Donnerstag, 24. September 2015

Nhân vật “đối kháng“ truy tố tội ác cộng sản

Trần Văn Tích

Bài viết này trình bày những suy tư cá nhân về trường hợp các nhân vật được xem hay tự nhận là “đối kháng“ do Hoa Kỳ cấp giấy nhập cảnh nên đã sang Mỹ nói chung. Nói riêng thì nó chú trọng vào khía cạnh các nhân vật “đối kháng“ dự kiến tiến hành thủ tục pháp lý nhằm truy tố các tội ác của cộng sản trước nền công lý nhân loại.

Khi người Việt Nam được nước ngoài thu nhận
Sau ngày 30.04.75 một số lớn đồng bào chúng ta có cơ may được nhiều quốc gia thuộc “thế giới tự do“ thu nhận. Rất nhiều người nghĩ rằng phen này mình sẽ đem chuông đi đấm nước người. Các chuyên viên kinh tế tài chánh, các kỹ thuật gia v.v..thường nuôi mộng sẽ có dịp thi thố tài năng trong xã hội mới nơi đất khách. Tôi quen một ông giáo sư đại học kinh tế. Trong một buổi hội thảo, ông lớn tiếng tuyên bố sẽ dạy cho người Đức làm kinh tế. Một ông giáo sư dạy Đức ngữ ở cấp trung học thời Việt Nam Cộng Hoà chuẩn bị tâm trạng để sang Đức dạy tiếng Đức. Ngay một bà sinh sống bằng nghề tiểu thương cũng lạc quan bảo rằng ở Việt Nam mà mình còn buôn bán được thì sang Đức mình sẽ kinh doanh qui mô. Vân vân. Tất cả những trường hợp tôi vừa liệt kê đều tỏ ra hết sức tự tin khi minh hoạ khả năng thi thố tài năng nơi quê người để rồi sau đó họ sống rất thoải mái trên vùng đất lạ nhờ trợ cấp xã hội. Cho nên nếu những nhân vật chính trị “đối kháng“ được Mỹ nhân danh điều được gọi là “nhân quyền“ mang sang nước họ trong thời gian gần đây có lớn tiếng tuyên bố hơi hơi đại ngôn thì đó là điều rất hợp thế thái nhân tình.
Khi chư vị “đối kháng“ tuyên bố vào thuở ban đầu
Tất cả quí Ông quí Bà sang Mỹ theo tư cách “trục xuất“(?) hay không trục xuất đều đồng thanh khẳng định là mình sẽ tiếp tục đấu tranh. Định luật này không có ngoại lệ. Chẳng có ai khi mới chân ướt chân ráo ra khỏi phi cơ mà lại lên tiếng công khai bảo rằng mình sang Mỹ là để sống đời hưu trí hay ít ra thì cũng để sống cảnh an thân. Cư xử như thế thật đáng hoan nghênh. Nhưng ý chí quang phục quê hương dần dà nhạt nhoà đi cùng với cuộc sống kéo dài trên đất lạ và kết quả là những thành phần tạm xem là “đối kháng“ rốt cuộc cũng chỉ sử dụng những biện pháp chống cộng giống y như người tỵ nạn; thậm chí còn thua người tỵ nạn, ví dụ họ không hề hay rất ít tham gia các vụ biểu tình chống đối những lãnh tụ cộng sản công du ngoại quốc. Ngoài ra do chịu ảnh hưởng quá nặng của chính sách tuyên truyền nhồi sọ, họ dễ có những phát biểu, những nhận thức không đúng chân lý lịch sử; và tình trạng này hạn chế không ít tác dụng chống cộng của họ.
Đáng nói hơn là những dự tính riêng tư lúc ban sơ của từng người. Không muốn bài viết quá dài, tôi chỉ xin đan cử trường hợp hai Ông Bà Nguyễn Văn Hải và Tạ phong Tần. Ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vừa mới qua được Mỹ là đã tuyên bố sẽ canh tân đường lối thông tin trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài và sẽ kết hợp truyền thông giữa quốc nội và hải ngoại. (Tôi chỉ ghi lại nội dung chính, tôi không chủ tâm phải ghi nguyên văn lời phát biểu). Cá nhân tôi chờ mãi vẫn chưa thấy kết quả cụ thể của đường lối này. Ngoài ra, Ông Nguyễn Văn Hải còn cho biết sẽ kiện cộng sản trước các toà án quốc tế. Tôi rất vui khi nghe tin này, dẫu biết rằng nói và làm khác nhau rất rất rất xa. Thế rồi mấy hôm nay niềm vui tưởng đã tắt lịm bỗng nhen nhúm trở lại khi nghe lời tuyên bố của Bà Tạ Phong Tần. Lời tuyên bố của Bà mạnh mẽ hơn so với lời tuyên bố trước đây của Ông Nguyễn Văn Hải. Nhiều lần, Bà Tạ Phong Tần dùng tính từ quen thuộc của ngôn từ cộng sản, tính từ “hoành tráng“. Nói chung, Bà sẽ kiện cộng sản trước các toà quốc tế một cách “hoành tráng“ vì Bà mang được sang Mỹ đầy đủ hồ sơ án lệ. Khác và cũng hơn Ông Nguyễn Văn Hải, Bà Tạ Phong Tần tỏ ra rất tự tin khi trình bày tâm nguyện bản thân.

Truy tố tội ác Việt cộng : hết phe quốc gia...
Nhiều lần tôi từng nhận định rằng chỉ có biện pháp truy tố tội ác Việt cộng trước các pháp đình quốc tế mới là một biện pháp tấn công, chủ động, xung kích nhắm vào phía địch; còn tất cả các biện pháp khác – biểu tình tuần hành, hội thảo hội luận, dựng lại cờ vàng, đặt tên Saigon Nhỏ, sáng tác chính luận v.v..– đều chỉ là những biện pháp thụ động, bị động, tự vệ nhằm giữ đất giữ người. Cho nên cùng với một vài đồng bào và tổ chức khác, cá nhân tôi đã tìm hiểu và đệ đơn truy tố tội ác giặc cộng, nhưng chúng tôi, cho đến nay, đã không đạt được thành quả nào cả. Xin sơ lược kể ra sau đây : Luật sư Nguyễn Thành ở Florida, Hoa Kỳ; Thiếu tá Liên Thành ở California, Hoa Kỳ; Ông Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc ở Bern, Thụy Sĩ. Nếu kể cả bản thân tôi thì đã có bốn công dân gồm hai công dân Hoa Kỳ, một công dân Thụy Sĩ và một công dân Đức quốc lập thủ tục truy tố tội ác giặc cộng trước các cơ quan bảo vệ công lý quốc tế. Chúng tôi sử dụng tố quyền của những nạn nhân trực tiếp của chính quyền cộng sản; nói cách khác, chúng tôi tố cáo các trọng tội hình sự của cộng sản trước nền công lý nhân loại với tư cách là chứng nhân hay hội đoàn. Nhưng không có toà án quốc tế nào chịu chấp đơn khởi tố của chúng tôi vì những tội danh do chúng tôi nêu ra đều đã mất thời hiệu. (Tôi chỉ nêu các trường hợp tố tụng đứng đắn, đàng hoàng).

...đến người cộng sản
Thoạt nghe nhị vị Nguyễn Văn Hải-Tạ Phong Tần cho biết sẽ kiện Việt cộng, tôi đã cảm thấy ngỡ ngàng. Cùng chung hoàn cảnh với hai vị, cùng bị cộng sản câu thúc thân thể một cách phi pháp – theo lời tố cáo của cả ba người – còn có luật sư Cù Huy Hà Vũ. Hơn nữa, Bà Cù Huy Hà Vũ cũng là luật sư. Tại sao tiến hành một công việc thuộc phạm vi luật pháp mà lại không do hai chuyên gia về luật, nạn nhân trực tiếp của lạm quyền tư pháp, chủ xướng và chủ trì?
Toà án quốc tế có rất nhiều nhưng theo sự hiểu biết của cá nhân tôi thì chỉ có hai cơ cấu thích hợp với việc chúng ta theo đuổi là International Court of Justice (ICJ) thiết lập năm 1945 và International Criminal Court (ICC) thiết lập năm 2002. Nhưng ICJ chỉ thụ lý những vụ tranh chấp (general disputes) do các quốc gia khởi tố, hay nói cách khác, các cá nhân không được phép nộp đơn kiện cáo tại ICJ. ICC nhận đơn truy tố về những trọng tội quốc tế thuộc ba lĩnh vực diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh (international crimes of genocide, crimes against humanity, and war crimes). Thuộc loại hình crimes against humanity có imprisonnement or other severe deprivation of physical liberty và outrages upon personal dignity [bỏ tù hay câu thúc thân thể trầm trọng (chẳng hạn “tập trung học tập cải tạo“ đối với “ngụy quân ngụy quyền“) và xúc phạm nhân phẩm]. Hai nhân vật “đối kháng“ Nguyễn Văn Hải-Tạ Phong Tần có thể tự xem là đối tượng của hình thức tội phạm hình sự này vì cả hai đã bị cộng sản giam cầm và ngược đãi. Như thế, đối với ICC và trên nguyên tắc, họ có tố quyền. Nhưng có tố quyền là một chuyện, truy tố được hay không là chuyện hoàn toàn khác.

Hai mặt của một vấn đề
Công pháp quốc tế sẵn sàng tạo cơ hội cho nạn nhân các chế độ tàn bạo sát nhân giữ một vai trò tích cực, chủ động, trung tâm, trọng yếu trong tiến trình truy tố tội ác của những chế độ liên hệ. Nạn nhân không phải chỉ giữ vai trò nhân chứng mà còn có quyền yêu cầu tiến hành điều tra tội ác để rồi cùng tham gia tiến trình truy tố và đòi hỏi bồi thường. Nhiều quốc gia văn minh dân chủ đã cùng đồng loạt ban bố thủ tục cụ thể nhằm tiến hành truy tố và kết tội những tên sát thủ đồng thời bồi hoàn thiệt hại tinh thần và vật chất cho nạn nhân oan ức. Nhưng đó là lý thuyết.
Khi thực hành thì khác. Như đã trình bày, hai Ông Bà Nguyễn Văn Hải-Tạ Phong Tần chỉ có thể truy tố tội ác cộng sản trước ICC. (Thật ra còn có European Court of Human Rights hoạt động từ năm 1959 lận và chuyên xử các vụ vi phạm nhân quyền nhưng nó chỉ thụ lý các án lệ liên quan đến công dân Liên Âu. Egon Krenz, cựu Bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức, đã nộp đơn kiện tại pháp đình này vì cho là mình bị luật pháp Đức tuyên án oan ức.) Vì là một international court nên dẫu nhị vị là công dân Hoa Kỳ (hay công dân Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), nhị vị vẫn được phép nộp đơn truy sách. Tuy nhiên, hoạt động của ICC vốn đặt cơ sở trên văn kiện mệnh danh là Pháp chế La mã (Rome Statute) mà quốc gia Việt nam cộng sản lại không chịu ký tên cũng như không chịu phê chuẩn văn kiện lập pháp này. (Đã có 122 quốc gia ký tên rồi phê chuẩn; có quốc gia đã ký tên nhưng chưa phê chuẩn như Do Thái, Thái Lan, Hoa Kỳ; 43 quốc gia không ký tên, không phê chuẩn trong số có Trung Cộng, Ấn Độ, Lào, Bắc Hàn, Việt Nam). Dẫu sao đi nữa, Việt cộng không công nhận thẩm quyền của ICC thì chúng sẽ không chịu trách nhiệm hình sự khi bị kết án; nhưng nếu hai nguyên đơn Nguyễn Văn Hải-Tạ Phong Tần đạt được một kết quả nào đó trước Toà Hình sự Quốc tế International Criminal Court ICC thì cũng ngoạn mục lắm rồi. Cho nên tất cả vấn đề là hai nguyên đơn họ Nguyễn họ Tạ phải chứng minh rằng mình là nạn nhân của tội ác chống nhân loại, crimes against humanity. Lợi thế của hai nguyên đơn : tội ác của giặc đối với hai người chưa mất thời hiệu.
Cho đến bây giờ, phe quốc gia không gặt hái được thành công khi truy tố tội ác giặc cộng chỉ vì : a) thảm sát Mậu Thân Huế không mất thời hiệu nếu được nền công lý nhân loại công nhận là genocide, là tội ác diệt chủng nhưng bên nguyên, cho đến nay, đã không làm được việc chứng minh này; b) các tội ác khác [giam cầm không xét xử (học tập cải tạo) chẳng hạn] đã mất thời hiệu vì xảy ra từ 1975; c) vả lại Toà Hình sự Quốc tế được thiết lập từ năm 2002 và chỉ thụ lý những án lệ xảy ra sau niên đại này.
Người có gốc nguồn từ phía quốc gia đã không thành công. Giờ đến lượt người xuất thân từ phía cộng sản hành động. Nếu hành động đạt được một chút kết quả nào đó thì những nhân vật “đối kháng“ đáng được xem là hữu ích phần nào. Nếu, nếu,nếu...
24.09.2015

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen