Tại chợ cô dâu ở Bulgari, các cô gái trẻ từ 15 tuổi trở lên và phải là trinh nữ, sẽ ăn mặc gợi cảm nhằm thu hút những người đàn ông giàu có tìm vợ đến để mua về.
Mỗi độ xuân về, khu chợ trời ở thị trấn nhỏ Stara Zagora nằm ở miền trung Bulgari lại tấp nập người bán kẻ mua và thu hút khá nhiều sự tò mò của du khách. Tại đây, "món hàng" mà những người đi chợ rao bán hay cần mua chính là các trinh nữ độ tuổi 15-18. Chợ có từ lâu đời, tổ chức 4 lần một năm.
Các cô dâu sẽ được gia đình cho tiền để sắm sửa những bộ trang phục đẹp mắt trước khi tham dự chợ cô dâu. Ảnh: News.
"Nhân vật chính" là các cô gái trẻ đồng trinh thuộc cộng đồng Roma ở Bulgari (hay còn gọi là Kalaidzhi). Họ sẽ trang điểm cầu kỳ, chỉnh chu lại nhan sắc và mặc trên mình những bộ cánh gợi cảm, bắt mắt, nhún nhảy theo các điệu nhạc sôi động nhằm thu hút các chàng trai - những người đàn ông đến chợ để tìm mua cho mình một cô vợ. Chính vì lý do này mà phiên chợ này còn có tên gọi là "chợ cô dâu".
Người mua hàng là các chàng trai chưa vợ. Cô dâu phần lớn đến từ các gia đình nghèo khó trong cộng đồng. Cha mẹ các cô gái mang con mình tới đây với mục đích tìm kiếm cho con họ những đối tác giàu có để cuộc sống khấm khá hơn. Giá của một cô gái đồng trinh ở chợ thường được mua vào khoảng 290 - 350 USD. Tuy nhiên, giá có thể cao hơn nhiều phụ thuộc vào thỏa thuận giữa chú rể và nhà gái, hay nhan sắc nổi trội của cô dâu.
Milka Minkova, 13 tuổi chụp ảnh cùng chồng mình, Ivan Ankov, 17 tuổi tại chợ cô dâu. Ảnh: AFP.
Để hai con gái chuẩn bị đi kiếm chồng, Vera và Christo đã dành số tiền kiếm được trong một tuần của mình để mua quần áo cho Pepe và Rossi. "Nếu cô dâu không còn là một trinh nữ khi được bán, họ sẽ sỉ nhục chúng tôi, gọi những đứa trẻ là gái điếm và chúng sẽ trở thành những phụ nữ đáng xấu hổ", Vera cho biết.
Pepa, con gái của Vera cũng đồng tình với quan điểm của mẹ: "Phụ nữ Kalaidzhi phải là trinh nữ khi kết hôn, điều này rất quan trọng. Bởi nếu họ còn trinh, họ sẽ được mua với giá rất cao".
Còn em họ của Pepa cho biết đây là một thị trường đáng sợ. Bố mẹ của các cô dâu có quyền quyết định gả con mình cho một người đàn ông giàu có, thay vì một chàng trai nghèo, dù cô gái yêu người đàn ông nghèo khó kia.
Cô dâu trẻ cười nói vui vẻ trong phiên chợ mà mình là một "món hàng". Ảnh: AFP.
Ngoài các chú rể đến tìm vợ, khu chợ cũng mở cửa chào đón du khách tới tham quan và hòa chung với bầu không khí bán mua sôi động ở đây.
Chợ cô dâu và hình thức mua bán này từng bị xã hội châu Âu, đặc biệt là Đông Âu lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, cộng đồng người Roma khá lớn, hơn 18.000 người đã quyết liệt bảo vệ truyền thống văn hóa của họ.
Thep Pamporov, một nhà nghiên cứu về văn hóa truyền thống của người Roma hơn 2 thập kỷ, các cô gái thường sẵn sàng rời ghế nhà trường để làm đám cưới. Ngày nay, nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, có nhiều cô gái đã từ chối việc buôn bán chính bản thân mình ở chợ cô dâu. Tuy nhiên, phần lớn vẫn làm theo hủ tục này.
Milene Larsson, nhà làm phim Thụy Điển, người đã quay một bộ phim tư liệu về truyền thống kỳ lạ này, cho biết bà đã tiếp cận với nhiều cô gái. Không ít cô dâu trẻ bày tỏ nỗi sợ hãi, lo ngại về việc sẽ phải chung sống với những người đàn ông mà họ không yêu thương. Họ cũng nói về những nguyện vọng, ước mơ thầm kín của mình mà vì hủ tục này, họ không thể tiếp tục theo đuổi.
Anh Minh
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen