Dienstag, 12. Mai 2015

HỘI ÁO VIỆT VÌ VĂN HÓA VÀ DÂN CHỦ


Buổi lễ Tri Ân Nước Áo đã đón nhận người Việt tỵ nạn đến Áo từ 40 năm nay

                                   TriAn AoViet_26

Vào ngày thứ bảy 02.05.2015 hội Áo Việt vì Văn Hóa và Dân Chủ (AVvVH vDC) tại Wien tổ chức một buổi lễ Tri Ân chính quyền các cấp, các cơ quan thiện nguyện và người dân Áo đã giang tay đón nhận và giúp đỡ người Việt tỵ nạn cộng sản đến Áo 40 năm nay, từ những ngày đầu tiên sau 30 tháng tư năm 1975.

Được biết hội Áo Việt (vVHvDC) được thành lập vào cuối năm 2013 do một số  người Việt đến Áo tỵ nạn từ những năm đầu thập niên 1980 (thuyền nhân) và khi bức tường Bá Linh sụp đổ 1989 (người Việt Đông Âu). Hội viên gồm các thành phần người Việt từ mọi miền Nam, Bắc VN và các quốc gia Đông Âu đến sinh sống và làm việc tại Áo. Các anh chị em hội viên và thân hữu của hội có cùng một suy nghĩ về việc tổ chức sinh hoạt chung nhằm mục đích người Việt tương trợ  lẫn nhau, duy trì, bảo tồn nền văn hóa dân tộc Việt và có cùng một  niềm ưu tư về vấn đề tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam. Do vậy tuy rất bận rộn vì công việc sinh nhai hàng ngày, họ cũng đã cố gắng hình thành một tổ chức lấy tên là  hội Áo Việt (vVHvDC) để sinh hoạt chung mặc dầu các anh em, một số cư ngụ tại Wien và một số sống rải rác tại các thành phố khác trên nước Áo.

Vì thời gian chuẩn bị cho việc tổ chức có hơi ngắn ngủi nên Ban Tổ chức đã không tìm được hội trường thích hợp, hội đã phải thuê một nhà hàng tại khu gần trung tâm Wien để cử hành buổi lễ, trong buổi chiều thứ bảy 02.05, nhằm vào ngày có nhiều sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giải trí khác nhau tại thủ đô Wien. Theo lời Ban Tổ chức cho biết, cũng vì thời gian chuẩn bị, gửi thư mời hơi gấp rút, khá cận ngày tổ chức, nên một số cơ quan chính quyền các cấp tại Áo Wien và 1 số dân sự Áo Việt đã từng giúp đỡ tích cực cho người Việt tỵ nạn trước kia bận việc không thể đến được. Tuy nhiên một số cơ quan và các khách mời này cũng đã gửi thư cám ơn và chúc mừng buổi lễ thành công, trong đó có văn phòng Tổng Thống và Bộ Ngoại Giao Áo.

Vì tổ chức lần đầu tiên cộng thêm phòng ốc khá nhỏ nên hội chỉ mời một số khách giới hạn và đây cũng là buổi ra mắt của hội Áo Việt. Trong số các quan khách người Áo được mời và hiện diện trong buổi lễ có ông bà Johannes Faber thuộc cơ quan thiện nguyện Caritas Österreich, một cơ quan đã trực tiếp giúp đỡ người Việt tỵ nạn từ những ngày đầu tiên ở Áo. Ngoài ra còn có ông Mag. Bernhard Bouzek, đại diện cơ quan hành pháp thành phố Wien, đặc trách Vụ Âu Châu và Quốc Tế đáp lời mời đến tham dự. Về phía khách Việt từ phương xa thì có đại diện của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Đông Đức, kỹ sư Phan Thanh Vân và một số anh chị em thuộc Cộng Đồng người Việt Tự Do München Bayern. Đặc biệt chúng tôi thấy sự hiện diện của ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ người Lao động Việt Nam có trụ sở ở Ba Lan.


Cũng vì nhận được tin trễ nên một số các vị thuộc các tổ chức hội đoàn người Việt tại Tây Âu mặc dù rất muốn nhưng đã không thể đến tham dự được, như Hội Người Việt Tỵ Nạn cs tại Odenwald, Trung Đức, nhóm thanh niên cờ vàng Hòa Lan…

Sau nghi thức lễ chào quốc kỳ hai quốc gia Áo Việt (VNCH), kỹ sư Phạm Tử Bình, đại diện cho Ban Tổ chức đã đọc diễn văn khai mạc chào mừng quan khách và trình bày một số chi tiết, hình ảnh về Việt Nam trước và sau những năm 1954, 1975,  về lý do tại sao có nhiều người Việt Nam bỏ quê hương ra đi tỵ nạn, thậm chí đến ngày hôm nay vẫn còn có những người Việt liều thân tìm đường ra nước ngoài. Ông nhấn mạnh cũng vì đất nước VN kinh tế yếu kém, guồng máy đảng cs cầm quyền tham nhũng bóc lột, bao người đói khổ, oan ức nhưng lý do chính là vì ở Việt Nam, mọi quyền tự do công dân bị giới hạn hoặc bị chà đạp, nói tóm lại không có tự do dân chủ.


Những lá cờ vàng ba sọc đỏ, hình ảnh của tự do, dân chủ, biểu tượng của người Việt tỵ nạn cs tại hải ngoại đã được dương cao trong buổi lễ chung với lá quốc kỳ Áo và những tấm bảng CÁM ƠN  do các cô gái Việt Nam trong chiếc áo dài tha thướt đã là hình ảnh đẹp mắt nhất của buổi lễ. Cũng rất cảm động khi một gia đình thuyền nhân tỵ nạn đã đứng lên trực tiếp ngỏ lời cám ơn vị đại diện chính quyền, cơ quan thiện nguyện và dân tộc Áo đã cưu mang giúp đỡ họ có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.


Nhân dịp này, kỹ sư Phạm Tử Bình cũng nói về ý nghĩa và nguồn gốc của lá cờ vàng của Việt Nam Cộng Hoà, biểu tượng tự do vốn còn tương đối xa lạ với những người Việt Nam tỵ nạn đến sau này tại Áo. Trong phần thảo luận và phát biểu, một nữ khách đã cho biết là bà chưa từng biết đến lá cờ vàng ba sọc đỏ và chưa hề được nghe hát bản quốc thiều Việt Nam.


Sau giờ nghỉ giải lao với những món ăn thật ngon lành dọn thành Buffet do các chị thân hữu của hội nấu nướng và sửa soạn là phần thảo luận, trao đổi ý kiến và nhất là  trình bày, giải thích những thắc mắc của mọi người về hội Áo Việt (vVHvDC). Qua đó mọi người mới biết là trước đây, khoảng năm 1975, tại Wien đã có một hội mang tên là Hội Áo Việt (Östereichische Vietnamesische Gemeinschaft) có khuynh hướng thân cộng nhưng đã lâu rồi không thấy có sinh hoạt.  Mọi người đã được nghe những lời góp ý xây dựng, khích lệ tinh thần chan chứa tình cảm của những người Việt tha hương tại một thành phố vốn dĩ lâu nay yên lặng ngoài những buổi lễ tôn giáo hoàn toàn không có những buổi sinh hoạt đượm chút màu sắc chính trị, thể hiện nỗi ưu tư, sự quan tâm của người Việt trước những hiện tình đất nước như hôm nay: „Tôi quý các anh lắm, đã chịu khó hy sinh thời gian, công sức, ngồi lại với nhau, cùng làm việc chung, có ích lợi cho cộng đồng người Việt, cho dân tộc và đất nước. Tôi thương các anh lắm! Tôi có thể thương các anh hơn là thương các em ruột thịt của tôi nữa!


Câu nói chan chứa tình cảm làm ấm lòng các anh chị em đang cố gắng chung vai sát cánh, nhóm lên ngọn lửa hồng, rọi sáng những tâm hồn người Việt đang ngồi vòng tròn bên nhau. Ngọn lửa rọi sáng những tấm lòng những người không còn biết e dè, sợ hãi mọi áp lực và soi sáng vào một hướng đi chung.  

Cầu chúc các anh chị em hội Áo Việt vì Văn Hóa và Dân Chủ đạt nhiều thành công.

Người Munich (Mai 2015)


  Một số hình ảnh buổi lễ:



https://drive.google.com/folderview?id=0B8kOxNkeItR9fm1kYjBSS3VScUpKXzhnLUJldXZDYUpCclhXWFJlZEtxM2czWW9tTTd3SUE&usp=sharing

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen