh niên Việt nam hiện nay thì chính quyền Việt nam không có
gì lo lắng.
Bên
cạnh đó
đối với thanh niên sinh viên Việt nam, đối với những nhà hoạt động dân
chủ Việt nam, còn có nỗi lo lắng về sự đàn áp sắt máu vốn rât quen thuộc
của những chính quyền cộng sản. Blogger Kami viết:
Tóm
lại, đối với những người Cộng sản, bất kể họ là Cộng sản Trung quốc hay
Việt nam thì một khi sự ổn định của chế độ bị đe dọa, thì việc họ sử
dụng quân đội với vũ khi võ trang, thậm chí là võ trang hạng nặng như xe
tăng, thiết giáp... hoặc dùng súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình một
cách không thương tiếc là một điều không phải bàn cãi.
Nhà báo Đoan Trang thì
viết rằng:
Hiện
giờ ở Việt Nam, có lẽ những người đang theo dõi, nghiên cứu sát sao
phong trào Occupy Central không là ai khác ngoài… lực lượng an ninh. Tôi
cũng tin rằng cho dù kết quả của Occupy Central có như thế nào, sau sự
biến “Mùa thu Hương Cảng” này, an ninh, tuyên giáo… sẽ càng cảnh giác
cao độ và xiết chặt kiểm soát giới trẻ Việt Nam hơn nữa, đặc biệt là đối
với sinh viên.
Đoan
Trang là một trong những người đầu tiên đưa hình ảnh chiếc nơ vàng của
những sinh viên Hong kong lên trang mạng của mình. Cô viết thêm rằng
những gì diễn ra ở Hong kong không phải tự nhiên
mà có, ngoài nền tảng dân chủ trong não trạng người dân Hong Kong,
những nhà hoạt động cũng bỏ nhiều thời gian để chuẩn bị cho những ngày
biểu tình ngoạn mục đang diễn ra. Dù không tin rằng giấc mơ Hong kong
của những nhà hoạt động dân chủ sẽ thành hiện thực trong tương lai gần,
nhưng cô viết thêm
Nhưng cũng không sao, phải không các bạn trẻ? Tất cả chúng ta sẽ cùng học.
Việc
này chắc chắn không dễ dàng vì mới đây hơn một năm thôi những sinh viên
ký tên ủng hộ Nguyễn Phương Uyên cùng nhau rút ý kiến. Nhiều người cho
rằng đó là sự sợ hãi vốn ngư trị trong xã hội
Việt nam hơn nữa thế kỷ qua.
Xin mượn lời nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng để kết thúc bài điểm blog đặc biệt về Hong kong hôm nay:
Vượt qua sự sợ hãi có khó không ?
Không hề khó, khi bạn bình thản đối mặt với nỗi sợ hãi nó sẽ phải lùi bước.
Khó hơn cả là cảm giác cô đơn, khi bạn tưởng rằng không có ai hiểu mình, rằng mình đang một mình đi trên con đường dài hun hút không có bạn đồng hành.
Hãy lên tiếng, bạn sẽ thấy mình không cô đơn.
Không hề khó, khi bạn bình thản đối mặt với nỗi sợ hãi nó sẽ phải lùi bước.
Khó hơn cả là cảm giác cô đơn, khi bạn tưởng rằng không có ai hiểu mình, rằng mình đang một mình đi trên con đường dài hun hút không có bạn đồng hành.
Hãy lên tiếng, bạn sẽ thấy mình không cô đơn.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen