Sonntag, 25. Februar 2018

Người Đàn Ông Học Hết Lớp 7

Người Đàn Ông Học Hết Lớp 7 Nhưng Chế Tạo Được Máy Móc Xuất Khẩu Đi 14 Nước
Câu chuyện về anh nông dân dù chỉ học hết lớp 7 nhưng sáng chế ra hàng chục loại máy móc, robot thông minh xuất khẩu đi 14 nước khiến nhiều người phải bái phục.

Vỡ nợ 3 tỷ đồng và cơ duyên sáng chế ra máy rải phân

Sinh ra trong gia đình thuần nông có 8 anh chị em, anh Phạm Văn Hát (SN 1972, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) phải nghỉ học từ lớp 7. Để có tiền phụ giúp bố mẹ lo cho các em ăn học, anh Hát xin vào một xưởng cơ khí trên thành phố, vừa học nghề, vừa làm.

Đến năm 2007, anh Hát đổ toàn bộ vốn liếng để làm rau an toàn, cung cấp thực phẩm sạch đến cho người tiêu dùng. Thời điểm đó, trang trại của anh là một trong những nơi hiếm hoi được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận đạt chuẩn VietGap.


                          

                                           Kỹ sư “hai lúa” Phạm Văn Hát.
Thế nhưng, người mua rau thì ít mà người đến xin mua hóa đơn để hợp thức hoá rau bẩn thành rau sạch thì nhiều, nên anh Hát thà lỗ chứ không chấp nhận bán danh. Vì lẽ đó mà rau ế dài và rồi anh vỡ nợ với con số 3 tỷ đồng.

Năm 2010, bỏ qua mọi lời bàn tán, anh Hát đi vay nóng lãi ngày để đi xuất khẩu lao động tại Irsael với một mong ước học tập được những kinh nghiệm đồng áng từ nước bạn. Tại đất nước xa lạ, công việc đầu tiên của anh là rải phân gà.

Trên đầu là cái nóng của mặt trời, dưới đất là cái nóng của phân gà cứ ngùn ngụt bốc lên. Quần quật như vậy đến ngày thứ ba thì anh chán hẳn nên anh đã dùng ngôn ngữ hình thể để bày tỏ với chủ trang trại rằng anh có thể sáng chế ra cái máy rải phân, không cần phải đi cào nữa



Anh Hát giới thiệu máy móc của mình tại Hội triển lãm Nông lâm ngư nghiệp quốc tế
diễn ra vào cuối tháng 11/2017.

Lúc đầu ông chủ còn không tin, hỏi đi hỏi lại, thấy anh chắc như đinh đóng cột, bèn đưa anh giấy để vẽ bản thảo rồi đi mua vật liệu. Hai ngày sau, chiếc máy rải phân đầu tiên ra đời, khiến bố con ông chủ vui sướng. Nhưng chưa hài lòng với kết quả, anh Hát yêu cầu phá đi làm chiếc máy khác.

Để tiện trò chuyện với anh, bố con ông chủ đã sắm cho anh một chiếc điện thoại thông minh để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Sau hai ngày, lại một chiếc máy mới ra đời nhưng anh Hát vẫn chưa ưng ý, anh ngỏ ý muốn làm chiếc thứ ba. Khi chiếc máy đã hoàn thiện, ai nấy cũng kinh ngạc. Từ ấy trở đi, anh không phải ra đồng nữa mà có thể ở trong xưởng của trang trại để tùy hứng sáng tạo.

Điều bất ngờ là chiếc máy rải phân của anh Hát ngay sau đó được đích thân Hội đồng thẩm định của nhà nước Israel đến tìm hiểu và mua bản quyền với giá khoảng 4 tỷ đồng, anh được thưởng 200 triệu đồng.


                           

Máy phun thuốc trừ sâu do Hát sáng chế có độ sải cánh 20m, 
thay thế cho khoảng 50 lao động thủ công.

“Đầu năm 2012, tôi quyết định trở về quê hương dù ông chủ thuyết phục giữ tôi ở lại làm với mức lương 6.000 USD/tháng. Biết tôi từ chối cơ hội việc làm với mức lương trên vợ tôi khóc hết nước mắt, một mực muốn tôi quay trở lại Israel thêm một vài năm làm việc, tích lũy một khoản tiền để trả nợ. Về sau, thấy tôi đam mê máy móc và quyết tâm cao, vợ tôi mới xuôi dần và quay sang ủng hộ”, anh Hát chia sẻ.

5 năm, chế tạo hơn 30 máy nông nghiệp xuất khẩu đi 14 nước

Sau khi đặt chân trở về quê nhà, anh Hát đã mở xưởng cơ khí và chuyên tâm cải tiến, chế tạo các loại máy móc nông nghiệp phục vụ cho bà con nông dân trong vùng. Chiếc máy đầu tiên mà anh Hát cải tiến, chế tạo là chiếc robot đặt hạt.

Chiếc máy này có trọng lượng khoảng 20kg, thiết kế đơn giản không cần người điều khiển mà có thể tự động san đều, đặt hạt thẳng hàng tăm tắp. Điều đặc biệt, là mang lại hiệu suất công việc bằng 30 – 40 lao động thủ công và có thể gieo hạt trên mọi loại địa hình.


                          

“Robot đặt hạt” anh Hát sáng chế hiện đã xuất khẩu đến 14 quốc gia trên thế giới.

Sáng chế này của anh Hát ngay sau đó đã giành được giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương 2012-2013 và cuộc thi Nhà sáng chế số 9 năm 2014.

Sản phẩm này đã được xuất khẩu đi 14 nước trên thế giới như: Nga, Mỹ, Đức, Israel, Lào, Thái Lan… và phân phối khắp 63 tỉnh thành của cả nước. Riêng năm 2016, anh Hát bán được 40 chiếc robot gieo hạt ra thị trường, mỗi chiếc có giá 35 triệu đồng.

“Tôi đang tìm cách để làm sao máy móc rẻ đi vì muốn 100 người nông dân tìm đến thì ai cũng mua được. Tôi cũng là nông dân nên hiểu số tiền đó là không nhỏ”, anh Hát chia sẻ.

Ngoài ra, anh Hát còn thiết kế hàng loạt các loại máy móc khác như: máy phun thuốc trừ sâu có độ sải cánh 20m, có thể đi trên mọi loại địa hình, thay thế cho 50 lao động thủ công; máy cày ruộng, máy thu hoạch khoai tây, cà rốt… Hầu hết các loại máy móc này đều có thiết kế, vận hành đơn giản nên được nhiều bà con nông dân ưa chuộng, sử dụng.

Với những thành tích và đóng góp của mình, tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV giai đoạn 2010-2015 diễn ra tại Hà Nội, anh Hát đã được tặng thưởng huân chương Lao động hạng Ba.

22 Tháng Hai, 2018
-Vnexpressnew
Nguồn: -Khampha.v

1 Kommentar:

  1. Hoan nghênh những người nông dân chân lấm tay bùn, tuy vất vả nhưng khong ngừng sáng tạo đem lại thành quả phục vụ cho bản thân cũng như cho xã hội, quốc gia

    AntwortenLöschen